BBC
Một luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức nói với BBC rằng việc nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn bà nhập cảnh nước này hôm 04/01/2018 là một ‘hành động bất hợp pháp’ và rằng đó là ‘bằng chứng’ cho thấy thân chủ của bà không có một phiên tòa ‘đúng luật’ và ‘tôn trọng pháp quyền’.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 07/01/2018 sau khi về tới CHLB Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho hay:
GS Nguyễn Mạnh Hùng: ‘VN sợ luật sư Đức làm ồn ào’
VN ‘chặn luật sư Đức của ông Trịnh Xuân Thanh’
Vì sao 2 luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh rút lui?
Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’
“Tôi đến sân bay Hà Nội vào ngày 04/01/2018, vào lúc 19h20 theo giờ địa phương.
“Tôi tới bộ phận kiểm soát xuất nhập cảnh, nhận được dấu đóng thị thực cho 15 ngày (theo quy chế hợp lệ với công dân Đức), nhưng khi hộ chiếu của tôi được đặt trên máy tính, tôi được yêu cầu đi tới một quầy xuất nhập cảnh lớn hơn, sau đó mất khoảng 20 phút tới nửa tiếng, tôi nhận thấy rằng sẽ có vấn đề.
“Tôi nhiều lần yêu cầu giải thích, nhưng không nhận được bất cứ giải thích nào từ các viên chức ở đó. Tôi nghe thấy một lời bình luận bằng tiếng Việt “Đây là luật sư của Thanh.”
“Trong suốt toàn bộ thời gian này, hộ chiếu của tôi bị giữ lại, và thẻ lên máy bay từ Bangkok đến Hà Nội của tôi cũng thế. Trong lúc chờ đợi, tôi nói chuyện với Đại sứ quán của tôi, để thử xem liệu Đại sứ quán có thể làm được một điều gì đó.”
‘Vi phạm vào điều nào?‘
“Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui”
Tin Trịnh Xuân Thanh đầu thú ‘lạ tai như phép màu’
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Công an bắt tiếp người của PVC
Luật sư Petra Schlagenhauf cho hay bà đã được chuyển cho một văn bản từ phía các viên chức Việt Nam tại cửa khẩu ở sân bay, sau khi đã nhiều lần yêu cầu cho biết lý do vì sao không được nhập cảnh, bà cho BBC Tiếng Việt biết thêm chi tiết:
“Tôi được trao cho, nhưng chỉ là sau khi tôi yêu cầu, một văn bản (protocol) nói rằng việc nhập cảnh của tôi đã bị từ chối vì “Điều 21”; tôi đoán rằng đó là theo luật nhập cảnh của Việt Nam.
“Tôi thấy rằng tôi không rơi vào bất kỳ trường hợp nào quy định trong Điều luật đó.
“Sau đó, tôi được đưa trở lại chiếc phi cơ mà đã bị chậm giờ một chút vì lý do này. Hộ chiếu của tôi đã được trao cho cơ trưởng của phi cơ (Thái Lan).
“Trên máy bay, tôi nhận được thông báo từ Đại sứ quán rằng Đại sứ Đức đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và được nghe rằng việc nhập cảnh của tôi không được phép cho tới tận ngày hôm sau.
“Rõ ràng, hành động bất hợp pháp này từ nhà cầm quyền Việt Nam một lần nữa là bằng chứng cho tôi thấy rằng không có một phiên tòa xét xử thân chủ của tôi mà được tiến hành theo đúng luật và tôn trọng pháp quyền,” Luật sư người Đức đưa ra bình luận trên quan điểm riêng của bà với BBC Tiếng Việt.
Liên quan đến diễn biến trên, một người phát ngôn cho Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu 5/01/2018 đã xác nhận với BBC Tiếng Việt về vụ việc xảy ra với bà Petra Schlagenhauf:
“Chúng tôi đã ngay lập tức liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng phía Việt Nam vẫn giữ quyết định đó. Chúng tôi không rõ nguyên do vì sao. Đại sứ Việt Nam đã bị mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao Liên bang để nói chuyện về việc này.”
Được biết, các công dân Đức theo quy định hiện hành của Việt Nam, được phép vào nước này với thời hạn không quá 15 ngày “không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh”, miễn là “đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật”.
BBC chưa có dịp liên hệ với các cơ quan hữu trách của Việt Nam trong dịp cuối tuần để tìm hiểu quan điểm và phản ứng của phía Việt Nam về vụ việc. Tuy nhiên, theo Điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có 9 trường hợp giới chức “chưa cho nhập cảnh”.
Nếu bà luật sư người Đức bị từ chối theo Điều 21 nêu trên, thì lý do duy nhất có thể khả dĩ áp dụng là theo nội dung khoản 9, “vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Người có thẩm quyền ra quyết định “chưa cho nhập cảnh” đối với trường hợp trên cũng như gỡ bỏ quyết định đó phải là Bộ trưởng Công an hoặc Bộ trưởng Quốc phòng, luật hiện hành quy định.
Luật nhập cảnh, xuất cảnh hiện hành nói trên ở Điều 21 qui định 9 khoản như sau với những trường hợp chưa cho nhập cảnh: 1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này; 2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; 3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; 4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng;
5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; 6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; 7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; 8. Vì lý do thiên tai; và 9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
‘Có thể tiên đoán được’
Bình luận với BBC Tiếng Việt trong một phỏng vấn cuối tuần này về diễn biến vừa xảy ra với luật sư Schlagenhauf ở Việt Nam, GS. Nguyễn Mạnh Hùng, nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason nói:
“Đây cũng là tình trạng bình thường, nên nhớ nhiều vụ xử của Việt Nam, họ xử kín không cho báo chí vào, thành ra vụ bà Schlagenhauf sang, họ chặn lại thì có thể tiên đoán được, không có gì là rắc rối, khó hiểu cả, tại vì họ sợ bà sang sẽ làm ồn ào;
“Bà có thể làm rùm beng lên, làm cho người ta khó xử, họ sẽ bị phản tuyên truyền về vụ xử này, thành ra bà bị cho về, có thế thôi,” nhà nghiên cứu nói với BBC từ Hoa Kỳ.
Còn theo nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp, thì một trong các lý do mà do đó, Luật sư người Đức không được phép nhập cảnh vào Việt Nam là vì Việt Nam chưa cho phép luật sư người nước ngoài tham gia quá trình tố tụng ở nước này, ông nói:
“Cho đến hiện nay người ta không cho phép một pháp nhân nước ngoài tham gia vào quá trình tố tụng ở Việt Nam.
“Nói nôm na là không có chuyện thầy cãi nước ngoài được cho vào Việt Nam để cãi cho thân chủ người Việt Nam được.
“Thậm chí vào Việt Nam để cãi cho công dân của họ ở Việt Nam cũng không được,” nhà nghiên cứu đưa ra bình luận hôm 06/01/2017 với BBC Tiếng Việt từ quan điểm riêng.