Tổng thống al Assad khẳng định Damas « có khả năng dẹp quân khủng bố ». Syria đã lâm vào một cuộc nội chiến từ 2011. Phe nổi dậy và thánh chiến Hồi Giáo Djihad đòi lật đổ chế độ của tổng thống Bachar Al Assad và đã nhanh chóng chiếm được Aleppo. Nhờ có sự can thiệp của Nga, Iran và lực lượng Hồi Giáo Liban Hezbollah, chính quyền Damas mở chiến dịch phản công hồi năm 2015, và giành lại được Aleppo cùng một phần lớn lãnh thổ.
Nhưng từ Thứ Tư vừa qua (27/11/2024), đúng ngày đầu tiên thỏa thuận ngưng bắn tại Liban giữa Hezbollah và Israel bắt đầu có hiệu lực, tổ chức thánh chiến Hồi Giáo tại Syria (Hayat Tahrir Al Sham – HTS hậu thân của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Syria) và nhiều phe nổi dậy đã chiếm được Idleb (đông bắc Syria). Hai ngày sau quân đội Syria rút chạy khỏi Aleppo (tây bắc Syria).
Thông tín viên của RFI Paul Khalifeh trong khu vực tường trình :
« Sau khi chiếm được Aleppo vào sáng sớm, liên minh chống lại chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad hôm qua đã kiểm soát được phi trường quốc tế tại thành phố lớn thứ nhì của Syria. Ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất của cuộc nội chiến, phe nổi dậy cũng chưa bao giờ chiếm được sân bay Aleppo.
Trong bốn ngày, quân thánh chiến Hồi Giáo và đồng minh chiếm được hơn 50 thành phố và thị trấn nơi quân đội chính quy Syria đã rút lui mà không hề kháng cự. Lực lượng quân sự Syria cũng đã rút gần như toàn bộ khỏi Idleb trong khu vực đông bắc Syria theo như ghi nhận của Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria. Dân cư ở và nhiều thành phố khác bắt đầu ồ ạt di tản khỏi các khu vực ở xích xuống phía nam mà đến nay do chính quyền kiểm soát.
Syria và đồng minh Nga bắt đầu tiến hành các chiến dịch trên không và sử dụng pháo cối để bảo vệ cho binh lính đang rút lui, đồng thời cản bước các lực lượng của quân thánh chiến Hồi Giáo và phe nổi dậy. Số này được trang bị xe bọc thép và drone yểm trợ. Chính quyền Damas tìm cách thiết lập một đường phòng thủ ở phía bắc tỉnh Hama (miền trung Syria) và tiếp tục điều quân tiếp viện nhưng quá chậm và quá ít để cho phép chặn đà tiến của phe nổi dậy hay để phản công ».