Thảo Dân
Mỗi em bé là một thiên thần. Thiên thần vỗ cánh bay đi, dù bởi bất kỳ lý do gì, cũng để lại nỗi đau không sao bù đắp cho người thân, và trong nhiều trường hợp, gióng những tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội.
Cái chết tức tưởi của em bé 6 tuổi ở một ngôi trường dành cho con nhà giàu ngay trong lòng Hà Nội khiến người ta choàng tỉnh, phải chăng, bởi nó chạm tới huyệt thần kinh nhạy cảm nhất của nơi mặc định an toàn dành cho giới trung lưu, một tầng lớp tưởng chừng có thể tách biệt và thoát khỏi mọi bất trắc chung với đồng bào lầm than? Cả xã hội rúng động bởi chưa khi nào mạng sống của những đứa trẻ trong trắng, hồn nhiên, chưa biết cách tự vệ lại bị đoạt đi một cách bất ngờ như thế. Tôi, giống như các bạn, bàng hoàng và bất bình.
Nhưng, tôi nhớ tới những thiên thần khác nữa.
Tôi nhớ những thiên thần bị đọa đày bởi bệnh tật dai dẳng, trên dưới chục tuổi đầu trong các khoa Ung Bướu, trước khi bay đi còn phải chịu giày vò đau đớn về thể xác, để lại nỗi nhọc nhằn thống khổ về tinh thần và gánh nặng nợ nần cho cha mẹ, nhiều em trong số đó, linh hồn bay đi, xác thân còn ở lại. Gói trong túi xách của bà, bó trong áo cũ của cha, giấu giữa tấm chăn của mẹ để mong trót lọt một hành trình ngồi dấm dúi cuối xe khách để được về quê cha đất tổ…. May mắn thì có những chiếc xe từ thiện tư nhân trợ giúp để có thể được nằm duỗi chân thanh thản trong quan tài gỗ trong chặng cuối cùng.
Tôi nhớ tới những thiên thần đang bị đọa ở nơi trần thế. Những thằng bố, con mẹ súc vật bạo hành con cái thể xác hoặc tinh thần, bắt ăn đói, mặc rét. Các con bị chửi rủa, đánh đập, bị bỏ học, bị lũ súc sinh gọi bằng ông nội, bằng cha, chú, bạn bè của bố, cậu, anh, thầy, và những kẻ xa lạ bất kỳ… cùng nhà, ở trường học, giữa công viên, trên đường phố, thậm chí cả ở trong thang máy … làm vấy bẩn và mang mãi nỗi đau bị xâm hại. Thủ phạm, thậm chí còn nhơn nhơn thách thức dư luận và đe dọa nạn nhân. Các thiên thần rã cánh, mang nỗi thù hận, nhục nhã vào đời.
Tôi nhớ tới những thiên thần, hồn phách bay đi trong nỗi sợ hãi, trong đói rét, trong giấc ngủ mơ mỗi mùa bão lũ. Thiên thần nằm trong bùn đất. Chưa biết truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Còng queo, rúm ró, kinh hoàng. Mỗi năm đều lặp lại. Mỗi năm một tang thương. Mỗi năm dày thêm nỗi chết.
Tôi nhớ những thiên thần sáng nay mới tung tăng đeo cặp tới trường, chỉ cách nhà vài chục bước chân đã nằm im dưới gầm xe tải, không kịp nói một lời tạm biệt. Bao nhiêu trạm BOT đặt ra hút máu lương dân nhưng không hề có một trạm BOT an toàn nào ngăn giữ con người giữa hai bờ sinh tử.
Tôi nhớ tới những thiên thần năm nào cũng rủ nhau từng chùm, từng chùm đuối nước. Anh em, bạn bè trong nhà, trong xóm, trong lớp. Đủ loại mô hình, phương pháp, đổi mới của ngành giáo dục ngốn không biết bao nhiêu ngân sách, nhưng điều thiết thực để giữ mạng người thì không làm gì cả.
Những thiên thần bé bỏng đó có đáng cho chúng ta động lòng không? Có đáng cho chúng ta lên tiếng không? Và có đáng cho chúng ta phẫn nộ?
Những thiên thần vỗ cánh bay đi. Những thiên thần đang bị đày đọa. Chẳng có một vùng an toàn nào. Con nhà nghèo, con nhà giàu. Miền núi, miền xuôi. Bệnh tật, khỏe mạnh. Được báo trước và không được báo trước. Không lẽ, chúng chẳng hề liên quan tới nhau sao?
Có. Chúng có liên quan. Mỗi cái chết của một thiên thần bé nhỏ là lời tố cáo đanh thép, là bản cáo trạng về một đất nước thiếu vắng an sinh xã hội, một đất nước môi trường sống mất an toàn hơn cả nội chiến, một đất nước thiếu tình thương và trách nhiệm, một đất nước thiếu sự nghiêm minh của luật pháp và công chính của lòng người. Cao hơn cả, là một đất nước mà tính mạng con người bị coi rẻ hơn cả động vật ở thế giới văn minh.
Những kẻ khốn nạn nào, nhân danh điều gì khiến đất nước này thành ra như thế?!