Mấy hôm nay nghe nói lũ lụt ở miền Bắc Việt Nam thiệt hại rất lớn với hàng trăm người chết. Tôi cũng chỉ lướt qua tin tức mấy phút, buồn buồn một chút rồi thôi, chứ trong lòng không có cảm xúc gì. Tin lũ lụt Việt Nam trong tôi giờ cũng giống như tin chiến tranh ở Trung Đông hay Ukraine, hay động đất ở nơi nào đó, chỉ buồn buồn và cầu mong cho thế giới bình an.
Mấy chục năm trước, tôi từng thức trắng nhiều đêm quyên góp, bán hàng, kêu gọi… và bồn chồn lo lắng mỗi lần lũ lụt ở Việt Nam. Hành trình nào biến tôi và hàng triệu người Việt ở hải ngoại trở thành những người máu lạnh với đồng bào của mình và cảm thấy quê hương xa vời quá vậy?
Những năm 1980, hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm đường tự do qua Mỹ. Lúc đó, Việt Nam bị cấm vận kinh tế rất khó khăn, cả nền kinh tế Việt Nam GDP chỉ bằng kinh tế của mấy trăm ngàn người Việt ở Mỹ. Rồi những năm 1990, hàng tỷ đô la được Việt kiều ở Mỹ gửi về giúp nền kinh tế Việt Nam chống chọi với khó khăn và bắt đầu khởi sắc khi mở cửa. Sài Gòn, nơi lượng tiền ở Mỹ đổ về nhiều nhất, đã trở thành đầu tàu kinh tế cả nước. Chúng tôi được chính quyền cộng sản Việt Nam gọi với cái tên trìu mến “khúc ruột ngàn dặm”. Tôi còn nhớ, dù là khác biệt chính trị, nhưng đa số kiều bào mừng vui vì cuộc sống đồng bào trong nước tốt đẹp hơn. Ai cũng hy vọng kinh tế phát triển trước rồi tự do sẽ đến sau. Những năm 1980, 1990, các phong trào quyên góp cho người nghèo ở Việt Nam mọc lên như nấm. Bất cứ nhà hàng hay nơi công cộng nào cũng có những nơi quyên góp tiền. Mỗi lần lũ lụt hay thiên tai trong nước, các hội đoàn tổ chức bán hàng hay quyên góp, phải nói rất là sôi động với tình thương yêu và trái tim hướng về trong nước… khúc ruột dài đó thực sự đau nỗi đau của bà con mình. Thế rồi, kinh tế Việt Nam khá hơn, thái độ của chính quyền bắt đầu kiêu ngạo. Như từng nhát dao chặt đứt từng khúc ruột ngàn dặm.
Nhát dao thứ nhất chém khúc ruột ngàn dặm:
Đó là sự kiện 9/11 năm 2001, nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Người Việt ở Mỹ thật sự sốc và hoang mang. Nhiều nhóm thanh niên ở Hà Nội tỏ ra vui mừng vì nước Mỹ bị trừng phạt. Chính quyền Việt Nam không một lời động viên hoặc chìa tay giúp đỡ người Việt ở Mỹ. Nhiều người hải ngoại bừng tỉnh và thấy không vui.
Nhát dao thứ hai chém khúc ruột ngàn dặm:
Rồi mọi chuyện qua đi, phong trào giúp Việt Nam những lúc khó khăn vẫn còn nhưng đã yếu đi. Kinh tế Việt Nam tăng tốc đồng nghĩa với việc chính quyền củng cố mạnh quyền lực. Khủng hoảng năm 2008 ập vào Mỹ, rất nhiều người Việt ở Mỹ bị ảnh hưởng, mất việc làm và nhà cửa. TV và báo đài Việt Nam luôn đưa tin như một nước Mỹ thảm bại với hàng dài người xếp hàng xin đồ ăn. Chính quyền Việt Nam không những không có hành động nào chú ý tới người Việt ở Mỹ mà còn dùng đó như một cơ hội để tuyên truyền, nhằm quảng bá cho chế độ.
Nhát dao thứ ba chém khúc ruột ngàn dặm:
COVID-19 ập đến, nước Mỹ hoảng loạn dễ dàng vì xã hội tự do và dân Mỹ không giỏi chịu đựng hoặc bị kiểm soát. Việt Nam và Trung Quốc kiểm soát gắt gao. Số người chết ở Mỹ khá đông, trong khi Việt Nam có vẻ an toàn, làm nhiều người Việt ở Mỹ lo sợ, nhất là những người già. Chính quyền Việt Nam như người đắc thắng, Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “cái cột đèn ở Mỹ biết đi cũng về Việt Nam”. Trong khi đó, vì biết sự sợ hãi của những người già ở Mỹ, chính quyền Việt Nam cùng với đám ma cô vô lương tâm thực hiện những chuyến bay giải cứu cướp tiền. Có những nạn nhân phải mất cả chục ngàn đô la để được về tới Việt Nam.
Nhát dao thứ tư chém khúc ruột ngàn dặm:
Rất nhiều người Việt hải ngoại gửi cứu trợ lũ lụt qua đám cò mồi nghệ sĩ trong nước. Bê bối các nghệ sĩ ăn tiền cứu trợ năm 2021 như giọt nước tràn ly vào niềm tin trong nước.
Nhát dao thứ năm chém khúc ruột ngàn dặm:
Cùng với kinh tế phát triển, nhiều năm vẫn là lối giáo dục hận thù và tẩy não trong nước đào tạo ra hàng triệu người trẻ đầy hận thù và mù tịt lịch sử. Rất hung hổ có thể tấn công mạng hoặc nguyền rủa người Việt ở Mỹ bằng những lời miệt thị, nào là “đám cạo móng” hay “3 que”… Trong khi chính quyền tiếp tục tăng cường sức mạnh an ninh và có vẻ như công an trị, đỉnh điểm là du học sinh ở Úc ngang nhiên giật cờ vàng và miệt thị những người Việt tị nạn.
Người Việt ở Mỹ luôn coi cuộc chiến trong quá khứ là nội chiến, đành rằng thắng làm vua thua làm giặc, nhưng lá cờ vàng là biểu tượng thiêng liêng của nhiều người, nó có thể coi là biểu tượng tôn giáo cần được tôn trọng. Nhìn chiến tranh nội chiến giữa Bắc và Nam Hoa Kỳ, xong cuộc chiến chẳng ai quan tâm tới cờ gì. Người Việt hải ngoại không hiểu hà cớ gì chính quyền Việt Nam lại hung hãn với lá cờ niềm tin của họ như vậy. Rồi như một con cọp hung hãn chưa thoả mãn, gần đây chính quyền còn truy sát bất cứ nghệ sĩ nào, kể cả vô tình chụp hình bên lá cờ vàng. Những nghệ sĩ trẻ sinh ở Mỹ có liên quan tới Việt Nam Cộng hòa đều bị truy sát. Họ độc quyền kiểm soát xã hội và tạo nên một lớp trẻ rất hung hãn và tự mãn. Nhát dao thứ năm là nhát dao chém sát đít đứt hoàn toàn khúc ruột ngàn dặm. Hỏi rằng ai còn cảm xúc gì khi bị truy sát như vậy?
Nói chuyện lo cho dân trong thiên tai thì trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền, nhất là chính quyền đó độc tài kiểm soát mọi chuyện. Khi niềm tin và những vết thương bị chém tan nát, thì con người trở thành máu lạnh, thôi thì chỉ biết cầu nguyện cho mọi người trên thế giới được bình an.
I have read some excellent stuff here Definitely value bookmarking for revisiting I wonder how much effort you put to make the sort of excellent informative website
Nice blog here Also your site loads up very fast What host are you using Can I get your affiliate link to your host I wish my site loaded up as quickly as yours lol