Theo hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa xét xử phúc thẩm các ngày 12 và 13/6/2023, nhà giáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị bắt tạm giam hồi 14h00 ngày 28/3/2022 theo Lệnh bắt bị can để tạm giam số 05/LB(HS-HT-MT) ngày 26/3/2022 (BL 25). Lệnh bắt bị can để tạm giam căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022.
Thêm nữa, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An còn ban hành Đề nghị phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 85/ĐN-CSĐT(HS-KT-MT) ngày 26/3/2022 (BL 32) gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tại văn bản này, Cơ quan CSĐT huyện Hưng Nguyên cũng căn cứ vào Quyết định khởi tố số 42 ngày 26/3/2022 để đề nghị VKS cùng cấp phê chuẩn việc bắt tạm giam đối với Nhà giáo Lê Thị Dung.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không có Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022. Như vậy, có căn cứ khẳng định đối với việc khởi tố Nhà giáo Lê Thị Dung là không có Quyết định khởi tố.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, điều tra viên điều tra vụ án khẳng định việc khởi tố bị can Lê Thị Dung chỉ có 01 Quyết định khởi tố bị can và đó là Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022. Các luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm công bố bút lục Quyết định khởi tố bị can số 42 này của hồ sơ vụ án để phục vụ cho việc xem xét, đánh giá, tranh luận công khai tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, nhưng cho đến cả khi nghị án, tuyên xong bản án phúc thẩm thì vẫn không thể có Quyết định số 42 để công bố!
Vì vậy, có đủ cơ sở khẳng định do không có Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 đối với nhà giáo Lê Thị Dung; nên Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Quyết định số 42 ngày 26/3/2022 của VKSND huyện Hưng Nguyên là không có giá trị (phê chuẩn một quyết định “trên trời” và không hề có trong hồ sơ vụ án).
Theo đó, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 05 ngày 26/3/2022 (BL 25), Đề nghị phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26/3/2022 (BL 32) của Cơ quan CSĐT huyện Hưng Nguyên và Quyết định phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 05/QĐ-VKS-HN ngày 28/3/2022 (BL 40) của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên đều căn cứ vào Quyết định khởi tố bị can số 42 ngày 26/3/2022 để ban hành là hoàn toàn không có giá trị pháp lý, không là chứng cứ hợp pháp để sử dụng trong vụ án hình sự này theo quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015. Đây cũng lại là những Quyết định tố tụng căn cứ vào Quyết định số 42 “trên trời” để ban hành. Do đó, việc thực thi Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nhà giáo Lê Thị Dung là hoàn toàn trái luật.
Đặc biệt, nghiên cứu và đánh giá Đề nghị phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 85 ngày 26/3/2022 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đối với nhà giáo Lê Thị Dung nêu rõ lý do bắt tạm giam: “Quá trình điều tra xác định bị can có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác tội phạm” (BL 32). Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án và cho đến nay không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nhà giáo Lê Thị Dung đã có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án hay có hành vi đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015 để làm căn cứ cho Cơ quan điều tra Công an huyện Hưng Nguyên đề nghị VKSND huyện Hưng Nguyên phê chuẩn việc bắt tạm giam. Do đó, khẳng định việc bắt tạm giam BC Lê Thị Dung là vô căn cứ, có dấu hiệu bịa đặt, “vu khống” đối với nhà giáo Lê Thị Dung.
Có thể thấy, Quyết định khởi tố vụ án số 20 (BL 18) mới bắt đầu giai đoạn điều tra vụ án hình sự bị khởi tố vào ngày 26/3/2022 nên chưa thể có hoạt động điều tra nào của giai đoạn điều tra vụ án này. Cơ quan điều tra vừa có Quyết định khởi tố vụ án thì cùng ngày 26/3/2022 cũng có Lệnh bắt bị can để tạm giam và có Đề nghị phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam nên chưa thể có hoạt động điều tra nào, chưa thể có “quá trình điều tra” như quan điểm của Cơ quan điều tra. Việc nại ra lý do bắt tạm giam nhà giáo Lê Thị Dung vì xác định quá trình điều tra nhà giáo Lê Thị Dung có hành vi tiêu hủy, tẩu tán tài sản của vụ án, đe dọa, khống chế trả thù người làm chứng, người tố giác là không có căn cứ, là bất chấp pháp luật. Trong vụ án này không có người làm chứng, không hiểu Cơ quan CSĐT huyện Hưng Nguyên xác định nhà giáo Lê Thị Dung có hành vi đe dọa, không chế, trả thù người làm chứng nào để đưa vào làm lý do bắt tạm giam?
Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Phương Thúy – người tố giác nhà giáo Lê Thị Dung “Vi phạm pháp luật trong công tác quản lý để thất thoát hàng trăm triệu đồng của trung tâm, lợi dụng chức vụ lạm thu, lạm chi, để ngoài sổ sách tài chính cơ quan nhà nước. Có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” (BL 14); đã tham gia tranh luận với người bào chữa chúng tôi. Bà Thúy khẳng định nhà giáo Lê Thị Dung đã trù dập bà Thúy năm 2018, mặc dù tự bào chữa cho mình, nhà giáo Lê Thị Dung đã có quan điểm về việc này là không đúng và bị cáo Dung đề nghị Hội đồng xét xử công bố chứng cứ về việc này. Việc tuyển dụng Nguyễn Thị Phương Thúy theo yêu cầu của cấp trên là hoàn toàn trái pháp luật và nhà giáo Lê Thị Dung đã có ý kiến về việc này, hậu quả của việc đấu tranh cho cái đúng là Lê Thị Dung bị “còng tay” vào tù (việc khởi tố, bắt giam xảy ra ngay sau vài ngày khi nhà giáo Lê Thị Dung rút đơn tố cáo việc làm sai của các cơ quan cấp trên). Tuy nhiên, nếu giả sử cho rằng có sự trù dập của Lê Thị Dung đối với Nguyễn Thị Phương Thúy như bà Thúy nại ra thì đó là vào năm 2018 như Thúy khai, mà vụ án khởi tố vào tháng 3/2022 thì không thể lấy đó làm lý do cho Cơ quan điều tra Công an huyện Hưng Nguyên xác định là Lê Thị Dung có hành vi trả thù, khống chế người người liên quan Nguyễn Thị Phương Thúy trong quá trình điều tra vụ án được. Và nếu lập luận như thế này để bắt nhà giáo Lê Thị Dung, thì phải chăng cơ quan điều tra đã tiếp nhận thông tin từ bà Thúy cho rằng mình bị Giám đốc Lê Thị Dung trù dập năm 2018 để làm căn cứ bắt tạm giam tháng 3/2022 và xác định năm 2018 là “quá trình điều tra” vụ án? Do đó, chúng tôi có quyền nghi ngờ từ việc tranh luận của Nguyễn Thị Phương Thúy tại phiên tòa như vậy, phải chăng có sự liên kết của Nguyễn Thị Phương Thúy với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên để bắt tạm giam đối với nhà giáo Lê Thị Dung với lý do không đúng sự thật?
Đặc biệt, việc áp dụng biện pháp “tạm giam” đối với nhà giáo Lê Thị Dung là trái luật không chỉ ở lý do tạm giam trái luật đã phân tích trên đây, mà còn ở việc không áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp nếu khiên cưỡng cho rằng nhà giáo Lê Thị Dung có hành vi phạm tội.
Chúng tôi thấy rằng, giả sử có hành vi phạm tội theo khoản 2 Điều 356 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (theo Quyết định khởi tố bị can số 42 chưa từng có) đi chăng nữa thì trường hợp này chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cứ trú” đối với bị can. Đối chiếu quy định của pháp luật tại Điều 123 BLTTHS 2015 quy định về biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” chỉ cần thỏa mãn 02 điều kiện: (1) bị can có nơi cư trú rõ ràng, (2) bị can có lý lịch rõ ràng là đủ điều kiện áp dụng biện pháp này.
Nhận thấy, bản thân nhà giáo Lê Thị Dung chưa từng có tiền án, tiền sự; sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh nền, có nhiều đóng góp và thành tích cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Nghệ An, cho công tác xét xử của ngành Tòa án vì nhà giáo Lê Thị Dung nguyên là Hội thẩm nhân dân của TAND huyện Hưng Nguyên trong 05 năm qua.
Vì vậy, chỉ cần đánh giá lý lịch bị can, thành tích công tác và thực tiễn công tác hội thẩm nhân dân tại Tòa án huyện Hưng Nguyên của nhà giáo Lê Thị Dung đã cho thấy nhân thân vô cùng tốt đẹp, vô cùng ưu việt của một con người. Nhà giáo Lê Thị Dung nếu không ưu tú, không xuất sắc không thể trở thành Hội thẩm nhân dân, không thể được ngồi ở hàng ghế của các hội đồng xét xử trong các phiên tòa suốt 05 năm qua. Phải thấy rằng, tiêu chí của một người làm công tác Hội thẩm nhân dân của ngành Tòa án vô cùng khắt khe (Điều 85 Luật tổ chức TAND và các văn bản hướng dẫn của ngành Tòa án) nhưng nhà giáo Lê Thị Dung đã hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một người Hội thẩm nhân đân suốt 05 năm qua, đặc biệt còn được TAND tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử. Vì vậy, không có lý do gì để áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm giam” đối với một người như nhà giáo Lê Thị Dung. Làm như vậy là trái quy định của BLTTHS 2015.
Từ những phân tích nêu trên, ngay tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư bào chữa chúng tôi đã liên tục kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét thay đổi ngay biện pháp ngăn chặn cho nhà giáo Lê Thị Dung từ “tạm giam” sang “cấm đi khỏi nơi cư trú”, bởi lẽ nhà giáo Lê Thị Dung không thuộc trường hợp phải bắt tạm giam theo quy định, bị cáo đang kêu oan, đại diện VKSND tỉnh Nghệ An cũng có quan điểm chưa đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo; hơn nữa việc thay đổi biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” cho nhà giáo Lê Thị Dung hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc xét xử phúc thẩm vụ án, trái lại còn cho thấy sự tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền con người của cơ quan xét xử. Rất tiếc, Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, giải quyết.
________________
Vụ án này có thể ví như một viên sạn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tư pháp Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu chúng ta yêu quê hương, yêu đất nước, thì đừng làm gì trái luật, nhất là việc buộc một con người vào lao lý…
Nguồn: FB luật sư Trần hồng Phúc