Wednesday, January 8, 2025
HomeBLOGPART 5: ÂN NGHĨA NÀY TRỌN ĐỜI KHÔNG QUÊN…

PART 5: ÂN NGHĨA NÀY TRỌN ĐỜI KHÔNG QUÊN…

Trương Thị Hà đã thêm một ảnh mới vào album: Nhật Ký Biểu Tình.

Bài viết này, Hà muốn gửi lời cám ơn đến những người đã lo lắng cho Hà, đã giúp đỡ Hà, và đã phải hi sinh vì Hà trong sự kiện biểu tình tháng 6 năm 2018.

Sài Gòn, ngày 17/06/2018

Trong lúc đi biểu tình, gặp được 2 anh cứ bám theo tôi từ lúc sáng sớm đến chiều. Lúc về nhà, một anh trai nhắn tin hỏi thăm: “Anh thấy em nhiệt tình quá. Anh sợ em bị an ninh bắt nên đi theo để bảo vệ em.”

Có một anh trai khác đi biểu tình ngày 10/06, bị an ninh đấm vào mắt thâm tím như con gấu trúc và bị phạt 700k. Hai anh em có duyên và cùng bị bắt ở trại tập trung Tao Đàn. Tôi thương anh lắm: “Trời! Anh đã bị an ninh đánh ra nông nỗi này mà hôm nay lại đi biểu tình tiếp à?” Anh ấy vẫn rất lạc quan và nói: “Phạt 700k xong là về thôi mà.”

Tôi cũng vô cùng cảm động về một chị gái ở Nha Trang, dù bị bệnh tim và bị an ninh gọi lên nhiều lần chỉ vì tôi cầm nhầm điện thoại và áo khoác của chị trong lúc đi biểu tình. Chị ấy nhất quyết không ký nhận bất cứ giấy tờ nào để bảo vệ tôi: “An ninh bắt chị ký các giấy tờ liên quan đến em. Chị nhất định không ký. Chúng đành phải thả chị ra. Mấy ngày sau, chúng gọi chị lên 3 lần nữa và vẫn hỏi mấy câu tương tự như: “Có biết Hà là ai không? Hà lôi kéo đi biểu tình đúng không?”

Và còn anh lớp phó lớp tôi nữa, chỉ vì không ký nhận tài liệu liên quan đến tôi mà bị an ninh đánh rất nhiều và bị cho nghỉ việc: “Hà ơi! Anh xin lỗi! Tụi nó đánh anh đau quá. Anh không chịu được nữa nên phải ký nhận các giấy tờ liên quan đến em…”

3h sáng, ngày 18/06/2018 tại công an phường Tân Thuận Đông, Quận 7.

Công an 1: “Tại sao đi biểu tình?”

Hà: “Em mệt quá. Công an quận 1 đã hành hạ em nhiều rồi. Giờ anh muốn em làm gì nữa?”

Công an 1: “Chúng đánh em đau không?”

Công an 2 tâm sự: “Quê anh ở Vũng Tàu. Một tháng nay anh vẫn chưa được về quê thăm vợ con chỉ vì đợt biểu tình năm nay. Anh phải túc trực cả ca tối để bảo đảm an ninh trong khu vực.”

Một bác dân phòng chạy qua chạy lại chỉ mặt vào tôi: “Loại mất dạy! Người thì cố bảo vệ trật tự, kẻ thì cố phá hoại!”. Tôi chỉ cười nhạt nhưng trong lòng tôi cũng thương bác. Đúng là vì những người như tôi đi biểu tình nên họ mới phải thức trắng đêm, họ mới phải xa gia đình thân yêu của họ.

Công an 3: “Em cho anh số điện thoại. Từ giờ, đi đâu, làm gì thông báo cho anh biết. Lúc nào rảnh, anh em mình café’ tâm sự.”

Hà: “Em có phải tội phạm đâu mà anh theo dõi em. Cuối tuần em chỉ đi học thôi nên anh không cần theo dõi em cả.”

Công an 3: “Anh có theo dõi gì em đâu. Chỉ là muốn giúp em thôi.”

Công an 4: “Em đói không? Anh nấu cho em tô mỳ bò?”

Lần đầu tiên, tôi ăn sáng trong đồn công an. Không biết vì tôi quá đói hay vì tôi cảm thấy xúc động, tôi ăn rất ngon dù mỳ tôm không phải là món ăn ưa thích của tôi.

Công an 5: “Em đã biểu tình ngày 10/06 rồi. Hôm nay lại đi biểu tình nữa làm gì? Anh chẳng hiểu em đang nghĩ gì nữa? Đã giải thích bao nhiêu lần rồi, không chịu nghe.”

Hà: cười…

Công an 5: “Lần trước, anh đã giúp em một lần rồi. Anh ký cho em giấy xác nhận để vào thăm phạm nhân. Em lại còn đăng lên facebook khiến anh bị cấp trên kỷ luật.”

Hà: “Anh làm đúng thẩm quyền thì có gì phải sợ?”

Công an 5: “Em cứ như thế này, anh làm sao giúp được em. Kết bạn với anh trên facebook đi! Có gì anh nhắc nhở em.”

Lúc đó, dù vẫn ở trong đồn công an nhưng tôi cảm thấy an toàn. Dù sao, nơi đây vẫn có những người công an, là đồng nghiệl của những người đã khiến tôi khiếp sợ cách đây vài tiếng đồng hồ, họ đã quan tâm đến sức khỏe của tôi, họ cho tôi ăn cơm, họ cho tôi trình bày và giải thích, họ không ép tôi mở email và facebook, và họ khuyên nhủ tôi như một người em. Dù sự quan tâm đó là giả hay thật, tôi cũng cảm thấy được bình yên và vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần. Tôi ngủ thiếp đi trên bàn làm việc lúc nào không biết. Trong giấc ngủ, tôi cảm giác như có ai đó đang nhìn tôi rất lâu với anh mắt thương hại và xót xa.

Nhưng chẳng ai có thể bao bọc tôi mãi được, công an quận Tân Thuận Đông cũng vậy. Họ đâu thể chứa chấp một đứa thích đi biểu tình và thường xuyên viết bài trên facebook nói sự thật về chính quyền như tôi. Dù họ muốn giúp tôi cũng không được vì họ còn sự nghiệp, gia đình và vợ con. Bảo vệ tôi thì họ sống sao nổi trong guồng máy của chính quyền. Tôi hiểu điều đó nên dù công an quận Tân Thuận Đông đã ép chủ nhà đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi cũng không trách họ. Tôi thấy thương hại họ nhiều hơn. Vì tôi nghĩ, trong thâm tâm họ cũng không đành lòng đuổi tôi đi như vậy. Dù sao cũng là vì miếng cơm, manh áo sống qua ngày. Ít ra, công an quận Tân Thuận Đông đã đối xử tôi như một con người. Họ cho tôi quyền nói, quyền trình bày, quyền giải thích và họ không xâm phạm quyền bí mật đời tư của tôi. Ngược lại, công an ở Tao Đàn đối xử với tôi như một con vật. Không làm theo những gì chúng yêu cầu, tôi sẽ bị đánh và bị xúc phạm nhân phẩm. Chúng chẳng khác gì tụi IS và Mafia vì chỉ có tụi IS và Mafia mới không có trái tim và không biết rung động khi nhìn thấy đồng loại bị tổn thương.

12h10 phút pm ngày 19/06/2018..

Chủ nhà buộc tôi phải đi khỏi nhà ngay. Tôi không muốn cô chủ nhà và bạn bè tôi bị hành hạ nên tôi đã chuyển nhà ngay trong đêm hôm đó. Có lẽ, chủ nhà phải chịu nhiều nhiều áp lực từ phía công an nên cô mới phải ký biên bản đuổi tôi ra khỏi ra. Biên bản viết: “Tôi đã đuổi đối tượng Trương Thị Hà , sinh năm 199* khỏi nhà…, không cho đối tượng Hà ở trọ tại nhà tôi dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu có thông tin về đối tượng Trương Thị Hà tôi hứa sẽ hợp tác với lực lượng công an để giải quyết sự việc.”

22h:00 ngày 20/06/2018,

4 người bạn ở cùng nhà với tôi cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Tôi thực sự nợ họ một lời xin lỗi. Chỉ vì tôi mà họ bị đuổi ra khỏi nhà. Họ là những người vô tội. Họ chỉ là những cô gái, chàng trai trẻ làm công ăn lương, và không quan tâm đến chính trị nhưng tội của họ là dám chứa chấp một người quan tâm đến chính trị như tôi.
Sau khi biết tôi bị đuổi ra khỏi nhà, nhiều anh chị em ở Sài Gòn gọi điện và nhắn tin giúp đỡ tôi tìm chỗ ở mới. Tôi đã đồng ý nhận sự giúp đỡ từ một người chị không quen biết. Có lẽ, vì chị mang lại cho tôi cảm giác an toàn. Chị mang lại cho tôi cảm giác, dù chị giúp tôi, chị không thấy phiền. Do đó, tôi đã quyết định chuyển đồ đến nhà chị ngay đêm bị đuổi ra khỏi nhà.

Chị và 2 người con nhỏ phụ tôi khiêng đồ lên phòng. Nhà chị ở khu chung cư nên an toàn và sạch sẽ. Tôi được chị, bà và 2 em nhỏ đối xử như người thân ở trong nhà. Thời gian ở nhà chị là khoảnh khắc bình yên nhất của tôi, cảm giác ấy cứ như tôi đang được sống ở gia đình mình thật sự. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm thức dậy, bà đọc kinh thánh và cầu nguyện cho tôi. Sau khi tôi tắm rửa xong là đã có một bữa cơm Bắc thịnh soạn. Đến tối, đi làm về, tôi ngồi xem phim cùng cả nhà, nghe chị đọc chuyện và dạy học cho 2 em. Đêm nào, tôi về muộn, chị gọi điện, nhắn tin và rất lo lắng cho tôi. Dù tôi đến ở, chiếm không gian của một căn phòng, nhưng 2 em nhỏ không bao giờ giận tôi, 2 em chơi đùa với tôi như chị em gái trong nhà vậy. Đến giờ, cảm giác hạnh phúc ấy vẫn còn trong tâm trí tôi. Chẳng biết đến bao giờ, tôi mới có cơ hội trả ơn chị. Chỉ đơn giản là muốn mời bà, chị và 2 em đến nhà tôi chơi, ăn những món ăn miền Bắc do chính tôi nấu và tôi sẽ dẫn cả gia đình chị đi ăn những món ăn nổi tiếng ở Hà Nội như kem Tràng Tiền, bún chả, phở bò…

Dù không gặp chị 1 năm nay, nhưng chị vẫn chủ động nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe và công việc của tôi. Tôi vô cùng xúc động vì chị vẫn nhớ đến tôi và quan tâm tôi như cái ngày tôi bị đuổi ra khỏi nhà. Sài Gòn là vậy, luôn ấm áp tình người. Dù đi đâu, làm gì, tôi vẫn luôn nhớ về Sài Gòn thân thương, đã bao bọc tôi, cho tôi chỗ ở, cho tôi công việc tốt, và cho tôi gặp những con người tốt bụng như chị.

Sài Gòn, ngày 08/06/2019

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular