HomeDÂN CHỦNguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày): Cuộc Chiến Sau Song Sắt

Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày): Cuộc Chiến Sau Song Sắt

Hai án tù tổng cộng 14,5 năm và 5 năm quản chế với gần 7 năm trải qua 11 nhà tù cộng sản, tôi đã hai lần tuyệt thực để phản đối chế độ giam giữ phi nhân và những vi phạm pháp luật của giai đoạn tạm giam cho đến án tù chính thức.

Người CSVN ngang nhiên và rất tự nhiên tước đoạt Quyền Con Người của tù nhân trong quá trình tố tụng và thi hành án.

Năm 2011, ngay sau tết âm lịch Tân Mão, tôi đã tuyệt thực 28 ngày tại trại tạm giam B-34.

Lý do tuyệt thực nhằm để phản đối việc an ninh điều tra cản trở luật sư tham gia trong quá trình điều tra, không thông báo nơi giam giữ cho gia đình tôi theo quy định của pháp luật.

Cuộc tuyệt thực này không ai biết vì không đưa được thông tin ra ngoài.

Một giờ khuya ngày tuyệt thực thứ 28 trại giam B-34, họ đã phải đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện 30-4 .

Tôi sẽ nói về cuộc tuyệt thực này trong một dịp khác.

***

Gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức và bạn bè trước cửa trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An

Những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước sôi sục và phẫn nộ, vừa đăng tin vừa dõi theo và đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương – Nghệ An, yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật, trả tự do trước tiên và không chỉ cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Đặc biệt, khi biết tin gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức lên trại giam số 6 vào ngày 15/9/2018, cũng là ngày thứ 33 anh tuyệt thực, đồng bào trong và ngoài nước vô cùng lo lắng cho tính mạng của anh. Nhiều bà con hải ngoại thức trắng đêm, theo dõi tin tức của anh với tâm trạng âu lo như lo cho người thân ruột thịt.

Một ngày chờ đợi tin tức thật dài và đầy khắc khoải.

Gần 4 giờ chiều (giờ Việt Nam) mọi người mới nhận được thông tin về cuộc gặp ngắn ngủi . Tin tức càng làm cho nhiều người thêm phẫn nộ vì cách cư xử phi pháp của trại giam và thêm lo lắng, khi biết anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tiếp tục tuyệt thực, dù anh đã chạm vào giới hạn nguy hiểm.

Trên truyền thông và mạng xã hội cũng đặt nhiều câu hỏi về cuộc tuyệt thực 33 ngày của tôi vào năm 2013 ở trại giam số 6 và kinh nghiệm của tôi qua cuộc tuyệt thực đó.

Khi anh Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực, tôi muốn chúng ta chỉ tập trung vào sự kiện của anh và đấu tranh đòi nhà cầm quyền cộng sản phải thượng tôn pháp luật.

Sau khi được tin anh Thức chấm dứt tuyệt thực, tôi nghĩ cần phải kể lại cuộc tuyệt thực của mình cách đây 5 năm trước để góp thêm góc nhìn về việc anh Trần Huỳnh Duy Thức đã kiên trì đấu tranh trong tình trạng như thế nào.

Tôi từng ở trại giam số 6, từng tuyệt thực 33 ngày như anh Trần Huỳnh Duy Thức, từng bị trại giam bưng bít thông tin, giở mọi thủ đoạn để che đậy sai phạm , khi thông tin tuyệt thực của tôi lọt ra ngoài.

Tôi biết rõ địa hình khu an ninh, thiết kế từng phòng giam và cách đối phó của trại giam đối với tôi và anh Trần Huỳnh Duy Thức. Do đó, hy vọng bài viết góp thêm góc nhìn từ bên trong để dư luận càng rõ thêm về sự tàn độc cùa nhà tù cộng sản.

Nhập Trại

Trại giam số 6

Ngày 26/4/2013 tôi bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu đến trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An.

Khi đến trại 6 vào buổi chiều ngày 27/4/2013, tôi đã biết các anh: Nguyễn Xuân Nghĩa , Trần Anh Kim, Nguyễn Kim Nhàn ở đấy.

Ngoài 4 anh em chúng tôi, còn có 4 anh người Tây Nguyên bị bắt sau các biến động ở Tây Nguyên năm 2001 và hai người tù là người Tày ở Lạng Sơn làm gián điệp cho Trung Quốc, một người tù hình sự vì tội buôn bán ma tuý do trại giam cài vào. Tất cả là 11 người ở trong khu gọi là “Khu An Ninh” (KAN) của trại giam số 6.

KAN là một khu vực được xây dựng cách biệt với các khu tù hình sự, nằm ở một góc trại giam số 6.

Trong đó có một dãy buồng giam 5 phòng, nhưng chỉ 3 phòng có người ở (1-2-3), một phòng làm việc của quản giáo và y tế, một phòng kỷ luật có cùm sắt được sử dụng làm kho chứa đồ, một nhà xưởng nhỏ vừa làm nơi cho tù lao động họp. Ở giữa, có cái sân nhỏ với vài chậu cây cảnh, bồn cây trồng vài loại rau, một giếng nước được bịt kín miệng, bằng lưới B40.

Tôi về buồng số 1 đầu dãy nhà, ở chung với một người Tây Nguyên tên là Rơlan Thik . Anh Rơlan Thik bị án 14 năm, ở được gần 10 năm và một gián điệp Trung Quốc tên là Trần Văn Tiến, nhà ở Lạng Sơn. Tiến bị án chung thân, ở được gần 10 năm.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Phòng số 2 có anh Nguyễn Xuân Nghĩa và anh Trần Anh Kim. Cả hai anh đều bị bắt năm 2009 và cùng chịu mức án 6,5 năm tù.

Anh Nghĩa bị điều 88, anh Kim bị điều 79. Cả hai đều chuyển từ trại Nam Hà vào đây, do cùng không nhận tội.

Ở chung với hai anh Nghĩa và Kim, có một người tù hình sự tên Trần Việt Phương. Phương bị án 20 năm vì tội buôn bán ma tuý. Anh ta được giám thị cài vào để lo chuyện lấy cơm nước, cantin v.v… cho tù nhân ở KAN. Phương có nhiệm vụ báo cáo hàng ngày cho ban giám thị những hoạt động của từng người tù trong KAN. Anh ta là mối liên lạc duy nhất từ KAN ra ngoài, bởi KAN được xây dựng biệt lập, theo cách “nhà tù trong nhà tù”.

Phòng số 3 có anh Nguyễn Kim Nhàn, chuyển vào được mấy tháng.

Anh Nhàn từng bị bắt cùng vụ với anh Nguyễn Xuân Nghĩa và hết án trước anh Nghĩa. Vừa ra tù được mấy tháng, anh bị bắt lại. Án sau của anh cũng là 6,5 năm với điều 88. Ngoài anh Nhàn còn có 2 anh: Knoon bị án 20 năm và Kso Trung bị án 18 năm.

Tập hợp đấu tranh

Tôi vào trại giam số 6 Thanh Chương Nghệ An với hai túi đồ gọn nhẹ, nhưng mang theo được từ trong Nam ra bản Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (do luật sư Hà Huy Sơn gửi vào theo yêu cầu của tôi tại trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu từ năm 2012), một quyển Luật Thi hành án hình sự và một số tập vở ghi chép những thông tin mà tôi rút tỉa được từ những bài báo hay truyền hình. Đó là những tài liệu để “chiến” với đám quản giáo và giám thị luôn biến nhà tù thành lãnh địa riêng của chúng với quyền sinh quyền sát trong tay.

Buổi sáng, khi quản giáo vào mở của 3 phòng giam, để mọi người ra sân tập thể dục, vệ sinh cá nhân, rồi sau đó chờ nước nóng ở ngoài vào để pha mỳ gói và tập trung nhau nói chuyện quanh bàn trà.

Đến giờ lao động, những anh em còn trong độ tuổi làm việc ngay trong nhà xưởng. Công việc lúc đó là đan những chiếc giỏ nhỏ mà trại giam nhận gia công cho các công ty xuất khẩu.

Trong những buổi nói chuyện vào buổi sáng, chúng tôi hỏi thăm án tù của nhau, hoàn cảnh gia đình của từng người v.v…

Là người duy nhất từ Sài Gòn ra, tôi kể cho anh em nghe chuyện chúng tôi thành lập CLBNBTD, biểu tình chống Trung Quốc, sử dụng mạng lưới truyền thông tự do để đưa tiếng nói của dân oan, của công nhân… Dùng truyền thông để đấu tranh trong các nhà tù từ Cà Mau tới Xuyên Mộc…

Tôi cũng chia sẻ Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Anh em luân phiên nhau mượn bản Công ước này về chép lại và đánh dấu, ghi chép, giải nghĩa những từ ngữ trong công ước để vận dụng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Chúng tôi cũng thảo luận về một số nội dung trong Luật Thi hành án Hình sự và hình thức giam giữ tù chính trị hiện nay, hoàn toàn không có trong luật này. Anh em thống nhất với nhau phải kiến nghị tập thể yêu cầu trại giam tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện giam giữ tù chính trị.

Thường thì mỗi tuần, buổi chiều ngày thứ sáu là ngày họp tổ để kiểm điểm việc lao động trong tuần. Tôi mới lên trại, lại hết độ tuổi lao động nên chỉ nêu ý kiến yêu cầu thay đổi điều kiện giam giữ theo Luật Thi hành án Hình sự.

Chiều ngày 10/5/2013, anh em trong đội yêu cầu trại giam cải thiện điều kiện giam giữ; yêu cầu được đối xử công bằng và được tập thể thao; được nhận sách vở và được ở trong những buồng giam tập thể. Yêu cầu của chúng tôi được ghi vào biên bản cuộc họp và có chữ ký của tôi đại diện.

Từ sau buổi họp đó, trại giam không trả lời cũng không giải quyết.

Những buổi chiều thứ sáu sau đó không còn các buổi họp. Có lẽ, độc giả cũng đoán ra sự trốn tránh của người CS trong trường hợp này, giống như tất cả những trốn tránh khác trong xã hội hiện nay.

Chuột bọ cần trốn. Con người thì không. Người cộng sản không bao giờ hiểu ra điều đơn giản như vậy.

Bạn bè của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải biểu tình trước cửa trại giam số 6 đòi trả tự do cho anh.

Đàn áp tù chính trị

Chiều ngày 19/6, trại giam cho người lắp thêm cửa và lưới B40 chắn bên ngoài buồng số 4. Chúng tôi nghĩ ngay đến việc sẽ có một vài anh em mới chuyển đến.

Nghĩ đến việc anh em tù bị chuyển từ xa tới rất mệt mỏi, tôi kêu gọi mọi người cùng sang phòng số 4 quét mạng nhện, dội rửa và lau dọn, để người mới tới có thể ở ngay.

Chiều ngày 20/6/2013, phó giám thị Thái Văn Thuỷ dẫn đầu một lực lượng an ninh, quản giáo và một số công an vũ trang mang theo súng AK vào khu an ninh, yêu cầu tất cả tù chính trị đội A tập trung nghe đọc quyết định biệt giam tôi 3 tháng.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kể lại trong hồi ký của mình:

“Buổi chiều ngày 20 tháng 6, toàn tù nhân đội A (Đội an ninh quốc gia), gồm 10 người: Tôi (Nguyễn Xuân Nghĩa), Nguyễn Kim Nhàn, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Hải (ĐC); hai tù người VN làm gián điệp cho cục tình báo Hoa Nam – Trung quốc và 4 tù nhân người dân tộc Tây Nguyên được lệnh tập trung tại lán lao động (Lán được xây dựng ngay trong khu giam giữ). Nhóm cán bộ quản lý tù gồm 12 người, trong đó có viên trưởng phân trại 1 (phân trại đang giam giữ chúng tôi) mang hàm thượng tá tên là Thái văn Thụy và viên trung tá quản giáo đội A (An ninh quốc gia) tên là Nguyễn Văn Khánh. Các viên còn lại thuộc lực lượng công an vũ trang, vài ba người mang súng ngắn, súng AK, dùi cui điện và cồng số 8.

Một không khí trấn áp hiện rõ trong từng bước đi, từng cái nhìn của họ hướng về phía chúng tôi. Viên cán bộ trưởng phân trại bước lên phía trước và dõng dạc đọc quyết định do Đại tá giám thị trưởng trại giam số 6 – Bộ công an, Nguyễn Văn Hoàn, đã ký, nội dung: kỷ luật “phạm nhân Nguyễn Văn Hải, tức Hải Điếu Cày. Lý do: không tuân lệnh cán bộ, lôi kéo, mua chuộc phạm nhân khác, nói xấu đảng, nhà nước. Hình thức kỷ luật: Giam riêng ba tháng (biệt giam), tước bỏ mọi quyền lợi gọi điện, thăm gặp, nhận quà gia đình trong thời hạn kỷ luật…

Lập tức nhóm cán bộ có vũ trang gồm 6 người xô đến vây quanh, kẹp anh Hải vào giữa. Anh Hải bình tĩnh nói to “Tôi phản đối”. Tiếng anh bị chìm hẳn trong tiếng của viên trưởng phân trại “Các đồng chí thực hiện nhiệm vụ!”

Nhóm cán bộ có vũ trang, kẻ đẩy, người kéo anh Hải ra sân lán, rồi đẩy vào buồng biệt giam. Bởi vì xà lim dùng giam giữ tù nhân biệt giam nằm ngay trong khu giam ANQG, chỉ cách lán lao động chục bước chân nên anh Hải không bị còng tay, (khác trường hợp tôi, anh Vũ Hùng, anh Phạm Văn Trội ở trại giam Ba Sao – Nam Hà trước kia. Đọc quyết định xong, họ còng tay và dẫn giải ra khu biệt giam ngay tắp lự).

Một tù nhân người Tây Nguyên được lệnh vào buồng giam cũ của anh Hải lấy cho anh một ít đồ dùng cá nhân: cái bát nhựa ăn cơm, cái chiếu, cái màn, vài bộ quần áo lót và bộ đồ tù sọc trắng đen-Juventus. Số đồ đạc này đã được lập biên bản kiểm đếm chi tiết và yêu cầu anh Y Don ký vào cùng các cán bộ quản giáo. Tiếng cửa sắt xà lim biệt giam đóng sầm như một lệnh nhắc nhở những người còn lại.

Sự việc diễn ra từ lúc chúng tôi được lệnh tập trung, nghe lệnh kỷ luật anh Hải, đến lúc anh Hải bị đẩy vào xà lim biệt giam dài không đầy 10 phút. Rồi chúng tôi được lệnh giải tán.

Thấy sự việc trở nên trầm trọng hơn suy đoán, bốn anh em Tây nguyên lặng lẽ bỏ vào buồng. Tôi, anh Kim, anh Nhàn đứng nguyên vị trí cũ đưa mắt nhìn nhau. Trong 3 người còn lại, chỉ có tôi biết thế nào là “giam riêng”. Tôi đã trải qua 2 lần, tổng cộng cả hai là 6 tháng 7 ngày. Và cũng chỉ tôi hiểu sâu hơn cái nguyên nhân bên trong dẫn đến người ta biệt giam anh Hải. Các lý do như: “lôi kéo, dụ dỗ tù nhân khác, nói xấu đảng, nhà nước cũng là lý do đã từng đưa tôi và anh Trội vào xà lim biệt giam ở Nam Hà. Tôi biết kẻ nào đã tố cáo anh…

Buổi chiều, trước khi được lệnh vào buồng giam, nhìn hai khuôn mặt hả hê của bọn tù gián điệp cho TQ, khi nhìn trộm nhóm anh em dân chủ chúng tôi, tôi đã bảo với ông Kim nhận xét của mình…”

Tuyệt thực

Ngay khi Thái Văn Thuỷ cao giọng hùng hổ đọc quyết định giam riêng , tôi hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra với mình.

Việc tôi ký đại diện cho anh em tù chính trị là nguyên nhân của chuyện biệt giam.

Trong khi Thái Văn Thuỷ đọc quyết định, bọn an ninh trại bu quanh tôi.

Thái Văn Thuỷ vừa đọc xong, tôi đứng bật lên phản đối, liền bị chúng xúm vào lôi thẳng vào buồng số 4 khoá cửa lại.

Tôi nhìn quanh buồng biệt giam, bất giác mỉm cười! Lạ thật! Hôm qua tưởng dọn rửa buồng này cho anh em mới tới ở, không ngờ lại tự dọn cho chính mình.

Lát sau, quản giáo mở cửa đưa tôi xem và ký tờ biên bản kiểm kê đồ đạc đưa vào phòng giam. Tôi quyết định không ký, bởi từ khi đi tù đến giờ tôi chỉ ký vào sổ mua hàng cantin, chưa bao giờ ký vào bất kỳ giấy tờ nào của trại.

Tôi ngồi trong buồng nhìn ra qua hai lớp cửa…

Buổi chiều trôi qua nặng nề, không nghe tiếng nói chuyện đùa giỡn như hàng ngày.

Thường ngày, sau bữa ăn, Rolan Thik chuẩn bị ấm trà để mọi người cùng uống, hôm nay… thật lặng lẽ.

Anh Kim và anh Nghĩa ngồi gần phía cửa buồng biệt giam, thỉnh thoảng, nhìn vào cửa sổ nơi tôi đang ngồi, vừa muốn nói chuyện vừa canh chừng mấy tên an ninh trại.

Tôi nói Knoon tối nay mở TV lớn tiếng để tôi nghe thời sự vì Knoon ở buồng số 3 sát bên buồng số 4, nơi biệt giam tôi.

Rồi cũng đến giờ vào buồng, anh em đã vào hết để lại cái sân trống trong bóng tối.

Tôi vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài và suy nghĩ về những bước đi sắp tới.

Mới lên trại này, quản giáo và giám thị chưa biết nhiều về tôi.

Cũng như nhiều trại giam khác, việc một người tù mới nhập trại bị “dập” cấp tập sẽ làm cho họ sợ hãi và ngoan ngoãn chấp hành, với những người cứng đầu và có bản lĩnh thì sẽ phải vượt qua lần lượt từng cửa một.

“Thằng đó cứng đầu phải không ? Để tao trị nó “ – Tôi nhớ lại, hầu hết bọn cai ngục “đầu bò đầu bướu”, chỉ độc nhất giống nhau một câu như vậy.

“Kết quả” đó là quá trình giáo dục nhồi sọ của bọn CS “đời đầu”. Vì vốn chuộng bạo lực, nên chỉ biết lấy cái tàn ác cùng sự thủ đoạn dạy cho “cộng sản con”, “cộng sản cháu” v.v…. Vậy nên mới ra cớ sự ngày nay mà cái chết của Trần Đại Quang là “sản phẩm đặc hiệu” – hiện thân của cái ác mang tên “Mác – Lê – Mao – Hồ” mà trước đây Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ v.v… lãnh đủ hoặc Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh đang ngắc ngoải!

Khi nào người tù cứng đầu ấy đã “chiến” giáp vòng từ quản giáo, cán bộ giáo dục, an ninh cho tới giám thị mà vẫn không khuất phục được thì chúng mới buông. Nhưng, đó cũng là lúc chúng sẽ chuyển người tù cứng đầu này đến một trại giam khác, xa hơn và khắc nghiệt hơn.

Đến trại mới, người tù lại bắt đầu một “quy trình” mới, bị “dập” rồi lại tiếp tục chiến giáp vòng từ quản giáo tới giám thị…

Đời “tù không tội” như chiếc vỏ xe mòn vẹt, lăn lông lốc khắp dải đất chữ S ốm o và tăm tối!

Chiếc “vỏ xe Điếu Cày” bị bọn bán nước hại dân đá lông lốc qua 11 trại giam với hơn 20 lần chuyển trại.

Tại số 4 Phan Đăng Lưu. “vỏ xe Điếu Cày” đã lăn vào lăn ra 5 lần.

Lần này, K1 trại giam số 6 là nhà tù thứ 10, “vỏ xe Điếu Cày” tiếp tục bị đá lăn vào. Nó – Vỏ xe Điếu Cày – sẵn sàng cho một cuộc chiến mới với những tên ác ôn nhất, thủ đoạn thâm độc nhất…

Biệt giam tôi 3 tháng, họ căn cứ vào quy định pháp luật nào để làm việc đó ? Biên bản vi phạm đâu ? Nếu không có biên bản vi phạm làm sao ban hành được quyết định kỷ luật ? Ngay cả khi có biên bản vi phạm nội quy trại giam và có chữ ký của tù nhân, tối đa kỷ luật 10 ngày giam riêng, hết 10 ngày đó vẫn được thăm gặp bình thường.

Luật Thi hành án Hình sự quy định rõ như vậy, nên bất cứ văn bản nào có nội dung trái luật mà họ áp dụng với tôi đều bất hợp pháp. Rõ ràng trại giam đã bất chấp pháp luật để đá “vỏ xe Điếu Cày” vào biệt giam.

Phải “chiến” thôi ! Tôi nghĩ vậy…

Hôm nay đã là ngày 20/6.

Thường thì ngày thứ sáu cuối tháng, anh em sẽ được gọi điện về nhà.

Tôi suy nghĩ: “Nếu tuyên bố tuyệt thực ngay hôm nay, có thể ngày mai anh em mất một suất gọi điện về nhà vì chắc chắn chúng sẽ ngăn chặn. Thôi chờ qua ngày mai, xem có ai được gọi điện không đã rồi tính”.

Chiều hôm đó khi Phương và quản giáo đưa cơm vào, tôi bảo Phương nói anh Nguyễn Kim Nhàn đưa cho tôi lọ muối trắng.

Tôi cần muối cho cuộc chiến của mình.

Ngày 21/6/2013 trôi qua. Không có ai được gọi điện.

Hy vong mong manh – khi ai đó gọi điện sẽ thông báo tôi bị biệt giam – đã tắt ngấm.

Phải chiến thôi, không đợi được nữa – Tôi thầm nghĩ.

Mục tiêu cuộc tuyệt thực lần này: Yêu cầu VKS Nghệ An vào giải quyết khiếu nại của tôi về quyết định biệt giam 3 tháng của Ban giám thị trại giam số 6.

Tôi chọn cách viết đơn khiếu nại gửi VKS Nghệ An theo Điều 152. Khoản 8 và Điều 159. Tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại trong thi hành án hình sự

Theo cách này, đơn của tôi sẽ đến VKS Nghệ An trong 24h và việc giải quyết khiếu nại sẽ diễn ra sau đó 3 ngày.(*)

Mục tiêu rất rõ ràng với thời hạn thực hiện cuộc tuyệt thực khoảng 1 tuần nếu họ chậm trễ.

Tất nhiên, tôi căn cứ theo luật định, còn thời gian thực tế phải đi trong cuộc chiến lần này bao lâu tôi chưa biết.

Một thực tế thật tỏ tường, tôi không đánh động được dư luận, nếu như không gửi được thông tin ra ngoài, bởi ai cũng biết, đơn khiếu nại dù gửi VKS Nghệ An, vẫn phải đưa cho quản giáo và Ban Giám Thị xem và chuyển đi.

Không có gì đảm bảo rằng, những kẻ luôn tước đoạt quyền con người lại sẵn sàng chuyển đơn của anh ta khiếu nại họ đến VKS ?! Và kể cả khi đơn đã đến nơi, liệu những kẻ “đồng hội đồng thuyền” có vào để giải quyết không ?! Những câu hỏi kèm cả chấm than như dáng người tù cong queo và khô đét trong những đêm tù gục đầu nhớ nhà! Cảm giác buồn bã xâm chiếm hồn tôi…

Những vụ giải quyết khiếu nại của tù chính trị đều do bọn an ninh thuộc BCA giật dây, trại giam chỉ là nơi cầm “chìa khoá giữ kho”, vốn là nghề của những tên cai ngục!

Tôi viết đơn khiếu nại và chuẩn bị mọi thứ cho cuộc chiến sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Kinh nghiệm của cuộc tuyệt thực lần trước nhắc tôi phải chuẩn bị tâm thế để “đi” dài ngày, trong trường hợp xấu nhất không đưa được thông tin ra ngoài.

Tôi không biết phía trước sẽ xảy ra những chuyện gì, nhưng nếu đã chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp xấu nhất thì tôi sẽ không bị sốc.

Ngay từ bây giờ, trước cuộc chiến tôi đã phải biết tiết kiệm năng lượng.

Lợi thế của cuộc tuyệt thực lần này là tất cả anh em trong đội A đều chứng kiến.

Việc thông tin ra ngoài chỉ là sớm hay muộn, vì vậy tinh thần của tôi cũng tốt hơn cuộc tuyệt thực lần trước ở trại giam B-34.

Tôi không cảm thấy đơn độc. Trong tù, “cảm giác không đơn độc” trở thành liều thuốc quý giá mà tôi may mắn có được.

Ngày 22/6/2013.

Sáng ra, tôi dậy sớm. Ngồi bên cửa sổ chờ anh em được mở cửa ra ngoài sân tập thể dục.

Tôi muốn báo anh em biết để chuẩn bị tinh thần.

Khi quản giáo vào mở buồng…

Anh Kim và anh Nghĩa ra tập thể dục đi quanh sân, tôi lập tức thông báo cho cả hai biết ý định tuyệt thực.

Tôi nhờ các anh, bằng mọi cách, giúp tôi đưa được thông tin ra ngoài.

Tôi nhắn anh Kim và anh Nghĩa gửi cho tôi vài quyển sách để tôi đọc khi quản giáo vào đưa cơm.

Y Don xuất hiện với sô nước tưới cây, cậu ấy đến bồn cây cạnh cửa buồng biệt giam.

Tưới giàn dưa leo, liếc quanh không thấy ai, Y Don rì rầm :

– Đêm qua chú ngủ được không ?

Tôi hồi đáp: Chú ngủ tốt, phải dành sức mà chiến chứ.

Y Don là đội trưởng đội A (Đội an ninh quốc gia), tôi vào sau, nên không biết lý do Y Don được làm đội trưởng.

Tôi dặn Y Don phần bánh mì ăn sáng của tôi đừng đưa vào nữa, chuyển cho Rơlan Thik hay Knoon. Tháng tới vẫn cứ đăng ký cantin bằng sổ của tôi mua 4 thùng mì Hảo Hảo cho anh em Tây Nguyên ăn sáng như trước, không có gì thay đổi.

Trưa, quản giáo vào mở cửa đưa cơm, có Phương và Y Don đi cùng.

Tôi đưa cho quản giáo tờ đơn gửi VKS Nghệ An và không nhận cơm, tuyên bố tuyệt thực để phản đối quyết định biệt giam 3 tháng trái pháp luật, vi phạm nhân quyền của BGT trại giam số 6.

Tay quản giáo hơi ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lá đơn. Tôi bảo Y Don mang phần cơm ra ngoài .

Khi cánh cửa buồng giam đóng lại, tôi bắt đầu cuộc chiến của mình. Tôi nhớ lại những cảm giác của lần tuyệt thực trước và sẵn sàng chờ đợi nó đến…

Mưu hèn kế bẩn

Tôi đang nằm đọc sách thì nghe tiếng mở cửa buồng giam.

Giờ này anh em các phòng khác đang ngủ trưa, tay quản giáo quay trở lại vào cùng với Diệu cán bộ giáo dục và Y Don.

Chúng mang theo một tờ giấy biên bản, đưa tôi xem và yêu cầu tôi ký. Tôi cầm tờ biên bản coi kỹ và nhận ra nội dung của tờ biên bản này giống tờ biên bản đã làm với tôi ở trại tạm giam B-34.

Chuyện là thế này : Lần tuyệt thực trước đó – vào năm 2011 – ở trại tạm giam B-34. Ngay sau khi tôi tuyên bố tuyệt thực và không nhận cơm, tay quản giáo đưa ra một tờ biên bản, yêu cầu tôi ký. Tôi xem và đọc kỹ tờ biên bản vốn được in sẵn. Nội dung cho rằng tù nhân đã vi phạm nội quy trại giam. Tất nhiên, tôi không ký các loại giấy tờ biên bản như vậy.

Biên bản loại này, vì được in sẵn theo mẫu, nên quản giáo chỉ việc điền tên tù nhân. Người CS cho thấy sự đối phó rất nghèo nàn về ý tưởng của trại B-34 với tù nhân tuyệt thực đã quá nhiều. Mục đích duy nhất là “gài” tù nhân ký nhận đã vi phạm nội quy.

Tôi vứt tờ biên bản ra ngoài và nghiêm giọng hỏi:

– Không nhận cơm thì vi phạm điều nào trong nội quy ?

Tất nhiên là hắn không trả lời được khi bị tôi bóc mẽ.

Sau đó, khoảng 2h, tay quản giáo quay lại với một tờ biên bản, có nội dung hoàn toàn khác. Nó được đánh vi tính và dành riêng cho tôi. Trong đó ghi rằng, quản giáo có phát cơm cho tôi nhưng tôi không nhận.

Dù tôi vẫn không ký vào biên bản đó, vẫn có người làm chứng ký vào để xác nhận nội dung biên bản.

Bây giờ, sau hơn hai năm và cách xa hơn ngàn cây số, nội dung tờ biên bản dành riêng để đối phó với tôi lại xuất hiện ở trại giam số 6. Y Don đội trưởng đội A là người ký làm chứng.

Tôi hiểu vụ tuyệt thực của tôi đã được báo ra BCA. Trại giam số 6 đã được chỉ đạo đối phó.

Như vậy tôi sẽ không chỉ đối phó với mấy tay ở trại này mà còn phải tính xa hơn với nhưng mưu mô từ xa chỉ đạo.

Tôi vẫn bình thản trước những “xảo thuật” đã quá quen thuộc.

Tôi ngã lưng xuống nền gạch và tiếp tục cầm cuốn sách đang đọc dang dở…

Những hy vọng mong manh bị dập tắt

Ngày thứ sáu 28/6/2013.

Buổi chiều, đội A được gọi điện về nhà.

Hai tên an ninh và một cán bộ giáo dục cùng với quản giáo vào giám sát từng cuộc gọi.

Nơi gơi điện thoại là phòng quản giáo chỉ cách cửa sổ phòng tôi khoảng 10m, tôi ngồi sau cửa sổ theo dõi và nghe từng người gọi điện về nhà, hy vọng có điều gì bất ngờ xảy ra.

Anh Kim ra khỏi phòng quản giáo nhìn về phía cửa sổ buồng giam tôi, lắc đầu…

Rồi đến phiên anh Nghĩa bước ra… cũng với cái lắc đầu y như vậy.

Anh Kim và anh Nghĩa cho hay, khi các anh gọi điện thoại thì ngón tay tên an ninh trại lăm lăm để hờ trên phím ngắt điện thoại, khiến không thể đưa tin ra ngoài được. Dù có nói nhanh cũng không đủ nội dung.

Mọi cơ hội đưa tin ra ngoài hoàn toàn bế tắc.

Tôi chợt nhớ ca khúc “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với thoáng bùi ngùi…

“Vỏ Xe Điếu Cày” chẳng có tin gì vui nhưng không nuôi cảm giác tuyệt vọng. Đó là may mắn của tôi – một tâm trạng nữa, vô cùng cần thiết cho đời tù ngục, mà tôi nghĩ cần nhắn về quê nhà, nơi anh em tôi vẫn đang phải chịu kiếp đọa đày ngày một tàn khốc hơn…

Trong thời gian tôi tuyệt thực, trại giam đang xây dựng một dãy phòng kỷ luật ngay phía sau khu an ninh, sát phía bên kia bức tường ngăn cách khu an ninh và khu giam phạm nhân nữ.

Các tù nhân làm việc trên giàn giáo, cao hơn bức tường ngăn cách hai khu, ở đó có thể nhìn thấy tôi phía sau cửa sổ buồng biệt giam.

Cửa sổ phía sau buồng biệt giam chắn bằng song sắt 12mm, tôi có thể thò tay ra ngoài và ném sang phía bên kia một vật gì đó.

Tại sao mình không thử cách này? Hên xui, nhưng thà làm bất cứ gì đó mình có thể, vẫn còn hơn không. Tôi bật cười và khe khẽ hát: “Có còn hơn không! Có còn hơn không” một câu nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mà tôi rất thích… Tiếu lâm cũng là một phương thuốc giúp cho mọi người tù chúng ta.

Tôi còn mấy trái chanh. Một vài lời nhắn ngắn gọn và đầy đủ nhất, bỏ vào bịch nilon cùng với trái chanh, nó sẽ trở thành “chuyến xe tốc hành” cần thiết với tốc độ “động cơ trái chanh” sẽ giúp thông tin của tôi “đi khá xa”, nếu như ai đó nhặt được.

Với những người bị biệt giam như tôi, bất kỳ cách nào, dù hy vọng mỏng manh, vẫn cứ phải làm. Biết đâu đấy, nó cũng như những thuỷ thủ bị đắm tàu trên đảo hoang, bỏ thông điệp cầu cứu vào một cái chai và quăng xuống biển, chờ cho sóng trôi dạt về bất cứ nơi đâu với hy vọng mong manh sẽ có người đọc được.

Tôi chợt thấy mình lãng mạn ra phết!

Dù sao tôi cũng đang bị biệt giam, nếu bọn an ninh trại có lượm được thì cũng vẫn biệt giam thôi, có gì phải ngán chứ?!

Tôi soạn 3 tin nhắn giống nhau và bỏ vào 3 bịch nilon, mỗi bịch với 1 trái chanh. Một bịch ném thẳng qua hàng rào, hai bịch khác vào khu vực tù nhân đang xây dựng…

Chiều muộn gần tối, Diệu cán bộ giáo dục và quản giáo vào gặp tôi với 3 cái bịch nilon có đủ 3 trái tranh và tờ biên bản. Diệu hỏi với giọng xách mé và khó chịu:

– Đây có phải là chữ viết của anh không ?

Tôi gật đầu và hỏi lại anh ta :

– Có chuyện gì không?

Anh ta nói tôi vi phạm nội quy của trại. Tôi nói trại giam đang vi phạm pháp luật khi biệt giam tôi.

Anh ta không cãi với tôi, dường như chỉ cố làm cho xong việc được giao.

Tôi ngồi trên bục xi măng nghe anh ta trịnh trọng đọc tờ biên bản mà như nghe tiếng vọng từ nấm mồ âm u nào đó.

Tôi không quan tâm đến biên bản hay quyết định kỷ luật gì tiếp theo, vì tôi đã đang ở trong buồng biệt giam rồi.

Diệu đọc xong đưa tờ biên bản cho tôi hỏi bằng giọng lạnh tanh:

– Anh có ký không ?

Tôi dứt khoát:

– Không! Anh thừa biết không bao giờ tôi ký.

Khi Diệu và quản giáo ra khỏi phòng giam, tôi nghĩ một cơ hội lại bị dập tắt cùng những ngày gian khó phía trước, chắc chắn khắc nghiệt hơn.

Tôi sẽ phải tìm cách khác để tiếp tục cuộc chiến. Tôi không cho phép mình buông tay, để mặc chúng muốn làm gì thì làm.

Bên ngoài sân trại trời đã tối sẫm. Tôi nghe thấy nhiều tiếng động mạnh ở phía sau buồng giam. Có nhiều người đi vào khu đất giữa bức tường ngăn khu giam phạm nhân nữ và dãy buồng giam của chúng tôi.

Nhìn về cửa sổ phía sau của buồng giam, tôi thấy tối thui ở chỗ đó. Thì ra , trại giam cho người vào đóng bít tất cả các cánh cửa sổ bằng gỗ phía sau song sắt của cả dãy phòng giam.

Trong phòng ngột ngạt hẳn, bởi phòng giam ở đây xây như bát úp, phía trên sát trần không có khe thông gió, nên khi bị phơi nắng cả ngày, hơi nóng cứ quẩn bên trong. Đôi khi có một cơn gió đẩy cái nóng từ phía trước ra phía sau.

Bây giờ chúng “chơi” như vậy, phòng giam như một cái ống bị bịt kín một đầu, không có không khí đối lưu. Sự ngột ngạt tăng dần theo thời gian, có thể khiến người tù ngộp thở vì thiếu không khí. Lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu não. Dễ choáng, dễ ngất.

Đương nhiên, việc làm lộ liễu đó nhằm mục đích không chỉ không để anh em ở các buồng khác chuyển thông tin của tôi ra ngoài mà còn chủ đích làm tôi thiếu dưỡng khí để thần kinh suy nhược. Khi con người ta như vậy, sẽ không còn bất kỳ ý thức phản kháng, bởi cái đầu không còn minh mẫn. Thật vô cùng gian ác!

Sáng nay, tôi dậy sớm, lót chiếc mền ngồi bên cửa sổ, cánh tay phải quàng qua hai ô song sắt. Tôi ngồi như thế suốt ngày này qua ngày khác. Khi mệt, nằm xuống nghỉ.

Hai bên xương hông tím bầm do nằm trên nền cứng. Xương xẩu cũng bắt đầu lộ diện, đếm được từng cái một. Hai hốc xương vai, chắc đổ hai ly nước không hết. Da bụng nhăn nhúm lại, sát tới xương sống phía sau.

Thể trạng tôi vốn “mình hạc xương mai”, nay xem ra có chiều “mỏng như lá lúa”!

Có lúc cầm quyển sách đọc mà nó tuột ra khỏi tay rơi xuống, tôi nghe nhịp thở của mình nặng nề bên tai.

Đã đến lúc phải giữ nhiệt trong cơ thể cẩn thận hơn. Không được lạnh quá hoặc nóng quá, bởi như thế rất tốn năng lượng.

Tôi vẫn ghi chép hàng ngày những sự kiện xảy ra với tôi và khu an ninh này trong một cuốn tập. Nhưng chữ viết mấy hôm nay đã “bất trị” bởi bàn tay và ngón tay run run, không còn điều khiển theo ý muốn của não bộ. Thật khó khăn, nhưng tôi vẫn cố viết. Tôi phải viết. Bởi đó sẽ là chứng nhân lịch sử cho không chỉ bản thân tôi. Tôi phải viết cho cả thế giới này hiểu tận tường chế độ cộng sản là những gì u mê nhất; tăm tối nhất! Chúng gần với rừng già hoang dã hơn là gần với thế giới loài người!

Rất tiếc, những cuốn tập này sau đó bị trại giam và an ninh ăn cắp mất trên đường đưa tôi từ trại giam ra sân bay Nội Bài. Hai cuốn tôi gửi Trương Duy Nhất cũng bị trại lấy mất trước khi anh hết án.

Bản đồ các nhà tù ở Việt Nam.

Đó là nỗi tiếc nuối rất lớn , bởi những cuốn tập đó vô cùng có giá trị về mặt lịch sử. Một khi, chế độ phi nhân – phi pháp – phi nghĩa này tàn lụi, giá trị lịch sử đó trở thành lời tố cáo đanh thép và thuyết phục vô cùng trước nhân loại toàn thế giới.

Quản giáo vừa vào mở cửa đã nghe anh Kim rồi anh Nghĩa thét lớn để phản đối vụ bít cửa sổ phía sau. Các buồng giam khác cũng đồng loạt phản đối. Tên quản giáo ậm ừ hứa ra báo cáo.

Khi anh Kim đi bộ thể dục vòng quanh sân, đến gần buồng giam, tôi báo anh biết vụ 3 trái chanh của tôi dẫn đến vụ bít cửa này. Anh em đều sốt ruột vì chưa đưa được tin của tôi tuyệt thực ra ngoài.

Trưa hôm ấy, trại giam mang lưới và nẹp sắt hàn vào cửa sổ phía sau của cả dãy phòng giam, mở hai cánh cửa gỗ ra. Vậy là không ai thò tay ra ngoài cửa sổ phía sau được nữa.

Chiều nay, mấy anh em Tây Nguyên có người nhà lên thăm, khi nghe Phương vào báo chuẩn bị ra gặp gia đình, tôi nhắn Knoon và Y Don báo giùm tình trạng của tôi.

Anh em Tây Nguyên khi gặp gia đình nói tiếng dân tộc thì chúng không nghe được, tôi cũng nhắn hỏi thăm tình hình bên ngoài xem như thế nào.

Tôi tiếp tục nuôi hy vọng hy vọng, ngọn lửa hy vọng đó vẫn cháy sáng trong tôi. Một khi Knoon đưa được tin tuyệt thực của tôi ra ngoài.

Chiều chầm chậm trôi đi , tôi nhìn bóng nắng đổ trên tường phòng quản giáo để ước tính giờ anh em Tây Nguyên ra thăm gặp.

Khoảng hơn một giờ sau, cả nhóm anh em Tây Nguyên 4 người vào.

Tôi hỏi Knoon có đưa được tin của tôi tuyệt thực không ? Knoon không trả lời, chỉ gật nhẹ rồi đi nhanh qua cửa buồng giam.

Chiều muộn, Y Don tưới giàn dưa leo gần cửa buồng giam, tôi hỏi :

– Hôm nay thăm nuôi thế nào ? Gia đình khoẻ không ? Tây Nguyên tình hình thế nào ?

Y Don nói gia đình khoẻ, tình hình Tây Nguyên đang nóng. Chuyện tuyệt thực của tôi không thấy Y Don nhắc tới, tôi cũng không hỏi nữa.

Cái gật nhẹ của Knoon, làm tôi thấy không chắc chắn. Không biết Knoon có thực sự đưa được tin ra ngoài hay chỉ gật cho tôi hài lòng.

Dù sao, tôi cũng đánh dấu ngày thăm gặp của anh em Tây Nguyên như một mốc trong chặng đường dài gian khó này…

Những điều trại 6 không mong muốn.

Đêm nay khó ngủ, tôi lót chiếc mền ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài sân trại, điểm lại vài việc trong những ngày đầu vào trại 6 đến nay.

Tôi đến trại 6 vào chiều ngày 27-4-2013 và thực sự hoà nhập vào đời sống ở một trại tù phía Bắc.

Mấy năm trước, tôi đã qua lần lượt 9 trại tạm giam và trại giam ở phía Nam, nên khi ra phía Bắc thấy vài chuyện khác lạ.

Ví dụ, chuyện xưng hô giữa tù nhân và quản giáo cũng khác nhau.

Ở Sài Gòn, tù xưng tôi và gọi quản giáo là cán bộ, theo như nội quy của trại. Về miền Tây, tù xưng tôi hoặc có người xưng con và gọi quản giáo là “thầy” hoặc “ông thầy”. Ở trại 6 Thanh Chương Nghệ An, tù hình sự xưng “cháu” và gọi quản giáo là “ông” hay “bà”.

Lần ra gặp gia đình đầu tiên ở trại này, trong khi đứng chờ mấy tay an ninh trại xét đồ thăm nuôi của tôi mang vào trại, tôi nghe mấy tù nhân khúm núm chào “ông” với tay quản giáo chỉ đáng tuổi con mình. Ngạc nhiên, tôi nhìn tay quản giáo như đặt một câu hỏi. Anh ta nhìn lại tôi, tỏ vẻ không hiểu. khiến tôi phải bật ra:

– Sao anh để tù nhân lớn tuổi vậy gọi anh bằng “ông” và xưng “cháu” như thế ? Luật pháp hay nội quy nào cho phép ?

Anh ta gọi người tù đó lại, cất giọng ngượng ngùng :

– Lần sau anh đừng gọi cán bộ như thế, gọi đúng nội quy đi.

Anh tù kia vâng dạ rồi bỏ đi.

Những người tù quanh đấy tròn mắt ngạc nhiên, khi thấy tù chính trị “dám chỉnh” quản giáo.

Chỉ một hiện tượng nhỏ như vậy cũng thấy tù nhân ở những trại giam miền Bắc đã bị vùi dập nhân phẩm như thế nào. Ngoài việc đánh đập và lao động khổ sai, cộng với văn hóa thời “phong kiến suy tàn” của những thằng Mõ, Lý trưởng, Quan huyện v.v… rất đậm đặc trong người dân miền Bắc, khiến những con người bị tù đày sợ hãi đến mức tự hạ thấp phẩm giá của mình như vậy.

Hồi tưởng đến đây, “Vỏ Xe Điếu Cày” – một người lớn lên trong “cái nôi XHCN” mục nát và thối rữa – càng thấy bi đát cho dân tộc Việt Nam và thêm căn cứ để khẳng định: Đó là một trong các lý do chính để giải thích chất gia trưởng, kẻ cả, ban ơn, trịch thượng, vô lễ v.v… mãi cho đến nay vẫn tồn tại trong rất nhiều cán bộ miền Bắc, dù có thể họ là những người mang danh “giáo sư – tiến sĩ”! Thậm chí ngay cả những kẻ mang danh “vô thần”, sẵn sàng đập phá chùa chiền, nhà thờ; đàn áp và giết chóc rất nhiều linh mục, sư sãi, nhưng vô cùng “mê tín dị đoan”.

Hãy nhìn cái chết (mới nhất) của Trần Đại Quang với Nguyễn Phú Trọng đưa tay “bắt ấn” để tránh bị “ma quỷ” bám theo, hoặc “hai viên đạn đồng” từ Nguyễn Tấn Dũng như muốn bắn nát đầu Nguyễn Phú Trọng để nhìn nhận một sự thật: Người Cộng Sản đấu tranh không phải để mang hạnh phúc đến cho người khác mà để dân chúng mang lại hạnh phúc cho họ – Đạt Lai Lạt Ma.

Đó là đối với tù hình sự, còn với tù chính trị trong khu an ninh thì sao ?

Khu an ninh có tất cả 11 người ở trong 3 phòng (1-2-3), ngoài 4 anh em chúng tôi (Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Kim Nhàn, Trần Anh Kim, tôi – Nguyễn Văn Hải (ĐC), còn có 4 anh em Tây Nguyên (Y Don, Knoon, Kso Trung, Rơlan Thik), đặc biệt là 2 tên gián điệp Trung Quốc và một tù hình sự.

Hai gián điệp làm cho Tàu và tù hình sự nói trên được chia ra ở 3 phòng để kiểm soát, báo cáo về “nhất cử nhất động” của 8 người tù còn lại cho ban giám thị trại 6.

Khi tôi mới vào, anh em nhắc phải luôn cảnh giác với hai tên gián điệp và người tù hình sự.

Tôi trải qua nhiều trại và luôn bị sắp đặt ở chung với “anten” trong nhiều năm nên tôi quen dần. Nó hình thành phản xạ tự nhiên, nên không cần phải căng thẳng đối phó.

Tuy nhiên, anh em Tây Nguyên có vẻ dè chừng hai tên gián điệp. Sau ít ngày nghe họ tâm sự, tôi mới biết thủ đoạn của trại giam sử dụng hai tên gián điệp này.

Bất kỳ ai trong đội mà chúng thấy cần phải tấn công, trấn áp, chúng sẽ bàn nhau cùng viết đơn tố cáo lên giám thị trại giam. Thường thì chúng làm việc này do có chỉ đạo từ giám thị.

Hai lá đơn tố cáo của chúng trở thành cái cớ để giám thị trại giam đưa đi biệt giam người bị tố cáo, không cần điều tra xem đúng hay sai.

Anh Nguyễn Xuân Nghĩa từng bị tới 2 lần với 6 tháng 7 ngày biệt giam như vậy ở trại Ba Sao Nam Hà.

Hai tên gián điệp cũng từng công khai đe doạ sẽ tố cáo bất kỳ người nào trái ý chúng. Anh em chúng tôi không ngán gì hai tên gián điệp, nhưng anh em Tây Nguyên có vẻ e dè.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong hồi ký của mình viết về tình hình trong khu an ninh trước khi tôi đến trại 6 :

“Thời điểm tôi cảm thấy cảnh tù đày là bi thảm nhất xảy ra vào những tháng đầu năm 2013, lúc tôi đã ở tù được gần 5 năm. Tất cả những thất vọng của tôi về một vài đồng đội bị dồn nén từ khi còn ở trại giam Ba Sao – Nam Hà lên cao điểm vào những tháng này, tại trại giam Số 6 – Nghệ An…

Trong khi tôi đang tâm đắc câu “thà kính nhi viễn chi còn hơn đồng sàng” thì anh Hải ĐC từ trại giam Xuyên Mộc – Vũng Tàu nhập trại”.

Chỉ sau vài ngày nhập trại, tôi thấy cần phải nối kết anh em lại với nhau.

Bốn anh em người Kinh chúng tôi luôn quan tâm đến nhau.

Tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của anh em Tây Nguyên và chia sẻ những khó khăn với họ.

Tôi nghĩ, thà anh em mình giúp nhau chân thành và vô tư, còn hơn để họ nhận sự giúp đỡ từ hai tên gián điệp hoặc quản giáo. Bởi để chúng lợi dụng việc đó, rồi phân hoá chúng tôi thì khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi, việc đồng thuận đấu tranh để bảo vệ quyền lợi tù nhân trở thành điều cốt yếu mà ai cũng rõ.

Tôi đăng ký mua cho 4 anh em Tây Nguyên mỗi người một thùng mì 30 gói đều đặn hàng tháng.

Ngoài việc bảo đảm anh em có đồ ăn sáng, phần bánh mì và đồ ăn trại cấp, chúng tôi cũng để anh em dùng luôn. Vì vậy anh em cũng tạm ổn.

Chúng tôi gắn kết với nhau hơn trước.

Từ những buổi trò chuyện quanh bàn trà vào buổi sáng, chia nhau từng gói mì, chia sẻ thông tin về pháp luật, chúng tôi đồng thuận trong nhiều vấn đề hơn.

Anh em Tây Nguyên cũng hỏi tôi về tôn giáo, hỏi tôi có muốn gia nhập vào đạo Tin Lành với anh em không? Tôi nói, gia đình mình thờ cúng ông bà theo đạo Phật, nhưng tôi tôn trọng đức tin của các bạn. Tôi chỉ cho các bạn thấy quyền của mình trong Công Ước Quốc Tế.

Kso Trung rất quan tâm đến vấn đề về pháp luật, công ước quốc tế về quyền con người, về quyền tự do tôn giáo… Anh mượn tập Công Ước về chép ra và đánh dấu, gạch dưới từng dòng.

KAN sôi động hẳn lên.

Chúng tôi không để thời gian ở tù trôi qua vô ích, biến nhà tù thành trường học.

Anh Kim và anh Nhàn cũng nhập cuộc.

Những lần gọi điện hay thăm gặp gia đình , lúc bấy giờ, mọi người có thêm yêu cầu gửi sách báo và luật.

Tất nhiên, mọi thay đổi trong KAN đều được báo cáo ra ngoài.

Việc anh em tù chính trị sao chép luật và Công Ước Quốc Tế, rồi bàn thảo nhiều về tình trạng giam giữ trái luật là điều trại giam không muốn.

Sau vài lần họp tổ vào chiều thứ sáu, tôi đưa ý kiến yêu cầu trại giam thay đổi điều kiện giam giữ cho đúng luật.

Ngày 10-5-2013, tôi kêu gọi anh em đồng làm kiến nghị tập thể.

Mọi người đồng thuận để tôi ký đại diện vào “Kiến nghị tập thể” trong biên bản cuộc họp gửi BGT trại giam số 6.

Những ngày sau đó không thấy phản hồi từ BGT trại giam.

Những buổi chiều thứ sáu cũng không còn họp hành gì nữa. BGT trại giam rõ ràng tránh né trả lời chúng tôi.

Có vài lần tôi hỏi quản giáo Khánh về việc giải quyết kiến nghị của chúng tôi. Khánh trả lời cộc lốc:

– Đã báo cáo BGT nhưng chưa thấy gì, các anh cứ chờ đi.

Tôi nhận thấy, từ khi mọi người có được kiến thức pháp luật, mỗi khi gặp quản giáo và cán bộ trại giam họ tự tin hơn nhiều. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc tôi bị trả thù bằng một quyết định biệt giam 3 tháng.

Khủng bố

Từ hôm tôi bị biệt giam, không khí khu an ninh chùng xuống, nặng nề.

Anh Kim , anh Nghĩa vẫn tìm cách qua lại chuyện trò với tôi, vào những lúc không có quản giáo. Các anh hỏi tôi ngủ được không? Sức khoẻ thế nào rồi? v.v…

Có lần, khi anh Nhàn đem đồ ra sân phơi trước cửa buồng giam tôi, tôi thấy anh ấy cúi lom khom chổng mông về phía tôi, trải xếp từng món, nhưng không dám quay lại.

Từ hôm vào biệt giam, ban giám thị cấm không ai được liên hệ với tôi.

Có lẽ vì thế, anh Nhàn không dám hỏi han gì.

Trại giam cách ly tôi ra khỏi anh em và dùng điều đó răn đe những người còn lại. Song song đó, một cuộc tập trận chống bạo động diễn ra.

Sáng hôm ấy, đã gần 7 giờ vẫn chưa thấy quản giáo vào mở cửa buồng giam.

Mọi người gọi qua lại hỏi nhau xem có việc gì xảy ra, thì nghe anh Kim nói “có diễn tập gì đó”.

Phương đi ra ngoài từ sớm chưa thấy vào. Mọi người chờ đợi xem chuyện gì sẽ diễn ra.

Bất ngờ hai cánh cửa KAN mở bung.

Một nhóm người mặc quần áo tù chạy ào vào trong KAN.

Bên ngoài tiếng kẻng báo động dồn dập, tiếng còi inh ỏi và tiếng súng nổ chát chúa. Có cả tiếng lựu đạn nổ ầm ầm ở mấy khu tù hình sự.

Công an vũ trang , an ninh và cả chó săn tràn vào sân trại.

Chúng vừa la hét vừa ném các trái nổ và lưu đạn cay vây bắt mấy người tù hình sự.

Khói hơi cay mù mịt sân trại, tràn vào các buồng giam.

Bọn công an xúm vào đè mấy người tù xuống, bẻ quặt tay ra phía sau, dẫn đi.

Cảnh tưởng rất huyên náo, ồn ã, lại không kém phần manh động và dữ dội. Có lẽ, bọn “Cộng Sản Con” đang khủng bố tinh thần chúng tôi.

Tôi vẫn ngồi ở cửa sổ, với tư thế cũ, nhìn ra ngoài bình thản, dù mấy trái nổ cố tình ném ngay gần cửa sổ, vết cháy xém sạm khói đen còn in trên mặt sân…

Khi đám vũ trang vừa dẫn mấy người tù hình sự làm quân xanh đi khỏi, Hùng – phó giám thị K1 và mấy tay an ninh vào.

Hùng nhìn sang phía cửa buồng giam, áng chừng xem sắc thái tôi thế nào.

Tôi vẫn ngồi yên một tư thế như nhiều ngày nay. Tôi vẫn nhìn họ một cách hững hờ…

– Ba cái thứ trái nổ giả này nhằm nhò gì! Tôi từng sống trong bom thật đạn thiệt! Quả dở hơi! – Tôi nghĩ trong đầu mình với nụ cười mỉm, mắt vẫn nhìn về phía Hùng.

Vừa thấy Hùng phó GT và đám an ninh trại, anh Kim mắng té tát liên hồi:

– Diễn tập gì thì diễn ở ngoài kia, đừng mang vào trong khu này diễn! Đây là tù chính trị chứ không phải hình sự! Ai cho các anh diễn tập mà ném lựu đạn cay vào buồng giam chúng tôi ?! Các anh vào dọn ngay và sửa đường ống nước cho chúng tôi! Những người ở đây đã từng sống trong bom đạn thật, mấy trò mèo mửa như thế này không dọa nổi chúng tôi đâu!

Hùng phó giám thị hơi quê, bèn gọi mấy tên “Cộng Sản Con” vào dọn nhặt hết những cuống trái nổ giả còn vương vãi ngay cửa buồng giam.

Hóa ra, chúng ném vào sát cửa buồng anh Kim và anh Nghĩa mấy trái. Khói tràn vào buồng, nên anh em phải đóng cửa. Một trái nổ gần đường ống nước, làm nó – vốn bằng nhựa – bể một miếng lớn, nước phun tràn ra ướt cả một khoảng sân.

Tôi và Hùng phó giám thị K1 không lạ gì nhau.

Hùng mới “đụng” với tôi một lần, ít ngày trước, khi tôi bị biệt giam mấy ngày.

Hùng vào gặp tôi ở phòng quản giáo. Sau mấy câu hỏi dạo đầu, Hùng toạc móng lợn:

– Nếu anh không chấp hành thì không phải một lệnh biệt giam (3 tháng) này đâu. Hết lệnh này sẽ gia hạn tiếp lệnh khác. Nếu cần sẽ gia hạn tiếp nữa.

Tôi thủng thẳng:

– Bạo quyền trong tay các anh, cứ ấn người ta vào buồng biệt giam bao lâu chả được. Nhưng cái hèn hạ của các anh là khi đối mặt với cộng đồng quốc tế lại chối. Điều đó, nhục cho cả những ai mang tên “Người Việt Nam”. Các anh hạ nhục cả bọn Bộ Chính Trị, nhưng thật tội nghiệp vì không hiểu ra!

Hùng nói lảng sang chuyện khác. Đoạn, hắn cao giọng:

– Sắp tới sẽ còn kỷ luật mấy anh xé báo đảng nữa đấy!

Tôi không hút thuốc, nhưng hiểu Hùng ám chỉ mấy anh em dùng báo Nhân Dân làm đóm hút thuốc.

Chờ cho Hùng nói xong, tôi lại hỏi tỉnh queo:

– Bộ Luật Hình Sự có tội nào là tội chống đảng ?

Hắn ngắc ngứ, tôi tiếp luôn:

Trong luật chỉ có tội chống nhà nước chứ chống đảng đâu phải là chống nhà nước! Đảng chỉ là một nhóm “Cộng Sản Cha” của anh thôi, đừng nhập nhằng đánh đồng. Ngay cả cái thứ gọi là “nhà nước” của các anh cũng chỉ là phường chợ búa! Bởi đã gọi là “nhà nước”, tất phải hiểu 2 nguyên tắc căn bản khi soạn và thi hành luật, đó là “tính Liên Tục & tính Kế Thừa”. “Cộng Sản Con” như anh hãy về mà tâu lại với bọn “Cộng Sản Cha” rằng, bọn chúng chỉ là những kẻ thuộc về thuở hồng hoang mông muội!

Hùng bảo quản giáo đưa tôi về buồng giam, tôi vừa đi vừa chửi thầm :

– Mẹ! Thằng đầu đất ! Tưởng một thằng làm tới phó giám thị trình độ ghê lắm! Ai có dè…

****

Sáng nay, quản giáo và an ninh trại vào đọc lệnh đưa Knoon đi cùm ở nhà kỷ luật, bên ngoài KAN.

Trước đó hai ngày, xảy ra xô xát giữa anh Nguyễn Kim Nhàn và Knoon. Việc này dẫn đến cả hai đều bị kỷ luật đi cùm 10 ngày.

Knoon bị đưa đi trước, anh Nhàn chưa đi. Vậy là trong 8 người tù chính trị, tôi đã bị biệt giam, hai người bị đi cùm.

Không khí trong khu an ninh càng nặng nề, ngột ngạt hơn.

Khi Knoon bị đưa đi, tôi nghe mấy anh em Tây Nguyên nói với nhau bằng tiếng dân tộc.

Dù không biết họ nói gì, nhưng cách trao đổi và ánh mắt của họ đủ làm tôi hiểu. Tôi thấy như có vết dao cứa vào lòng, đau quá !

Từ hôm lên trại đến nay, tôi cố kết nối anh em lại với nhau. Bây giờ xảy ra chuyện như thế này, buồn quá!

Trong 4 anh em Tây Nguyên Knoon bị án nặng nhất, 20 năm. Knoon là người to khoẻ nhất trong nhóm nên khi bị bắt bọn an ninh đánh anh rất dữ, trên người anh còn lưu lại dấu vết những trận đòn dã man của bọn an ninh, những cú đá bằng giày vào bụng anh đã khiến anh hộc cả máu ra đằng miệng. Trong KAN, Knoon là người chơi đàn và hát rất hay, nhưng tính anh hơi nóng. Kỷ luật Knoon là kỷ luật người cầm đầu của nhóm Tây Nguyên.

Rõ ràng trại giam muốn gửi đến khu an ninh một thông điệp đe doạ trấn áp nặng nề, muốn chúng tôi khuất phục.

Tôi ngồi thừ người một lúc, trước ánh chiều tà hiu hắt đang lui dần phía chân trời xa…

Vào trong tâm điểm cuộc chiến

Anh Kim và anh Nghĩa mỗi buổi chiều, vẫn đặt cái bàn ăn gần cửa buồng giam. Vì vậy, tôi vẫn nghe được mọi bàn luận của anh em, sau mỗi lần mọi người ăn xong và uống trà.

Tuy nhiên, tôi hầu như chỉ lắng nghe và ít nói hẳn để tiết kiệm năng lượng.

Mấy hôm nay, tôi cảm thấy mau mỏi lưng, lúc ngồi. Khi mệt quá, tôi nằm xuống rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Có lúc tôi mơ thấy mình nhỏ lại và bay lọt ra ngoài như một chú chim. Trong giấc mơ, vào một sáng tinh sương, hình ảnh một bầy chuột khổng lồ – vì ăn phải thực phẩm biến đổi gien – bỗng ào ạt chui lên từ một cái hang khổng lồ dưới lòng đất. Thoắt cái, lần lượt và nhanh chóng, từng con chuột quái dị vừa xù xì vừa gớm ghiếc, rùng mình biến thành những dáng người trong bộ đồ công an quen thuộc. Chúng nháo nhác và hoảng hốt bủa ra nhiều ngã để tìm tôi.

Lúc khác, tôi lại mơ thấy một chú chim nhỏ bay đến đậu trước của sổ buồng giam, mang theo một bức thư cột ở chân – bức thư do anh em ở ngoài gửi vào thăm hỏi, khích lệ tôi. Tôi viết vội vài dòng gửi lại cho mọi người biết về “cuộc chiến”. Sau đó, tôi cẩn thận buộc lá thư vào chân chú chim nhỏ có đôi cánh màu xanh da trời. Vuốt nhẹ vài cái lên đầu nó, tôi thầm thì:

– Hỡi đôi cánh mang niềm hy vọng! Hãy đưa tin của ta đến với mọi người thân yêu nhé!

Chú chim nhỏ tung cánh bay đi. Mắt tôi ánh lên hy vọng – niềm hy vọng chan chứa về bạn bè và đồng bào tôi, ngoài kia, sẽ nhận được thông điệp của mình.

Chỉ những ai phải “chiến” trong hoàn cảnh bị cô lập như tôi, mới hiểu được nỗi khát khao truyền gửi thông tin mãnh liệt như thế nào, trước cánh cửa tử sinh.

Khi viết những dòng này, hình ảnh Trần Thuý Nga – Một người phụ nữ với khuôn mặt cương nghị – hiện lên trong tôi .

Thúy Nga đang bị giam tại trại giam số 5 Yên Định Thanh Hoá, đã hơn hai tháng, chưa được gặp gia đình, sau khi cô ấy tố cáo bị đánh đập, bị đe doạ giết trong trại giam.

Linh cảm của một người tù từng trải như tôi cho biết, Thúy Nga đang gặp nguy hiểm.

Tôi tin chắc chắn, Nga đang ở trong một “cuộc chiến” và bị cô lập thông tin – như tôi ngày xưa – để trại tù dễ bề đàn áp.

Tôi tin mọi người hiểu được hoàn cảnh của Thúy Nga hiện nay để tìm cách cứu cô ấy.

Anh Kim thường tranh thủ lúc anh em đã vào buồng giam hết, mới ghé qua hỏi nhanh mấy câu về sức khoẻ tôi.

Tôi thường trả lời rằng “tôi ổn” và còn “đi tiếp” được. Các anh cố gắng tìm mọi cách đưa tin ra ngoài giúp tôi.

Một lần, vào buổi sáng, nhân lúc vắng người, anh Nghĩa bàn với tôi một kế hoạch đưa tin ra ngoài. Tuy cảm thấy không chắc chắn lắm, nhưng tôi vẫn nói rằng, dù sao chúng ta vẫn cố gắng thử xem sao.

Cả anh Kim và anh Nghĩa đều lo lắng cho tôi và sốt ruột vì chưa đưa được tin tôi tuyệt thực ra ngoài. Tôi xác quyết với hai anh rằng, chỉ cần đưa được tin, mọi việc coi như thành công.

Đều đặn ngày hai buổi , quản giáo và Phương cùng Y Don mang cơm đến phòng giam cho tôi. Đương nhiên, tôi luôn từ chối và họ đều phải ký vào một biên bản đã lập sẵn. Sau đó, Y Don mang cơm ra ngoài.

Tập biên bản đã khá dày mà cuộc tuyệt thực vẫn còn ở phía trước. Chưa thấy lóe lên cơ hội nào để đưa tin ra ngoài…

Nhớ hồi mới lên trại 6, thấy đường sá xa xôi cách trở, đi thăm nuôi từ Sài Gòn ra, quá tốn kém, tôi dặn gia đình, khoảng 3-4 tháng mới lên thăm một lần. Tôi nghĩ án mình dài, đi tù lần thứ hai, nên cũng khá quen cuộc sống trong tù, do đó không để gia đình vất vả. Đỡ được tháng nào hay tháng đó, dành sức lo cuộc sống bên ngoài.

Tâm lý người ở tù, ai cũng vậy! Mình tù, khổ riêng mình đã đành, nên không muốn gia đình thêm âu lo.

Nhưng đối với chế độ cộng sản, đày đọa tù nhân chưa đủ, chúng còn hành hạ cả gia đình họ mới thỏa dạ. Nỗi khoái trá bất tận đó, tựa như “nguồn máu phi nhân” chảy rầng rậc khắp thân thể từng kẻ vong bản. Bất giác, tôi thở dài:

– Sao chúng không nhớ lời Karl Marx – ông Tổ cộng sản – dạy rằng: “Chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ lông của chính nó”?!

Chuyện người ở trong Nam bị lưu đày ra Bắc, người ở ngoài Bắc bị đẩy ngược vô Nam, khiến gia đình tù nhân vất vả tốn kém, ai cũng hiểu, mục đích của người CS nhằm đạt ý đồ hạn chế thông tin.

Cách ly tù nhân với bên ngoài càng nhiều, chúng càng dễ cô lập và đàn áp. Kể cả sự lãng quên mà người CS mong muốn.

Nỗi mong nhớ và sự lãng quên, vốn thuộc phạm trù “Con Người” – người CS quả thật chưa bao giờ biết Triết gia Térence đã dạy: “Những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Vốn dĩ, người CS gần với đươi ươi, tinh tinh hơn!

Bấy giờ ở trong hoàn cảnh như vậy, tôi lại mong có gia đình lên thăm thường xuyên để đưa tin ra ngoài.

Không được thăm gặp

Hôm nay đã là 16/7/2013, ngày thứ 25 tôi tuyệt thực.

Trưa hôm ấy, cán bộ quản giáo vào gọi Phương ra làm việc gì đó mà cả buổi trưa không thấy Phương vào.

Linh tính báo tôi biết, có việc gì đó xảy ra liên quan đến khu an ninh và tôi, bởi Phương ít khi ra ngoài như vậy.

Tôi đoán có thể an ninh ngoài BCA vô hoặc VKS Nghệ An vào làm việc về vụ của tôi.

Tôi linh cảm và tôi hy vọng. Có lẽ, một thay đổi nào đó sẽ đến trong cuộc chiến của mình.

Chiều muộn, Phương và quản giáo xách mấy túi đồ thăm nuôi vào khu, rồi mở cửa buồng biệt giam tôi.

Nhìn mấy túi đồ, tôi lặng người đi…

Gia đình tôi lên thăm từ khi nào mà chúng không cho gặp?!

Thường thì sau khi tù nhân thăm gặp gia đình rồi mới nhận quà mang vào trại, nhưng tôi chưa được gặp mà quà đã vào đây.

Giờ này trễ rồi, những người đi thăm nuôi đã lên chuyến xe cuối cùng để về Vinh. Tôi nghĩ đến sự thất vọng của gia đình mình, khi không gặp được tôi, sau hành trình hơn một ngàn cây số…

Nỗi quay quắt và khát khao gặp gia đình đã làm tôi bùng nổ tất cả năng lượng, mà tôi cố tiết kiệm để chiến đấu với chúng. Tôi vừa hỏi vừa như quát vào mặt tên quản giáo :

– Gia đình tôi còn ngoài kia không?!

– Tại sao tôi không được thăm gặp?!

– Ai cho phép các anh ngăn cản gia đình tôi thăm gặp?!

– Luật lệ cái quái gì của cái xứ “thiên đường mù lòa” này, hả?!

Giọng tôi như chiếc dùi trống đập ngay vào mặt tên quản giáo. Hắn cúi đầu nhẫn nhịn và nhỏ nhẹ nói tôi kiểm đồ thăm nuôi.

Đối mặt với tôi nhiều ngày qua, hắn hiểu cách tốt nhất là không tranh cãi về pháp luật với tôi. Bởi lẽ, hắn tự hiểu, cả cái xứ sở tội nghiệp này đang bị bọn “mặt người dạ thú” cai trị bằng một thứ luật rừng vô cùng man rợ.

Hình như chút phần người còn sót lại, khiến hắn còn biết chút hổ thẹn. Bởi tôi nhận thấy, vẻ mặt hắn co rúm lại và không kém sửng sốt trước chất giọng “tenor” của kẻ nhịn ăn gần cả tháng trời!

Tôi cố dằn xuống, giữ nhịp thở chậm và đều trở lại. Sự phẫn nộ làm tim tôi đập nhanh và tôi mơ hồ một cảm giác chóng mặt. Tôi nhận ra, ngay lúc này, không thể thay đổi được tình thế, cần phải giữ sức để đi tiếp.

Sức lực của tôi đang vơi dần…

Hôm nay, tôi không gặp được gia đình! Nhanh nhất phải một tháng nữa, gia đình tôi mới quay trở lại. Cũng có thể lâu hơn, bởi vì tôi đã dặn 3-4 tháng mới lên thăm một lần.

Tôi nhủ thầm:

– Còn hơn hai tháng phía trước của cái quyết định biệt giam ba tháng! Liệu tôi có còn đủ sức để đi tới đó không?!

Tiếng của Hùng giám thị K1 như từ dưới âm ty vọng lên, vang trong đầu tôi một lần nữa:

– Nếu anh không chấp hành, hết lệnh này sẽ gia hạn tiếp lệnh khác…

Tôi thoáng rùng mình, nhưng chợt nhớ lại cuộc tuyệt thực lần trước, lúc cận kề cái chết tôi vẫn đi thẳng vào nó, chẳng phải tôi đã chuẩn bị tâm thế cho tình huống xấu nhất sao?

Tôi cảm thấy sức lực của tôi hiện thời, so với những ngày cuối của lần tuyệt thực trước còn tốt hơn nhiều.

Kinh nghiệm của lần tuyệt thực trước đã giúp tôi tiết kiệm sức hơn, chịu đựng tốt hơn và quan trọng hơn, anh em tôi ở đây đã chứng kiến cuộc chiến của tôi. Nhất định vẫn còn cơ hội, nếu anh em quyết tâm giúp tôi.

Tôi nắm chặt hai tay, đưa nhịp thở trở lại bình thường, tự cười vào những suy nghĩ thoáng qua của mình: Đừng nóng! Nóng với tôi là không làm việc được đâu! – Tôi chợt nhớ lại câu tôi hay nhắc thượng tá Trần Văn Cống, khi anh ta nổi nóng với tôi trong khi điều tra. Nhưng lần này, tôi lại phải tự nhắc mình.

Tôi bảo Y Don và Phương mang hết đồ ăn ra ngoài chia cho anh em. Đồ đạc còn lại cột gọn vào một chỗ không để lẫn với số đồ cũ trước đó, vốn đã được kiểm đếm, lập biên bản trước khi mang vào buồng giam.

Tôi nhận ra thâm ý của trại giam này. Chúng lập biên bản kiểm đếm đồ đạc trước khi đưa vào buồng biệt giam tôi và yêu cầu Y Don ký làm chứng, bởi chúng đã dự đoán trước, khi bị biệt giam vô cớ, tôi sẽ tuyệt thực để phản đối. Vì vậy, nếu trong quá trình tuyệt thực, tôi không nhận cơm của trại giam, nhưng sử dụng đồ của mình, chúng sẽ lập biên bản mới và dùng hai biên bản đó so sánh để bôi xấu người tuyệt thực.

Những tên tiểu nhân và hạ tiện thật sai lầm và vô ích khi sử dụng “chiêu trò” đó! Bởi tôi đã quyết tuyệt thực, tất nhiên không cho chúng một cơ hội nào bôi xấu và hủy hoại cuộc đấu tranh của mình.

Chiều hôm ấy, sau bữa cơm, anh em ngồi uống trà gần cửa buồng giam nói chuyện. Ai cũng lên án lũ cai tù và lo lắng cho tôi, khi biết gia đình tôi lên trại mà không được gặp.

Tôi biết Anh Kim và anh Nghĩa rất lo cho tôi, bởi cuộc tuyệt thực đã kéo dài 25 ngày rồi.

Khi mọi người đã vào hết buồng giam, vẫn bên khung cửa sổ, nhìn ra ngoài khoảng sân tối nhỏ hẹp, tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời, lưa thưa vài ánh sao đêm, ở đó, lấp loáng có đôi mắt của mẹ tôi. Mồ côi mẹ từ năm lên 4 tuổi , nhưng mỗi lần tôi gặp hiểm nguy tôi luôn thấy mẹ bên tôi.

Gia đình tôi giờ này còn ở Vinh hay đã lên máy bay về Sài Gòn? – Tôi thắc thỏm trong lòng.

Nhớ đến tháng ngày sôi động và mạo hiểm, tôi hồi tưởng những chuyến đi vượt biên giới ra nước ngoài gặp anh em hải ngoại, bàn nhau tìm cách phát triển hoạt động báo chí tự do trong nước.

Tôi nhớ lắm, những bạn bè mà tôi đã gặp, đã nhắn gửi và đã nhờ họ tiếp tục giúp đỡ anh em của tôi trong nước nếu tôi bị bắt.

Làm sao tôi có thể quên, những cái ôm lúc chia tay lần cuối, như là dự cảm được sự nguy hiểm của tù đày khi quay về nước.

Rồi những lần thoát hiểm, những cuộc gặp gỡ bí mật, những kỷ niệm tôi giữ cho riêng mình…

Tôi biết, anh em bên ngoài vẫn cùng gia đình lo lắng cho tôi.

Miên man trôi theo dòng suy tưởng, tôi thiếp đi trên thành cửa sổ…

(Còn nữa)

__________________________________________________________________

(*) Luật Thi hành án Hình sự.

Điều 152. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

8. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có hiệu lực thi hành.

———————

Điều 159. Tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận đầy đủ mọi khiếu nại trong thi hành án hình sự. Đối với những khiếu nại của phạm nhân quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển ngay khiếu nại cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 152, Điều 153 của Luật này và khoản 1 Điều này phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước ngoặt thay đổi cuộc chiến hay một đòn knock-out.

Hôm nay đã là ngày 17-7-2013 , ngày tuyệt thực thứ 26.
Tôi dậy từ sớm ra phía sau rửa mặt cho tỉnh táo, cũng nhân tiện coi lại thân thể mình xem thế nào – tựa như người lính kiểm lại tất cả vũ khí của mình.
Tôi cảm nhận các đầu xương tay và xương chân nổi gồ lên, bắp tay teo tóp lại dưới làn da nhăn nhúm, như một quả thị chín bị lấy hết ruột. Bắp chân và bắp đùi lỏng ra dưới cái túi da nhão nhoẹt.
Khom người xuống với bàn tay run run, tôi vỗ nhẹ vào bắp chân, thấy rõ nó đu đưa qua lại như cái túi đựng chất lỏng. Hai bên hông bầm đen, do xương hông cạ xuống chiếu trên nền xi măng cứng ngắc.
Bụng tôi chỉ còn là một vùng da nhăn nhúm, hóp lại, bên dưới đám xương suờn lô nhô và mấp mô như con đường đầy vết cào xước, nó cong vòng tựa chiếc lồng gà rách tả tơi.
Tóc tôi xơ xác! Chỉ cần lùa tay vào vuốt nhẹ, những sợi tóc nhanh chóng bám đầy ở các kẽ ngón. Giơ bàn tay xương xẩu lên gần tầm mắt, tôi thảng thốt, khi hình ảnh từng chân tóc – lỏng lắm rồi – không còn đủ sức níu giữ nó với da đầu – hiện lên trong ánh nhìn mờ đục của tôi.
Đó là tất cả những gì tôi có, để mang theo cho cuộc chiến này, mà “chiến cuộc” vẫn ngút tầm mắt, phía trước, xa thẳm! Các cơ hội đưa tin ra ngoài cứ lần lượt trôi qua…
Tôi như người đang leo lên một đỉnh núi. Những ngày đầu, đường còn thoai thoải dễ đi. Lên cao dần, càng về sau, dốc càng dựng đứng. Một hình ảnh bi tráng hiện lên trong đầu tôi.
Mỗi ngày bây giờ, dài bằng ba ngày so với lúc đầu tuyệt thực. Cảm giác đó làm tôi nhớ lại lần tuyệt thực trước.
Nhưng…tôi xác định! Cuộc chiến còn dài! Tôi phải trang bị đủ “vũ khí” – đó chính là “chiếc vỏ xe Điếu Cày” tả tơi nhưng tinh thần luôn kiên vững – để đi tiếp. Tôi không nao núng! Tôi không cho phép mình gục ngã!

*****

Anh Nghĩa mang cái bàn ra góc sân – nơi giáp với bức tường của “khu cô nhi” – ngồi học tiếng Anh.

Anh Kim ngồi uống trà với Phương và anh em Tây Nguyên sau khi ăn sáng. Knoon đi cùm vẫn chưa về. Hai thằng gián điệp ăn chung với nhau, ngồi riêng một bàn. Từ hôm tôi vào biệt giam và

Knoon bị đi cùm, chúng bàn nhau nhiều chuyện, bằng tiếng Tày.

Tôi lót chiếc mền ngồi bên cửa sổ, nhìn ra sân, điểm lại tình hình thăm gặp gia đình của anh em chúng tôi.

Tháng này, gia đình anh Nghĩa vẫn chưa lên thăm.

Hồi mới lên trại, tôi dặn gia đình mình liên lạc với gia đình anh Nghĩa, anh Kim, một khi đi thăm nuôi, nên thông báo cho nhau biết. Có kế hoạch đi thăm nuôi cách nhau khoảng một tuần, để chúng tôi dễ cập nhật thông tin bên ngoài. Thêm nữa, vì ba anh em ăn chung, nên chia đều đồ tiếp tế, tránh bị “no dồn đói góp”.

Việc lên kế hoạch thăm nuôi cũng nhằm mục đích, để khi tôi cần gì, nhờ gia đình anh Nghĩa mua giùm và ngược lại.

Ngày hôm qua 16/7, gia đình tôi đã lên thăm mà tôi không được gặp. Như vậy, tháng này chỉ còn gia đình anh Nghĩa chưa lên thăm. Hy vọng trong một tuần nữa, chị Nga vợ anh Nghĩa sẽ lên. Đó cũng là cơ hội cuối cùng của tôi trong tháng này – tôi thầm nghĩ.

Ngoài sân, nắng đã lên chói chang.

Anh Kim đang bận với việc đan lát cho anh em có đồ đựng và ủ giá đỗ để cải thiện bữa ăn.

Xa hơn một chút, hình dáng gầy gò của anh Nghĩa đang lúi húi xếp cái bàn học, rồi đi vào buồng giam với sách vở.

Ngồi lâu nên khá mỏi, tôi trở tư thế và lê bước đến chỗ để đồ đạc lấy cuốn tập ra, cố gắng cầm chặt bút và run run ghi lại cuộc thăm nuôi bất thành của gia đình mình vào hôm qua.

Tôi ngả lưng và chợp mắt, sau khi ráng dùng chút lực kiệt để viết lại diễn biến câu chuyện, vì nếu để lâu dễ quên, bởi cái dạ dày teo tóp đã làm đầu óc tôi không còn minh mẫn lắm.

Buổi sáng trôi qua bình yên.

Đầu giờ chiều, quản giáo vào khu an ninh kêu anh Nghĩa lên gặp.

Tôi thấy anh Nghĩa xuất hiện với bộ đồ tù quen thuộc và đi lên phòng quản giáo. Chưa đợi anh Nghĩa bước vô phòng, tên quản giáo ra hiệu cho anh Nghĩa đi ra ngoài luôn cùng với hắn.

Lát sau , anh Kim cho tôi biết anh Nghĩa đi thăm gặp.

Vừa mừng lại vừa lo, vì tôi chưa kịp dặn được gì trước khi anh Nghĩa ra thăm gặp. Không biết anh ấy có đưa được tin của tôi ra ngoài không?! Đây gần như là cơ hội cuối cùng trong tháng. Nếu hôm nay anh Nghĩa không báo tin được, tôi sẽ phải “đi” tiếp đến tháng sau…

Tôi chăm chú nhìn ra phía cửa khu an ninh và chờ đợi.

Chỉ khoảng 30 phút sau đã nghe tiếng mở khoá cửa khu an ninh.

Anh Nghĩa xuất hiện. Phía sau là mấy tên an ninh trại đẩy thẳng vào lưng anh ấy một cách thô bạo.

Sao anh thăm gặp nhanh vậy? Không thấy anh Nghĩa hay quản giáo mang theo quà thăm nuôi?

Tôi thoáng giật mình và âu lo:
– Hay chúng không cho anh Nghĩa gặp chị Nga?

Tôi nhận thấy vẻ mặt anh Nghĩa căng thẳng và xúc động mạnh.

Khi anh Nghĩa đi ngang buồng biệt giam, dù mắt không nhìn vào cửa sổ chỗ tôi đang ngồi, nhưng tay phải anh ấy co lên để trước bụng, bàn tay anh nắm lại, ngón cái chĩa lên, tôi thoáng nghe :
– Xong rồi ! Xong rồi !

Hai tiếng “Xong rồi ! Xong rồi” vang lên trong đầu tôi, lặp đi lặp lại.

Tôi đập hai bàn chân xuống sàn , rồi vịn tay vào song sắt đứng thẳng lên :
– Thắng rồi ! Thắng rồi !

Với chút sức tàn, tôi cố la lên nho nhỏ trong buồng biệt giam, mặc dù tôi rất muốn hét thật to. Mắt tôi cay xé vì sự xúc động chen lẫn vui mừng không thể kìm nổi!

Một lúc sau, anh Kim cũng ra sân, anh đi đến gần buồng giam nói nhanh :

-Anh Nghĩa đưa được tin ra ngoài rồi ! Mới gặp chỉ có được 10 phút!

Anh Kim cũng mừng cho tôi. Các anh như cất được gánh nặng trên vai suốt gần một tháng qua, khi thấy bạn mình mòn mỏi tuyệt thực trong biệt giam mà chưa thể đưa được tin ra ngoài.

Tôi biết anh Nghĩa đã chuẩn bị trước và quyết đưa tin, dù bị chúng đe doạ trước khi đưa anh ra thăm gặp. Anh Nghĩa đã sẵn sàng hứng đòn thù.

Phương và quản giáo đưa đồ thăm nuôi của anh Nghĩa vào, có cả bọn an ninh trại vào theo.

Không khí khu an ninh sôi động hẳn lên.

Một tên an ninh kêu quản giáo mở cửa buồng số 5. Tôi thấy chúng vào và thầm thì gì đó, rồi đi ra, khoá cửa lại. Tôi đoán, chúng chuẩn bị buồng số 5 để biệt giam anh Nghĩa.

Tin tôi tuyệt thực đã khiến chúng đối phó vất vả, giờ chúng thêm ngỡ ngàng về việc anh Nghĩa bất chấp sự đe dọa để quyết báo cho chị Nga!

Thật ngu ngốc nếu chúng biệt giam anh Nghĩa, bởi việc đưa tin về bạn tù không hề vi phạm pháp luật. Nếu chúng xuẩn động đến mức như vậy, chúng tôi lại có thêm một sự kiện để gây sóng gió trên truyền thông. Còn nếu chúng ra quyết định cảnh cáo anh Nghĩa, cũng chẳng ăn nhằm gì với chúng tôi. Có cảnh cáo cả xấp giấy cũng vậy thôi, vì tù chính trị có được giảm án ngày nào đâu mà cần “cảnh với chả cáo”.

Bữa cơm chiều hôm ấy anh em vui hẳn lên.

Anh Nghĩa chia quà cho anh em Tây Nguyên. Bàn trà chiều hôm đó sôi nổi bàn về tin tức bên ngoài sẽ tác động thế nào vào cuộc chiến của tôi.

Chúng sẽ làm gì với anh Nghĩa?

Anh Nghĩa kể lại việc tên Du đội phó an ninh K1 giám sát cuộc gặp của anh với chị Nga, mới gặp được 10 phút, bất thình lình anh nói nhanh : Anh Hải đã tuyệt thực 25 ngày rồi…

Ngay lập tức, tên Du nhào tới từ phía sau, một tay chặn vào gáy anh, một tay bịt miệng anh cùng mấy tên khác, lôi xềnh xệc anh đi, ngay trước sự phẫn nộ của chị Nga.

Tôi thảo luận cùng anh em. Với kinh nghiệm của mình từ những lần trước, tôi biết, giờ này tin tức sẽ lan truyền khắp thế giới, vì chỉ cần chị Nga thông báo cho gia đình tôi biết là… xong.

Chắc giờ này, chị Nga vẫn đang trả lời phỏng vấn các đài báo ngay trên xe đò trở về Hà Nội.

Chúng tôi và chúng nó vờn nhau cả tháng rồi!

Chiều nay, anh Nghĩa ra đòn quyết định: Knock-out ! Đòn tung ra vào phút thứ 10 của hiệp đấu! Đòn quyết định của anh Nghĩa làm cả cái bộ máy hùng mạnh của nhà tù này nháo nhào đối phó.

Tôi thấy thật sung sướng!

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi-VOA Tạp Chí Thanh Niên 20/10/2014 , anh Nguyễn Xuân Nghĩa kể lại cuộc thăm gặp chỉ kéo dài 10 phút của mình :“Đến ngày thứ 25, anh Hải rất yếu. Tôi nghĩ tôi có nghĩa vụ phải đưa thông tin này ra ngoài. Tiếc là tôi không có cơ hội sớm hơn vì đến ngày thứ 25 mới tới ngày thăm nuôi của tôi. Họ đã yêu cầu tôi không được hé lộ thông tin anh Hải tuyệt thực, nếu không tôi cũng sẽ bị biệt giam giống anh và có thể bị biệt giam vĩnh viễn sau hai lần đã bị biệt giam trước ở nhà tù Nam Hà. Đến phút nói chuyện thứ 10 trong cuộc thăm gặp, tôi đã thông báo cho vợ biết anh Hải đã tuyệt thực 25 ngày. Lúc đó, hai cán bộ đã bịt mồm, túm gáy lôi tôi về văn phòng giám thị. Họ quy kết tôi không nghe lời cán bộ, đưa tin không đúng sự thật ra ngoài. Rất may khi vợ tôi chuyển tin ra ngoài, sức ép từ công luận và truyền thông đã khiến anh Hải được giải phóng và tôi cũng không bị biệt giam. Tất cả các tù hình sự khi bị biệt giam đều không dám phản ứng dù đúng hay sai. Có lẽ ban giám thị trại 6 đã không ngờ gặp phải anh Hải và tôi.”

Trại 6 đe doạ đối phó nhằm bưng bít thông tin.

Hôm nay là ngày 18-7-2013 , Ngày tuyệt thực thứ 27.

Sáng nay, trung tá Khánh vào tập trung đội A lại họp ở lán lao động.

Như 26 ngày qua, tôi vẫn ngồi sau cửa sổ và theo dõi cuộc họp của đội A. Chúng tổ chức họp kiểm điểm việc anh Nghĩa đưa tin tôi tuyệt thực ra ngoài.

Trại giam muốn có được một biên bản cuộc họp với vài ý kiến của mấy tên gián điệp, để lấy cớ ra quyết định kỷ luật anh Nghĩa.

Từ trong buồng giam, tôi ráng sức nói lớn để anh em trong đội nghe được:
– Việc anh Nghĩa đưa tin là đúng sự thật, không vi phạm pháp luật. Các bạn đừng tiếp tay cho trại kỷ luật anh Nghĩa.

Trung tá Khánh bực lắm! Hắn ngoái cổ về phía tôi với giọng cau có:
– Đây không phải việc của anh!

Tôi ôn tồn đáp:
– Các anh làm sai tôi có quyền góp ý. Đừng tưởng các anh muốn làm gì thì làm.

Anh Kim thẳng thừng lên án việc biệt giam tôi vô cớ và việc anh Nghĩa thông tin chẳng vi phạm pháp luật gì cả.

Vài anh em Tây Nguyên phát biểu nhỏ, tôi không nghe được. Hai tên gián điệp đương nhiên chống lại anh Nghĩa và bưng bô cho trại. Đặc biệt là tên “Tiến già”, vốn dĩ hắn rất căm anh Nghĩa, nên to mồm buộc tội anh ấy vi phạm nội quy của trại.

Phương ghi biên bản cuộc họp và cùng quản giáo Khánh mang ra ngoài.

Chúng tôi bàn thảo, xem thử trại giam sẽ làm gì với anh Nghĩa, cảnh cáo hay biệt giam ?

Thường thì tù hình sự rất sợ những án kỷ luật như vậy, bởi không chỉ bị kỷ luật ngay lúc đó mà còn kèm theo là bị hạ “Tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù” và không được giảm án.

Những tù có án chung thân như Tiến gián điệp còn lo sợ hơn nữa, bởi quy định phải có 4 năm cải tạo tốt liên tục mới được giảm từ án chung thân qua “án số”. Vì vậy, bốn năm giữ gìn có thể tuột mất chỉ vì một tờ quyết định cảnh cáo.

Nhưng tù chính trị chúng tôi chẳng quan tâm chuyện cảnh cáo, có cảnh cáo tới 100 lần cũng vậy thôi. Chúng tôi là ngoại lệ, nên những tên “CS con” lấy những chiêu đối phó với tù hình sự đe doạ chúng tôi chẳng hề hiệu quả.

Mai này quê hương tôi có chính phủ do dân bầu ra hợp pháp, đúng chuẩn mực quốc tế, chính quyền mới kiểm tra lại hồ sơ tù chính trị, người nào càng nhiều quyết định cảnh cáo hay biệt giam, lại càng chứng tỏ sự kiên tâm và vững lòng trước tà quyền CS. Nghĩ đến đó, tôi thấy lòng lâng lâng và nhẹ nhõm thật nhiều.

Tất nhiên, chuyện đó còn xa ở phía trước! Và còn cần sự đóng góp, hy sinh của nhiều người mới có được “Mùa Xuân Đầu Tiên” – Tôi khe khẽ hát ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, dù bằng “chất giọng” phều phào của con mèo hen suyễn:
– Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về…

Tôi tin đồng bào VN chúng tôi sẽ chiến thắng! Niềm tin đó giúp cho tôi và nhiều bạn tù khác vững tâm, để tiếp tục cuộc đấu tranh trực diện với lũ quỷ độc ác đội lốt người.

Chỉ những ai trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc của ngục tù, mới thấu hiểu, giữ được niềm tin để sống sót và đấu tranh trong tù quan trọng đến thế nào.

Chỉ một người đuối sức, thất vọng, nó sẽ lan truyền cái u ám đó sang người khác, làm nhụt chí, mất tinh thần của những người còn lại. Vì vậy, muốn đứng vững, bạn không chỉ giữ được niềm tin cho mình mà còn phải lan toả nó đến các bạn tù.

Nếu trong tim bạn không có lửa, làm sao bạn thắp lửa trong tim người khác?!

Anh Nghĩa đã âm thầm chuẩn bị, khi có cơ hội đã quyết đưa tin để bảo vệ bạn tù, cũng như sẵn sàng đón nhận sự đàn áp của bọn bán nước giết dân. Tôi thực sự khâm phục và cả lòng biết ơn đối với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

Quyết định cảnh cáo ! Trại 6 trao huân chương cho anh Nghĩa

Ngày 19-7-2013 , ngày tuyệt thực thứ 28.
Sáng nay trung tá Khánh và mấy an ninh vào khu, lại tập trung đội A họp.
Chúng tôi chờ xem quyết định của trại 6 là gì với anh Nghĩa.

Trong khi trung tá Khánh cố tỏ ra trịnh trọng đọc quyết định kỷ luật anh Nghĩa thì Du – đội phó an ninh có vẻ không quan tâm lắm về quyết định này.

Rõ ràng , sức ép từ truyền thông bên ngoài đã có tác dụng. Chẳng phải trại giam đã đe doạ sẽ biệt giam anh Nghĩa không thời hạn sao?

Họ thừa biết, “cảnh cáo” chẳng đe dọa được tù chính trị.

Quyết định kỷ luật anh Nghĩa ở mức “cảnh cáo” vừa đọc xong, anh em ráng nín cười, nhưng ai cũng vui.

Buổi họp kết thúc nhanh chóng. Anh Kim tiếp tục với việc đan lát, trong khi anh Nghĩa rủ Y Don chơi bóng bàn. Hai thằng gián điệp tức tối, khi thấy trại giam lần đầu tiên buộc phải nhũn nhặn với tù chính trị.

Tôi coi đó là một bước lùi rõ nhất của trại 6 và là tín hiệu nhận biết sức ép bên ngoài mạnh thế nào.

Xế trưa, trại giam cho lắp một camera trên bức tường ngay cửa vào khu an ninh, song song với cửa buồng biệt giam tôi.

Buổi trưa, khi sắp vào buồng, anh Kim đi ngang cửa thông báo cho tôi biết: Họ đang cay cú đối phó và muốn cô lập tôi, đe doạ anh em, nhưng tình thế lúc này đã khác.

Viện Kiểm Sát Nghệ An sẽ phải vào giải quyết, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn, tôi tiếp tục những ngày còn lại với một tâm thế khác hẳn…

Buổi chiều, Y Don tưới bồn cây trước cửa buồng giam, tôi hỏi thăm:
– Knoon bị đi cùm sao hơn 10 ngày chưa thấy về?

Y Don nói giám thị trại kỷ luật Knoon thêm lệnh nữa.

Tôi thắc mắc:
– Knoon bị cùm trong biệt giam mà còn vi phạm cái gì ?

Y Don nói, bữa hôm bị cùm, Knoon không cởi chiếc quần dài của tù ra, đến khi đi vệ sinh vướng, muốn cởi không được, vì một chân đã bị cùm, kêu quản giáo mở thì nó không mở, vậy là Knoon phải xé đường chỉ may của ống quần đó để rút cái quần ra. Quản giáo báo cáo giám thị là Knoon huỷ hoại tài sản của trại, vi phạm nội quy trại giam, đề nghị cùm thêm một lệnh nữa.

Tôi hỏi có lập biên bản, có quyết định mới công bố cho đội biết không? Y Don nói không. Đúng là hết nói nổi, những kẻ vong bản, vong thân và vong nô!

Tôi không nghĩ việc cỏn con vậy mà cùm Knoon thêm một lệnh nữa, vấn đề là trại đang lo đối phó với vụ của tôi, đưa Knoon về lúc này bất lợi, nên tìm cách giữ thêm mấy ngày.

Sau nhiều ngày bị đàn áp khốc liệt, tinh thần anh em trong khu an ninh đang dần trở lại ổn định.

Buổi chiều, anh em tụ tập quanh bàn trà nói chuyện vui vẻ, mặc cái camera trên bức tường gần cửa ra vào khu an ninh, “ngó” chằm chằm vào sân trại.

Bản tin thời sự của VTV cho biết, Trương Tấn Sang sẽ thăm Mỹ vào ngày 24/7/2013.

Tôi nhớ đến những cuộc biểu tình của đồng bào hải ngoại diễn ra sôi động, khi Phan Văn Khải thăm Mỹ vào năm 2005.

Trong chuyến công du đầu tiên đến Mỹ quốc trên cương vị thủ tướng, một nghị sĩ Hoa Kỳ đã đưa tấm hình cha Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà cho Khải coi, khiến hắn bẽ mặt.

Tôi liên tưởng, lần này Trương Tấn Sang qua Mỹ, ngay lúc tin tôi tuyệt thực đã vượt ra ngoài song sắt nhà tù, những cuộc biểu tình phản đối của bà con hải ngoại càng có thêm bằng chứng về vi phạm nhân quyền, đủ để đập thẳng vào mặt hắn.

Anh Kim và anh Nghĩa bình luận ngắn gọn :
– Rất đúng lúc! Đẹp! Thật “tráng lệ” cho cái thành quách rữa nát của bọn cộng sản!

Khi anh em đã vào buồng hết, tôi lại ngồi bên cửa sổ, tôi lại nhìn lên bầu trời đầy sao…

Nhưng, những ngôi sao đêm nay hân hoan lấp lánh, như những đôi mắt bạn bè lâu ngày gặp lại. Tôi biết, giờ này bạn bè tôi đang làm mọi việc tốt nhất để tiếp sức cho tôi trong cuộc chiến này…

(Còn nữa)

5 COMMENTS

  1. Wonderful beat I wish to apprentice while you amend your web site how could i subscribe for a blog web site The account aided me a acceptable deal I had been a little bit acquainted of this your broadcast provided bright clear idea

  2. Your blog is a breath of fresh air in the often stagnant world of online content. Your thoughtful analysis and insightful commentary never fail to leave a lasting impression. Thank you for sharing your wisdom with us.

  3. Your writing is a true testament to your expertise and dedication to your craft. I’m continually impressed by the depth of your knowledge and the clarity of your explanations. Keep up the phenomenal work!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here