Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGNHỚ VỀ NHÀ THƠ DU TỬ LÊ

NHỚ VỀ NHÀ THƠ DU TỬ LÊ

————

Nếu nhớ về một Du Tử Lê tài hoa trong chữ nghĩa, trong thi ca, ắt đã có nhiều người viết. Hôm nay có lại viết cũng thừa. Nhưng nói về Du Tử Lê đã sống thế nào trong cái yêu ghét của người Việt, cái đó có lẽ ít người viết. Đặc biệt là yêu ghét đã nổi gió kể từ khi ông về lại Việt Nam sau nhiều năm tỵ nạn.

Nhưng thật ra, không chỉ riêng Du Tử Lê, văn nghệ sĩ nào của người Việt miền Nam Việt Nam tự do từng rời khỏi nước sau tháng 4/1975, khi quay lại quê nhà, đều là những người đi ngược gió.

Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy về Việt Nam sinh sống. Đó là một cơn bão chứ không là gió. Những kẻ chống ông quay về, từ trong nước có cả kẻ thù và có cả người quen. Những người giận dữ đặt tên ông là phản bội, là cơ hội… thì ở chung quanh nơi ông sống. Là Midway city, nơi mà ông chỉ ký dưới thư tay bằng tiếng Việt – thị trấn giữa đàng – khi gửi cho tôi, thời chưa có internet. Vào những ngày ông đau yếu ở quận 10, Việt Nam, tôi đến thăm và hỏi rằng “Bác thấy hài lòng khi về sống ở VN chứ?”. Ông lắc đầu cười khẽ, nói “câu trả lời chính xác, là tôi hài lòng được chết nơi quê hương của mình”.

Năm 2012, khi ca sĩ Khánh Ly lần đầu được Hà Nội cho phép vào nước. Bà đã đi xuyên qua những lời miệt thị, phỉ báng đến rợn người để về lại Sài Gòn. Khi tôi hỏi rằng bà quay về với suy nghĩ gì. Bà đã cười và hỏi ngược lại tôi “Khi em chạy về quê nhà của mình, em nghĩ gì?”.

Từ 2014, Du Tử Lê đã có những chuyến đi về Việt Nam, đến năm 2016 thì người ta thấy ông xuất hiện trong những buổi ra mắt sách in ở Việt Nam. Dĩ nhiên, ông cũng bị tấn công không ngớt, bị gọi là thằng hèn, kẻ hám danh… Trong một lần ngồi café với ông ở Garden Grove, thành phố nơi ông sống, tôi thấy ông đột nhiên trầm ngâm rồi cười như một mình, nói với tôi “Nếu giờ này, anh và em ngồi ở một quán café nào đó Sài Gòn thì hay biết mấy nhỉ”. Đuôi mắt ông nheo nheo, ẩn trong nụ cười là một nỗi buồn vô hạn.

Điều đó, tôi hiểu. Không chỉ văn nghệ sĩ mà bất kỳ con người nào bị buộc phải rời khỏi quê hương trong bất toại, đều là những vệt ám ảnh trong ký ức. Đau đớn hay hạnh phúc, họ đều muốn được tận hưởng với hơi thở quê nhà. Họ cần hít hà nguồn cội đó, hít hà để nhớ và để chết. Hít hà như những kẻ nghiện nơi chốn của mình.

Những ngày đi xa, ngồi trên máy bay về Việt Nam có lẫn nhiều người đã tha hương rất lâu, có trẻ, có già… tôi chứng kiến khi chiếc máy bay sà xuống, khi những khối nhà và con đường hiện lên, nhiều người đã xúc động kêu lên “tới rồi, tới Sài Gòn rồi…”. Những cái đầu vói nhìn qua cửa sổ, những lời bàn về chỗ sắp đến của họ râm ran khắp các ghế. Quê hương như một liều doping mầu nhiệm, trong phút chốc mọi người phấn chấn và tạm quên vì sao họ bị bứt khỏi nơi này, tạm quên nơi họ đến, là nơi những người cộng sản cầm quyền chứ không như ngày xưa ấy.

Cũng vì vậy mà trong lịch sử, mọi chế độ độc tài đều muốn cầm giữ quê hương và dân tộc như một loại con tin để mặc cả với tương lai, để hành hạ con người, tra tấn sự yêu thương.

Từ những điều đơn giản đó, mà tôi cảm nhận được nhiều hơn với chuyện quay về. Du Tử Lê từng bị gọi là ham tiền, hám danh… khi quay lại Việt Nam, nhưng thật ra, tôi tin là ông, cũng như Phạm Duy hay Khánh Ly, tìm thấy nhiều điều khác hơn, sâu thẳm hơn so với những lời kết tội đó. Mỗi người có một lý do của mình, và họ có quyền im lặng, quyền chọn vào sự phán xét cuối cùng ở tương lai chứ không bởi một cá nhân hay một cộng đồng nào.

Trong giai đoạn còn khỏe, Du Tử Lê hay gặp vài thân hữu khép kín vào buổi sáng. Ngày chẳn thì ở một quán café tại Westminster, ngày lẻ thì ở một quán Bún bò Huế tại Garden Grove. Các câu chuyện về văn chương và cuộc đời với nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, nhà báo Vương Trùng Dương, nhà báo Ngọc Hoài Phương… vẫn thời sự nhưng rồi, bao giờ đề tài Việt Nam và quá khứ luôn là chính. Có những lúc nhìn họ, tôi tự hỏi vì sao họ có thể nói về Việt Nam và một thời mãi không chán. Họ như những đứa trẻ đầy ký ức luôn cười khúc khích và sôi nổi tranh nhau khi kể về.

Rồi tôi cũng chợt nhìn thấy trong những văn nghệ sĩ Việt bị gọi là lưu vong đó, một cách giải thích khác trong chuyện quay về. Với họ, quê hương là mẹ, là mãi mãi với cuộc đời của họ. Chế độ chỉ là giai đoạn. Và nếu người mẹ bị cầm giữ, thì dù phải luồn lách thế nào, họ cũng chấp nhận để được chạm vào, để được nhìn thấy.

Trong một lần nhà thơ Du Tử Lê lấy xe đưa tôi về, trên đường đi bất thần tôi hỏi “anh có nhận biết ngoài những người yêu mến anh, còn rất nhiều người ghét bỏ anh không?”. Ông sựng lại ít giây, rồi mặt rất nghiêm “anh biết chứ. Anh đã không làm vừa lòng rất nhiều người. Không có nghĩa là anh đã đúng và tử tế hoàn toàn đâu Nhưng anh thấy mình vui vì không chối bỏ, và thật sự biết vì sao mình làm như vậy”.

Có rất nhiều điều trong đời, không cần người phải biết, nhưng riêng mình biết, trời biết. Khi chiếc xe của ông đi khuất, đứng lại trên con đường vắng với gió nhẹ mùa hè, tôi thấy mình thấu hiểu hơn, dung nhận rõ nỗi cô đơn của người-trong-cộng-đồng- người.

Và hôm nay, khi nghe tin nhà thơ Du Tử Lê qua đời, tôi tin có không ít đồng loại cúa mình, cũng đang mỉm cười và cô đơn đến cuối cùng.

Em đã nói giúp suy nghĩ của anh rồi đó. Hẹn gặp lại anh, Du Tử Lê.


NHÀ THƠ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular