Thursday, December 26, 2024
HomeBLOGPhong trào Dân chủ Việt Nam: có nên thất vọng?

Phong trào Dân chủ Việt Nam: có nên thất vọng?

Thứ Ba, 02/20/2024 – 13:05 —Nguyễn Vũ Bình

Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay, Phong trào Dân chủ Việt Nam (PTDC) đã trải qua một giai đoạn đàn áp nặng nề nhất, kể từ đợt đàn áp 2001-2002. Có thể tính từ khi Nguyễn Văn Đài, sau đó một chút là Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng bị bắt. Trước đó, khoảng 2011-2015 là giai đoạn phát triển mạnh của PTDC. PTDC Việt Nam đã thiệt hại trên các phương diện sau.

Số người bị bắt, kết án quá lớn và quá nặng nề. Theo thống chưa đầy đủ của Quỹ 50K trước đây khi chị Nguyễn Thúy Hạnh chưa bị bắt, đã có hơn 200 người bị bắt và kết án. Tính từ khi chị Hạnh bị bắt đến nay thì số người cũng tăng thêm 50-70 người nữa. Mức án so với các đợt đàn áp trước thì cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Trước đây án cho những người gọi là đầu vụ thường chỉ từ 4-6 năm, đợt này mức án cao nhất là 20 năm, còn 15 đến 17 năm cũng không ít. Những người bình thường là 5-7 năm, thậm chí một số người không ai nghĩ sẽ bị bắt, mà mức án cũng 4-5 năm. Sự thiệt hại về con người của PTDC là không thể bù đắp và là biểu hiện rõ nhất sự khốc liệt mà PTDC gặp phải.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình và chị Nguyễn Thuý Hạnh

Các tổ chức, nhóm xã hội dân sự đã bị phá tan, gần như hoàn toàn. Giai đoạn 2011 đến 2015, PTDC đã thăng hoa và xây dựng được 20-30 tổ chức xã hội dân sự. Có những tổ chức quy mô, bài bản, số lượng đăng ký hàng ngàn người (số lượng nhân sự hoạt động mấy chục người), nhóm ít thì cũng 5-7 người đã tạo ra những hoạt động vô cùng sôi nổi và hiệu quả. Nhưng bắt đầu từ năm 2015, cùng với quá trình bắt bớ các nhân sự chủ chốt của các hội nhóm, và sự khủng bố tinh thần những thành viên, các tổ chức xã hội dân sự đã dần dần tan rã hoặc không còn hoạt động nữa. Đến nay thì chỉ còn vài ba tổ chức nhỏ, được vài ba người đang còn hoạt động xướng tên. Có một vài tổ chức đã chuyển hoạt động ra nước ngoài, ý nghĩa của hoạt động cũng không còn được như trước đây. Một số cơ sở tôn giáo hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh cũng đã bị nhà cầm quyền vô hiệu hóa như Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội, thậm chí tấn công ngược lại Phong trào Dân chủ như Giáo phận Vinh…

Các hoạt động chung như biểu tình, tưởng niệm, giao lưu ngày càng giảm và dần dần không còn nữa. Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình dưới chế độ cộng sản là cuộc Tổng biểu tình chống Luật đặc khu và Luật an ninh mạng diễn ra vào ngày 10/6/2018 và mấy ngày tiếp theo. Sau cuộc tổng biểu tình đó, sự đàn áp của nhà cầm quyền càng khốc liệt hơn. Đến nay, hầu như không còn hoạt động nào được duy trì. Có chăng là một số buổi tưởng niệm các liệt sỹ chết trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung.

Các bài viết với tinh thần đấu tranh, phản biện cũng ngày càng giảm bớt về số lượng và cường độ, mức độ tranh đấu, phê phán. Việc livestream trên Youtube kết hợp với Facebook của những người phản biện đã giảm dần khi những người này lần lượt bị bắt hết, hoặc tự dừng lại khi sự nguy hiểm đã cận kề. Đến nay không còn ai livestream đấu tranh hoặc nói ra sự thật nữa. Thậm chí một số người livestream ở nước ngoài cũng bị nhà cầm quyền thông qua kênh Youtube và Facebook để vô hiệu hóa.

https://www.youtube.com/@dieucaycaulacbonhabaotudo/videos

Số lượng người đi tỵ nạn chính trị tăng vọt trong khoảng 5 năm trở lại đây, người đi tỵ nạn nhiều đồng nghĩa với việc số người đấu tranh giảm và mỏng đi rất nhiều.

Trước hiện trạng của Phong trào Dân chủ như vậy, đã có nhiều người im lặng từ bỏ, hoặc thất vọng không còn thiết tha với Phong trào Dân chủ, với những người còn bám trụ sau giai đoạn khủng bố khốc liệt nhất của nhà cầm quyền. Vậy chúng ta cần có thái độ như thế nào với khó khăn, khốc liệt của PTDC hiện nay?

Nếu như chúng ta đã có suy nghĩ rằng, PTDC Việt Nam có khả năng đấu tranh để thay đổi chế độ, PTDC là một chủ thể đấu tranh ép buộc được nhà cầm quyền nhượng bộ, từ đó làm cơ sở cho việc thay đổi chế độ thì chúng ta sẽ thất vọng! mặt khác, nhìn vào thực tế Việt Nam, không thấy một lực lượng nào có thể làm thay đổi chế độ thì chế độ này sẽ tồn tại mãi mãi, do đó sẽ có sự thất vọng, và thất vọng rất lớn.

Người viết có một tâm sự, khi mới tham gia vào PTDC (năm 2000-2001), trong các cuộc đàm luận về tương lai PTDC và tương lai đất nước, người viết có quan điểm PTDC sẽ tự mình thay đổi được chế độ. Người viết gặp cụ Lê Hồng Hà (là đại tá công an về hưu, cựu Chánh văn phòng bộ Công An những năm 1960), khi đó đưa ra quan điểm, không phải PTDC kết liễu được chế độ này, mà là nó tự vỡ (nguyên văn câu cụ Lê Hồng Hà). Khi đó người viết rất khó chịu, vì cụ Lê Hồng Hà cũng không đưa ra lời giải thích nào, chỉ có một kết luận như vậy. Có lẽ Cụ Hà chỉ cảm nhận được, do ở trong guồng máy toàn trị khủng khiếp của nó. Đến khoảng năm 2010, người viết phải công nhận kết luận của cụ Lê Hồng Hà là đúng. Không những vậy, người viết có thể giải thích được lý do của kết luận này.

Như vậy, nếu chúng ta quan niệm, PTDC chỉ góp phần thúc đẩy quá trình tự sụp đổ (hay tự vỡ) của chế độ cộng sản ở Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng với hiện trạng của PTDC hiện nay. Chúng ta vẫn sẽ làm những gì cần thiết để góp phần vào vào công cuộc dân chủ hóa đất nước. Nhưng với hiện trạng của PTDC Việt Nam, ai đó nói rằng không buồn thì đó là nói dối, rất buồn nhưng không thất vọng. Một vấn đề lớn nữa, tuy không nhìn thấy một lực lượng nào có khả năng đánh đổ, kết liễu và thay đổi chế độ ở Việt Nam, nhưng chúng ta cũng tuyệt đối không bi quan. Bởi vì quy luật của tất cả các chế độ toàn trị cộng sản là nó sẽ tự sụp đổ trước sức nặng của chính nó. Riêng vấn đề này, tôi vẫn là người lạc quan, luôn cho rằng nó sẽ xảy ra trong tương lai rất gần./.

Hà Nội, ngày 21/02/2024

N.V.B

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular