Thật không hiểu nổi tại sao ở thời điểm này rồi mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại tuyên bố trước báo giới rằng, SCIC sẽ đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào Vietnam Airlines.
Tôi thấy báo chí bàn về quy trình, tức SCIC phải làm những gì mới có thể đầu tư vào Vietnam Airlines. Tôi cho rằng, đó là cách đặt vấn đề sai. Lẽ ra, báo chí phải phản biện ý định SCIC tiếp tục bơm tiền của dân vào lĩnh vực mà Nhà nước không cần thiết phải hiện hữu.
Vietnam Airlines là doanh nghiệp đã được cổ phần hoá. Khi thực hiện cổ phần hoá, bán cổ phần ra bên ngoài, cho tư nhân tham gia mua cổ phần, nghĩa là Nhà nước đã thực hiện lộ trình thoái vốn tại Vietnam Airlines. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, tức Nhà nước bán vốn, rút lui khỏi những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được.
Sau khi thực hiện cổ phần hoá, hiện vốn Nhà nước tại Việt Nam Airlines do siêu uỷ ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ vẫn lên đến hơn 86%. Như vậy, lẽ ra Nhà nước cần tiếp tục thoái vốn, cho tư nhân bỏ vốn vào Vietnam Airlines và Nhà nước thu hồi vốn để đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn.
Vậy mà, nay SCIC lại không hề giấu diếm ý định bơm thêm tiền – tiền của dân – vào Vietnam Airlines? Cuối cùng, Nhà nước muốn nắm giữ đến mức nào và đến bao giờ? Và, nếu tiếp tục đổ tiền của dân vào Vietnam Airlines, thì cổ phần hoá làm gì?
Chưa kể, lý do gì lại bỏ tiền đầu tư vào thời điểm Vietnam Airlines đang lỗ trầm trọng, với khoản lỗ dự kiến trong năm 2020 có thể lên đến 16.000 tỉ đồng? Nếu các khoản lỗ này có nguồn gốc từ đại dịch coronavirus, thì lấy gì đảm bảo hết 2020 dịch sẽ vãn hồi và tình hình sáng sủa hơn? Trong khi đó, dịch bệnh tại hàng loạt quốc gia trên thế giới vẫn đang hoành hành, thuốc đặc trị và vaccine vẫn còn ở đâu đó trong thì tương lai, chưa biết dấu mốc.
Đóng cửa các đường bay quốc tế, hẳn nhiên Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn. Nhưng, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp đã cổ phần hoá, phải để cho Vietnam Airlines tự chuyển mình, cơ cấu lại sản phẩm, xem xét lại các đường bay nội địa, cái gì cần cắt giảm, cái gì cần duy trì, để khai thác cho hiệu quả.
Nếu vì Vietnam Airlines khó khăn mà Nhà nước ra tay cứu bằng việc cho SCIC bơm tiền vào, thì Nhà nước có bơm tiền cho hàng loạt các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác hay không?
Nếu bơm tiền giải cứu Vietnam Airlines thì có công bằng với các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways? Như vậy có đảm bảo một thị trường cạnh tranh bình đẳng hay không?
Khi các doanh nghiệp đều gặp khó khăn mà Nhà nước bơm tiền vào một doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ấy, với nguồn lực tài chính được bơm thêm, hoàn toàn có thể dùng nó để chiếm đoạt thị trường, bóp chết các doanh nghiệp khác. Như vậy, nhà đầu tư nào dám bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam khi chính sách không nhất quán và thị trường thì méo mó?
Muốn phát triển đất nước, muốn nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả, không còn cách nào khác, Nhà nước phải rút ra khỏi hoạt động kinh tế. Thay vào đó, Nhà nước phải xây dựng chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân trở thành trụ cột, dẫn dắt nền kinh tế. Việc của nhà nước là đảm bảo thị trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, chứ không phải thò bàn tay lông lá vào nâng đỡ như ý định của SCIC đối với Vietnam Airlines hiện nay.