Friday, December 27, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmÔng Trump bị bắn: Một chương mới đen tối và hiểm nguy...

Ông Trump bị bắn: Một chương mới đen tối và hiểm nguy cho nền chính trị Mỹ

  • Anthony Zurcher
  • Phóng viên Bắc Mỹ

Các viên đạn có thể chỉ sượt qua da cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở bang Pennsylvania vào tối thứ Bảy ngày 13/7 (sáng 14/7 theo giờ Việt Nam), nhưng lại giết chết một người tham dự cuộc mít tinh vận động tranh cử và khiến hai người khác bị thương nặng.

Những viên đạn này đã xé toạc chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, gây tổn hại đến kết cấu văn hóa và xã hội của Mỹ. Ảo tưởng về an ninh và sự an toàn trong nền chính trị quốc gia này – vốn được xây dựng qua nhiều thập kỷ – đã vỡ tan tành.

Ông Trump chỉ bị thương nhẹ. Tuy vậy, bức ảnh do nhiếp ảnh gia Doug Mills của New York Times chụp lại cho thấy viên đạn đã rất gần với đầu của vị cựu tổng thống.

Ông Donald Trump bị bắn: Điều gì đang xảy ra?

Kể từ khi ông Ronald Reagan, tổng thống thứ 40 của Mỹ, bị John Hinkley Jr bắn vào năm 1981 tới nay, chưa từng có hành vi bạo lực kịch tính nào như vậy nhắm đến một tổng thống – hoặc ứng cử viên tổng thống.

Vụ tấn công ông Trump gợi nhớ lại thời kỳ đen tối hơn trong lịch sử nước Mỹ. Hơn nửa thế kỷ trước, anh em nhà Kennedy – một tổng thống và một ứng cử viên tổng thống – đã bị ám sát cũng bằng những viên đạn.

Những nhà hoạt động dân quyền như Medgar Evars, Martin Luther King Jr và Malcom X đều thiệt mạng vì bạo lực chính trị.

Giống như hiện nay, sự phân cực và rối loạn chính trị nghiêm trọng đã làm hoen ố những năm 1960 – thời kỳ mà một khẩu súng và một cá nhân sẵn sàng sử dụng nó có thể làm thay đổi cả tiến trình lịch sử.

Getty Images
Tổng thống John F Kennedy và vợ, bà Jacqueline Kennedy, tại thành phố Dallas, bang Texas vào ngày 22/11/1963. Bức ảnh được chụp chỉ vài phút trước khi ông bị ám sát.

Thật khó để dự báo các tác động của vụ nổ súng hôm 13/7 đối với nước Mỹ cũng như đối với các diễn ngôn chính trị nước này. Đã có những lời kêu gọi lưỡng đảng về việc hạ nhiệt trong diễn ngôn và đoàn kết quốc gia.

Chỉ vài giờ sau vụ việc, Tổng thống Joe Biden – người có thể là đối thủ của ông Trump vào tháng 11 – đã xuất hiện trước ống kính ở bang Delaware để đưa ra tuyên bố với báo chí.

“Loại bạo lực này không có chỗ đứng tại nước Mỹ. Thật bệnh hoạn. Chúng ta không thể như vậy được. Chúng ta không thể dung thứ cho điều này,” ông Biden nói.

Vị tổng thống sau đó đã nói chuyện qua điện thoại với người tiền nhiệm. Ông Biden đã rút ngắn kỳ nghỉ cuối tuần ở bãi biển và trở lại Nhà Trắng vào khuya thứ Bảy ngày 13/7 (giờ Mỹ).

Nhưng vụ nổ súng cũng đã nhanh chóng bị biến thành một cuộc chiến mang tính đảng phái trần trụi, vốn là đặc trưng của nền chính trị Mỹ trong những thập kỷ gần đây.

Một số chính trị gia Đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho các đảng viên Dân chủ – những người đã sử dụng lời lẽ gay gắt khi nêu ra các mối đe dọa mà ông Trump có thể gây ra cho nền dân chủ Mỹ.

Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance, người được cho là nằm trong danh sách rút gọn để trở thành phó tổng thống của ông Trump, viết trên mạng xã hội:

“Tiền đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Biden là Donald Trump là một kẻ phát xít độc tài phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Ngôn từ đó đã trực tiếp dẫn đến âm mưu ám sát ông Trump.”

Chris LaCivita, người quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, nói rằng “các nhà hoạt động cánh tả, các nhà tài trợ của Đảng Dân chủ và thậm chí cả ông Joe Biden” cần phải chịu trách nhiệm trước thùng phiếu vào tháng 11 vì “những nhận xét kinh tởm”, mà theo quan điểm của ông, đã dẫn đến vụ nổ súng tại Butler.

Các đảng viên Dân chủ có thể phản đối lập luận này. Nhưng nhiều người cánh tả đã sử dụng ngôn từ tương tự để mô tả tội ác trong luận điệu mà phe cánh hữu đã dùng hàng tháng trời trước khi nữ Dân biểu Dân chủ Gabby Giffords bị bắn suýt chết tại bang Arizona vào năm 2011.

Getty Images
Tổng thống Biden đã cắt ngắn kỳ nghỉ cuối tuần để trở về Nhà Trắng ngay trong tối 13/7 (giờ Mỹ)

Vụ nổ súng ở bang Pennsylvania chắc chắn sẽ phủ bóng đen lên Đại hội Đảng Cộng hòa, sự kiện bắt đầu vào thứ Hai ngày 15/7. Các biện pháp an ninh sẽ được thắt chặt và các cuộc biểu tình gần địa điểm này có thể sẽ mang theo điềm báo nào đó.

Cả nước thậm chí sẽ chú ý hơn khi ông Trump bước lên sân khấu vào tối thứ Năm ngày 18/7 (với tư cách là ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa).

Hình ảnh vị cựu tổng thống với gương mặt dính máu, giơ cao nắm đấm, chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm của Đại hội Đảng Cộng hòa ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin).

Eric Trump – con trai vị cựu tổng thống Mỹ – đã đăng hình cha mình lên mạng xã hội với chú thích: “Đây là chiến binh mà nước Mỹ cần.”

Cơ quan Mật vụ Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát gắt gao về cách xử lý an ninh tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Một cá nhân với một khẩu súng trường có sức công phá lớn lại có thể tiếp cận ứng viên tổng thống ở khoảng cách gần.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson hứa rằng cơ quan của ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ. Những cuộc điều tra đó sẽ mất thời gian.

Nhưng hiện tại, có một điều rõ ràng: trong một năm bầu cử với nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ, nền chính trị Mỹ đã có một bước ngoặt mới đầy chết chóc.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular