Sài Gòn, biểu tình ngày 10/06/2018…khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tuổi 24. (PHẦN 1)
Trương Thị Hà
RELATED ARTICLES
“[…] Xin nhắc lại, biểu tình ôn hoà là không vi phạm pháp luật. Biểu tình ôn hoà là hợp hiến và hợp pháp, do đó, biểu tình ôn hoà cần được khuyến khích để người dân biểu đạt ý kiến của mình trước những vấn đề hệ trọng của đất nước. Kẻ nào cấm, ngăn chặn và/ hoặc đàn áp biểu tình thì kẻ đó là người vi hiến, vi phạm pháp luật.
Người yêu nước sẽ xuống đường để thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp. Kẻ nào ngăn cản người dân thực hiện quyền theo Hiến pháp không phải là người yêu nước [….]”
Đi đến đâu, tôi cũng nhắc đến 2 chữ “biểu tình” với niềm tự hào không chút sợ sệt, đi làm ở công ty, đi học tiếng Anh, đi học Luật, và đi phượt. Tôi phổ biến quyền biểu tình cho bạn cùng phòng, hàng xóm, thậm chí cả anh Grab, cô bán cơm tấm, và chú bán hủ tiếu. “Biểu tình” là 2 từ bị chính quyền quy chụp là “gây rối trật tự công cộng”, nó trở nên khô khan và khó được chấp nhận, do đó, người dân ai cũng ngại và sợ 2 từ này. Trước ngày 10/06, tôi cố gắng post những stt vui để khuyến khích người dân đi biểu tình:
“Tuyển thành viên treckking cung Sài Gòn- Sài Gòn. Bao đông, bao vui, bao nguy hiểm. Xuất phát lúc 8h am ngày 10/06/2018 tại Nhà thờ Đức Bà. Đồ dùng mang theo: Niềm tin và ý chí!”
Tối ngày 09/06/2018, lòng tôi háo hức vì ngày mai tôi có cơ hội xuống đường biểu tình. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc đến vậy, hạnh phúc hơn cả những chuyến đi trekking 3 ngày trên Tà Năng, Phan Dũng, hạnh phúc hơn cả cảm giác được nằm cả ngày trên Đà Lạt và thưởng thức món lẩu bò, hạnh phúc hơn cả buổi sáng được đón ánh bình minh ở Mũi Dinh và hạnh phúc hơn cả cảm giác bào xe máy trên cung đường Mộc Châu. Bởi vì những ngày qua, tôi và bao nhiêu người yêu nước đã bày tỏ chính kiến trên facebook nhưng quan chẳng ai nghe, dân cũng chẳng ai thấu. Ngày mai, tôi sẽ được xuống đường cùng hàng ngàn người dân Sài Gòn yêu nước. Đây là lần đầu tiên tôi xuống đường biểu tình, cảm giác hồi hộp lắm, cứ như cảm giác lần đầu yêu vậy. Nhiều anh chị nói rằng: “Đi biểu tình sẽ nghiện đó.” Tôi không tin vì tôi biết rằng, xuống đường rất nguy hiểm, có thể bị công an bắt, đánh đập, bỏ tù bất cứ lúc nào. Nhưng tôi cũng như bao người dân yêu nước khác. Tôi không sợ gì cả. Vì tôi hiểu rằng, chẳng có tự do nào là miễn phí cả: “freedom is not free.”
Tối ngày 09/06/2018, tôi phi xe lượn quanh các khu phố ở quận 1 để khảo sát tình hình. Dù ngày mai có bao nhiêu hiểm nguy ập đến, thì vẫn luôn có gia đình dõi theo và ủng hộ. Khát khao được thốt lên 2 tiếng “tự do” sẽ xua tan đi nỗi sợ hãi của tuổi trẻ.
Mẹ: “Alo! Con đang ở đâu vậy?”
Hà: “Dạ. Con đang ở ngoài đường ạ.”
Mẹ: “Mai đi biểu tình cẩn thận nhé. Mẹ cũng muốn đi nhưng không được.”
Hà: “Dạ. Con yêu mẹ.”
Đến ngày hôm nay, mẹ thỉnh thoảng vẫn day dứt vì đã ủng hộ tôi đi biểu tình: “Không hiểu sao, ngày đó mẹ không khuyên ngăn con. Nếu mẹ ngăn con đi biểu tình thì có lẽ con sẽ không bị an ninh bắt và bị đánh đập như vậy.” Tôi biết mẹ thương tôi nên mẹ nói vậy thôi. Chứ mẹ là người duy nhất luôn ủng hộ những việc tôi làm.
Đêm ngày 09/06/2018, tôi không thể ngủ được. Tôi đã thức để nghiên cứu Dự thảo Luật An ninh mạng. Chỉ đọc vài điều luật đầu tiên, tôi đã thấy Quốc hội Việt Nam đang chứng minh mình là bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đang đặt quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do biểu đạt và các quyền con người khác xuống lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi là người hành nghề luật và lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bị xúc phạm, bị coi thường và cảm thấy mình như một con cừu ngốc ngếch khi đọc từng câu chữ của Dự thảo Luật An Ninh mạng. Có lẽ, dân mình quá nhu mì nên mới để Quốc hội soạn thảo ra những Dự thảo Luật phi lý, viển vông và chà đạp trắng trợn quyền con người đến như vậy. Đêm đó, tôi đã viết lên áo sơ mi trắng của mình dòng chữ: “#No #Cyber #Security#Law”. Tôi phẫn nộ và muốn khóc vì cái Luật bịt miệng người dân đó!
Sài Gòn, ngày 05/06/2019
— tại Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn.