Xin chào các Bạn
Tôi xin giới thiệu một chút về bản thân, Tôi là Cường, hiện đang làm trong lĩnh vực Tài Chính Ngân Hàng với thâm niên gần 15 năm, 7 năm tuổi nghề đầu tư BĐS và nợ ngày càng nhiều. Sở dĩ tôi muốn chia sẻ một chút thông tin về bản thân bởi bài viết dưới đây của tôi sẽ đứng ở góc độ của cả ba bên trong một giao dịch bao gồm: Ngân Hàng – Khách hàng – Nhân viên Ngân hàng để giải quyết bài toán mà phần lớn mọi người rất quan tâm: VỐN.
Seri bài viết của tôi sẽ đi vào trả lời 3 câu hỏi được mọi người rất quan tâm, bao gồm:
1. Nên vay vốn ở ngân hàng nào?
2. Nên vay bao nhiêu? Vay bao lâu?
3. Những vấn đề cần lưu ý trong quá trình làm việc với Ngân hàng.
I. Nên vay vốn ở Ngân hàng nào?
Trong lĩnh vực tín dụng, bản chất của ngân hàng là kinh doanh rủi ro trên nguyên tắc: Rủi ro cao lợi nhuận cao và ngược lại. Vậy nên các ngân hàng đều tập trung đến một phân khúc khách hàng nhất định và tương ứng với một cơ chế lãi suất phù hợp với mức chấp nhận rủi ro của ngân hàng đó. Thông thường Ngân hàng sẽ đánh giá khách hàng dựa trên một số tiêu chí bao gồm
• Mục đích vay vốn (Vay tiền để làm gì)
• Khả năng tài chính bao gồm tài sản tích lũy và khả năng chứng minh thu nhập
• Uy tín của khách hàng (thông tin lịch sử tín dụng và các nguồn thông tin khác)
• Tài sản đảm bảo
Thị trường Ngân hàng hiện tại có thể tạm chia thành bốn nhóm như sau:
Nhóm 1: Ngân hàng nước ngoài: (Shinhan Bank, Standartcharterd, Hongleong, UOB…) nhóm này tập trung vào phân khúc khách hàng tốt, có khả năng thỏa mãn những tiêu chí phía trên một cách rõ ràng, minh bạch. Đi kèm với đó là chính sách lãi suất thấp, ổn định trong dài hạn (Cố định tới 3 hoặc 5 năm) và phí trả nợ trước hạn ở mức tương đối cao.
Nhóm 2: Ngân hàng Thương mại nhà nước (Vietcombank, Viettinbank, BIDV, Agribank) Chính sách phê duyệt có phần linh hoạt và lựa chọn đa dạng phân khúc khách hàng hơn. Đáp ứng được yêu cầu của phân khúc khách hàng từ trung bình khá tới tốt với chính sách lãi suất nhỉnh hơn nhóm Ngân hàng nước ngoài nhưng thấp hơn đáng kể nhóm TMCP còn lại. Phí trả nợ thường thấp, thậm chí miễn phí.
Nhóm 3: Ngân hàng TMCP thuộc Top 10 (Techcombank, VPbank, MB, VIB, Sacombank, Tienphong, Eximbank, HDBank…) Đối tượng khách hàng của nhóm ngân hàng này từ trung bình khá tới tốt, tuy nhiên chính sách phê duyệt nhanh, thông thoáng hơn, lãi suất thường sẽ ưu đãi trong thời gian ngắn (6 tháng – 12 tháng) sau đó thả nổi ở mức cao hơn nhóm TMCP nhà nước. Phí trả nợ cao.
Nhóm 4: Ngân hàng TMCP còn lại có lợi thế với phân khúc khách hàng trung bình với thu nhập ở mức thấp, khó chứng minh thu nhập hoặc có lịch sử tín dụng không tốt. Đương nhiên lãi suất, phí trả nợ trước hạn sẽ cao hơn nhóm TMCP top đầu.
Vậy khi làm việc với ngân hàng, bạn cần hiểu rõ bản thân mình ở hai điểm:
• Xác định bản thân mình thuộc nhóm khách hàng tốt, khá hay trung bình (chủ yếu dựa trên 2 yếu tố chính là khả năng chứng minh thu nhập và tài sản đảm bảo). Nếu thu nhập của bạn từ lương chuyển khoản, cho thuê tài sản (Nhà, đất, hoặc xe…) hoặc kinh doanh quy mô lớn. Hãy mạnh dạn làm việc với các ngân hàng nước ngoài
• Kế hoạch tài chính của bạn: Nếu bạn có dòng tiền dự kiến về trong thời gian ngắn hoặc phương án đầu tư trong ngắn hạn, bạn nên quan tâm hơn tới những ngân hàng có mức phí trả nợ trước hạn thấp dù lãi có cao hơn chút xíu. Nếu bạn có thu nhập ổn định hàng tháng và chưa có kế hoạch dòng tiền đột biến, hãy chọn những ngân hàng có thời gian ưu đãi lãi suất thấp và dài hạn (cố định 2 năm, 3 năm hay 5 năm) để giảm thiểu rủi ro biến động lãi suất.
Việc nên hiểu nhu cầu của bản thân và hiểu khả năng của mình sẽ giúp bạn lựa chọn được phương án tối ưu. Không có ngân hàng tốt nhất mà chỉ có ngân hàng phù hợp với nhu cầu của mình nhất.
II. Nên vay bao nhiêu? Vay bao lâu?
1. Vay bao nhiêu?
Phụ thuộc vào 2 điểm: Nhu cầu của bạn và khả năng trả nợ hàng tháng của bạn.
VD: Thu nhập của bạn 10 đồng, bạn chỉ nên dành ra tối đa 7 đồng để trả gốc lãi cho tất cả các nghĩa vụ của ngân hàng. 3 đồng còn lại phải đủ đảm bảo chi phí sinh hoạt của gia đình bạn hàng tháng và dư một khoản dự phòng cho các nhu cầu phát sinh VD: Ma chay, hiếu hỉ, ốm đau bệnh tật. Cuộc sống khi đã có nợ nần sẽ rất khác so với trước khi vay, bạn cần có kế hoạch tài chính cụ thể để tránh áp lực quá lớn dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm. Suy cho cùng, mọi nỗ lực của chúng ta là để cuộc sống tốt hơn. Nếu đầu tư kiếm được tiền mà chất lượng cuộc sống giảm nhiều, gia đình lục đục… thì tiền nhiều để làm gì?.
2. Vay bao lâu?
Phần lớn mọi người sợ vay lâu vì phải trả lãi nhiều. Tuy nhiên bạn nên cân nhắc kéo dài thời gian vay, thậm chí vay dài tối đa có thể vì những lý do sau:
• Giảm áp lực trả nợ hàng tháng, qua đó hạn chế ảnh hưởng việc trả nợ tới chất lượng cuộc sống
• Giúp bạn chủ động trong các phương án đầu tư, có thể thời gian tới bạn có những cơ hội đầu tư tốt nhưng không có khả năng tiếp cận vốn do thu nhập không đủ để vay thêm => mất cơ hội.
Rõ ràng việc vay dài, tiền lãi sẽ phát sinh nhiều hơn tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể tính phương án tích lũy một số tiền nhất định và trả trước hạn. Và trong quá trình tích lũy, bạn có thể gửi tiết kiệm để tối ưu chi phí. Phần chênh giữa gửi tiết kiệm và tiền lãi vay khoảng 2%-3% là khoản chi phí cơ hội mà bạn phải bỏ ra.
Trong bài viết thứ nhất, tôi xin phép chia sẻ phần trả lời của hai vấn đề đầu tiên, rất mong nhận được sự góp ý, tương tác của các bạn để tôi có động lực làm tốt hơn ở những bài viết sau.
Cuong Nguyen Ngoc An Cư Group, nếu các bạn thấy bài viết giá trị thì Share để lan tỏa An Cư