Monday, December 23, 2024
HomeBLOGNên ghi gì trên những bia mộ trong nghĩa trang 1.400 tỷ?

Nên ghi gì trên những bia mộ trong nghĩa trang 1.400 tỷ?

TIẾNG DÂN

LTS: Facebooker Phục Long sưu tầm những câu chữ khôi hài đã được ghi trên bia mộ của người chết. Quý độc giả hãy dựa vào những câu dưới đây để viết bia mộ cho các quan tham, cửa quyền, háo danh, hống hách… những người mà đảng và nhà nước định cho họ vào lăng mộ 1.400 tỷ sắp xây này.

____

7-2-2018

FB Phục Long

Trên bia mộ của một người béo: “Tôi từng là một thằng nổi tiếng mập, nay tôi chỉ còn da bọc xương. Tôi đã giảm cân thành công, hi..hi”

Trên bia mộ cô Masha: “Masha xinh đẹp và kiêu ngạo. Những thứ cô từ chối với mọi người đàn ông, nay đều rộng rãi ban tặng cho dòi bọ”

Trên bia mộ môt người vô gia cư: “Cảm ơn chính phủ đã giải quyết cho tôi vấn đề nhà ở”

Trên bia mộ một bà già: “Tôi đã trị dứt bệnh mất ngủ”

Trên bia mộ một em bé chết yểu: “Tôi đã tới trần gian, dạo một vòng, nhưng không thấy vừa ý nên đã quay về”

Trên bia mộ một người nghèo: “Tôi rất mừng khi thấy mộ người giàu bị đào trộm, chỉ tôi là thoát nạn”

Trên bia mộ một bợm nhậu “Tôi không nằm ở đây, tôi ở ngoài quán”

Trên mộ một bà lao công dọn nhà vệ sinh: “Bên trong đang có người”

Đọc được trích đoạn trên, cảm thấy thật thú vị. Những con người bình dị nhưng vui vẻ, đến chết vẫn có thể giỡn chơi với đời.

Lại nghĩ lăn tăn không biết những người làm “dân chi phụ mẫu” khi mất đi sẽ viết gì lên bia mộ của mình? Sẽ là vài dòng ngắn ngủi ghi tên họ, hay lại sẽ là một lô lốc chức danh như vẫn thường thấy trên danh thiếp?

Liệu có ai cảm thấy day dứt như hơn trăm năm trước Nguyễn Khuyến đã từng:

“Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”

Hay có ai học theo Võ Tắc Thiên, để trắng tấm bia với ý “để cho người đời sau phán xét”?

Lật lại trang Tam quốc, đọc đến đoạn Dương Hựu mất đi, sĩ tốt thương xót khôn cùng. Người Tương Dương thấy Hựu khi còn sống, thường hay ra chơi núi Nghiễn Sơn, mới lập miếu tạc bia bốn mùa cúng tế. Kẻ qua người lại, trông thấy văn bia đều phải ứa nước mắt, cho nên bia có tên là “Đọa lệ bi” (bia Sa nước mắt).

Sống ở đời, quyền cao chức trọng, vênh vang áo cừu cũng không bằng lúc nằm xuống 3 thước đất, được dân chúng nhớ thương lập bia bốn mùa cúng bái. Ở trong nghĩa trang nghìn tỷ liệu có sung sướng hơn chăng?

____

Nhân sự kiện đảng và nhà nước lên kế hoạch xây lăng mộ 1.400 tỷ dành cho các lãnh đạo cao cấp, kính mời quý độc giả đọc lại bài thơ “Di Chúc” của nhà thơ Nguyễn Khuyến, viết cho con cháu.

Di Chúc

Nguyễn Khuyến

Kém hai tuổi xuân đầy chín chục
Số thầy sinh phải lúc dương cùng
Đức thầy đã mỏng mòng mong
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy
Học chẳng có rằng hay chi cả
Cưỡi đầu người kể đã ba phen (1)
Tuổi là tuổi của gia tiên
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày
Ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ
Hóa bây giờ cho bố làm nên
Ơn vua chửa chút báo đền
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời
Sống không để tiếng đời ta thán
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì ?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gói thời thôi
Cỗ đừng to lắm con ơi,
Hễ ai chạy lại con mời người ăn
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng đối đừng gấm vóc mà chi
Minh tinh (2) con cũng bỏ đi
Mời quan đề chủ (3) con thì không nên
Môn sinh chớ bổ tiền đạt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiệp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu !
Lại mang cái tiếng to đầu
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn
Cờ biển của vua ban ngaỳ trước
Khi đưa thầy con rước đầu tiên
Lại thuê một lũ phường kèn
Vừa đi vừa thổi, mỗi bên dăm thằng
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu hoa
Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”

(1) Câu này ý nói nhà thơ qua ba kỳ thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên)

(2) Minh tinh: một mảnh lụa, mảnh vải hay mảnh giấy để tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma. Mảnh lụa, vải hoặc giấy này đem dán vào một cái khung bằng tre hoặc nứa rất cao rước đi trước quan tài, khi mai táng thì xong thì đốt cùng nhà táng. Có khi buộc vào cây nêu gọi là cây triệu.

(3) Đề chủ: viết tên và hiệu người chết vào thần chủ (cái thẻ bằng gỗ để thờ người chết), vật tượng trưng cho linh hồn người chết. Việc này thường được coi như tôn trọng, nên phải nhờ người có chức tước làm.

Nguồn: Vườn Thơ

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular