Kinh tế Việt Nam trong 8 tháng của năm 2020
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào hạ tuần tháng 9, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2020 đã có gần 34.300 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Tỷ lệ này tăng đến 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong một hội nghị diễn ra vào hôm 22/9 rằng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Trong cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng Quý 3 của Ngân hàng Nhà nước, diễn ra ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội vay. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao-Thương binh-Xã hội thì nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động, do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh…
Gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng đã được Chính phủ Hà Nội triển khai từ 5 tháng trước. Và, giới doanh nghiệp tại Việt Nam phản ảnh rằng họ không thể tiếp cận các gói hỗ trợ, mà báo giới trong nước mô tả “khó như lên trời”.
Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ với RFA rằng sau hai đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, mặc dù họ rất cố gắng tiếp cận gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn mới có thể đáp ứng đầy đủ các quy định hỗ trợ.
Tuy vậy, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ phân tích lý do vì sao các doanh nghiệp không tích cực vay vốn từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng. Qua ứng dụng messenger, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ trình bày rằng:
Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, và do đó là phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay chịu nhiều tác động nhưng trong đó phải kể đến là hai tác động chính. Tác động thứ nhất đó là tình hình dịch Covid-19 hiện đang trở lại ở Châu Âu và chưa có một phương thức điều trị hay ngăn chặn hiệu quả. Mặc dầu có cải thiện nhưng tình hình kinh tế các nước vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục. Tác động thứ hai đó là cuộc canh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu từ thương mại đang mở rộng ra, doanh nghiệp các nước của Mỹ, Châu Âu, Nhật bắt đầu thay đổi hệ thống chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu và dịch chuyển các cơ sở sản xuất
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
“Gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng tương đương với 700 triệu USD là một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp cả nước. Giả sử có 70 ngàn doanh nghiệp cần vay thì số tiền này chỉ tương đương mỗi doanh nghiệp được vay trung bình là 10 ngàn USD. 10 ngàn USD là số tiền mà một doanh nghiệp nhỏ chỉ đủ trả lương cho nhân viên trong vòng một tháng. Cho nên gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng quá nhỏ so với nhu cầu và nó cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Có lẽ chính vì lý do đó mà các doanh nghiệp không muốn tốn thì giờ đi vay.”
Chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu đã không ít lần kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần gia tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, tối thiếu ở mức 2% GDP của Việt Nam, tương ứng 140 ngàn tỷ đồng, và thậm chí lên đến 300 ngàn tỷ đồng mới có thể vực dậy được hoạt động sản xuất kinh tế trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng gói hỗ trợ cần tập trung giúp cho các doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản, tức là mất khả năng chi trả như trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả tiền thuế phí khác, trả nợ ngân hàng, trả nợ cho đối tác…
“Tất cả những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả của họ giảm thiểu rất mạnh thì Chính phủ, trong trường hợp này, phải bơm một dòng tiền vào cho các doanh nghiệp đó; bằng cách cho họ vay với những điều kiện thật dễ dãi cùng với thời gian ân hạn rất dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi. Việc đưa tiền cho các doanh nghiệp như thế có thể thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ để có thể giúp các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ có một cơ chế gọi là ‘cấp quỹ bảo lãnh tín dụng’, giống như ở bên Mỹ có SBA. Hiện ở Việt Nam cũng đã có một ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’. Chính phủ đổ một lượng tiền vào trong các ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’ đó và các “Quỹ bảo lãnh tín dụng’ chuyển tới bảo lãnh các ngân hàng để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay đang bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 này.”
Tăng trưởng kinh tế thứ nhì Châu Á
Trong bối cảnh Việt Nam có 34,3 ngàn doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và trong đó có hơn 24 ngàn doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể tính đến cuối tháng 8/2020, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings, trong hạ tuần tháng 9, công bố một báo cáo dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng GDP là 1,9% trong năm 2020 và 11,2% trong năm 2021.
Với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo vừa nêu, S&P Global Ratings xếp hạng Việt Nam đứng thứ nhì sau Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng vừa công bố báo cáo về cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) năm 2020. Trong báo cáo này, ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries được báo giới trong nước trích lời nhận định rằng kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn dự kiến vì tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do tác động của COVID-19. Tuy nhiên, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ vào thành công của Chính phủ Hà Nội trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào trung tuần tháng 9, dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư ghi nhận nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2020, giải ngân được đạt 250 ngàn tỷ đồng, tương đương 50,7% kế hoạch năm. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương nỗ lực giải ngân tối đa 100% đầu tư công đến cuối năm 2020 để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư công thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.
Song song đó, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho báo giới trong nước biết cơ quan này đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương.
Nhận định của giới chuyên gia
Qua trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo như dự báo của ADB và S&P Global Ratings, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định rằng sẽ rất khó để dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm nay và năm tới. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lý giải cho nhận định của ông:
“Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế mở, phụ thuộc rất nhiều vào xuất nhập khẩu, và do đó là phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay chịu nhiều tác động nhưng trong đó phải kể đến là hai tác động chính. Tác động thứ nhất đó là tình hình dịch Covid-19 hiện đang trở lại ở Châu Âu và chưa có một phương thức điều trị hay ngăn chặn hiệu quả. Mặc dầu có cải thiện nhưng tình hình kinh tế các nước vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục. Tác động thứ hai đó là cuộc canh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu từ thương mại đang mở rộng ra, doanh nghiệp các nước của Mỹ, Châu Âu, Nhật bắt đầu thay đổi hệ thống chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu và dịch chuyển các cơ sở sản xuất.”
Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, từ Paris, Pháp quốc, nhắc lại điểm đáng lưu ý của nền kinh tế Việt Nam, mà tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ đưa ra, là phụ thuộc vào ngoại thương quá nhiều. Do đó, đây là một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nước ngoài. Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nhận định với RFA rằng mặc dù có xu hướng các tập đoàn quốc tế dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những nơi mà các tập đoàn này hướng đến thì cũng mất thời gian ít nhất là vài năm sau nữa, chứ khó có khả năng đầu tư ngay lập tức sau dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
Tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng ngành du lịch của Việt Nam sẽ hoàn toàn tan vỡ. Số thu của ngành này trong năm 2020 là số 0, chưa kể đến rất nhiều khách sạn và nhà hàng bị phá sản. Số thu của ngành du lịch được ghi nhận chiếm 7-7,5% GDP của Việt Nam. Như vậy, nếu ngành du lịch bị tan vỡ, suy sụp hoàn toàn thì kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phải sụp xuống dưới mức 7,5% còn số 0. Sau đó, mọi người cũng nhìn nhận tất cả mọi ngành đều bị suy thoái và đều bị ảnh hưởng hết. Cho nên không thể nào kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1% hay 1,8%. Chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là con số âm. Điều đó không ai muốn, nhưng đó là sự thật và các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhìn thấy rõ, nhưng họ không có tiếng nói
-Ông Nguyễn Gia Kiểng
Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 có thể nhìn thấy được kết quả tăng trưởng âm.
“Tất cả mọi người đều nhìn nhận rằng ngành du lịch của Việt Nam sẽ hoàn toàn tan vỡ. Số thu của ngành này trong năm 2020 là số 0, chưa kể đến rất nhiều khách sạn và nhà hàng bị phá sản. Số thu của ngành du lịch được ghi nhận chiếm 7-7,5% GDP của Việt Nam. Như vậy, nếu ngành du lịch bị tan vỡ, suy sụp hoàn toàn thì kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phải sụp xuống dưới mức 7,5% còn số 0. Sau đó, mọi người cũng nhìn nhận tất cả mọi ngành đều bị suy thoái và đều bị ảnh hưởng hết. Cho nên không thể nào kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1% hay 1,8%. Chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là con số âm. Điều đó không ai muốn, nhưng đó là sự thật và các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhìn thấy rõ, nhưng họ không có tiếng nói.”
Ông Nguyễn Gia Kiểng nói thêm về diễn biến của tình kinh tế Việt Nam trong năm 2021:
“Công ăn việc làm ở Việt Nam chủ yếu là các công ăn việc làm nhắm vào xuất khẩu. Bởi vì xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương với hơn 200% GDP. Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào bối cảnh của quốc tế và Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ và Âu Châu. Trong khi đó, tình hình ở Mỹ đang rất là bi đát. Vào năm 2021, Mỹ sẽ có một tổng thống mới. Và hiện có hai chương trình kinh tế hoàn toàn khác nhau mà có ảnh hưởng đến Việt Nam. Thế thì phải đợi đến sau ngày 3/11 thì mới có thể có thêm một chút dữ kiện để có thể bắt đầu dự đoán kinh tế Việt Nam thôi.”
Là một nhà quan sát tình hình kinh tế-chính trị thế giới, ông Nguyễn Gia Kiểng nói rằng dự báo như của ADB và S&P Global Ratings dựa vào số liệu của Nhà nước Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, trong thực tế những gì đang diễn ra đối với hoạt động kinh doanh, sản xuất ở Việt Nam thì rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không thể nào lạc quan được trong thời gian năm nay và năm sau nữa.