Monday, December 30, 2024
HomeBLOGSài Gòn... lại bâng khuâng nhớ!

Sài Gòn… lại bâng khuâng nhớ!

SONG CHI·THỨ SÁU, 29 THÁNG 1, 2016

+Bài viết cho Trẻ Magazine.

Trong cảm nhận của tôi và có lẽ cũng của nhiều người khác, từ trước Giáng Sinh cho tới Tết là khoảng thời gian mà thời tiết Sài Gòn đẹp nhất trong năm. Trời dịu mát, có năm còn hơi có chút không khí se lạnh cho chị em diện những chiếc áo len, áo khoác mỏng làm điệu khi ra đường. Nắng cũng dịu, có một màu vàng rất bâng khuâng. Và tâm trạng con người trong những ngày này cũng nửa bâng khuâng, xao động mơ hồ vì một năm lại sắp qua đi, nửa nôn nao chờ năm mới đến…

Trong những ngày này có lẽ chỉ có giới doanh nhân, công nhân viên chức, ngành y…là vẫn bận bịu bù đầu không mấy để ý đến thời gian, còn đám làm báo, làm văn nghệ, giới nghệ sĩ dường như ai cũng có chút lười biếng, trễ nãi, xao xuyến…Với tôi, đây là khoảng thời gian tôi thường hay ngồi quán café với bạn bè, chuyện gẫu, nhìn thời gian đi qua theo những dòng xe cộ ngược xuôi trên đường phố, theo những tia nắng từ lúc rực rỡ lọt qua những hàng cây, trên mái ngói của một ngôi nhà cổ bên đường cho đến lúc nắng đổi chiều, đổi màu, nhạt dần trên những bức tường cũ rồi biến mất, và một ngày nữa đã qua…

Cứ vào khoảng thời gian này, tôi lại hay nhớ Sài Gòn.

Nhớ Sài Gòn trước hết là nhớ cái thời tiết thất thường nắng đó mưa đó, nắng thì đổ lửa mà mưa thì ngập lụt phố thành sông, cực hết biết. Là nhớ những con đường gắn bó thân quen qua từng thời kỳ, tuổi đi học, tuổi biết yêu, lúc đi làm…Một trong những thói quen của tôi là buổi chiều chiều khi không có việc gì làm, tôi thường chạy xe lang thang qua những con phố, vòng lên khu trung tâm, có khi ghé vào một hiệu sách mua mấy quyển sách mới, rồi lại chạy lang lang, ngắm nhìn phố xá, dõi theo từng thay đổi của thành phố. Một thời Sài Gòn nổi tiếng bởi những con đường rợp bóng cây, nhất là rợp bóng lá me xanh đã từng đi vào những bài thơ, bài hát: “Trả lại em yêu khung trời đại học. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” (Ca khúc “Trả lại em yêu”, Phạm Duy), hoặc “Nhớ đèn đường từng đêm thao thức, Sáng che em vòm lá me xanh” (Ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”, Trịnh Công Sơn)…Vào mùa lá rụng, con đường li ti lá vàng như trải hoa vàng cho phố xá.

Những con đường Sài Gòn bây giờ phần lớn không có cây. Và nhiều con đường với hàng cây cổ thụ rợp bóng mát đã bị chặt trụi cho nắng nóng càng thêm đổ lửa xuống mặt đường, cháy bỏng làn da.

Nhớ đường nhớ phố và nhớ những con hẻm. Những con hẻm là một trong những nét rất đặc trưng của Sài Gòn. Một lần tôi đã từng viết trong bài “Sài Gòn hẻm”:

“Có thể nói không ngoa rằng ai sống ở Sài Gòn mà chưa/không từng có thời gian sống trong những con hẻm, thì coi như vẫn chưa hiểu được đầy đủ chân dung đa diện của Sài Gòn, tính cách của con người Sài Gòn.

Sài Gòn có đến hàng ngàn hàng vạn con hẻm. Có những con hẻm rộng rãi, ngay ngắn, xe hơi xe tải đều đi lọt. Nhưng cũng có những con hẻm hẹp đến nỗi không đủ chỗ cho hai người đi bộ cùng bước. Có những con hẻm dài hun hút, có những con hẻm ngoằn ngoèo vào đến bên trong lại rẽ trái rẽ phải, đoạn phình ra đoạn teo tóp lại, như lạc vào mê cung. Có những con hẻm xuyên từ hẻm này sang hẻm khác, từ đường này qua đường khác và có những con hẻm cụt, chỉ có một đường ra duy nhất.

Những con hẻm có một đời sống riêng, khác với đời sống, nhịp sống bên ngoài đường lớn, ngoài phố thị…”

Nhớ Sài Gòn là nhớ những ngôi chợ. Ở nước mình thì thành phố nào, vùng nào mà chả có chợ. Nhưng phải đi xa, sống ở một thành phố châu Âu không có chợ, chỉ có siêu thị như tôi đang sống, mới thấy nhớ chợ. Siêu thị dù sạch sẽ, sang trọng, văn minh nhưng cái nào cũng giống giống cái nào, và chỉ có thực phẩm đông lạnh, hoặc đóng gói, đóng hộp, không thể có những con tôm nhảy kêu tanh tách, những con cá còn đang thở, giãy trên mâm, những con gà con vịt còn sống nguyên…Không thể mỗi gian hàng bày biện mỗi khác, kể cả mỗi cái chợ mỗi khác nhau, từ kiến trúc bên ngoài cho đến cách bố trí, mặt mạnh, những đặc trưng riêng về hàng hóa…

Cũng trong một bài viết khác, “Lan man giữa siêu thị và chợ”, tôi đã viết:

“…Như ở Sài Gòn chẳng hạn, bao nhiêu là chợ, từ chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Phú Nhuận, chợ Tân Định, chợ Bến Thành, chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Dân Sinh, chợ Cô Giang, chợ Nancy, chợ Xóm Chiếu, chợ Thái Bình, chợ Hòa Bình, chợ Xã Tây, chợ Phú Lâm, chợ Minh Phụng, chợ Bình Tiên, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Lớn hay chợ Bình Tây, chợ Bà Hoa, chợ An Đông, chợ Văn Thánh, chợ Bà Chiểu, chợ Thanh Đa, chợ Thị Nghè, chợ Gò Vấp, chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai, chợ Bàu Cát, chợ Thủ Đức, chợ Linh Xuân, chợ An Lạc, chợ Bình Chánh v.v…

Lại có nhiều loại chợ chuyên về một vài mặt hàng hóa. Như chợ vải Soái Kình Lâm, chợ Kim Biên chuyên bán các loại hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, chợ Bình Điền, quận 8 là chợ đầu mối chuyên kinh doanh và cung cấp các mặt hàng nông sản, chợ An Đông mạnh về áo quần, đồ lót…

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10 là chợ hoa đầu mối lớn nhất thành phố. Hoa ở chợ có xuất xứ chủ yếu từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây. Chợ Vật liệu xây dựng ở Trịnh Hoài Ðức, Phường 13, Quận 5. Chợ Thủy hải sản chuyên doanh hàng cá khô, mực khô, tôm khô, ở Trần Văn Kiểu, Phường 10, Quận 5. Chợ bán hàng điện tử, băng đĩa, DVD ca nhạc, phim…ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1…

Chưa kể, có những loại chợ độc đáo như chợ bán đồ cũ toàn hàng “độc” từ đồng hồ, mắt kính cổ, dây đeo thắt lưng, giỏ xách, bật lửa, tẩu thuốc lá cổ, chén uống rượu, cái máy may xưa, máy chiếu phim cho đến những chiếc xe gắn máy được sản xuất cách đây dăm bảy thập niên trở lên…nằm trong con hẻm cạnh cầu Bằng Ky (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Chợ sâu bọ-chỉ là một góc nhỏ sát bên Plaza Thuận Kiều, nơi trao đổi, mua bán các sâu bọ, côn trùng, động vật nhỏ, kể cả chim chóc. Ngoài khu chợ chim ở đây, còn có chợ chim Lê Hồng Phong (quận 10) hay chợ chim Trường Chinh (quận Tân Bình) với đủ loại chim quý, đủ màu sắc. Chợ cá cảnh nổi tiếng ở ngã tư Lý Chính Thắng, Nguyễn Thông, quận 3. Chợ chó mèo ở Lê Hồng Phong, quận 10 v.v…Có thể kể cả ngày cũng không hết.

Chưa kể sự khác nhau về quy mô từ to lớn như các chợ đầu mối cho tới chợ cóc, chợ xổm…ở một khu cư dân hay một con hẻm nào đó…”

Chợ là cái hồn của một thành phố và cả của một dân tộc. Qua những khu chợ, du khách không chỉ hiểu thêm về thực phẩm, đặc sản…mà cả lối sống, văn hóa của người dân nơi đó. Chính vì vậy, mỗi khi đi du lịch đến một thành phố nào đó, tôi vẫn hay bỏ thời gian dạo qua những khu chợ. Với tôi, cư dân ở nơi nào vẫn còn giữ được chợ và văn hóa chợ là một, có được ẩm thực đường phố là hai, là niềm hạnh phúc cho họ và cho cả du khách.

Nhớ Sài Gòn, là nhớ quán café. Sài Gòn có vô số quán café, quán bar, quán trà đẹp, mỗi quán mỗi cung cách trang trí khác nhau. Có quán nằm dưới tầng hầm, trang trí như một quán rượu kiểu Mexico, chơi nhạc sống sôi động. Có quán nằm trong một khách sạn sang trọng, hàng đêm có nghệ sĩ chơi piano, violon trình tấu những hòa khúc nhẹ nhàng không lời. Có quán hoài cổ, chọn một ngôi biệt thự kiến trúc Pháp xưa, rồi trang trí như trong những bộ phim Pháp thời Đông dương; hoặc một ngôi nhà mái ngói, cột, rường gỗ với những bức hoành phi, những bức thi pháp nét chữ rồng bay phượng múa. Có quán cũng chuộng cổ nhưng theo lối khác, chưng bày đủ mọi thứ vật dụng từ cái đĩa hát, cái ống nhòm, cái máy đánh chữ…thời xưa, nhạc thì hoặc Trịnh Công Sơn hoặc những ca khúc Anh, Pháp thập niên 40, 50, 60 cho tới 90. Có quán trang trí theo kiểu trà thất của Nhật bản, khách ngồi xếp bằng trên chiếu, chờ những cô tiếp viên mặc kimono giả Nhật chậm rãi tiếp trà theo đúng phong cách trà đạo. Có quán chuộng thiên nhiên, diện tích nhà vườn rộng mênh mông, khách ngồi giữa bao nhiêu cây cảnh, hòn non bộ, suối giả…Có quán nằm ngay trong khu Tao Đàn, lợi dụng cây cối và cả tiếng chim của hội chơi chim hay mang đến vào mỗi buổi sáng. Có quán thiết kế hiện đại, nằm trên lầu cao một tòa building lớn với cái view bao quát cả khu trung tâm thành phố. Có quán ngồi ngay giữa ngoài trời. Có quán lại vào sâu trong con hẻm…Bao nhiêu quán là bấy nhiêu phong cách. Cứ một thời gian giới văn nghệ lại đồn đãi nhau về một quán mới mở, rất hay nào đó.

Ngồi quán café là một thói quen của người Việt ở các thành phố lớn nhỏ. Nói cho cùng ở những thành phố của xứ mình, không ngồi quán thì biết đi đâu? Bạn bè chuyện gẫu kéo nhau ra quán café, quán nhậu. Tình nhân rủ nhau ra quán rủ rỉ lời yêu đương. Rồi bàn bạc, ký kết hợp đồng làm ăn nhiều khi cũng ở ngoài quán. Giới văn nghệ không ít người viết báo, viết truyện và cả viết kịch bản, hẹn diễn viên…cũng ngoài quán. Nhiều khi nhà cửa bề bộn chật hẹp, ra quán vừa có không gian đẹp, trời nóng lại có máy lạnh trốn nắng, nên thế là cứ làm việc luôn ngoài quán.

Với nhiều người trong đó có tôi, có khá nhiều kỷ niệm gắn bó với những cái quán café khác nhau. Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời lại hay ngồi ở một cái quán nào đó. Nhiều khi chẳng phải vì cái quán này đẹp hơn, thức uống ngon hơn quán khác, nhưng ngồi vì thói quen, vì kỷ niệm. Có những người còn cực đoan đến nỗi chỉ ngồi một quán trong nhiều năm, và ngồi đúng một chỗ.

Nên nhớ Sài Gòn là nhớ những quán café. Là nhớ những quán ăn ngon, những món ăn ngon. Có nhiều khi món ngon nhớ cồn cào lúc đi xa lại là những món ăn vặt rất tầm thường. Như một người bạn quen, cũng trong giới văn nghệ sĩ, hồi chị lấy chồng đi Mỹ tôi vẫn còn ở VN, lần nào về chị cũng rủ tôi hoặc ra góc đường Lê Thị Hồng Gấm-Nguyễn Đình Chiểu tức Pasteur-Phan Đình Phùng cũ, ăn món khoái khẩu của chị là hột vịt lộn hoặc hào sống chấm mù tạt cay xé lưỡi; hoặc ra khu phố Tây ăn các món hải sản-ốc bươu luộc, ốc mỡ xào me, sò huyết nướng hành mỡ…Có khi chỉ là món bò bía, món bắp xào bình dân tại hồ Con Rùa, hay món gỏi đu đủ khô bò ở công viên Lê Văn Tám…Cho tới những món ăn ngon trong các nhà hàng sang trọng, những ly cocktail pha chế cầu kỳ, có những cái tên gọi rất khêu gợi trong một quán bar ở khu trung tâm…

Và bao giờ khi nhớ những cái quán cũng là nhớ những khuôn mặt bạn bè, tình nhân một thời. Năm tháng qua đi, khi nhớ về nhau chỉ còn nhớ những điều đẹp đẽ, ngọt ngào. Những nỗi buồn, cả những thất bại, cay đắng trong cuộc sống nếu có, bộ nhớ đã tự động loại bỏ, cho lòng nhẹ nhàng. Và do đó khi nhớ về Sài Gòn, nhớ về Việt Nam, tôi chỉ còn cất giữ những cảm giác hạnh phúc, càng để lâu càng đậm đà, như rượu càng lâu năm càng ngon, như những bài hát, những quyển sách, bộ phim… càng cũ càng có giá trị, một giá trị đã được thử thách theo thời gian, bởi những gì không có giá trị thì đã bị loại trừ rồi…

Chợt nhớ một câu hát trong bài “Em còn nhớ hay em đã quên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Em còn nhớ hay em đã quên?

Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng…

“Em ra đi nơi này vẫn thế

Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ”…

Sài Gòn vẫn thế. Cuộc đời vẫn thế. Chỉ có ta đã đi xa, đã qua một khoảng đời khác.

Cứ vào những ngày trước Tết, tôi lại nhớ Sài Gòn…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular