Blog VOA
Sau biến cố Thiên An Môn vào mùa xuân năm 1989, Đặng Tiểu Bình và phe diều hâu tại Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch tẩy sạch, bên ngoài là càn quét các phong trào dân chủ, nhất là giới lãnh đạo sinh viên, và bên trong là thanh trừng phe cải cách, cấp tiến trong nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo các dẫn chứng trong tác phẩm “Cuộc chạy đua 100 năm” của tiến sĩ Michael Pillsbury thì trong vòng một năm sau đó, họ đã tìm cách kiểm soát thông tin chặt chẽ, đóng cửa 12 phần trăm tổng số báo chí, 76 phần trăm các nhà xuất bản, 13 phần trăm các tạp chí khoa học định kỳ, tịch thu 32 triệu cuốn sách, cấm 150 bộ phim, và trừng phạt 80 ngàn người vì các hoạt động liên quan đến truyền thông.
Tổng thống George H Bush lúc đó khá bị động, và các chính sách đối phó khá chậm chạp. Theo Ts Pillsbury thì ông Bush chủ yếu lắng nghe Richard Nixon, chỉ huy cũ của ông. Trong nhật ký của mình, ông Bush cho biết ông Nixon cố vấn như sau: “Không nên gây gián đoạn quan hệ. Những gì diễn ra đã bị xử lý rất tồi và đáng chê trách, nhưng nên nhìn ở đường dài”. Nixon nhấn mạnh quan hệ tốt trên đường dài mới là quan trọng.
Trong khi đó thì một xu hướng diều hâu, chủ nghĩa dân tộc cực đoan (ying pai, hypernationalism) đã phát triển như một trường phái tư tưởng khoảng đầu thập niên 1980, xem cung cách sống và văn hóa của Mỹ là “ô nhiễm tinh thần”, mà sẽ hủy hoại Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, tuy không phải là thành viên của nhóm chống lại Hoa Kỳ này, nhưng sau biến cố Thiên An Môn, bắt đầu tin rằng Hoa Kỳ muốn dựt sập ĐCSTQ, nên đã ủng hộ khuynh hướng này. Triệu Tử Dương thì bị quản thúc tại gia cho đến khi lìa trần. 20 năm sau biến cố Thiên An Môn, giáo sư Andrew Nathan, một chuyên gia về Trung Quốc, cùng với một chuyên gia nổi tiếng khác là giáo sư Perry Link, một giáo sư hàng đầu về Hán học, cho xuất bản “Tài liệu về Thiên An Môn” và các tài liệu liên hệ khác. Lúc đó giới tinh hoa và nghiên cứu, cũng như giới tình báo Hoa Kỳ, về Trung Quốc mới thật sự hiểu những gì đã diễn ra đối với Triệu Tử Dương và bao nhiêu nhà đối kháng ủng hộ cho xu hướng dân chủ khác, điều mà họ không nắm rõ thời đó. Ts Pillsbury thừa nhận rằng vào thời đó ông cũng dễ tin, và vẫn duy trì ảo tưởng rằng lãnh đạo chính trị Trung Quốc lúc đó phản ứng quá đà, chứ trước sau gì họ cũng sẽ đi theo con đường dân chủ mà thôi. Không phải chỉ mình ông mà đại đa số thành phần tinh hoa và tình báo Hoa Kỳ đều suy nghĩ như thế vào thời điểm đó. Vì tin như thế nên dù có bao nhiêu bằng chứng khác, họ vẫn gạt sang một bên những gì không ủng hộ quan điểm của họ. Ts Pillsbury xác nhận đây là một trong những thất bại e chề của giới tình báo Hoa Kỳ.
Nhiều nhà cải cách của Trung Quốc đã bị kết án và bị quản thúc tại gia, trong khi đó một số trí thức trước đây từng phục vụ trong các cơ quan nghiên cứu của ĐCSTQ tìm cách trốn ra nước ngoài. Trước biến cố Thiên An Môn, rất nhiều trong số này khi đến Hoa Kỳ đều kết luận tương tự, rằng Trung Quốc đang trên đường đi đến một nền kinh tế thị trường, bầu cử (tự do) và sẽ hợp tác rộng rãi hơn nữa. Nhưng sau biến cố này, một số nhà đào ngũ đã trình bày các suy nghĩ khác, đáng quan ngại hơn trước, nhưng ngay cả thế, giới tình báo CIA và nhân viên hàng đầu Lầu Năm góc từ chối lắng nghe quan điểm này.
Thường, người đào ngũ với chức vụ cao đòi hỏi nhiều, nhất là nhiều tiền. Ai cũng tự cho mình biết nhiều tài liệu mật hơn và quan trọng hơn những người khác. Nhưng có một người, tạm gọi là ông Trắng (Mr White), chỉ yêu cầu được tị nạn chính trị, một tên mới, một nhà ở, một công việc có lương tương đối, và dĩ nhiên một câu chuyện để giới tình báo Trung Quốc thuyết phục rằng ông ấy đã chết. Ông Trắng đến văn phòng của trụ sở chính của FBI vào đầu thập niên 1990, lầu 8, đường Pennsylvania Avenue. Ts Pillsbury kể lại buổi họp này khác thường. Tất cả các chuyên gia về Trung Quốc thuộc nhiều bộ và ban ngành khác nhau được mời đến để lắng nghe và đánh giá các thông tin mật về phần trình bày của các nhà đào ngũ từ Trung Quốc. Buổi họp dự trù một tiếng kéo dài thành ba tiếng.
Ông Trắng là một trong những các đối tượng chính để thảo luận. Ngoại trừ cặp mắt ông láo liết và các ngón tay ông rung rung khi tiết lộ chi tiết, ông có vẻ khả tín. Một số tin mật ông tiết lộ thì có thể kiểm chứng được: như danh tánh của một số tình báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ; cách sắp xếp các phòng họp và chi tiết hệ thống điện thoại mật mà giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc sử dụng; ông nhận diện được các tài liệu mật của Trung Quốc mà Hoa Kỳ đã lấy được; phân biệt cái nào thật cái nào giả một cách dễ dàng; ông còn qua được máy kiểm tra nói thật/dối. Vấn đề duy nhất mà giới tình báo Hoa Kỳ có với ông lúc đó là những thông tin tình báo mới mà ông trình bày. Họ không tin những điều ông nói.
Ông Trắng cho biết trong vòng ba năm, từ năm 1986 đến 1989, đã có cuộc đấu đá trong nội bộ Bộ Chính trị của ĐCQTQ về chiến lược nào cho tương lai. Được đọc các tài liệu mật về các cuộc họp và tranh luận ở cấp cao, ông Trắng trình bày sức mạnh của phe diều hâu; những nỗ lực rộng khắp của họ để dập tắt xu hướng ủng hộ Hoa Kỳ trong nước; khủng hoảng Thiên An Môn đã làm lung lây sự ổn định nội địa Trung Quốc; và Đặng Tiểu Bình đang nghiên về phía phe diều hâu trong đảng. Ông biết luôn cả vai trò của từng tên diều hâu, và làm cách nào mà họ khống chế thành phần ôn hòa. Nhưng ông cứ tưởng rằng bằng cách nào đó Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho các nhà cải cách thật sự. Ông Trắng giả định Hoa Kỳ biết nhiều về nội tình chính trị của Trung Quốc, và niềm hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ cứu giúp khuynh hướng cải cách. Kkhi nghe lời điều trần của ông Trắng thì chính Ts Pillsbury cũng cảm thấy xót xa vì toàn tình báo Hoa Kỳ không biết về những điều này.
Ông Trắng còn cho hay Đặng Tiểu Bình có những kế hoạch táo bạo để phổ biến rộng rãi quan điểm chủ nghĩa cực đoan của phe diều hâu Trung Quốc. Ông Trắng cũng đã tham dự các cuộc họp mật tập trung thảo luận làm sao để phục hồi Khổng Tử như là một anh hùng dân tộc, sau bao nhiêu thập niên ĐCSTQ (chủ trương của Mao Trạch Đông) tấn công vào văn hóa Khổng Giáo và tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo. Theo Ts Pillsbury thì việc ĐCSTQ viết lại lịch sử là điều không có gì lạ, vì sau khi nắm quyền vào năm 1949, một đội ngũ sử gia Trung Quốc cải tác lại lịch sử, nhấn mạnh rằng tất cả những tiến bộ đều đến từ cuộc kháng chiến của nông dân. Nhưng với những gì ông Trắng trình bày, nó quá rộng khắp đến độ thách thức cả sự nhẹ dạ. ĐCSTQ từ khi ra đời cho đến nay cho rằng họ đã đoạn tuyệt với quá khứ thì làm sao bây giờ họ trở lại ôm lấy nó? Ý thức hệ Cộng sản đã được âm thầm gạt bỏ để nhường chỗ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ vì sự tồn vong của chính quyền? Nếu vậy, Trung Quốc đỏ, thật ra, không còn đỏ lắm. Cho nên những gì ông Trắng trình bày có vẻ khó tin và khó thuyết phục, nhất là vào thời điểm đó, ngay cả với những người dễ tin.
Trong bài kế tiếp, tôi sẽ trình bày về bà Xanh và các vấn đề liên hệ.
(Úc Châu, 23/10/2018)
Tài liệu tham khảo:
Bài viết này chủ yếu dựa vào chương 4: Mr White and Ms Green, trang 84 đến 102, của tác phẩm “Cuộc chạy đua một trăm năm” của Michael Pillsbury, “The Hundred Year Marathon”, Henry Holt and Company, February 2015.
Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.
Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.
Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.
Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.