Home DIỄN ĐÀN Ông Minh Tuệ tu pháp gì?

Ông Minh Tuệ tu pháp gì?

0
14

Thái Hạo

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Báo Dân Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Gia Quang nói: “trong lịch sử Phật giáo, có pháp tu hạnh đầu đà. Pháp tu hạnh đầu đà từng tồn tại trong lịch sử và gắn liền với hình ảnh của Phật Thích Ca Mâu Ni ở giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu, Phật cũng tu hạnh đầu đà nhưng rồi Ngài nhận thấy việc ép xác khổ hạnh đó không đem đến giải thoát và giác ngộ, không đạt được chân lí tối hậu của Ngài nên Ngài từ bỏ hạnh ấy để chọn lối tu trung đạo” (*). Liệu nhận định này của hòa thượng Thích Gia Quang có đúng không, và nên hiểu thế nào về cách tu khổ hạnh của hành giả Minh Tuệ?

1. Khổ hạnh theo cách của Đức Phật

Trang Thư viện hoa sen viết về lối tu khổ hạnh của Đức Phật trước khi giác ngộ: “Ban đầu ông chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm; nhưng sau đó người chấm dứt hoàn toàn không ngủ nghỉ gì hết. Thường khi sa môn dùng mỗi ngày một bữa ăn thanh đạm, nay người cũng không ăn nữa. Ông chỉ dùng vài hạt ngũ cốc và trái nạc do gió thổi vào vạt áo của người.

Sa môn ngày càng trở nên ốm gầy. Thân thể của ông mất đi vẻ đẹp trong sáng, bao phủ đầy bụi đất và bẩn thỉu. Nhìn sa môn chẳng khác gì một bộ xương đang sống. Nhưng người vẫn không từ bỏ sự tu hành khổ hạnh” (1).

Trên đây là những mô tả về giai đoạn khổ hạnh của Phật mà chúng ta có thể gặp ở rất nhiều sách vở Phật giáo, và chúng cơ bản thống nhất, sự sai khác (nếu có) thường không đáng kể.  

Và vì thế, ngay cả trang web Chùa Ba Vàng (2019) trong bài “13 Pháp hạnh đầu đà: Những lợi ích tối thượng giúp cho hành giả tu tập” cũng viết: “Năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, Ngài đã thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh theo quan điểm tu tập lúc bấy giờ: Hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, ngày ăn một hạt đỗ hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói,… Và khi ấy Ngài đã đạt tới khổ hạnh bậc nhất thời bấy giờ.

Bởi quan niệm lúc bấy giờ là phải thật khổ thì mới đắc đạo. Và Ngài đã tinh tấn tu hành khổ hạnh đến đỉnh điểm, không ai hơn được nhưng cuối cùng thân thể Ngài tiều tụy, thậm chí là suýt chết” (2).

Tóm lại, cái gọi là “khổ hạnh” mà Phật từng thực hành (và đã có trước đó rất lâu) là lối khổ hạnh ép xác, tự hủy hoại thân thể, nó cực đoan và làm cho hành giả bị suy kiệt, thân tàn ma dại. So sánh sẽ thấy rằng, lối tu này khác hẳn với lối tu “13 hạnh đầu đà” mà ông Minh Tuệ đang hành trì. Ông Minh Tuệ là thiểu dục tri túc, chú ý nuôi sống thân mạng và rèn luyện sức khỏe một cách rất tích cực chứ hoàn toàn không có sự đày đọa bản thân để phá hủy nó như lối khổ hạnh mà Phật đã từng mất 6 năm để thực hành và suýt bỏ mạng.

2. 

Đặc biệt, cũng bài báo (2) của chùa Ba Vàng khẳng định: “Lúc ấy, Ngài giác ngộ ra rằng, tu khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích. Vì thế, Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan và quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tức là nuôi dưỡng thân này có đủ sức khỏe để hành các Pháp. Cuối cùng, Ngài thành tựu đạo quả nhờ Pháp tu trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành 13 hạnh đầu đà”.

Như vậy, theo bài báo của chùa Ba Vàng, thì tu hạnh đầu đà là đồng nghĩa với trung đạo, nó khác với khổ hạnh cực đoan mà Phật từng theo đuổi.

Nhận định này trên trang chùa Ba Vàng là đúng, vì chúng ta có thể kiểm tra trên nhiều tài liệu khác nhau để thấy sự thống nhất. Và cũng trong bài này, dẫn từ kinh điển, chùa Ba Vàng đã hết lời tán thán những “công đức tối thượng” của pháp tu 13 hạnh đầu đà. Xin lưu ý, tôi dẫn chùa Ba Vàng là có lý do.

3. Trung đạo là gì

Trong bài trả lời báo Dân Việt, Hòa thượng Thích Gia Quang nói không cổ xúy khổ hạnh (cực đoan) mà chủ trương Trung đạo. Vậy Trung đạo là gì? 

Trong bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo, giảng cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh thuở trước nhưng hiện vẫn chưa giác ngộ, Đức Phật nói:

“Này các bạn đồng tu, có hai cực đoan mà người xuất gia không nên vướng mắc. Đó là hai cực đoan nào? Một là đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. Mặt khác là chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không lợi ích.

“Này các bạn đồng tu, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung đạo chính là con đường khiến cho ta thấy và biết, con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” (3).

Trung đạo là một khái niệm sâu rộng, vì liên quan cả đến cách thức tư duy và quan niệm về vũ trụ, nhân sinh…; còn xét riêng về phương pháp tu, trung đạo là một lối sống hài hòa, không đắm nhiễm dục lạc nhưng cũng không hành hạ thân xác một cách cực đoan. 

Vậy Trung đạo căn cứ vào đâu? Căn cứ vào Bát chánh đạo. Sống và tu hành như Bát chánh đạo chỉ bày chính là đang thực hành Trung đạo. Và trong Bát chánh đạo thì liên quan nhiều nhất và trực tiếp đến hạnh đầu đà là Chánh mạng (cách thức đúng đắn nhất để nuôi sống thân mạng). Ở nội dung này chúng tôi xin dẫn ngay một bài viết trên trang Thiền Tôn Phật Quang (2015) của Thượng tọa Thích Chân Quang, bài này cũng chính là do ông Thích Chân Quang soạn dưới dạng thơ ngũ ngôn. Về chánh mạng, trích 3 khổ liên quan đến lối sống mà tu sĩ phải thật hành: “Riêng tỳ kheo tu sĩ/ Chỉ khất thực xin ăn/ Chớ suy tính kinh doanh/ Mà sai đường xuất thế. Nhưng sa môn khất thực/ Không luồn cúi thấp hèn/ Mà đĩnh đạc uy nghi/ Bất cần và thanh thản. Đem cuộc đời thanh tịnh/ Giáo hóa khắp chúng sinh/ Đổi lấy bát cơm lành/ Ung dung đường thiên lý” (4).

Vì sao tôi dẫn từ trang Thiền Tôn Phật Quang và chính lời Thượng tọa Thích Chân Quang nói? Có mấy lẽ: một, là vì những điều nói trên là không sai với kinh điển; hai, vì đây chính là lời của…chính Thượng tọa Thích Chân Quang!

4. Ông Minh Tuệ tu pháp gì?

Trong bài trả lời phỏng vấn với báo VnExpress, ông Minh Tuệ nói “Con làm theo lời Phật Thích Ca dạy, học tập theo ngài. Tập theo ba y một bát, sống ở gốc cây, sống ở nghĩa địa, sống ở rừng núi, sống ở hang đá, bãi tha ma, bãi đất trống; tập học 13 cái hạnh đầu đà, tổng trì tất cả các pháp, cả niệm Phật, Tất cả những gì Phật Thích Ca dạy con đều học cả” (5). 

“Tổng trì tất cả các pháp”, theo nghĩa trong văn cảnh của bài trả lời phỏng vấn này, là học và hành theo tất cả những gì Phật dạy, chứ không phải chỉ có 13 hạnh đầu đà như mọi người thường hay nhắc tới với ý nghĩ rằng ông Minh Tuệ chỉ tu theo mỗi cái pháp ấy. Trong nhiều clip trên mạng ông cũng nói rằng ông tu Tổng trì, ông đọc Tam tạng kinh điển và hiểu tới đâu thì thực hành tới đó.

Như thế, việc cho rằng ông Minh Tuệ chỉ tu mỗi một pháp đầu đà là không chính xác. Điều này cũng đã dẫn đến nhiều bàn cãi/ bàn tán xung quanh pháp tu này của hành giả Minh Tuệ. 

Thực ra việc ông Minh Tuệ tu theo pháp môn nào không phải là điều quan trọng. Cốt yếu của vấn đề là ông ấy có đang giữ gìn đúng giới luật mà Phật chế hay không. “Tám vạn bốn ngàn pháp môn” với một rừng kinh sách như thế thì việc vận dụng sẽ vô cùng phong phú, thiên biến vạn hóa. Cho nên, căn cứ để xem một người có đang tu hành một cách chân chánh hay không là cứ nhìn vào giới luật của họ. 

Phật pháp rộng lớn bao la nhưng tựu lại cũng chỉ nằm trong Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Ai đang tu học theo 6 chữ này thì người đó đang thực hành đúng với giáo lý của Phật. Ngược lại là tà pháp, “tà tư duy”.

Thay vì cứ bàn mãi về pháp tu của ông Minh Tuệ thì tốt hơn có lẽ nên xem tu sĩ Phật giáo hiện nay ở ta có đang giữ gìn giới luật hay không, có làm đúng theo “lời Phật dạy” hay không. Hoặc xem có làm đúng như trong Bát chánh đạo mà Thượng tọa Thích Chân Quang y theo kinh điển mà giảng hay không, rằng: “Riêng tỳ kheo tu sĩ/ Chỉ khất thực xin ăn”. Như thế là được!

(*) https://danviet.vn/pho-chu-tich-hoi-dong-tri-su-ghpgvn… 

(1) https://thuvienhoasen.org/p22a12174/15-sau-nam-tu-kho-hanh 

(2) https://chuabavang.com/loi-ich-cua-13-phap-tu-kho-hanh… 

(3) https://giacngo.vn/trung-dao-trong-kinh-a-ham-post44029.html

(4) https://thientonphatquang.com/kinh-bat-chanh-dao/ 

(5) https://vnexpress.net/ong-thich-minh-tue-noi-chua-tung… 

Thái Hạo