(Tập thứ 60b)
Dân đam mê du lịch thường kháo với nhau rằng, đến Romania mà không ghé thăm “Lâu Đài của Dracula” là coi như chưa đến Romania. Chúng tôi cũng háo hức muốn đến một lần cho biết, mặc dù từ thủ đô Bucharest đến Bran Castle (Lâu Đài Tên Bran) mới là tên thật của cái lâu đài mà người ta quen gọi nó với cái tên Lâu Đài của Bá Tước Ma Cà Rồng, chuyên đi cắn cổ hút máu phụ nữ đẹp vào ban đêm, còn ban ngày ngủ vùi trong cái hòm người chết vì sợ ánh nắng mặt trời trong các loạt phim ma cà rồng mà điện ảnh Hollywood dựng ra.
Chúng tôi ăn sáng xong chưa tới 9 giờ là chuẩn bị lên đường. Con đường xa lộ dẫn đến tòa lâu đài cũng có cảnh quan không mấy gì đặc sắc cho lắm, đường nhỏ, nhiều xe chạy với tốc độ cao. Hai bên đường là những cánh đồng bạt ngàn với những ruộng cỏ vàng úa vì mới qua mùa Đông lạnh giá, chẳng trồng trọt được gì. Đây đó, có những cánh đồng đã được nhà nông, cày bừa gọn ghẽ sẵn sàng cho vụ mùa sắp tới vào mùa Xuân. Lâu lâu, lại thấy có một thị trấn nhỏ nằm rải rác bên đường nhưng nhìn chung thì có vẻ buồn bã và ảm đạm vì dân cư thưa thớt và không có nhiều dịch vụ mua bán mà ta thường thấy ở những thành phố lớn.
Điểm đặc biệt là khá nhiều người già tay xách nách mang những thứ họ mua được ở siêu thị, lết bộ về nhà trông khá thảm hại. Nhà cửa ở đồng quê của Romania trông khá khang trang và có vẻ vẫn còn giữ được một ít sinh hoạt chứ không như những thị trấn ma bên Bulgaria nhưng vẫn đầy vẻ hoang lạnh và đìu hiu. Chả mấy khi thấy được người trẻ, chỉ toàn người già. Hỏi chuyện sau này ra mới biết, đây không chỉ là vấn nạn cho một quốc gia nào bên Âu Châu những là vấn nạn chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới nhất là các quốc gia phát triển. Với nền khoa học ngày một tân tiến, tuổi thọ ngày một kéo dài, người ta sống lâu hơn, sống thọ hơn, nên người già nhiều hơn bao giờ hết.
Mặt khác, giới trẻ ngày nay lập gia đình trễ hơn vì phải lo sắp đặt cho học vấn, cho công danh, rồi còn chuẩn bị cho sự nghiệp đâu vào đó trước khi lấy vợ lấy chồng. Lập gia đình xong, đám trẻ ngày nay lại đẩy lùi việc có con có cái, nhiều khi còn chọn không có con cái và chỉ sống 2 vợ chồng với nhau bởi nhiều lý do riêng tư. Trẻ em sanh ra ít đi, người già sống thọ hơn, dẫn đến sự mất quân bằng trẻ già trong xã hội hiện tại.
Đến gần lâu đài, khi còn cách chừng 50 cây số, bắt đầu đi vào một khu núi rừng bao la trùng điệp, đi lại hết sức khó khăn với những khúc cua gắt, với những triền dốc khúc khuỷu chạy vòng vo theo triền núi, hết con dốc này thì đã có con dốc khác chờ sẵn, hai bên là những cánh rừng thông che kín không thấy được xe đi ngược chiều. Con đường mỗi bên chỉ có duy nhất một làn xe mà lại nhỏ, nên đi lại khá khó khăn. Trên con đường này, chúng tôi thấy những loại xe tên tuổi và đắt tiền chạy nhiều nhất. Có cả những chiếc BMW Series 6 và Series 7 mui trần có giá xấp xỉ $150 ngàn đô ở Mỹ.
Hai bên đường, lâu lâu lại thấy một căn biệt thự rất sang, có nghĩa là, cũng Xã Hội Chủ Nghĩa như nhau, cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản cùng một thời như nhau, nhưng người anh em Romania giàu hơn người anh em Bulgaria xa lắc. Hàng quán, tiệm ăn và chợ búa cũng khác xa nhau, đủ để thấy rằng, chẳng có thế nào so sánh tại sao đất nước A lại không phát triển bằng quốc gia B trong nền kinh tế một cách đơn thuần cho được, vì mỗi quốc gia có riêng cho mình những khác biệt về đất đai, về môi trường, về thổ nhưỡng, về dân số, về con người, về xã hội, về luân lý, về tín ngưỡng và nhất là về tôn giáo. Tất cả những thứ đó, đều là những điều kiện cần phải có trong việc phát triển một đất nước về nhiều mặt để có thể mang ra so sánh cho được công bằng.
Người dân ở 2 xứ sở này tuyệt nhiên không có ăn cơm ăn gạo mà chỉ ăn toàn bột và một ít khoai tây. Họ dùng bột làm đủ các loại bánh mặn, bánh ngọt, nui và mì sợi theo dạng mì Ý nhưng bánh mì là chủ yếu, bên cạnh đó là cheese, cheese đủ loại. Gần như họ ăn rất ít rau củ quả, trái cây, thịt thà và không hề ăn súp, bởi hàng quán của họ tuyệt nhiên không có súp trong thực đơn, cá thì gần như không có. Nói chung là người dân Bulgaria và Romania ăn uống rất khô khan, chỉ toàn bánh bột và đường. Ở siêu thị người ta bán toàn thức ăn làm sẵn mà chủ yếu vẫn là các loại bánh ngọt, đồ khô đóng bao và 100 loại bánh croissants nhân ngọt. Họ ăn uống không được lành mạnh vì đa số đàn ông ai cũng có cái bụng như bà bầu 8 tháng và phụ nữ thì mập không thua gì phụ nữ Mỹ.
Đoạn đường cuối chỉ hơn chục cây số nhưng rất quanh co khó đi, phải mất gần tiếng đồng hồ mới thoát ra khỏi khu vực núi đồi này. Trước mặt chúng tôi là một khu bình nguyên rộng lớn hàng trăm mẫu. Ở đó có một ngôi làng khá khang trang với độ vài ngàn dân. Đây kia cũng có vài cái khách sạn tầm trung với độ hai chục phòng và vài quán ăn nho nhỏ. Người dân ở đây dựa vào 2 nguồn thu nhập, thu nhập chính là du khách, phụ là trồng trọt. Tất cả du khách đến đây chỉ tỉm thấy được 3 thú vui giải trí, một là viếng thăm Lâu Đài Ma Cà Rồng (Bran Castle), hai là chạy xe ATV trên sườn núi và ba là đi dã ngoạn, nhưng có tới 95% du khách đến đây chủ yếu để viếng thăm Lâu Đài Bran vì … tò mò.
Lâu đài này nằm trên một đĩnh đồi không cao lắm, bên dưới được trồng có nhìn rất tươi mát, chúng quanh là những rặng thông cao hàng mấy mét, mục đích để che khuất không cho du khách bèo không chịu mua vé đứng ngoài hàng rào chụp ké. Giá vé vào cửa lại khá mắc so với những khu tham quan ở 2 quốc gia này, 55 đồng Romania, khoảng 12€ hoặc $13.00 cho một người. Tuy nhiên, trước khi đến được chỗ bán vé để vào cổng rồi leo con dốc khá cao dẫn vào lâu đài, du khách phải đi qua một chặng đường khá xa hai bên chi chít hàng quán bán đồ ăn, thức uống và lẽ dĩ nhiên có cả đồ lưu niệm gồm những chiếc áo thun in hình của tòa lâu đài với giá chặt … khá ngọt. Có cả đồ chơi, khăn quàng cổ và những thứ đồ tào lao thiên địa đến từ người anh em Xã Hội Chủ Nghĩa Trung Quốc.
Hôm chúng tôi đến đây rơi vào ngày thứ Bảy, du khách đông nghẹt, xếp hàng dài cả trăm mét mà tòa lâu đài thì không lớn quá để có thể chứa hơn 1 trăm mạng một lần nhưng thời gian chờ đợi cũng không lâu lắc gì cho lắm, chỉ độ hơn nửa tiếng đồng hồ vào giữa trưa. Chả cần vào mới biết, chúng tôi đã đoán được là họ sắp xếp cho đoàn người rồng rắn tiến vào lâu đài theo một hàng giây làm sẵn, đi một đường chậm chạp từ đầu vào cho tới khi ra khỏi lâu đài ở đầu bên kia, và đúng thật như thế. Kiểu thu tiền này xưa rồi Diễm. Theo đoàn người rồng rắn đi tham quan một vòng trong lâu đài, mất khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, thế là bay mất 26 đô cho 2 người.
Điều bí mật này tôi thực sự chỉ muốn giữ bí mật để khỏi có nạn nhân nào rơi vào như chúng tôi trong tương lai. Thứ nhất cái giá vé vô cửa 13 đô cho một người, thực sự là quá đắt, với mình thì ok vì cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên 13 đô là một món tiền khá lớn cho người dân ở bên đây, vì cái lâu đài đó, chẳng hề có bất cứ một ly gì liên quan đến Dracula cả. Chả hiểu từ đâu và khi nào, nó lại trở thành lâu đài Ma Cà Rồng trong trí óc của mọi người, đúng là sản phẩm vẽ vời tuyệt đỉnh của Hollywood.
Thực sự, đó chỉ là một ngôi lâu đài khá nhỏ, chẳng có gì đặc sắc cả, được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 13 bởi một ông Kiếm Sĩ (Knight), sau này nó được đổi chủ và chuyền tay qua nhiều thế hệ vua chúa ở Romania. Mãi đến năm 1897 một nhà văn, ông Bram Stokercho ra mắt cuốn truyện mang tên Dracula, thì nó trở nên một kỳ tích huyền hoặc hoàn toàn khác. Nó được biết đến sào khoảng năm 1931 sau khi cuốn phim Dracula đầu tiên ra đời. Rồi sau đó, nhiều cuốn phim khác của nhiều quốc gia cứ thế tiếp tục vì từ đó, cái lâu đài Bran Castle trở thành cái mỏ vàng cho giới điện ảnh.
Tòa lâu đài xây dựng khá nhỏ, phòng ốc chật chội và nhiều ngõ ngách, những bậc thang bằng đá lại không đều khá khó đi cho những người lớn tuổi, mà lại hẹp, khó có thể cho hai người qua lại. Béo phì một tí là kể như lấn hết làn đường. Qua gần 7 thế kỷ, di tích còn sót lại là những cái giường, những bộ gế sofa, phòng đọc sách, phòng trang điểm của bà hoàng hậu cuối cùng, bà Marie of Greater Romania trước khi rơi vào tay đảng Cộng Sản Romania vào năm 1948 … Ngày nay, nó được trọng dụng tối đa để moi tiền du khách với vé vào cửa và quà lưu niệm cùng những món ăn ở những hàng quán quanh vùng.
Lái xe hơn 4 tiếng đồng hồ từ thủ đô Bucharest để đến được chốn này phải nói là vô cùng uổng phí, vì ngoài nó ra, chẳng còn điểm nào nữa để đến thăm. Đi về mất nguyên một ngày, hơn 450 cây số và 30 lít xăng tổng cộng hơn 70€ … Thêm tiền vé vào cửa nữa là bay mất 100€ như không.
Chấm điểm cho lâu đài Ma Cà Rồng, thì chỉ có thể được điểm 1/10. Đúng là,
Chưa đi chưa biết lâu đài (Dracula),
Đi rồi mới biết … thật hoài công đi.