TUỔI TRẺ
TTO – Hàng loạt chính phủ và công ty trên thế giới có thể bị cuốn vào rắc rối khi Mỹ trừng phạt Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) vì xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Theo báo South China Morning Post, do quy mô hiện diện quá lớn của Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) ở châu Á, các nhà quan sát dự báo trong những ngày tới, hàng loạt chính phủ và doanh nghiệp có làm ăn với CCCC sẽ phải điên đầu tìm hiểu xem lệnh cấm vận của Mỹ ảnh hưởng ra sao.
CCCC bám rễ sâu vào các nền kinh tế châu Á một phần do các nước này tham gia vào sáng kiến hạ tầng “Vành đai, con đường” trị giá nhiều tỉ đô của Trung Quốc. Tính chung, CCCC hiện đang dính đến 923 dự án ở 127 quốc gia, theo hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.
CCCC bị Mỹ điểm mặt vì đi đầu trong hoạt động bồi đắp, quân sự hóa trái phép ở Biển Đông, nhưng ít ai biết trong giới nghiên cứu quốc tế, sự hiện diện của CCCC là một trong những tiêu chí giúp các học giả phân biệt dự án nào thuộc Vành đai, con đường.
Học giả Ngeow Chow Bing của Đại học Malaya (Malaysia) dự báo những pháp nhân nào có liên quan đến dự án của CCCC đang đối mặt với con đường chông gai phía trước.
“Lệnh cấm vận kiểu này cho thấy bất cứ dự án nào liên quan CCCC, hiện tại hay tương lai, sẽ phải tránh công ty Mỹ. Malaysia chắc chắn sẽ gặp rắc rối, riêng việc Mỹ làm mạnh đến đâu còn phải chờ xem”, ông Ngeow nhận xét.
5 công ty con của CCCC nằm trong số 24 công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách cấm vận hôm 26-8. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh không thể cho phép Bắc Kinh dùng CCCC và các thực thể nhà nước khác để áp đặt chương trình nghị sự bành trướng của họ.
Báo Wall Street Journal mô tả nếu trong công nghệ Mỹ xử Huawei, thì trong hạ tầng đích nhắm là CCCC.
Các nhà quan sát cho rằng dù các thực thể CCCC bị cấm vận không có liên hệ trực tiếp với các dự án hạ tầng lớn, ví dụ đường sắt bờ đông ở Malaysia – “viên ngọc” của Vành đai, con đường, nhưng chúng vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Ông John Lichtefeld – phó chủ tịch hãng tư vấn chiến lược The Asia Group (Washington) – nhận định danh sách cấm vận và các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ mới là bắt đầu, rào cản mới (đối với dự án CCCC) sẽ xuất hiện khi Mỹ leo thang thêm chính sách chống Trung Quốc.
Nhà quan sát N. Sathiya Moorthy, chuyên gia về Sri Lanka, nhận xét các quốc gia Nam Á có nhiều dự án CCCC như Sri Lanka sẽ gặp thách thức khi phải đi dây giữa hai siêu cường sau động thái mới nhất của Washington.
CCCC đã từng có không ít điều tiếng ở Sri Lanka, tiêu biểu là vụ công ty con China Habour Engineering chi 7,6 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mahinda Rajapaksa năm 2015.
Dự án thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỉ USD của CCCC là một điển hình cho “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc vốn bị chỉ trích khắp thế giới.
“Nhiều khả năng các quốc gia thuộc thế giới thứ ba có làm ăn với Trung Quốc sẽ quan sát Colombo để xem một chính phủ nhận được nhiều ủng hộ trong nước (như Sri Lanka) sẽ xử lý quan hệ Mỹ – Trung ra sao trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện tại”, ông Sathiya Moorthy bình luận.