Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự “nhặp nhằng” giữa hai khái niệm luật học “chủ quyền lãnh thổ” và “sở hữu toàn dân”.
Bài viết ngày này năm ngoái. Đăng lại vì thấy y chang trường hợp Đồng Tâm.
Tôi nghĩ rằng vụ “cưỡng chế” vườn rau Lộc Hưng sẽ là dịp may để nhà nước CHXHCNVN “minh bạch” hơn về các khái niệm “quyền sở hữu” trong “đất đai thuộc quyền quyền sở hữu toàn dân” với “chủ quyền” của toàn dân trên “lãnh thổ quốc gia”.
Trong Hiến Pháp, hay các bộ luật đất đai của VN, ta thấy có các qui định “đất đai, sông suối, núi non, biển, bờ biển…” thuộc “quyền sở hữu toàn dân”.
Ta biết sự xung đột sâu xa nhứt giữa hai ý thức hệ tư bản và CS là “quyền tư hữu”. Chủ nghĩa tư bản quan niệm “quyền tư hữu”, kể cả sở hữu về đất đai, là một quyền cơ bản, bất khả truất bãi, của mọi cá nhân trong xã hội. Trong khi XHCN hay cộng sản thì không nhìn nhận quyền tư hữu dưới bất kỳ hình thức nào. Tất cả của cải vật chất, đất đai nhà cửa thuộc “công hữu”, tức “sở hữu công” (nói gọn là của nhà nước).
Trong xã hội cộng sản, vì không hiện hữu quyền tư hữu, không ai có thắc mắc về “quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân”.
Nhưng khi “hội nhập”, VN “định hướng XHCN” cách nào cũng bị luật lệ của khối tư bản chi phối. Đó là “quyền sở hữu”.
VN hiện nay chấp nhận tất cả các quyền “sở hữu” của thế giới tư bản, từ bất động sản nhà cửa, xí nghiệp… động sản xe cộ, máy móc… cho tới “sở hữu trí tuệ”…
Nhưng VN vẫn “níu kéo” quyền “sở hữu toàn dân” về đất đai, như là cái “phao” cuối cùng XHCN.
Nhưng cách sử dụng từ ngữ của VN như vậy là sai. Hay ít nhứt không phù hợp với luật quốc tế.
Người ta nhìn nhận “Quyền sở hữu” của tư nhân, của nhà nước, của cá thể hoặc tập thể. Nguyên tắc là người có “quyền sở hữu” luôn có tư cách “pháp nhân”. Tức là người (hay tập thể) có sở hữu vậy đó, hay khu đất đó, phải có trách nhiệm (và bổn phận) đối với mọi vấn đề (pháp lý) liên quan đến vật đó hay khu đất đó.
Nói “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” là nói cho “sướng miệng” chớ không có ý nghĩa pháp lý.
Toàn dân là ai ? không là ai cả. “Toàn dân” không có tư cách pháp nhân.
Ta thấy VN đã lẫn lộn từ “chủ quyền lãnh thổ” với “sở hữu đất đai”.
Chủ quyền lãnh thổ thuộc về toàn dân (mà quốc hội là cơ quan đại diện).
“Chủ quyền” là quyền lực tốt thượng của quốc gia. Quyền lực này có thể ban bố “quyền sở hữu” hay “truất bãi” quyền sở hữu.
Từ bấy lâu nay cha nội “ông nhà nước” nhặp nhằng “quyền sở hữu” với “chủ quyền”. Cha nội này dùng “quyền lực” (chủ quyền) chiếm hữu hay truất hữu đất đai (có chủ từ trước) để phục vụ cho “lợi ích nhóm”. Hành vi (phạm pháp) của “ông nhà nước”, vì tiếm quyền quốc hội, được ngụy danh dưới chiếc áo “sở hữu toàn dân” mà cha nội nhà nước đại diện quản lý.
Ông nhà nước cũng như ông “toàn dân”, không có ông nào chịu trách nhiệm về bất cứ cái gì. Tiếng dân oan thấu trời thấu đất.