Từ các số liệu trên trang của Cục thống kê (VN có diện tích đất lúa khoảng 2.952,5 nghìn ha, năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tổng số hộ nông thôn là 17.308), tôi tính ra: mỗi hộ thu hoạch được khoảng 11,6 tạ lúa/vụ (1 tấn 1 tạ 60kg). Với giá lúa khoảng 7k/kg, thu nhập từ lúa của một hộ nông dân VN là khoảng 8 triệu đồng/vụ, mỗi năm 2 vụ thành 16 triệu đồng.
Nhìn vào cái sớ thu tiền đầu năm với những khoản thu vô lý trắng trợn này của trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) thấy mỗi học sinh phải nộp số tiền là 8.715.000 (tám triệu bảy trăm mười lăm nghìn đồng).
Nghĩa là bán hết số lúa thu hoạch được trong một vụ của cả một hộ gia đình nông thôn Việt Nam thì vẫn chưa đủ để đóng tiền cho một đứa con đi học ở trường Thanh Miện 3! Nếu gia đình có 2 đứa con đi học thì phải đi vay thêm chừng ấy tiền nữa con mới được đến trường. 3, 4 đứa thì phải treo niêu chờ chết.
Cũng tức là vét đến hạt lúa cuối cùng của người nông dân, và còn đẩy họ vào cảnh nợ nần, chạy ăn đứt hơi, không chừa cho họ một hạt gạo nào để nấu cháo qua ngày.
“Giáo dục là quốc sách” nhưng đầu tư và quản lý thế nào mà ra nông nổi các nhà trường “thu như cướp” thế này?
Nông dân ăn đất để sống ư? Thực dân Pháp và phát xít Nhật có lẽ cũng không ác đến thế. Lại nhớ bản Tuyên Ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”…
Đưa ra chính sách “Xã hội hóa” nhưng không quản lý được hoặc cố tình thả nổi, đã để cho các nhà trường đua nhau bóp cổ người dân đến nghẹt thở tắt hơi như thế này là vô cảm, độc ác, coi khinh sự sống còn của người dân.
Tôi đề nghị Bộ giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước ban hành ngay những quy định cấm các nhà trường thu bất cứ khoản gì, trừ BHYT và học phí (dù khoản thu này cũng chưa phải đã hợp lý đúng đắn).
Không thể tiếp tục để nạn trấn lột này hoành hành công khai trong môi trường giáo dục nữa.
Thái Hạo