Monday, December 23, 2024
HomeBLOGNhững Cô Giáo Nhỏ

Những Cô Giáo Nhỏ

1 co giao

Em mãi mãi là người đi gieo hạt
Dù đất cằn hay đất lẫn phù sa

Tôn Sỹ Dũng


Bữa coi phim Titanic tui khóc ướt áo luôn khiến mấy đứa nhỏ cười bò lăn, bò càng:

– Trời ơi, sao nghe nói “tuổi già hạt lệ như sương” mà ba lại nhiều nước mắt dữ vậy cà?

Sau con, tới vợ:

– Chắc tại cái tuyến nước mắt của ổng bị bể (ngang) nên nó mới tràn lan quá xá ể như vậy!

Tui (ra đường) hay đi tròng ghẹo thiên hạ nên (về nhà) bị mẹ con nó xúm lại chọc quê kể cũng… đáng đời. Tui không giận dỗi hay buồn phiền gì ráo mà chỉ cảm thấy mình cũng hơi kỳ.

Tui không chỉ yếu xìu trong chuyện làm tiền (cũng như làm tình) mà còn yếu ớt trong đủ thứ chuyện tào lao khác nữa. Tui đi mua hàng bị thối thiếu tiền nhưng sợ người bán ngượng nên đành nín lặng cho qua. Sáng sớm chạy tập thể dục, lỡ đạp nhằm con ốc sên (“nghe cái rốp”) là tui bần thần cho tới tận trưa luôn. Dọn vườn – có khi – lỡ tay làm gẫy một cành hoa, cũng khiến tôi đâm ra áy náy.

Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của tâm lý học phổ thông, là tui thuộc loại người đa cảm và có hơi nhiều … nữ tính. Đây không hẳn vì tính trời sinh đâu mà còn do ảnh hưởng của giáo dục từ những năm thơ ấu.

Không hiểu tại sao, và bằng cách nào, khi vừa đến tuổi cắp sách đến trường thì tôi (và năm bẩy thằng nhóc khác) lại được nhận vô trường nữ tiểu học Đoàn Thị Điểm – ở Đà Lạt. Thành phố này vốn sẵn nhiều bông, tui lại lâm vào cảnh “lạc giữa rừng hoa” nên trở thành “mong manh” là phải.

Các cô giáo của tôi đều là những phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, hiền lành và vô cùng tận tụy. Qua năm năm tiểu học, tôi được dậy dỗ kỹ càng nhiều điều cần thiết để thành người tử tế: phải rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi ngủ, phải viết chữ (thay vì con số) ở đầu câu, phải xuống hàng sau mỗi đoạn văn đã đủ ý, phải vâng lời cha mẹ và anh chị, kính mến người già, tôn trọng thiên nhiên, thương mến xúc vật, quí trọng bạn bè, yêu quê hương đất nước, thương người như thể thương thân…

Tuy không không thành công hay hiển đạt (gì ráo trọi) tôi vẫn sống được như một người đàng hoàng cho mãi đến hôm nay là nhờ luôn ghi khắc (và biết ơn) những gì đã được học hỏi vào thưở ấu thời. Hình ảnh của những cô giáo (thiên thần) của tôi cũng thế, cũng mãi mãi in đậm trong tâm trí của một kẻ tha hương – dù tóc đã điểm sương.

2 co giaoẢnh: Marc Riboud

Trên con đường học vấn, tôi tự cho mình là một kẻ may mắn. Ít nhất thì cũng may mắn hơn rất nhiều những đứa bé thơ, hiện đang lớn lên ở đất nước Việt Nam:

– Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ

– Viết sai chính tả học sinh bị cô giáo đánh thâm tím mặt

– Giáo viên buộc học sinh uống nước giẻ lau bảng

– Thầy giáo cấp 1 bị tố dâm ô 9 học sinh lớp 3

– Phụ huynh biểu tình phản đối lạm thu

Như đã thưa, tôi vốn đa cảm và yếu đuối. Nghe tiếng vỡ vụn của một cái vỏ ốc sên dưới gót chân (lỡ bước) cũng đủ khiến tôi cảm thấy bất an nên không khỏi hoang mang, lo ngại cho những mầm non xứ sở vì những mẩu tin thượng dẫn.

May thay – tuần rồi – tôi tình cờ quen được một cô giáo trẻ, đang đi thăm người  thân ở thủ đô Bangkok. Khi được hỏi về nghề nghiệp, cháu hãnh diện cho biết mình là một giáo viên dạy học tại một vùng quê thuộc tỉnh Nghệ An.

3 co giaoẢnh: Phạm Thông

Tính cởi mở, và vẻ bặt thiệp, của người đồng hương khiến tôi bớt ngần ngại khi đặt những câu hỏi về tình trạng trẻ thơ bị ngược đãi hay bạo hành nơi trường học. Cháu xác nhận là có nhưng không nhiều lắm, và nói thêm rằng trở ngại lớn của nền giáo dục Việt Nam (hiện nay) là mức sống quá thấp nơi những thôn làng heo hút. Ở lắm chỗ, chuyện ăn mặc vẫn còn là vấn đề nên việc học hành gần như đang bị lãng quên hay bị coi như là điều xa xỉ.

Trước khi chia tay, chúng tôi trao đổi fb, email …  Có lẽ vì sợ tuổi tác khiến cho tôi khó cập nhật thông tin nên vài hôm cô giáo trẻ gửi cho tôi vài bài báo, rất cảm động, về công việc của nhiều bạn đồng nghiệp:

 – Cô giáo bản nghèo, cống hiến tuổi thanh xuân cho học sinh vùng cao
– Cô giáo trẻ mang lời ca tiếng hát ra hải đảo
– Ngưỡng mộ cô giáo trẻ năng động, tâm huyết ở bãi bồi ven bờ sông Hậu
– Cô giáo 19 năm hi sinh hạnh phúc riêng vì học trò vùng cao

Tuần qua, tôi cũng tình cờ đọc được một đoạn văn ngăn (ngắn) nhưng đầy ắp tình cảm của nhà báo Mai Thanh Hải. Ông viết vì quá xúc động sau cái chết của một cô giáo vùng cao, bị lũ cuốn trôi:

Vẫn nhớ gương mặt em hòa lẫn cùng hơn 20 gương mặt giáo viên Mầm non toàn nữ, trong những ngày rét nhất, rét đến cứng đơ người của mùa rét 2011 năm trước, khi các em tập trung về điểm Trường chính Sàng Ma Sao (Bát Xát, Lào Cao) nhận áo ấm, thực phẩm, chăn màn của Gánh Hàng xén – “Cơm có thịt” cho bọn lít nhít đang ngồi yên ở điểm Trường Ki Quan San, đợi cô về.

Hôm ấy, mình phải ngủ lại điểm trường chính vì đường rừng bị sạt lở và lần đầu tiên, mấy thằng đàn ông bị “quây” rượu bởi hơn 30 cô giáo trẻ măng, vừa học xong đã phải lên trên bản dạy học, cả tháng may ra về Thị trấn được 1 lần.

Cuộc rượu về đêm, không say nổi bởi nghe các em thay nhau kể về cái cảnh thiếu thốn, chịu đựng và còn cả khát khao rất tầm thường của những thiếu nữ mới hơn 22-23 tuổi, đang ở phố thị, nhoằng cái phải lên rừng dạy học.

Sống cuộc sống không điện đóm, không tivi, không đài, không bạn bè, không tiếng người Kinh qua lại. Thiếu thốn từ hạt muối cho đến thanh củi, đêm nằm trong căn nhà tranh dột nát, gió lùa hun hút, không ngủ được vì lạnh, thành mất ngủ triền miên… Gần 2 năm, dự định gần Tết lại mang áo của Áo ấm biên cương lên Sàng Ma Sáo, gặp lại các em. Vậy mà!

Vĩnh biệt em, cô giáo Lý Thị Hồng (SN 1987, dân tộc Giáy, cư trú ở thôn Piềng Láo, xã Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai) – Giáo viên thuộc phân hiệu Ki Quan San, Trường Mầm non xã Sàng Ma Sáo…

4 co giaoHàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục.
Ảnh & chú thích: Dân Trí

Họ hy sinh mọi thứ (kể cả tính mạng) nhưng họ chỉ được nhận lại khoản tiền thù lao vô cùng ít ỏi. Theo BBC, đọc được vào hôm 23 tháng 8 năm 2018: “Một nhà khoa học Việt Nam đưa ra đánh giá nói công an và quân đội có thu nhập chính thức cao nhất, còn nghề giáo và làm nông là thấp nhất nước này.” Bà Nguyễn Thị Kim Thanh– Trưởng Phòng GD, Sở GD-ĐT TPHCM – cho biết thêm chi tiết: “Tính ra, thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!”

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: “Không đâu chăm lo mầm non tốt như ở nước ta!” Tôi e khó mà chia sẻ với sự lạc quan của vị Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TPHCM, trước thực trạng “thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc!”

Tuy thế, không ai có thể phủ nhận được sự tận tụy, cùng tấm lòng vị tha, của hằng vạn giáo viên trên khắp nẻo đường đất nước. Xin chân thành cảm ơn các em, các cháu – những cô gái Việt Nam vô danh và thầm lặng – đã vì những mầm non bất hạnh mà hy sinh, và trao trọn tuổi thanh xuân, để tương lai của xứ sở đỡ được phần đen tối.

Tưởng Năng Tiến

Advertisements

05/10/2018

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular