Friday, December 27, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmNhững luận điểm chính bênh vực về sự đạo văn của tiến...

Những luận điểm chính bênh vực về sự đạo văn của tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá

Lê Công Định

Sau khi tôi đăng tin về sự đạo văn của tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá trong bộ sách “Định chế Pháp luật Dân sự thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa”, vài người đã lên tiếng bênh vực ông Bá và cho rằng đó không phải là đạo văn, bằng những luận điểm chính sau đây:

1) Luận điểm một:

Sách nghiên cứu chuyên ngành luật của các giáo sư luật khoa thời VNCH là những “sử liệu”, nên ông Bá có quyền sao chép lại nguyên văn (!).

Lập luận này sai, vì sách nghiên cứu có thể tham chiếu hoặc chứa đựng sử liệu, chứ bản thân nó không bao giờ là sử liệu. Cố tình gọi đó là sử liệu một cách vô lối chẳng qua để biện minh cho hành động đánh cắp.

Ví dụ, tác phẩm “Tư bản luận” của Karl Marx là một công trình nghiên cứu kinh tế-chính trị học, dù được viết và xuất bản gần 200 năm trước, và tác giả đã qua đời từ rất lâu, nhưng không vì thế mà xem đó là “sử liệu” để ai ai cũng có quyền sao chép và cắt dán nguyên văn thoải mái theo bố cục riêng của mình, rồi nghiễm nhiên đặt tên mình là tác giả.

Tuy nhiên, cần lưu ý, dù đối với sử liệu, việc tham chiếu vẫn phải dẫn nguồn, không thể tùy tiện cắt dán mà không ghi rõ tựa đề sách, tên tác giả và số trang trích dẫn, để độc giả biết rõ sử liệu nào đã được tham chiếu. 

Nếu ai cũng tự cho mình quyền gọi sách nghiên cứu của những tác giả đã qua đời là “sử liệu”, rồi sao chép loạn xạ để biến thành của mình, thì cuối cùng sẽ có bao nhiêu tác giả cùng đứng tên giữ tác quyền những trang sách đó?

Cần phải hiểu rõ rằng cắt dán nguyên văn mà không dẫn nguồn, dù là sử liệu, vẫn là đạo văn.

2) Luận điểm hai:

Sách nghiên cứu luật học của các giáo sư luật khoa VNCH là những sử liệu nhạy cảm, chưa ai dám công bố, nên ông Bá đã có “dụng tâm” và dùng “kỹ thuật viết lách” (tức sao chép nguyên văn mà không dẫn nguồn) để có thể xuất bản được mà không bị nhà nước kiểm duyệt (!).

Lập luận này buồn cười và tào lao, chỉ lừa phỉnh những đầu óc trẻ trâu, bởi lẽ nó cho phép mọi người tha hồ tự đánh giá và dán nhãn “nhạy cảm” cho bất cứ sách nào của các tác giả sống thời VNCH nhưng đã qua đời, rồi tha hồ sao chép nguyên văn, biến thành của mình, lại còn kể công rằng nhờ mình mà tư tưởng người xưa mới được công bố, trong khi chưa ai từng dám làm như vậy (?).

Ăn cắp với ý định tốt (mà người bào chữa cho ông Bá gọi là có “dụng tâm”), thì tha hồ ăn cắp chăng? Hành vi ăn cắp đó nên được nhìn nhận là một “kỹ thuật viết lách” chứ không phải đạo văn ư? Và, do đó, không được dùng những chuẩn mực viết sách, luận văn và luận án khoa học ngày nay để nhận định là đạo văn sao? Thật hài hước!

3) Luận điểm ba:

Phải đọc hết các sách của ông Bá và hết sách luật của các giáo sư luật khoa VNCH mới được quyền nhận định có đạo văn hay không, nếu không chỉ là hùa theo nhận định phiến diện của người khác.

Đây là lập luận nguỵ biện, bởi lẽ đạo văn dù một đoạn ngắn cũng là đạo văn, đâu cần phải “chôm” cả quyển sách mới là đạo văn. Chôm cả quyển sách của người khác rồi xào nấu lại dưới tên mình không chỉ là đạo văn, mà còn là đạo tặc. Tiếc thay đó là cách mà ông Bá đã làm trong bộ 3 quyển sách nói trên!

Tôi đã chụp hình trực tiếp và công bố hàng loạt trang sách của giáo sư Vũ Văn Mẫu và tiến sĩ Nguyễn Mạnh Bách, mà ông Bá đã sao chép nguyên văn. Chẳng lẽ đó không đủ là bằng chứng cụ thể để mọi người nhận ra sự đạo văn chăng, và ai muốn phê phán hành vi đó của ông Bá thì cần phải đọc hết các bộ sách của ông và cả sách luật của các giáo sư luật khoa VNCH mới có quyền đó chăng?

Thú thật, đọc vài trang sách đạo văn trắng trợn và vô liêm sỉ đó, người ta đã thấy đủ bất bình rồi, huống chi phải đọc hết tất cả! Sách đạo văn có gì hay để đọc hết cả quyển? Và cần gì phải đọc hết mới có đủ bằng chứng? 

Do vậy, lối thách thức người khác đọc hết sách của ông Bá mới được quyền nhận định có hay không hành vi đạo văn là lập luận nguỵ biện nhảm nhí nhất của những người bênh vực ông Bá trong chuyện này.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular