Tác giả: John Burnett
Dịch giả: Châu Minh Dũng
25-11-2018
Khi những người Việt Nam tị nạn đầu tiên đến định cư ở thị trấn ven biển Seadrift, Texas, họ đã phải đối mặt với thái độ thành kiến và giận dữ từ một số người dân địa phương. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào ngày 25/11/1979, khi đảng Ku Klux Klan đến làng chài này. Họ đe dọa các ngư dân Việt Nam đang cạnh tranh với ngư dân da trắng bản địa và buộc [các ngư dân Việt Nam] phải từ bỏ ngư trường ở đây rồi rời khỏi thị trấn này. Đó chỉ là một phần của làn sóng thù địch nhắm đến khoảng 130.000 người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ sau ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Bốn thập kỷ sau, người Việt Nam vẫn đang bám trụ dọc theo vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ (US Gulf Coast). Quá trình người Việt tìm cách thích nghi với nơi này là một một trang sử đầy giá trị giáo dục, và nó cung cấp một cái nhìn, để qua đó chúng ta xem lại thái độ hiện tại với người nhập cư.
Chính quyền Trump muốn hạn chế dòng người nhập cư hợp pháp vào Hoa Kỳ, chẳng khác nào muốn vặn nhỏ lửa “nồi lẩu” văn hóa đang nóng hổi ở Hoa Kỳ. Tổng thống tin rằng, quá nhiều người nhập cư không thể hòa nhập với xã hội Mỹ và họ đang làm gia tăng tầng lớp nghèo khổ nhất trong xã hội.
Ông Trump chỉ muốn tiếp nhận những người nhập cư mới, dựa trên kỹ năng và trình độ giáo dục của họ hơn là con đường nhập cư dựa vào gia đình, cũng chính là con đường đã đưa rất nhiều người Việt Nam đến đây sau làn sóng người Việt tị nạn đầu tiên vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Từ cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, đa phần những người tị nạn sau đó đã đến được vùng duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ, bởi thời tiết thuận lợi và ngành đánh bắt cá ở đây, công việc họ vốn đã biết rõ.
“Họ [đảng 3K] thật sự không thích chúng tôi. Họ có vẻ phân biệt đối xử và cố gắng xua đuổi chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã không dễ dàng từ bỏ”, ông Thế Nguyễn nói bằng giọng tiếng Anh khá nặng. Ở tuổi 61, ông là một trong số ít những người Việt làm nghề khai thác cua ở thị trấn này còn nhớ rõ những ngày xưa tăm tối.
Ông Nguyễn gia nhập dòng người di cư từ Việt Nam đến Seadrift vào năm 1978, lúc ông còn là chàng thanh niên 21 tuổi gầy gò, hoang mang. Ông đã hạ thủy một chiếc thuyền đánh bắt cua ở Vịnh San Antonio, nơi có những con sóng thoai thoải lướt cùng những con bồ nông và được vây quanh bởi những đàn cá hồi và cá trống đen (black drum).
Mâu thuẫn
Ngay từ đầu, đã có mâu thuẫn giữa những ngư dân Việt Nam và cư dân bang Texas, vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi rào cản ngôn ngữ. Người dân địa phương tức giận khi thấy những người tị nạn mới đến, nhận được sự giúp đỡ từ Chính quyền Washington và Giáo hội Công giáo, vốn đã bảo trợ họ từ trước. Hơn nữa, người Việt làm việc suốt ngày đêm và đã đặt quá nhiều bẫy cua.
Bà Diane Wilson, một ngư dân thế hệ thứ tư, mô tả tình hình ở Seadrift lúc ấy: “Khi đánh bắt cua, bạn chỉ cần đặt một cái bẫy ở đây. Rồi bạn tiến tới khoảng 40 feet và đặt một cái bẫy khác. Cần phải có không gian giữa những cái bẫy. Nhưng khi người Việt xuất hiện và bắt đầu khai thác ở đây, họ sẽ đặt những mười cái [bẫy cua] ở nơi đáng ra chỉ cần một cái bẫy. Họ không biết cách làm và không ai nói với họ phải làm gì”.
Cứ thế căng thẳng leo thang. Một ngư dân đánh bắt cua da trắng ở địa phương bị bắn chết trong một vụ tranh chấp với ngư dân Việt Nam về quyền khai thác ngư trường ở đây. Hai người đàn ông Việt Nam bị buộc tội giết người, rồi được tha bổng vì lý do tự vệ. Đó là khi đảng Ku Klux Klan xuất hiện và mọi thứ càng trở nên tệ hại hơn.
“Tình hình như bùng nổ sau vụ đấu súng ấy”, bà Wilson nói, trong lúc dang tay làm cử chỉ miêu tả một vụ nổ. “Nhiều ngôi nhà bị đốt cháy. Nhiều chiếc thuyền bị đốt cháy. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người Việt phải từ bỏ nơi này vì sợ hãi”.
Ông Nguyễn kể rằng, ông không biết gì về đảng 3K trước khi vụ đấu súng diễn ra. “Khi anh chàng đó bị giết, họ xuất hiện. Họ đốt 2, 3 chiếc thuyền cua. Tôi đã rời đi sau đó”.
Ông Nguyễn và những người khai thác cua gốc Việt khác đành lánh nạn ở bang Louisiana vì sự an toàn của họ. Hai năm sau, làn sóng thù hằn của đảng 3K nhắm đến người Việt đã lan rộng đến Vịnh Galveston. Đảng viên 3K đã đốt nhiều cây thánh giá trong bãi nuôi tôm của những người Việt và diễu hành quanh vịnh trên một chiếc thuyền tôm với một người nuôi tôm bị treo lơ lửng.
Cuối cùng, Trung tâm Nghiên cứu Luật người nghèo Miền Nam Hoa Kỳ (Southern Poverty Law Center) và Hiệp hội ngư dân người Việt (Vietnamese Fishermen’s Association) đã đệ đơn kiện lên chính quyền liên bang và ngăn chặn thành công các hoạt động của đảng 3K, cũng như giải tán được lực lượng dân quân bán quân sự của họ.
Tim Tsai, một nhà làm phim từ TP Austin, Texas, là người đang làm một bộ phim tài liệu về vụ nổ súng lúc trước, nói: “Rất nhiều khẩu hiệu người ta thường hô vang trong các cuộc biểu tình của đảng 3K ngày ấy, giờ gần như được lặp lại trong những ngôn từ chúng ta nghe ngày hôm nay, chẳng hạn như ‘nước Mỹ trên hết’.”
“Thái độ căm ghét hướng đến người nhập cư giờ đã chuyển hướng sang những người gốc Latin. Nhưng vào thời điểm đó, những người mới đến từ Việt Nam chính là mục tiêu của sự thù hằn. Thái độ ấy phần nhiều được châm ngòi bởi tình hình bất ổn kinh tế, cùng với ý tưởng cho rằng người nhập cư đang lấy đi công ăn việc làm và sinh kế của chúng tôi”, ông nói thêm.
Vài năm sau, khi tình hình ở Seadrift dần ổn định trở lại, ông Nguyễn và những người khai thác cua gốc Việt khác đã quay lại. Ông Nguyễn tạo dựng gia đình và mở một cửa hàng bán mồi câu cua trên bến cảng, được duy trì đến ngày nay. Ông có bốn chiếc thuyền mang theo những thùng đầy ghẹ xanh mỗi buổi chiều.
Bốn mươi năm sau, Seadrift trở nên giống như một món đồ khảm hơn là sự hỗn hợp của nhiều chủng tộc và văn hóa khác nhau.
Người Việt duy trì một nền văn hóa tách biệt với những người dân bản địa ở Texas, họ nói tiếng Việt và ăn mừng Tết Âm Lịch. Nhưng những người kiếm sống trên vịnh ngày nay không phá hoại bẫy cua của nhau nữa. Họ đã đứng cùng chiến tuyến chống lại kẻ thù chung: Những quy định hà khắc, tình hình ô nhiễm đại dương và làn sóng tôm nhập khẩu giá rẻ.
“Giờ đây chúng tôi làm việc cùng nhau”, ông Nguyễn nói trong khi ngồi trên bến tàu, cạnh những con bồ nông nâu nhào tới những miếng mồi câu cá còn sót lại. “Nếu họ muốn làm gì đó, thì chúng tôi cùng làm. Gây quỹ cộng đồng, xây nhà thờ, chúng tôi cùng làm những việc như vậy. Chúng tôi là những người bạn tốt của nhau”.
Little Saigon ở Houston
Khu vực kéo dài khoảng 150 dặm bờ biển ở Seadrift, Houston là nơi cư ngụ của hơn 80.000 người Việt – cộng đồng người Việt đông nhất không kể bang California. Giống như đội bóng chày Astros, trung tâm vũ trụ của NASA và lũ lụt, người Việt giờ đây là một phần của những gì khiến cho Houston… trở thành Houston.
Bạn có thể lái xe xuống Đại lộ Bellaire – con phố chính của quận được biết đến là Little Saigon – trong khi đọc những biển hiệu hai bên đường viết bằng tiếng Việt, nhìn lá cờ ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam tung bay bên ngoài các tiệm phở, nghe đài Radio Saigon, rồi tham quan Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.
“Bây giờ trước mặt bạn là quán Don’s Café, một cửa hàng bánh mì rất phổ biến. Từ đây bạn sẽ nhìn thấy ngày càng nhiều cửa tiệm đặt tên Việt Nam khi đi dọc con đường này”, cô Thảo Hà nói từ phía sau vô lăng của một chiếc SUV khổng lồ. Cô đến Houston cùng cha mẹ từ năm 1975 và hiện là một nhà xã hội học tại trường cao đẳng MiraCosta ở California.
Theo cô Hà, các thị trấn đánh bắt cá dọc theo bờ biển không phải là những nơi duy nhất tỏ thái độ thù hằn với người Việt.
“Có những kẻ phân biệt chủng tộc, những kẻ hay bắt nạt trong số những đứa trẻ hàng xóm đã bảo chúng tôi quay trở lại đất nước của chúng tôi, gọi chúng tôi là bọn da vàng và những thứ như thế”, cô nói.
Mặc dù những người tị nạn phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc, họ biết rằng họ luôn có sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ liên bang, đã cưu mang họ từ Đông Dương đến Hoa Kỳ.
“Và giờ thì tình hình đã hoàn toàn đảo ngược, họ [chính quyền hiện tại] đang tìm mọi cách để quay lưng với những người nhập cư, để từ chối những người xin tị nạn, để đuổi những người vốn đã có mặt ở đây. Cho nên, giả sử bây giờ những dòng người tị nạn gốc Việt mới đến đây thì chắc chắn chúng tôi sẽ không có cơ hội tương tự như ngày trước”, cô Hà nói.
Để họ thành công dân
Sau chiến thắng của các lực lượng cộng sản thời Hồ Chí Minh, những người tị nạn từ Việt Nam đã mang theo họ sự hận thù cộng sản đến cực đoan. Giống như những người tị nạn từ Cuba trước đây, nhiều người Việt đã trở thành những đảng viên Cộng hòa trung thành. Quan niệm chính trị đó được duy trì đến ngày hôm nay. Ông Steven Lê, một bác sĩ gia đình bảo thủ, đại diện cho khu Little Saigon trong Hội đồng Thành phố Houston, đã ủng hộ phần lớn chương trình nghị sự chống nhập cư của Tổng thống Trump.
“Tôi nghĩ rằng, rõ ràng tất cả các quốc gia nên có biên giới và đảm bảo rằng không có nhiều vụ nhập cư bất hợp pháp diễn ra. Nhưng về mặt pháp lý, chúng ta vẫn nên duy trì tiến trình nhập cư”, ông phát biểu từ văn phòng của mình tại tòa thị chính.
Ông Lê nói tiếp: “Chúng tôi đã phạm sai lầm hồi đầu những năm 1900 với Đạo luật loại trừ người Trung Quốc. Sau này, chúng tôi nhận ra người Trung Quốc cũng là những công dân tốt, tuân thủ pháp luật, đóng góp rất nhiều cho đất nước. Không nên luật hóa việc ngăn chặn những người nhập cư hợp pháp”.
Bác sĩ Lê tin rằng, có cách để bảo đảm những người sinh ra bên ngoài nước Mỹ có thể hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Ông nói: “Tôi nhận ra rằng cách dễ nhất để họ hòa nhập và tự hào rằng họ là một người Mỹ thực sự là để họ trở thành công dân. Thật dễ hiểu và đơn giản”.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Di cư, lượng người gốc Việt ở Mỹ đang tăng mạnh.
So với những người nhập cư từ các nước khác, người Việt Nam có thu nhập cao hơn, ít có khả năng sống trong cảnh nghèo đói hoặc thiếu bảo hiểm y tế, và có nhiều khả năng trở thành công dân Hoa Kỳ, mặc dù họ không có sở trường tiếng Anh.
Sự kết hợp giữa di dân châu Á và dân địa phương miền Nam để hướng tới thịnh vượng
Ông Mike Trịnh tự hào là một phần của cộng đồng doanh nhân người Mỹ gốc Việt thịnh vượng ở Little Saigon tại Houston. Sau khi trở thành kiện tướng kickboxing, ông Trịnh đã mở quán Mike’s Seafood.
“Tất cả những gì tôi có thể nói là, dựa trên tâm lý của người nhập cư, chúng tôi làm việc cật lực vì mọi thứ. Chúng tôi lập nghiệp từ con số không”, ông nói.
Quán của Mike chuyên phục vụ hải sản Việt Nam kết hợp hỗn hợp gia vị Cajun, một sự phối hợp giữa hương vị châu Á và miền Nam Hoa Kỳ đã chinh phục được khẩu vị của những người dân Houston. Ông Trịnh dẫn chúng tôi vào bếp, với những thùng tôm sủi nước và không khí náo nhiệt.
“Chúng tôi nêm gia vị, chúng tôi thêm gia vị vào tất cả mọi thứ, hành tây, tỏi, mọi thứ. Cộng đồng người Việt chúng tôi thích rất nhiều hương vị. Một số người cho gừng, một số người cho sả. Mọi người đều có những gia vị đặc trưng của riêng mình”, ông Trịnh nói.
Bên kia thị trấn, trong một khu căn hộ chung cư có yếu tố truyền thống Việt Nam với tên gọi Làng Thái Xuân, cô Mỹ Linh Trần vừa về tới nhà. Cô ấy là một giáo viên môn toán và khoa học ở tuổi 22, cũng là người đang tìm hiểu hai nền văn hóa. Cô Trần đứng bên ngoài căn hộ của bố mẹ cô, nhìn vào một ngôi chùa Phật giáo ở sân trong.
“Tôi biết rằng nhiều người bạn Mỹ của tôi rất ngạc nhiên vì tôi vẫn sống với cha mẹ. Nhưng họ không hiểu. Đó là một sự lựa chọn. Và nếu tôi có thể, và nếu bạn trai của tôi chấp nhận, sau khi kết hôn chúng tôi vẫn muốn tiếp tục ở lại với cha mẹ tôi. Và anh ấy dường như ổn với quyết định này”, cô vừa nói vừa mỉm cười.
Cha mẹ cô Trần muốn cô giữ lại càng nhiều bản sắc Việt Nam càng tốt.
“Họ thực sự không thích khi tôi nói tiếng Việt bằng giọng Mỹ. Nhưng họ không hiểu thực tế là tôi cũng nói tiếng Anh với giọng Việt”, cô nói.
Chính quyền Trump gần đây đã loại bỏ cụm từ “quốc gia của những người nhập cư” (a nation of immigrants) khỏi danh sách thuật ngữ chính thức. Tuy nhiên, ở Houston, các quan chức tự hào về thành phố như một trong các khu đô thị có mức đa dạng văn hóa cao nhất nước Mỹ. Và người Việt Nam giờ đã ở sâu trong trái tim của nó.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt