Sunday, December 22, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGSỰ THẬT PHÍA SAU HÀNH TRÌNH ‘GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT...

SỰ THẬT PHÍA SAU HÀNH TRÌNH ‘GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ’

Nguyễn Văn Phước
Nhiều năm trước tôi đã từng được nghe đến sự kiện mà một vài người rỉ tai nhau, nói nhỏ về trận Hải chiến đẫm máu ở một đảo ngoài Trường Sa. Các em học sinh, sinh viên cũng nghe nói máu Trường Sa đã đổ nhưng ko rõ đổ máu ở đâu ? do ai ? trong trường hợp nào ?… những bài báo chính thống hiếm hoi, rải rác lúc đó cũng ko giúp người đọc hiểu rõ sự việc vì một số bài chỉ đề cập mập mờ, cẩn trọng là do ‘Tàu lạ’, ‘Quân đội Nước ngoài’ gây ra, không hề dám nhắc đến tên Trung Quốc. Kể cả gần đây tàu thuyền ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc ức hiếp, đâm chìm thì báo chí chính thống vẫn chỉ dám nói là do tàu lạ, tàu nước ngoài…

Tôi và anh em First News đã từng có ý định làm một cuốn sách về sự kiện Trung Quốc giết người chiếm đảo đó ở Trường Sa nhưng manh mối thông tin xác thực rất ít. Mãi đến khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD981 qua vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì một đoạn clip Video chừng 3 phút bằng tiếng Trung, có logo tiếng Trung Quốc ở góc trên phải do Hải quân Trung Quốc công bố nhiều năm trước đó khoảng 2006, bỗng rộ lên trên mạng Internet, mấy anh em First News đưa tôi xem. Và tôi đã lặng người rất lâu và xem đi xem lại nhiều lần. Sau khi kiểm tra dịch ra tiếng Việt và xác nhận tính xác thực đoạn clip đó, tôi quyết định xếp lại những dự án xuất bản đang làm và tập trung toàn bộ tâm lực anh em vào tìm, thu thập tư liệu cho bản thảo.

Không phải ai trong First News lúc đó cũng đồng ý tôi làm cuốn sách này, bạn bè tôi, những người hiểu chuyện, cũng nhìn tôi ái ngại “Khó xin giấy phép xuất bản lắm”. Nhà báo Lê Thanh Phong đã tích cực tìm tư liệu cho tôi nhưng cũng nói thẳng chắc nịch “Em tìm cho anh vì anh yêu cầu chứ em thách anh xin được giấy phép đó!. Anh sao rành chính trị bằng những thằng chuyên lăn lộn viết nội chính hàng chục năm như em! Anh quá ngây thơ !”. Nhà báo Đào Tuấn còn cười, nói: “Anh phải đặt tên sách là ‘Vòng Tròn Trái bưởi’ may ra còn được cấp phép – chứ đặt ‘Vòng Tròn Gạc Ma’ là never!”.

Lúc đầu từ những bài viết của các nhà báo (đã đăng và chưa được đăng lúc đó), sau đó tìm ra số điện thoại liên lạc của các cựu binh Gạc Ma đang ở các tỉnh thành… Sau vài tháng, cuốn sách đã hình thành để đi xin giấy phép với cái tên do tôi đặt: ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ – bởi vì thực sự cái vòng tròn các chiến sĩ Việt Nam đứng trên đảo nước biển tới lưng ngã xuống khi bị quân Trung Quốc trên tàu bất ngờ bắn thẳng bằng súng máy hoả lực cao như bắn bia với tiếng hô “Tả ! Tả ! Tả!…” trong đoạn clip 26 năm trước luôn cứ mãi ám ảnh tôi, kể cả khi đi ngủ.

Trong quá trình đi xin phép các NXB, tôi luôn mang theo cái Ipad để mở đoạn Clip đó cho những người cần xem, tôi rất ngạc nhiên là nhiều vị cán bộ, kể cả cấp cao, cũng chưa từng xem đoạn Clip Gạc Ma này, tôi làm hẳn một clip mang tên Hạt Giống Tâm Hồn chép đoạn clip có tiếng thuyết minh tiếng Việt trên mạng để dễ trình bày. Vì tôi biết giữa biết và hiểu đến cảm xúc trắc ẩn, cần làm điều gì đó cho các chiến sĩ Gạc Ma là một chặng đường khá xa, cần sự kiên định.
https://m.youtube.com/watch?v=aIkKWCp5poY

NXB đầu tiên do tôi rút về để hoàn thiện và nộp các NXB khác được một cán bộ CXB giới thiệu là hợp hơn. Các NXB rất vui vẻ khi nhận bản thảo nhưng ít tuần sau đó, đã im lặng trả lại, không nói lý do, chỉ nói không phù hợp với chức năng của NXB. Trong suốt quá trình 4 năm xin GPXB chưa bao giờ tôi nhận được công văn hay bất kỳ văn bản nào nói cuốn sách không cấp GP là do chất lượng bản thảo không đạt yêu cầu. Mà ngay cả cuốn sách đã xuất bản rồi bản thân tôi dù đã cố gắng hết sức, cũng còn cảm thấy còn có thể bổ sung thêm những phần về Mưu đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, Nỗi đau đảo Gạc Ma bây giờ, kế hoạch đánh chiếm đảo Gạc Ma và các đảo ở Trường Sa của Trung Quốc đã có từ lâu rồi (theo thông tin nội bộ của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Trung Quốc bằng tiếng Trung mà chúng tôi tìm được), nhưng anh An Tiêm lúc đó là Vụ Xuất Bản nói là rất nhạy cảm, để lần sau tái bản bổ sung cũng chưa muộn. Tìm cách ra được cuốn sách trước đã.

Thân sinh tôi lúc đó nhập viện vì bệnh nặng, sợ không qua khỏi, mà ông rất muốn tôi làm cuốn sách này, làm điều gì đó ý nghĩa cho các liệt sĩ Gạc Ma. Bản thân ông cũng là bậc cách mạng lão thành nhưng cũng chỉ biết đến Gạc Ma khi tôi đưa ông xem đoạn Clip. Lúc đó tôi cảm nhận hành trình xin xuất bản này sẽ lâu, phải qua nhiều cấp. (Mà hầu như ai cũng sợ trách nhiệm. Ngay cả đến năm 2016, Đại Tướng Phùng Quang Thanh quản lý NXB QĐND cũng phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp cao nhất là Quân Uỷ Trung Ương). Lúc đó tôi nhận ra Xuất bản có luật xuất bản, nhưng vẽ tranh chưa có luật vẽ tranh, muốn vẽ thì vẽ, và sau đó nói về ý nghĩa, sự kiện xảy ra trên bức tranh là hợp pháp – nên nghĩ ra ý tưởng đấu giá bức tranh tôi đặt vẽ cùng tên ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’. Tôi mời hoạ sĩ Bùi Lệ Trang để vẽ bức tranh tôi chụp lại màn hình lúc quân Trung Quốc bắn các chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma. Cuộc đấu giá Bức tranh sơn dầu khổ 1,6mx2,2m vô tiền khoáng hậu trên báo chí và MXH khởi đầu ngày 4/6/2015 kéo dài suốt 7 tuần, 49 ngày kết thúc vào ngày 22/7/2015 bằng cuộc đấu giá chính thức cùng Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu lần đầu tiên cho 64 liệt sĩ Gạc Ma ở chùa Vĩnh Nghiêm với hơn 3000 người tham dự làm lan toả một tinh thần yêu nước lạ thường và sự hiểu biết về Gạc Ma đến nhiều tầng lớp bạn đọc. Mỗi tuần một người đấu giá và được quyền tặng cho một ai đó với lý do tặng.

Khởi đầu là Thiếu tướng Lê Mã Lương với mức giá 50 triệu. Tôi đã tìm gặp Tướng Lê Mã Lương sau khi bản thảo đã đi qua được vài NXB vì đọc trên mạng nhận thấy Tướng Lương rất quan tâm đến sự kiện Gạc Ma, Trường Sa và nhờ Tướng Lương cấu trúc và thẩm định lại các chi tiết quân sự bản thảo và đứng tên chủ biên viết LGT cùng xin giấy phép, chứ không trực tiếp viết bài hay định hướng. Thực sự lúc đó anh em chúng tôi tìm tòi hỏi thăm bất cứ ai có quan tâm và có hiểu biết về Gạc Ma đều tìm cách liên hệ để mời cùng thực hiện cuốn sách để chất lượng hơn. Tôi là người làm sách nên quan hệ tiếp cận bên quân đội và Bộ Tư Lệnh Hải Quân còn hạn chế nên phải nhờ người quen liên hệ, đó là thiếu tương Lê Mã Lương có người từng là thuộc cấp trước đây đang làm ở đó. Mãi sau mới xin được công văn có dấu đỏ của Bộ Tư Lệnh Hải Quân xác nhận danh sách 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma bởi quân Trung Quốc và sự kiện Gạc Ma là có thật. Đó là yêu cầu bắt buộc của Cục Xuất Bản ngay từ đầu là phía bên Việt Nam phải có văn bản có dấu đỏ xác nhận sự việc là có thật. Mà chúng tôi hỏi khắp nhưng không có cơ quan nào dám khẳng định sự việc bằng văn bản, đóng dấu – ngoài Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Vâng! Bất cứ ai giúp chúng tôi được tôi đều sẵn lòng bay đi gặp, và ở Việt Nam lúc đó quá ít người lên tiếng nói về Gạc Ma. Bây giờ tôi mới biết có một số người rất am hiểu về sự kiện Gạc Ma, thậm chí biết rất rõ mà sao trong suốt thời gian vài chục năm đó họ lại im lặng, bặt vô âm tín. Sao suốt 30 năm qua họ không lên tiếng của sự thật cho dân và quân ta biết rõ về trận thảm sát đau thương này của quân Trung Quốc ?. Nếu biết họ lên tiếng nói chính trực, chúng tôi chắc chắn đã đi tìm bằng được và mời họ tham gia cuốn sách rồi. Chúng tôi coi cuốn sách này không phải của riêng ai, mà của người Việt Nam, mà chúng tôi như là có sứ mệnh phải dấn thân thực hiện.

Người đấu giá tiếp theo là GSBS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đấu giá 100 triệu và tặng bức tranh cho Quốc Hội Việt Nam. Sau đó anh Lê Viết Hải – Tập đoàn Hoà Bình đấu giá 200 triệu tặng bức tranh cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi ông James G. Zumwalt con trai Đô Đốc Hải Quân Mỹ đấu giá 17.000 USD tặng bức tranh cho Hải Quân Mỹ, rồi Thượng Toạ Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm thay mặt cho Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo và toàn thể phật tử Việt Nam đấu giá 400 triệu đồng và tặng bức tranh cho toàn thể dân tộc Việt Nam thì bùng lên một làn sóng truyền thông lạ kỳ kể về sự kiện Gạc Ma trên MXH và trên báo chí VN, lan ra cả nước ngoài, Nhật, Mỹ… Mỗi lần đấu giá, bức tranh về sự thật Gạc Ma lại khắc ghi thêm vào lòng bạn đọc.

Đến lúc đó thì có chuyện xảy ra, vào lúc 4h chiều tôi đang ở Bệnh viện chăm sóc cha tôi thì nhận được điện thoại của em Quân Trọng Vũ : “Anh Phước ơi, anh về công ty gấp, có xe công an đến đòi gặp anh!”. Tôi lo cho ông xong về tới First News lúc 5h. Đón tôi là hai cán bộ An Ninh A87, một Đại Tá, một Trung Tá từ Hà Nội bay vào, đưa giấy giới thiệu ra, tôi mở một chai rượu và rót trà mời uống.

Anh Đại Tá tên T. bắt đầu luôn, nghiêm giọng hỏi:

– Vì sao anh có bức tranh Gạc Ma?
– Một hoạ sĩ vẽ tặng tôi.
– Anh đấu giá tranh để làm gì?
– Tôi đấu giá tranh Gạc Ma để lấy tiền giúp đỡ 64 gia đình Liệt sĩ Gạc Ma. Có gì sai không ạ?
– Anh có giấy phép đấu giá tranh không ?
– Tôi không có giấy phép. Vì tôi đấu giá qua MXH và báo chí để giúp liệt sĩ nên tôi nghĩ không cần giấy phép.
– Sao anh không đấu giá một lần tại một sự kiện mà lại đấu giá mỗi tuần?
– Đâu có luật nào bắt đấu giá một lần đâu?
– Vì sao anh tổ chức đấu giá mà lại còn tặng bức tranh cho Quốc Hội, cho Thủ Tướng? Ai cho phép anh tặng vậy ? Anh có ý gì ? Có động cơ gì ?
– Tôi không tặng! Mà chính người bỏ tiền đấu giá tranh họ có quyền tặng ai đó là quyền của họ. Pháp luật Việt Nam đâu có cấm một người dân tặng tranh cho một ai đó đâu ?
– Anh sẽ còn tặng bức tranh Gạc Ma cho ai nữa?
– Tôi không biết. Tuần tới ai đấu giá cao hơn thì được quyền tặng ai đó. Tôi còn không biết sao trả lời anh được?

Thấy hai anh im lặng, uống rượu, tôi bắt đầu hỏi lại:

– Cho tôi hỏi, anh đã làm gì, lập thành tích gì mà lên hàm Đại Tá?
– Sao anh lại có quyền hỏi tôi như vậy ?
– Bây giờ là hơn 6h chiều, sau giờ làm việc, anh hỏi tôi thì tôi cũng hỏi thăm anh mà ? Có gì khách khí và ngại đâu ?
– Tôi đã từng đi chiến trường K.
– Năm 1988 anh ở đâu ?
– Tôi ở Vị Xuyên, Hà Giang.
– Anh đã xem Clip Trung Quốc thảm sát chiến sĩ ta ở Gạc Ma chưa ?
– Tôi có nghe nói về Gạc Ma, nhưng, nhưng chưa xem Clip đó. Chúng tôi không được khuyến khích xem thông tin không chính thống trên mạng.

Tôi mở đoạn Clip đó cho hai anh xem, vặn loa to. Gương mặt hai người thay đổi, cảm xúc hơn theo từng diễn biến trên Clip. Đến lúc Trung Quốc bắn chiến sĩ ta, hai anh tập trung chăm chú, thốt lên: “Ôi ! Dã man quá !”.

Sau đó im lặng một hồi, tôi trở lại câu chuyện hỏi Đại tá T. bằng một giọng trầm và sâu:

– Tôi hỏi anh câu này không phải anh bỏ qua nhé. Nếu vào ngày 14-3-1988 anh không được Bộ Quốc Phòng cử lên Vị Xuyên, Hà Giang công tác, mà cử ra đảo Gạc Ma. Vào ngày đó nếu anh và đồng đội bị quân Trung Quốc bắn chết y như anh vừa xem đoạn clip vừa rồi. Gia đình vợ con, bố mẹ anh suốt một thời gian dài khó khăn. Sau 27 năm, có một người có thiện tâm muốn đấu giá một bức tranh về khảnh khắc anh hy sinh, kể lại câu chuyện đó, và lấy tiền đấu giá tranh giúp đỡ gia đình, vợ con, bố mẹ anh. Thì không phải anh đang ngồi uống rượu với tôi ở đây đâu, mà là linh hồn của anh đang vất vưởng nơi biển lạnh, có cảm thấy ấm lòng và ủng hộ việc tôi làm cho tên tuổi anh và gia đình anh không ?

Nói tới đây, hai anh An Ninh im lặng, trầm ngâm, suy tư nhấp thêm vài ngụm rượu nữa.

Một lát lâu sau, viên Đại Tá T. đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, bắt tay tôi thật chặt: “Tôi sẽ về làm công văn báo cáo ủng hộ việc anh làm !”
(Tôi vẫn còn lưu số ĐT hai anh An Ninh đáng nhớ này).

Tiếp sau đó là một cô gái người Việt gốc Hoa đấu giá 500 triệu và tặng bức tranh cho Tổng thống Obama.
http://congan.com.vn/…/buc-tranh-gac-ma-vong-tron-bat-tu-du…

Rồi vợ chồng cụ Nguyễn Công Nghệ – Nguyễn Thị Phương đấu 730 triệu tặng bức tranh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kèm bức thư lăn tay bằng máu gửi Tập Cẩn Bình (Vào đêm đấu giá bức tranh, lá thư đặc biệt này đã được một người đấu giá 300 triệu để tặng tiền cho Cảnh Sát Biển Việt Nam).
https://tintuc.vn/ong-tap-can-binh-se-duoc-tang-buc-tranh-g…

Buổi đấu giá chính thức được Thầy Thích Thanh Phong sắp xếp trong Đại Lễ Cầu Siêu Tưởng Niệm lần đầu tiên cho 64 liệt sĩ Gạc Ma hơn 3000 người tại chùa Vĩnh Nghiêm rất trang trọng và lớn. Một khán đài khổng lồ được dựng lên sân chùa trước chánh điện, rất đông Công An mặc thường phục và cả tình báo Hoa Nam nữa vì báo chí đã đưa tin trước là Đại Lễ Tưởng Niệm lần đầu tiên về Gạc Ma và đấu giá tranh chính thức. Gần tới giơ, tình hình căng như dây đàn, rất may Thầy mời được Đại Tướng Trần Đại Quang đến dự vào lúc 5h chiều, báo chí thông tin được bùng nổ các bài viết lớn mạnh dạn gọi đích danh Trung Quốc là quân xâm lược – ngay từ đêm hôm đó kéo dài suốt cả tuần sau. Bức tranh được anh Lê Viết Hải đấu giá 1 tỷ 280 triệu và đã trao đầy đủ cho 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Đêm xúc động nhiều nước mắt đó được giới truyền thông đánh giá như một Hội Nghị Diên Hồng. Đặc biệt, trước lúc tưởng niệm và đấu giá tranh, đoạn Video Trung Quốc xả súng bắn 64 chiến sĩ ta được chiếu cho các gia đình liệt sĩ và cựu binh Gạc Ma cùng 3000 người trên hai màn hình cỡ lớn 600 inch và hệ thống âm thanh công suất lớn 38 loa lắp đặt quanh sân chùa đã tạo nên một cảm xúc chưa từng có cho tất cả mọi người tham dự. Những tiếng kêu: “ Trời đất ơi !”, tiếng nấc nghẹn, khóc thành tiếng của vợ con Liệt sĩ Trần Văn Phương và gia đình liệt sĩ cùng tất cả mọi người đã tạo nên một không khí chưa từng có. Có ai đó từ các vị sư cao tuổi hô to: “Sát Thát”. Cả một rừng người uất nghẹn, căm phẫn về sự thật lần đầu chứng kiến. Một tình yêu thương người lính, yêu Tổ quốc dâng trào…

Tối đó, tất cả các gia đình liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma, gia đình tử sĩ Hoàng Sa đều được tặng 20 triệu đồng. Đã chống ngoại xâm thì dù ở thể chế nào cũng cần được tôn vinh.

(mọi thông tin đều kiểm chứng trên các báo chính thống)
https://m.youtube.com/watch?v=by8ST9a_wl8
http://congan.com.vn/…/uoc-mong-tot-cung-cua-bac-cach-mang-…

Trong giai đoạn đấu giá tranh đặc biệt chưa từng có này, nhiều bạn bè đã unfriend trên fb và cả bạn ngoài đời, ngừng liên lạc điện thoại với tôi, cả những Đảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ có tiếng. Tôi hiểu và rất cảm thông với họ. Sau này thấy an toàn, họ mới gọi, tìm lại tôi.

Vào 20 tháng Ba năm 2016, tôi mời 16 anh em cựu binh Gạc Ma vào Sài Gòn mấy ngày để phỏng vấn, ghi hình lần 2 cho việc thực hiện cuốn sách gian truân ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’. Nhân TP đang có Hội Sách Toàn Quốc tại công viên Lê Văn Tám, tôi muốn anh em Gạc Ma cảm nhận không gian văn hoá của TP nên cùng First News tổ chức một buổi giao lưu nhỏ anh em Gạc Ma ngay trước gian hàng First News. Một cái bục, micro và mấy hàng ghế cho anh em Gạc Ma ngồi, để có thể chia sẻ với bạn đọc ký ức và suy nghĩ của những người lính biển đảo trở về từ cõi chết. Nhưng ngay sau đó, luôn kè kè mấy anh An Ninh giám sát ra chỉ thị, không một ai trong anh em cựu chiến binh Gạc Ma được lên bục cầm micro nói chuyện, chỉ được ngồi nghe các em, nghệ sĩ khuyết tật lên đàn hát như nhạc sĩ khiếm thị Ha Chuong, Dương Quyết Thắng, Nguyễn Sơn Lâm… lên đàn hát chia sẻ. Các anh em chỉ ngồi dưới nhìn và vỗ tay. Tôi xin các anh an ninh để các anh em Gạc Ma lên nhưng được trả lời: “Đã có chỉ đạo!”.

Về cuối, anh em Gạc Ma rất muốn lên chia tay với bạn đọc Sài Gòn mà cũng không được. Các anh Lê Hữu Thảo, Thong Nguyen… đều ngồi im lặng.

Vậy tôn vinh, tri ân những người đã trực tiếp đối đầu với hiểm nguy và cả mạng sống để bảo vệ biển đảo, tổ quốc mà hay thường nghe nói là ở đâu ?
Nhiều nhà báo từng viết về Gạc Ma bị gỡ bài, rút thẻ, nhiều người tổ chức tưởng niệm Gạc Ma bị quấy rối…

Chẳng lẽ ở đất nước này, hy sinh xương máu chống quân Trung Quốc xâm lược tổ quốc mình là một cái tội, phải bị lãng quên, phải bị hất hủi sao?

Những anh hùng đã hy sinh trong cuộc xâm lược của Trung Quốc 17-2-1979 như Lê Đình Chinh, Nguyễn Bá Lại, Hoàng Thị Hồng Chiêm… rất nhiều năm qua có ai nhắc tới không ? Trường Tiểu học mang tên nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm vì sao đã bị thay tên, đục bỏ chữ từ rất lâu rồi?

Sau này, nếu, Trung Quốc nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam – Ai sẽ lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ? Nếu họ biết trước dù chết hay may mắn còn sống – họ sẽ bị đối xử như như đã từng ? Hãy thay đổi ngay khi còn kịp !
Các bạn sẽ hiểu hành trình thuyết phục và đấu tranh cho cuốn sách đầy đủ nhất đầu tiên ở Việt Nam về trận thảm sát Gạc Ma gọi đích danh Trung Quốc là thủ phạm được xuất bản chính thức khó khăn và gian nan như thế nào.

Và đây là lá thư do chính con gái Liệt sĩ Trần Văn Phương, người cầm cờ trên đảo Gạc Ma bị Trung Quốc hạ sát bằng lưỡi lê ngay trên đảo – trước khi rút lên tàu hạ nòng nã đạn bắn giết 64 chiến sĩ Việt Nam, viết, tất cả là sự thật.
https://kimdunghn.wordpress.com/…/bai-hoc-quy-gia-tu-mot-d…/

Tất cả những điều mắt thấy tai nghe đó, thôi thúc tôi ngày đêm vượt mọi khó khăn trở ngại để xin phép bằng được để xuất bản cuốn sách thiêng liêng này. Không ít lần tôi đã khấn trước bàn thờ Phật xin anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma độ trì, hỗ trợ tôi ra bằng được cuốn sách này.

Không ít lần vào những lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất, nhiều người đã khuyên tôi dừng lại, khuyên tôi từ bỏ. Nhiều người đã khuyên tôi mang bản thảo qua Mỹ hay nước ngoài in. Nhưng tôi mong muốn cuốn sách được in ra trên mảnh đất này – nơi thấm máu xương bao nhiêu con người trung hiếu – mà hương hồn anh linh họ đang còn ẩn hiện đâu đây, nơi có biết bao khát khao chờ đợi của những người liên quan, quan tâm còn sống.

Trong một cuốn sách lần đầu tiên về Gạc Ma chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi những thiếu sót. Và tìm những cựu binh nhân chứng từ Gạc Ma trở về cũng chỉ liên hệ được 22 người, chủ yếu qua cựu binh Lê Hữu Thảo, Ban Liên Lạc cựu binh Gạc Ma. Như trường hợp Đại Tá Hoàng Bùi Hải quê ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. (Khi xảy ra sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 thì Hoàng Bùi Hải là Thượng úy, được giao chức đảo trưởng đảo Colin), chúng tôi cũng chưa có dịp phỏng vấn. Đến ngày ra mắt sách chúng tôi mới kịp mời anh Hải vào Sài Gòn dự lễ Họp Báo. Và chúng tôi đã tìm được thông tin về cựu binh Nguyễn Văn Lực ở Quảng Bình, Cựu binh Cơ, Luận, Phúc quê Lệ Ninh, Quảng Bình, cựu binh Tại quê ở Huế, Võ Văn Doàn quê ở Đông Hà, Quảng Trị, Hồ Văn Đạo ở Bố Trạch, Quảng Bình, Phạm Văn Đương, Nguyễn Thanh Xuân ở Ba Đồn Quảng Bình, cựu binh Đỗ Ngọc Hưng quê Kiến An, Hải Phòng, cựu binh Nguyễn Văn Ninh quê Bắc Ninh, Lê Văn Dũng, Lê Thanh Miền quê Quảng Bình, cựu binh Hoàng Văn Chúc mới tìm được ở Long Thành Đồng Nai… dự định sẽ phỏng vấn trong lần ấn bản mới. Vì vừa rồi chốt bản thảo với NXB Văn Học từ tháng 3/2018 nên chúng tôi không kịp bổ sung, đưa thêm thông tin.

Chúng tôi sẽ mời tất cả cựu binh Gạc Ma và đại diện các gia đình Liệt sĩ Gạc Ma vào TP. HCM dự Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu vào ngày 25/7/2018 để trao quà, tiền từ tiền bán sách lần 2. Tại ngày Ra mắt sách 10/7/2018 chúng tôi đã trao 484 triệu từ các hoạt động và vận động của First News cho 64 gia đình Liệt sĩ Gạc Ma. Với cuốn sách thiêng liêng này, First News ko hề tính đến yếu tố thương mại lời lỗ như các sách khác.

Về những sai sót trong cuốn sách thì có một chi tiết nhầm tên cựu chiến binh Gạc Ma Mai Xuân Hải qua lời kể của cựu binh Nguyễn Văn Thống, vì hai người cùng tên, cùng chữ lót, cùng quê, chỉ khác họ là do lỗi chúng tôi, ko phải của Tướng Lê Mã Lương, hay NXB. Đoạn phỏng vấn cựu binh Nguyễn Văn Lanh cả hai lần đều lặp lại là “vì có lệnh không nổ súng nên tôi…” có lẽ văn nói của anh Lanh lúc đó đang liền mạch nên không để ý chữ trước, mà chúng tôi cũng nghĩ không quan trọng nên để như vậy. (Đây hoàn toàn là lỗi của chúng tôi chứ Tướng Lương không hề biết chi tiết này, đừng trách Tướng Lương). Còn trong các lời phỏng vấn các cựu binh khác đều là ‘Lệnh Không Nổ Súng Trước’. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày sách ra, rất nhiều người không đọc sách, không quan tâm đến tổng thể cuốn sách, mà chỉ chăm chăm vào đúng một chữ “TRƯỚC” của cựu binh Lanh như bắt được vàng và tạo nên một làn sóng phản đối, khủng khiếp chưa từng có, đòi thu hồi, đòi huỷ diệt cuốn sách và mạt sát, đòi truy tố những người thực hiện. Còn 5 lỗi còn lại không quan trọng do chúng tôi tự tìm ra để đưa vào bảng đính chính đã in bổ sung.

Thật ra, một cuốn sách dầy dặn và quan trọng về một sự kiện bi hùng lịch sử ở Gạc Ma – Trường Sa của Tổ quốc lẽ ra như tôi và rất nhiều người mong muốn phải được nhà nước đứng tổ chức thực hiện ở NXB Sự Thật hay NXB Quân Đội Nhân Dân – Thì một đơn vị xuất bản nhỏ bé như First News – Trí Việt sẽ không phải đứng ra gian nan thực hiện suốt 4 năm qua.

Nhưng cuốn sách cũng đã được ra đời – dù chưa hoàn thiện như mong muốn – như trang đầu tiên trong sách tôi đã viết. Tôi phải rất cảm ơn một số người, đang tại chức, đã ủng hộ việc cấp phép. Tôi mong rằng đây là cuốn sách không của riêng ai, mà của người Việt Nam, và rất mong tất cả mọi người cùng đóng góp, giúp tâm sức để nó hoàn thiện nhất có thể – thay vì lao vào xâu xé nó – vì những sơ sót không mong muốn. Vì nó không chỉ là cuốn sách tri ân tinh thần quả cảm của 64 người con đất Việt hy sinh mạng sống của mình vì một hòn đảo đã vĩnh viễn bị cướp đi bởi quân xâm lược – mà còn là một bằng chứng không thể chối cãi đối với Trung Quốc: Gạc Ma – Trường Sa là của Việt Nam ! Và hãy cảnh giác cao độ với Trung Quốc – Đặc khu, lời lẽ và những viên đạn lạnh bọc đường !

Xin đừng vô cảm rước giặc vào nhà và tự biến mình thành giặc ngay trên quê hương mình. Đời người chỉ sống có một lần. Tiền bạc không mua được danh dự. Đừng để khi chết đi dân đời đời nguyền rủa. Nhân quả nhãn tiền. Hãy nhìn đặc khu Gạc Ma sau 30 năm. Thà chết đứng hơn sống quì.

Đừng để cái chết tức tưởi của các anh trên đảo Gạc Ma mà linh hồn còn vất vưởng biển lạnh nơi đảo xa trở nên vô nghĩa ! Các anh đã chấp nhận chết đứng – trên biển – giữa làn đạn man rợ của quân thù – lần cuối cùng trên đảo Gạc Ma – trước khi hòn đảo vĩnh viễn rơi vào tay Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular