HomeDÂN CHỦTỰ DO BÁO CHÍNhà báo Phạm Chí Dũng mới chỉ đi qua 1/3 chặng đường...

Nhà báo Phạm Chí Dũng mới chỉ đi qua 1/3 chặng đường 15 năm lao tù

Ngày 21/11 năm nay đánh dấu tròn 5 năm từ ngày nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bị chính quyền Việt Nam bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Thông tin mới nhất từ gia đình ông cho biết tình hình sức khỏe của ông “tạm ổn so với thời gian trước đây”. Ngoài ra, ông xem TV thấy bà con miền Bắc bị lũ lụt nên quyết định quyên góp cứu trợ, nhưng đề nghị của ông bị quản lý trại giam từ chối.

“Có thể do thời gian ở trong trại giam khá dài 5 năm, tức 1/3 chặng đường gian nan đầy thử thách mà ông đã trải qua, tinh thần ông có vẻ đầy cam chịu và chấp nhận số phận”, một thành viên gia đình của ông cho VOA biết hôm 19/11.

Về sức khỏe, gia đình cho hay nhà báo 58 tuổi này bị mất ngủ thường xuyên, phải uống thuốc mỗi đêm, bên cạnh các bệnh khác như đau nhức khớp gối, ù tai…

“Ông Phạm Chí Dũng đã đề nghị lãnh đạo trại giam cho ông và những người tù chính trị được khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Tuy nhiên, phía trại giam không hề có bất kỳ động thái nào. Họ không đưa bác sĩ đến khám và cũng không phản hồi”, thành viên gia đình – không nêu tên vì lý do an toàn – thuật lại với VOA về yêu cầu của ông Dũng đối với giám thị trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai (Z30A) do Bộ Công an quản lý.

“Khi xem TV, nhìn thấy miền Bắc bị lũ, ông Dũng đã đề nghị trại giam cho ông trích từ lưu ký 1.000.000đ để hỗ trợ bà con miền Bắc. Tuy nhiên, lời đề nghị của ông Dũng không được đáp ứng. Cán bộ trại giam không đồng ý việc thu tiền ủng hộ bão lũ”, vẫn lời người nhà của ông Dũng.

“Ông Dũng yêu cầu cho biết lý do, cán bộ trại giam trả lời rằng không có chủ trương. Ông Dũng cho rằng, mình vẫn là công dân Việt Nam. Vì vậy, ông có trách nhiệm hỗ trợ bà con khi gặp nạn. Tuy vậy, cán bộ trại kiên quyết từ chối việc ông Dũng quyên góp tiền”.

VOA đã liên lạc với Cục Quản lý Trại giam của Bộ Công an và tìm hiểu về tình hình hiện tại của ông Dũng, cũng như kiểm chứng phản ánh của gia đình, nhưng chưa được hồi đáp.

Theo tìm hiểu của VOA, Luật Thi hành án Hình sự 2019 của Việt Nam chỉ cấm người thi hành án tham gia ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, làm việc trong cơ quan nhà nước, hay phục vụ trong lực lượng vũ trang, chứ không cấm việc quyên góp cho cộng đồng.

Nhân dịp đánh dấu 5 năm ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là cộng tác viên của đài VOA, bị bắt giam – điều mà các chuyên gia Liên Hiệp Quốc kết luận là tùy tiện – bạn bè và đồng nghiệp tiếp tục lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ông.

“Phạm Chí Dũng là một người trầm tĩnh, tử tế. Việt Nam là một nước độc tài, chính quyền không muốn người dân đứng lên cất tiếng nói, không có tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc bắt ông là rất lố bịch. Bản án họ tuyên Phạm Chí Dũng và những người khác là giả hiệu, và không đúng theo luật lệ”, bà Grace Bùi, một nhà hoạt động người Mỹ ở Thái Lan, chia sẻ với VOA suy nghĩ của bà về nhà báo Phạm Chí Dũng.

Ông Phạm Chí Dũng hiện đang thụ án 15 năm tù trong khi hai thành viên khác của hội IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang thụ án 11 năm tù mỗi ông với cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Tất cả ba ông đều bị quản chế 3 năm sau khi mãn án tù.

Ông JB Nguyễn Hữu Vinh ở Mỹ, phó chủ tịch IJAVN, chia sẻ với VOA về lý do các thành viên hội này bị bắt giam:

“Những thành viên của IJAVN bị bắt chỉ vì cất lên tiếng nói của mình về đất nước, về công lý, về sự thật, về những điều đã xảy ra trong xã hội Việt Nam cũng như những tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn đẹp cho đất nước. Nhưng có lẽ những điều này đi ngược lại ý muốn của nhà cầm quyền Việt Nam và họ đã bắt bớ những tiếng nói lương tâm để giam hãm trong tù bởi vì tiếng nói tự do không phù hợp với thể chế cộng sản này”.

“Khi các ông bị bắt thì các tổ chức nhân quyền bên ngoài lên tiếng rất nhiều, cho rằng các ông chẳng có vi phạm gì cả, mà chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận”, ông Nguyễn Gia Quốc ở Florida, Mỹ, một thành viên của IJAVN, chia sẻ quan sát của ông với VOA. “Họ cho rằng việc bắt giữ và kết án ông Dũng là hành động đàn áp nhân quyền, phản biện và tự do báo chí; việc bắt đó là vi phạm tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền”.

“Đối với xã hội Việt Nam và các anh em hoạt động ở Việt Nam, họ cũng bênh vực anh Dũng rất nhiều. Tuy nhiên, những dư luận bênh vực anh Dũng thì cũng e dè. Có một số công khai bày tỏ quan điểm, nhưng không được mạnh, nhưng tất cả đều đồng tình cho rằng là cách xử lý của nhà nước là không ổn”, vẫn ông Quốc.

“Tại phiên tòa ông Phạm Chí Dũng không nhận tội nhưng ông thừa nhận tất cả hành vi mà cáo trạng nêu ra, trong đó có nêu một số bài viết của ông. Ông cho rằng các bài này không vi phạm pháp luật, mà là nằm trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp và quyền của ông. Đó là lý do ông không nhận tội tại tòa án”, luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Dũng, hiện đang xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ, nêu ý kiến với VOA.

“Trong quá trình điều tra vụ án cũng vậy, ông Dũng có thái độ rất bình thản trước việc bị đưa xét xử. Ông cũng bày tỏ rằng ông không tin cậy gì về việc xét xử của nền tư pháp Việt Nam, bởi vì ông biết đó là một nền tư pháp một chiều, và ông không làm đơn kháng cáo. Ông biết rất rõ rằng nếu ông có kháng cáo thì bản án sẽ tuyên đối với ông ấy sẽ không có gì thay đổi cả do ông không tin cậy vào nền tư pháp trong nước”.

Hồi tháng trước, một nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam và xét xử ông Phạm Chí Dũng là tùy tiện, vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời nhóm này cũng kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here