Khẩu trang che mặt là một công cụ lợi hại, nhưng các cơ quan y tế không nên bỏ qua những lý do khiến một số người từ chối sử dụng nó.
Ngày 23 tháng 6, 2020
Julia Marcus, nhà dịch tễ học và giáo sư tại Trường Y Harvard
The Atlantic
Tuần trước, cựu cầu thủ bóng chày MLB Aubrey Huff đã tuyên bố trên Twitterrằng anh sẽ không đeo khẩu trang trong bất kỳ cơ sở kinh doanh nào nữa. “Cưỡng chế chúng tôi [đeo khẩu trang] là vi hiến,” anh viết, “hãy ngừng trò nhảm nhí này ngay! Ai ủng hộ tôi không?” Trong một video phát tán trên mạng vào ngày hôm sau, anh ta nói rằng những người chỉ trích đã cố bôi nhọ anh ta vì “đe dọa mạng sống của hàng triệu người dân vô tội” và khăng khăng rằng anh thà chết vì coronavirus còn hơn phải “đeo cái khẩu trang chết tiệt.”
Hàng ngàn người đã đáp trả Huff. Nhiều người gọi anh là một sự ô nhục xã hội vì đã coi thường cộng đồng của anh, thoái thác nghĩa vụ công dân và đặt Bà Ngoại anh vào nguy hiểm. Sự phẫn nộ đối với những người không chịu đeo khẩu trang cũng dễ hiểu, và hạ nhục người khác có thể khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm trong lúc này. Tuy nhiên, những phản hồi đó đã không giúp thuyết phục Huff đeo khẩu trang trở lại. Thay vào đó, chúng đã đánh trúng vào những điều anh ta chỉ ra về hình ảnh những chuyên gia sức khoẻ “trịch thượng”, thích chỉ trỏ, đang muốn lấy đi sự tự do của những người Mỹ bình thường.
Trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe, một số người sẽ nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi lớn trong các chuẩn mực hành vi. Nhưng những thói quen đã có từ lâu, như việc không đeo khẩu trang vào cửa hàng tạp hóa, rất khó để phá vỡ và cho đến gần đây, rất ít người Mỹ lớn tuổi đã được kêu gọi làm như vậy. Nhưng một số đã tuân theo, và sự so sánh này sẽ rất hữu ích.
Người Mỹ đang tìm cách để sống chung với một loại virus chết người, giống như những người đồng tính nam trong những năm đầu của đại dịch AIDS. Kiêng cữ quan hệ tình dục là giải pháp không bền vững, và bao cao su là chiếc vé giúp họ tự do hơn trong tình dục quan hệ tình dục. Tương tự như vậy, người Mỹ không thể kiêng cữ tương tác xã hội mãi mãi, và việc đeo khẩu trang rộng rãi có thể là một chiếc vé dẫn đến tự do kinh tế và xã hội. Nhưng việc hạ nhục để buộc người ta đeo bao cao su đã không có tác dụng, và nó cũng sẽ không hiệu quả đối với khẩu trang.
Các thông điệp y tế công cộng xung quanh khẩu trang trong đại dịch coronavirus vẫn mù mờ và rối rắm. Chính phủ liên bang đã đề nghị công chúng không dùng khẩu trang vào tháng 3, với một số quan chức y tế công cộng cho rằng họ thậm chí có thể gây hại nhiều hơn là lợi. Nhưng ngày càng nhiều công trình khoa học, bao gồm bằng chứng cho thấy mọi người có thể truyền virus cả khi họ không có triệu chứng, đã chỉ ra rằng khẩu trang là một công cụ quan trọng để giảm thiểu việc lây truyền coronavirus, đặc biệt là khi kết hợp với giãn cách xã hội, vệ sinh tay và các chiến lược phòng ngừa khác. Thật vậy, những quan ngại về sức khỏe cộng đồng có thể biện minh cho lệnh buộc đeo khẩu trang trong một số bối cảnh, bao gồm những không gian trong nhà có nhiều người tụ tập trong thời gian dài. Nhưng các mệnh lệnh này có một nhược điểm lớn: Bất kỳ sự cưỡng chế nào cũng có thể gây ảnh hưởng không tương xứngđến các cộng đồng đã bị thiệt thòi, và một số người Mỹ – bao gồm một số viên chức dân cử ở các bang phải đối mặt với những đợt dịch nghiêm trọng – tin rằng đòi hỏi mọi người đeo khẩu trang là một sự vi phạm quyền tự do dân sự. Trong thực tế, nếu muốn người Mỹ đeo khẩu trang, các quan chức y tế công cộng sẽ phải thuyết phục chứ không nên ép buộc.
Điều này sẽ không hề dễ dàng. Khi tổng thống chế giễu những người đeo khẩu trang vì họ trông yếu đuối, và coi việc che mặt là một tuyên bố chính trị để chống lại ông, không có gì ngạc nhiên khi một số người Mỹ lớn tiếng từ chối đeo nó. Những người từ chối đeo khẩu trang thường bảo thủ về chính trị hơn, một xu hướng đáng lo ngại khi các trường hợp nhiễm và nhập viện mới do coronavirus đang tăng vọt ở một số tiểu bang cộng hoà, những nơi các lệnh buộc mang khẩu trang ít có khả năng được áp dụng nhất. Như một nhóm nghiên cứu đã tìm ra, đàn ông đặc biệt dễ từ chối đeo khẩu trang, tin rằng điều đó là “nhục nhã”,” là “một dấu hiệu của sự yếu đuối,” và “không ngầu,” mặc dù đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ vì coronavirus. Một biểu hiện tương tự đã xuất hiện trong các đại dịch trước đó và trên các lĩnh vực sức khỏe khác: Đàn ông, đặc biệt là những người tán thành các chuẩn mực nam tính truyền thống, ít có khả năng tham gia vào các hành vi bảo vệ sức khỏe hơn phụ nữ .
Nhưng ngay cả những người đàn ông võ biền như Huff, người đã tuyên bố trên Twitter, “Tôi ủng hộ Toxic Masculinity (những nam tính gây hại), cũng không miễn nhiễm với lời khuyên về sức khỏe cộng đồng: Trong video của mình, anh ta dường như đang thắt dây an toàn. Tuy nhiên, dây an toàn có lợi trực tiếp cho người dùng, trong khi khẩu trang chủ yếu là để bảo vệ người khác, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khiến họ dễ bị nhiễm coronavirus. Huff dường như hiểu điều này; anh ta chỉ đang nghĩ những người đó nên “ở nhà hết đi.” Như dân biểu Tom Rice, một người Cộng Hòa từ South Carolina, nói với tờ The Wall Street Journal sau khi từ chối đeo khẩu trang trên sàn Hạ Viện và đã bị nhiễm coronavirus, “khẩu trang không hẳn là bảo vệ bạn mà đa phần nó dùng bảo vệ người khác. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt.” Thông điệp rằng khẩu trang chủ yếu là để bảo vệ người khác dường như đã được chấp nhận; Những người đàn ông này chỉ đơn giản là chọn không làm như vậy.
Dù vậy, hạ nhục người khác để họ có hành vi lành mạnh hơn thường không hiệu quả, trái lại, nó có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Các chuyên gia y tế công cộng đã học bài học này trước đây. Năm 1987, Quốc hội đã cấm sử dụng quỹ liên bang cho các chiến dịch phòng chống HIV có khả năng “thúc đẩy hoặc khuyến khích, trực tiếp hoặc gián tiếp, các hoạt động đồng tính luyến ái.” Do đó, các chiến dịch y tế công cộng đã tránh dùng hình ảnh và thông điệp tích cực về tình dục, và thay vào đó, việc sử dụng bao cao su đã gây liên tưởng đến đức hạnh, và tình dục mà không có bao cao su bị cho là vô trách nhiệm, dẫn đến bệnh tật và tử vong. Theo một poster đặc biệt gây kinh sợ có hình ảnh của một bia mộ: “Tiếng xấu không phải là tất cả những gì bạn sẽ mang từ việc ngủ lang chạ.” Nhưng những thông điệp sức khỏe mang tính giảng đạo, gây sợ hãi thường không có hiệu quả. Các chiến dịch phòng chống HIV khác bắt đầu áp dụng cách tiếp cận giảm tác hại. Cách tiệp cận này đồng cảm với nhu cầu cơ bản của con người và cung cấp cho họ các chiến lược để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn. Đối với một số người đàn ông, bao cao su cản trở những gì họ coi trọng nhất về tình dục: khoái cảm và sự thân mật. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Các chiến dịch phòng chống HIV đặt khoái cảm và sự thân mật vào trung tâm của thông điệp tình dục an toàn của họ thường cho thấy hiệu quả.
Thông cảm cho những người gặp khó khăn với việc chấp nhận đeo khẩu trang, hoặc thậm chí những người từ chối thẳng thừng việc đó, không phải là một điều quá khó khăn. Nhiều người Mỹ thực sự muốn giữ an toàn cho cộng đồng của họ và nhận ra rằng khẩu trang sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền coronavirus. Nhưng cũng giống việc để bao cao su trên đầu giường mà không bao giờ lấy ra khỏi vỏ bọc của nó, một số khẩu trang không bao giờ được đeo ra ngoài, thường bởi những lý do dễ liên hệ. Và trong khi những người từ bỏ việc đeo khẩu trang vì ý thức hệ sẽ khó thuyết phục hơn, người ủng hộ việc sử dụng khẩu trang vẫn có thể tìm thấy điểm chung với họ. Phàn nàn rằng việc che mặt cản trở các tương tác xã hội với nhân viên thu ngân đang tính tiền, Huff nói, “Hai người phụ nữ đang tán tỉnh với tôi đã đeo những chiếc khẩu trang này. Và tôi thích làm cho mọi người cười và có một cuộc đối thoại tuyệt vời. Bạn thậm chí không thể nhìn thấy những nếp nhăn trên mắt họ khi họ cười. Trông họ rất kiệt quệ và rã rời.”
Thành thật mà nói: Người Mỹ đã bị kiệt quệ và rã rời sau nhiều tháng mất mát và bị cô lập xã hội. Khẩu trang đúng là ngăn cản sự nhận biết biểu cảm trên khuôn mặt và nghe giọng nói rõ ràng– hai yếu tố thiết yếu của kết nối xã hội. Khẩu trang không khiến người đeo thiếu oxy, nhưng đúng là chúng khiến người đeo khó thở hơn. Chúng làm mờ kính vì hơi thở. Chúng làm mũi mình ngứa và mặt đổ mồ hôi. Nhiều cái khẩu trang đúng là nhìn không ngầu tí nào. Chúng là một điều nữa cần nhớ trước khi đi ra khỏi nhà. Và, trên hết, khẩu trang là một lời nhắc nhở liên tục về những gì người Mỹ rất muốn quên: rằng bất chấp tất cả sự hy sinh của chúng ta, đại dịch vẫn chưa biến đi mất.
Đồng cảm có sức mạnh riêng của nó. Việc thừa nhận những gì mọi người không thích về chiến lược y tế công cộng sẽ cho phép kết nối với họ thay vì xa cách họ hơn. Và khi hiểu được các rào cản, chúng trở nên dễ đề cập hơn. Khi đã biết rõ mọi người cần bao cao su tốt hơn, các công ty bắt đầu sản xuất chúng ở tất cả các hình dạng, kích cỡ và kiểu dáng khác nhau, có gân, mỏng, mỏng lét, thậm chí là phát sáng trong bóng tối để cải thiện sự thoải mái, cảm giác và cảm giác của mọi người theo sở thích cá nhân. Tương tự như vậy, chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển khẩu trang không chỉ hiệu quả mà còn vừa vặn và dễ chịu. Mọi người cần nhiều lựa chọn, bao gồm cả tấm chắn mặt, có thể giúp đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân của họ. Và mọi người cần những tấm che mặt khiến họ cảm thấy sành điệu, mát mẻ, và– vâng–ngay cả nam tính.
Khi cộng đồng y tế công cộng nói về việc giảm thiểu tác hại, chúng ta thường nói về việc “tìm gặp người ta tại chỗ họ đang ở,” Một phần cơ bản của điều đó là, theo đúng nghĩa đen, gặp gỡ mọi người tại chỗ họ đang ở. Giống như những thùng bao cao su miễn phí được đặt trong các quán bar đồng tính, khẩu trang cần được phân phát ở nơi cần chúng nhất: trước cửa từng xe buýt và cửa vào từng sân bay, cửa hàng tạp hóa và chỗ làm việc. khẩu trang sẽ trở nên phổ biến, nhưng việc phân phối nên bắt đầu ở những khu vực mà coronavirus đã tấn công mạnh nhất, bao gồm các khu phố Da Đen và gốc Latin (Việc những người đàn ông Da Đen đeo khẩu trang có thể có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao hơn là thêm một minh họa đáng ngại về lý do tại sao chống phân biệt chủng tộc không thể tách rời khỏi chiến dịch sức khỏe cộng đồng). Điều quan trọng nhất là mọi người lựa chọn đeo khẩu trang khi ở trong nhà hoặc ở gần những người khác, và sự lựa chọn đó cần phải được đưa ra một cách dễ dàng nhất có thể.
Quyết định có nên đeo khẩu trang hay không dễ thấy hơn nhiều so với quyết định có nên đeo bao cao su hay không, và khiến cho lựa chọn cá nhân để đi ra ngoài mà không có khẩu trang trở thành mục tiêu cho sự khinh miệt. Nhưng làm nhục người khác để họ đeo khẩu trang sẽ chỉ củng cố ác cảm của họ và thậm chí có thể thúc đẩy họ giao tiếp xã hội trong nhà, nơi những người không đeo khẩu trang có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhất khi nó thừa nhận và hỗ trợ nhu cầu và mong muốn của mọi người mà không phán xét. Nếu người Mỹ làm đúng, anh Huff thậm chí có thể nhận ra rằng việc anh ta đeo khẩu trang là điều khiến những cô thu ngân đó mỉm cười.
JULIA MARCUS là một nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư tại Trường Y Harvard và Viện Chăm Sóc Sức khỏe Pilgrim Harvard.
Translation by Cookie Duong