Monday, September 16, 2024
HomeDU LỊCHBLOGNhững gì đã thực sự xảy ra

Những gì đã thực sự xảy ra

Cướp chính quyền ở Hà Nội

Năm 1941 – 1945 ở VN có khá nhiều phe nhóm chính trị (tự do hơn bây giờ), nổi bật nhất là đảng CS và Quốc dân đảng. Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học làm lãnh tụ đã được khá nhiều người hưởng ứng, nhưng sau khi bị Pháp đàn áp ở khởi nghĩa Yên Bái thì suy yếu rất nhiều, tàn quân trốn sang Tàu, Nguyễn Thái Học bị tử hình, lãnh tụ còn lại là Vũ Hồng Khanh. Ngoài ra còn 1 số đảng nhỏ khác ở ngoài Bắc như Đại Việt dân chính của ông Nguyễn Tường Tam, là nhà văn Nhất Linh, cần lao biết đến nhiều thứ nhì; đảng Phục quốc (Phục Việt) nguyên là do ông Phan Bội Châu lập ra, thân Nhật và đánh Pháp ở loanh quanh biên giới Việt Trung, sau này Pháp Nhật ký hòa ước thì đảng này bị Pháp đánh đuổi sang Tàu, lãnh tụ là Hoàng Lương và Hồ Học Lãm.

Ông Nguyễn Hải Thần là 1 nhà cách mạng không đảng phái, đã từng dạy trường quân sự Hoàng Phố, quen thân với Tưởng Giới Thạch, Tôn Dật Tiên, từng nổi tiếng vì đã ném bom ám sát toàn quyền Albert Sarraut ở Nam Định nhưng không thành. Đấy là 1 số người không CS có tiếng nhất mà sau này có ảnh hưởng nhiều đến chính trị VN hồi 45-46. Ngoài ra thì trong Nam còn vô số các phe nhóm chính trị khác như các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, nhóm Bình Xuyên, những người Troskit đứng đầu là Tạ Thu Thâu. Sau đây chủ yếu nói đến các đảng phái gốc Bắc, vì có ảnh hưởng nhiều đến chính trị VN hơn.

Đảng CS thì không cần phải nói đến nhiều vì sách báo, loa phường nói ra rả hàng ngày về tính ưu việt, các bạn đang đọc đây chắc có nhiều người là đảng viên, SV phải họclịch sử đảng cũng phải biết nếu không chạy điểm. Ở đây mình chỉ nói thêm những điều mà lịch sử đảng không nói hoặc nói qua loa.

Các đảng phái ngoài Bắc đều có quan điểm chung là chống Pháp, muốn giành độc lập tự do cho dân tộc, tóm lại là đều yêu nước cả, sau này mới đẻ ra khái niệm “phản động” để vu cho hội không CS. Đặc điểm chung thứ 2 là các đảng phái, phe nhóm ngoài Bắc này đều đánh Pháp không lại nên lãnh tụ chạy tuốt sang Tàu, ở VN chỉ còn cơ sở cách mạng.

TQ khi ấy do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cùng Quốc dân đảng. QDĐ Tàu thì đương nhiên sẽ bảo kê cho QDĐ Việt vì cùng hệ tư tưởng Tam dân và cũng bảo kê cho các phe nhóm, đảng phái không CS khác. Riêng có đảng CS là Tàu Tưởng unfriend – block, bỏ tù ông Nguyễn Ái Quốc, lúc đó nick name là Lý Thụy sau lại được thả ra. Ông Lý Thụy thấy cái tem CS có vẻ không ổn nên thành lập ra Việt Nam Độc lập đồng minh (1941), gọi tắt là Việt Minh, để né cái danh CS đi, đổi nick name lần nữa thành Hồ Chí Minh.

Chính vì thế nên sau này dân VN lẫn người Pháp, người Mỹ chả biết ông Hồ là ông nào, nguồn gốc ở đâu ra, chỉ có người Mỹ là phát hiện ra ông sớm nhất nên biết rõ gốc tích CS của ông. Điều này lý giải tại sao sau này TT Truman không ủng hộ VNDCCH, điều này sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau.

Cái tên Việt Minh có nguồn gốc từ một nhóm khác là Việt Nam Độc lập vận động đồng minh hội thành lập từ năm 36 bởi Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần (có nói bên trên), các đảng viên CS chui vào đó để có 1 vỏ bọc hợp pháp để hoạt động bên Tàu. Ông Hồ thành lập tổ chức Việt Minh mới, tự lãnh đạo, như hàng fake, kiểu như Honda và Hongda gì đó, nhưng mà không thành vấn đề lắm, cứ được việc là được. Chắc vì lý do lịch sử kiểu thế nên bây giờ thằng cu Mark Zuckerberg bắt anh em phải dùng tên thật trên FB cho đỡ phức tạp! Tổ chức Việt Minh khuếch trương quan điểm chống thực dân, đế quốc, lờ tịt đi nguồn gốc CS để thu phục nhân tâm nên rất có thanh thế.

Các đảng phái hầm bà lằng kể trên hoạt động ì xèo bên Tàu nhìn chung là không hiệu quả vì lắt nhắt nên tướng Trương Phát Khuê, lúc đó là tư lệnh quân khu 4, quản lý Lưỡng Quảng mới đứng ra vận động thành lập 1 tổ chức gọi là Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, gọi tắt là Việt Cách, do ôngHoàng Lương thành lập ngày 1-10-1942. Tổ chức này tập hợp tất cả các đảng phái kể trên, bao gồm cả Việt Minh của ông Hồ Chí Minh. Sau này Việt Minh bị lộ là CS nên bị cho out khỏi group, bây giờ dân gian gọi là cho ra đảo! Việt Cách chỉ còn các đảng phái không CS.

Việt Minh bơ vơ nên quay về VN xác định tự làm tự sướng. Việt Minh ở VN tổ chức đánh Nhật nhiều trận lẻ tẻ lại giỏi tuyên truyền (chẳng hạn như đánh Nhật để cướp thóc cứu đói, chia ruộng đất, tài sản cho dân,cho phép bầu cử tự do…) nên được lòng dân lắm. Dài dòng như thế (cũng là tóm tắt lắm rồi) để các bạn nhớ cho là ngày xưa Việt Minh với các đảng kia đều là đồng chí anh em, cùng mong muốn đánh đuổi thực dân, đế quốc nhưng sau này lại huynh đệ tương tàn, tranh quyền đoạt vị làm thịt lẫn nhau, sẽ nói ở phần sau.

Việt Minh khi đó phao tin là được đồng minh ủng hộ, người Mỹ ủng hộ, lại đánh phá quân Nhật khắp nơi nên thanh thế to lắm. Thế nên ông Trần Trọng Kim mới giao cho ông Phan Kế Toại, là khâm sai Bắc bộ, móc nối với Việt Minh để thương thuyết. Ông Kim cố thuyết phục Việt Minh là nếu muốn quyền hành thì cứ ra nhập chính phủ, không cần phải đánh phá cho khổ dân nhưng đại diệnViệt Minh không đồng ý và bày tỏ quan điểm là họ muốn nước nhà độc lập hoàn toàn chứ không chịu để ai nhường cho, nếu dân Việt có 10 phần chết 9 thì họ cũng chấp nhận xây dựng xã hội mới với 1 phần còn lại, còn hơn 9 phần kia. Thế là đường ai nấy đi. Người mà ông Kim thương thuyết thì ông không nêu tên, chỉ nói là 1 người trẻ tuổi (Hồi ký Một cơn gió bụi) nhưng trong Why Vietnam (LAPatti) nói đó là ông Nguyễn Khang, theo hồi ký của Lê Trọng Nghĩa thì người đó chính là ông (ông Nghĩa sau này lãnh đạo Cục 2, Cục Tác chiến và đi tù trong vụ án xét lại chống đảng).

Ngày 6-8-1945 quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hirosima, ngày 8-8 Liên Xô tuyên chiến với Nhật, ngày 9-8 quả bom nguyên tử thứ 2 thả xuống Nagasaki, các sự kiện dồn dập xảy ra, Nhật coi như không còn cửa thắng.

Loa phường sau này thường tuyên truyền là Nhật thua là do LX đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật, nhưng thực tế thì là do Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử là chính.Việt Minh nhận thức được điều đó nên tổ chức Hội nghị đảng CS Đông Dương ở TânTrào từ 13-15/8 và thông qua quyết định Tổng khởi nghĩa. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ngày 16-17/8 Đại hội Quốc dân ở Tân Trào bầu ông HCM làm chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Khi họp hội nghị Việt Minh cho treo ảnh các lãnh tụ đồng minh để tuyên truyền là VM được đồng minh hỗ trợ. Khi họp đại hội cũng là lúc Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp đi đánh trại lính Nhật ở Thái Nguyên để mở đường về HN.

Người phát ngôn của Việt Minh đã nghiêm chỉnh đề nghị biến Đông Dương thành một xứ bảo hộ của Mỹ và thúc ép Mỹ can thiệp với Liên Hợp Quốc để gạt cả người Pháp và ngườiTrung Quốc ra ngoài kế hoạch chiếm đóng lại Đông Dương của Đồng minh. Đại diện của Hồ Chí Minh rất lo lắng về kế hoạch chiếm đóng của Trung Quốc. Họ sợ rằng những người láng giềng phương Bắc sẽ trở thành những kẻ đi chiếm đất đai ở Đông Dương, sống bằng sự cướp bóc, tước đoạt. Người Pháp đồng ý với những mối lo lắng nói trên, nhưng thêm vào đó lại muốn giữ độc quyền về cai trị cho bản thân mình.

Tổng bộ Việt Minh ở Hà Nội đã gửi đến một công hàm để giải thích rõ lập trườngcủa họ, trong đó có đoạn viết:

“Nếu người Pháp mưu toan trở lại Đông Dương để hòng cai trị đất nước này và một lần nữa lại đóng vai những kẻ đi áp bức; thì nhân dân Đông Dương sẵn sàng chiến đấu đến cùng, chống lại việc tái xâm lược đó của Pháp. Mặt khác, nếu họ đến với tư cách là những người bạn để gây dựng nền thương mại, công nghiệp mà không có tham vọng thống trị, thì họ sẽ được hoan nghênh như bất kỳ cường quốc nào khác.

Tổng bộ mong muốn báo cho Chính phủ Mỹ biết là nhân dân Đông Dương yêu cầu trước hết là nền độc lập của Đông Dương và mong rằng nước Mỹ, người bảo vệ chế độ dân chủ, sẽ giúp đỡ họ giành lại độc lập bằng cách sau đây:

1. Ngăn cấm hoặc không giúp đỡ người Pháp quay trở lại Đông Dương bằng võ lực.
2. Kiểm soát người Trung Quốc để hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc cướp bóc,tước đoạt.
3. Cho các chuyên viên kỹ thuật sang giúp người Đông Dương khai thác nguồn tàinguyên đất đai.
4. Phát triển các ngành kỹ nghệ mà Đông Dương có khả năng cung ứng.

Nói tóm lại, người Đông Dương muốn sẽ được đặt ở một địa vị ngang hàng như Philippin trong một thời gian không hạn định”.

Thông điệp bán chính thức trên được chuyển đi cho tướng Mỹ Donovan vào ngày 18-8-1945, chỉ 1 ngày trước khi xảy ra cướp chính quyền ở HN. Các mong muốn nêu trên đã được phía Mỹ thực hiện gần như đầy đủ cho phía Quốc gia Việt Nam và VNCH – ít nhất là cho đến năm 1965- nhưng sau này phía ViệtMinh – VNDCCH lại diễn giải thành hành động xâm lược và bán nước!

Tổng hội Viên chức vào ngày 17-8 đã tổ chức 1 cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn để ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim nhưng Việt Minh đã nhân cơ hội “tụ tập đông người” đã cướp diễn đàn, kéo cờ đỏsao vàng, giăng biểu ngữ ủng hộ VM, kêu gọi nhân dân cướp chính quyền. Đoàn biểutình đi các đường phố để thị uy. VM ở HN (lúc đó hành động hoàn toàn độc lập với trung ương ở Tân Trào) quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 19-8.

Sáng sớm ngày19-8 dân chúng đã kéo đến Phủ Toàn quyền (Phủ chủ tịch bây giờ), dinh Thống sứ(Nhà khách chính phủ bây giờ), trại Bảo an binh (Cục xuất nhập cảnh bây giờ) để thị uy. Lính bảo an và lực lượng thanh niên tiền tuyến (lực lượng vũ trang mỏng người Việt của chính quyền TTK) đã không nổ súng và đi theo VM, lính Nhật cũng án binh bất động, không can thiệp và VM cũng không gây hấn với người Nhật để tránh xung đột.

Khâm sai Phan Kế Toại làm việc tại dinh Thống sứ (lúc đó đã đổi tên thành Bắc Bộ phủ) thì đã bỏ trốn, lính bảo an hạ vũ khí để cho VM tràn vào dinh và coi như chính quyền tại Bắc bộ đã bị lật đổ. Phủ Toàn quyền, ngân hàng Đông Dương, các trại lính Nhật, sân bay Gia Lâm vẫn do người Nhật kiểm soát, toàn bộ an ninh trật tự vẫn do người Nhật nắm nên cướp chính quyền xảy ra nhưng an ninh vẫn đảm bảo, điện nước, điện thoại vẫn không bị ngừng trệ, không có cướp bóc, hôi của…

Trong lúc đó, quân của ông Võ Nguyên Giáp vẫn đang lọ mọ đánh Nhật ở Thái Nguyên! Điều này cho thấy VM ở HN hành động độc lập với Tân Trào.

Khi đó có người Nhật nói với ông TTK là có thể nhờ người Nhật hỗ trợ nhưng ông Kim cho là Nhật đã đầu hàng, quân đồng minh sắp đến nên không muốn dựa vào quân Nhật nữa, khỏi mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà nên từ chối không nhận. Ngày 23-8-1945, chính phủ TTK từ chức.

Vào thời điểm cướp chính quyền thì quân Pháp đã bị quân Nhật bỏ tù, tước vũ khí, quân Nhật thì được lệnh đầu hàng đồng minh nên án binh bất động, chỉ tự vệ và giữ gìn trật tự như cảnh sát. Chính quyền TTK thì coi như không có lực lượng vũ trang và rất non trẻ, chỉ mới tiếp quản HN, nên lúc đó đã có 1 khoảng trống quyền lực trong 1 thời gian ngắn (trước khi quân đồng minh vào giải giáp Nhật). Vì thế dùng từ “cướp/giành chính quyền” là chính xác hơn từ “giải phóng” (như nhiều sách vở sau này tuyên truyền) và VM lúc đó chả cần phải đánh Pháp, (không dám) đuổi Nhật gì cả, chỉ là người Việt cướp chính quyền của người Việt mà thôi.

Mọi người để ý là ngày 17/8 đã thành lập CP Lâm thời, ngày 19/8 cướp chính quyền Bắc Bộ, tức là đảo chính rồi. Ngày 25/8 vua Bảo Đại mới từ chức. Như vậy có nghĩa là không phải Bảo Đại tự nguyện thoái vị rồi nhường chính quyền cho VM đâu. Làm gì có chuyện nhường chính quyền cho tổ chức đã cướp chính quyền trước đó!

Fb Dương Quốc Chính

* Ảnh: fb Đinh Nhật Uy

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular