Trịnh Kim Tiến
1, Truyền thông, báo chí là kẻ thù của nhân dân, là công cụ của chính quyền khi có đụng độ giữa nhân dân và nhóm lợi ích.
Mọi tin tức đăng tải đều không được điều tra độc lập; trích dẫn, lấy tất cả thông tin từ Bộ công an.
Báo chí chỉ được phép đăng tin khi được tuyên giáo cho phép, còn lại trước đó đều là thông tin từ những trang thông tin điện tử của chính phủ hoặc của dư luận viên.
Tôi tin còn nhiều nhà báo muốn viết cho công tâm, nhưng họ không được tiếp xúc hiện trường. Không có một cuộc phỏng vấn người dân Đồng Tâm, những người bị quy kết tội danh được diễn ra.
2, Dân luôn sai, chính quyền luôn đúng trong tất cả các tranh chấp. Không có một bên thứ 3 độc lập nào được phép kiểm soát quyền lực của nhà nước.
Đồng Tâm không phải vụ đầu tiên dân tự nhiên trở thành những thành phần nghiện hút, bất hảo trong sự tuyên truyền.
Mọi giấy tờ, lý chứng đều không có giá trị trước phán quyết của chính quyền và truyền thông, không thông qua một toà án độc lập nào hết.
Cuối cùng khi có đổ máu xảy ra, mạng lực lượng vũ trang được đổi bằng sự tù đày, thậm chí mạng sống của dân; nhưng mạng của dân chết oan thì không được đề cập xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
3, Một chiêu dùng hoài vẫn hữu dụng.
Trong tay chính quyền có quân lực, có đủ vũ khí và nắm luôn truyền thông báo chí. Chỉ cần tung lượng lớn dư luận viên ra đi khắp nơi chửi rủa những người lên tiếng khi cảm thấy có bất công; một là nhiều người sẽ không dám nói nữa, sẽ mệt mỏi vì phải tranh cãi; hai là sẽ làm cho những người ít hoặc chỉ đọc thông tin một chiều xem những người dân kia là phản động, bất cứ ai khác quan điểm đều là phản động. Những người tranh chấp với nhà nước trong vấn đề quyền lợi luôn bị tuyên truyền là bị thế lực thù địch kích động.
Hàng ngàn Facebook ảo được tung ra, hàng triệu còm cùng một nội dung như vậy, dù phi lý đến đâu nhưng vẫn có người tin.
Bên cạnh đội ngũ dư luận viên tục tĩu là một số dư luận viên cao cấp mạt hạng, dùng ngòi bút của mình đánh vào cảm xúc số đông, ngụy biện để đổi trắng thay đen sự việc.
4, Vụ Đồng Tâm là một vụ tấn công vũ trang, đột nhập đánh úp bất hợp pháp chứ không phải là một vụ cưỡng chế hay gây rối trật tự công cộng.
Nơi xảy ra xung đột là làng Hoành, ngay tại nhà dân chứ không phải cánh đồng Sênh, bờ rào Miếu Môn như báo chí đánh lận con đen. Thời gian xảy ra sự việc là nửa đêm rạng sáng, thời điểm không được cho phép cưỡng chế. Dân đang trong nhà và bị lực lượng vũ trang tấn công vào. Điều này đã được chứng minh qua những hình ảnh dàn quân, bao vây thôn Hoành và clip gọi kẻng lúc nửa đêm của người trong thôn.
5, Cụ Kình, một ông lão đã 85 tuổi, 60 năm tuổi đảng không phải là một tên tội phạm. Nếu như thời kỳ làm Bí thư ông chia chác bán đất như dư luận viên đang tuyên truyền thì ông đã bị chính quyền này bắt từ lâu rồi, từ cái ngày xung đột bắt đầu nổ ra năm 2017. Nói cụ nuôi dưỡng ổ nghiện hút, việc bộc phá, đánh sập nhà cụ là để phá ổ tội phạm càng là sự đặt điều mất nhân tính. Giờ cụ đã chết, bị bắn chết tại nhà, người nhà bị bắt chưa rõ thế nào, muốn nói sao mà không được.
6, Ngay cả việc dân Đồng Tâm có tàng trữ vũ khí, bom xăng thì cũng không trách họ được. Cuộc xung đột đầu tiên vào năm 2017, những lần dàn quân bao vây, rình rập thị uy đủ để họ hiểu rằng, lần này chỉ còn một con đường quyết tử giữ đất hoặc từ bỏ. Họ từng tuyên bố thượng tôn pháp luật nhưng sẽ chống trả đến cùng nếu chính quyền cố tình ăn cướp.
Chưa nói đến, hình ảnh vũ khí mà Bộ công an đưa cho báo chí đăng không thể xác định là của người dân Đồng Tâm hay không vì có ai khác ngoài họ được tiếp cận hiện trường khi xảy ra xung đột.
7, Sẽ còn rất nhiều điều bất lợi cho người dân được trưng ra, bởi vì trong bao nhiêu sự vụ trước đó cho thấy, bên cạnh những con người kiên trung can đảm thì cũng không thiếu những kẻ hèn nhát, hám lợi. Một ngôi làng dù đồng tâm đến đâu, vẫn có thể có những kẻ chỉ điểm tồi tệ. Như lời của một người dân trả lời phỏng vấn BBC, họ sợ chỉ điểm trong làng. Qua bao nhiêu cuộc xung đột, chúng ta đều thấy có những “nhân chứng” được đưa lên để vạch tội nhân dân và ủng hộ chính quyền. Và vì vậy nếu thấy có ai đó lên truyền thông tự nhận là người Đồng Tâm hay làng bên cạnh, chứng kiến hết sự việc và sự chứng kiến đều bất lợi cho dân Đồng Tâm thì cũng bình thường thôi.
– Trịnh Kim Tiến –