VOA 08/05/2019
Phạm Chí Dũng
Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018.
Từ giường bệnh, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng đã phát đi thông điệp đầu tiên có tính thực chất, chứ không phải hình ảnh ‘không không thấy’ của ông ta khi thỉnh thoảng lại gửi thư, điện mừng hay chia buồn với nước này nước kia trong quá trình bắt buộc phải ‘điều trị tích cực’, khi Ủy ban Kiểm tra trung ương của cựu chủ nhiệm ủy ban này là Trần Quốc Vượng họp ngày 5/5/2019 về tiếp tục ‘đốt lò’ và còn có vẻ muốn ‘đốt lò’ nóng hơn.
Thông điệp ‘lò vẫn cháy’
Hàng loạt tướng lĩnh cao cấp thuộc Quân chủng Hải quân – Bộ Quốc phòng, đặc biệt trong số là có Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến, đã bị lôi ra kỷ luật mà nguồn cơn rất có thể liên quan đến chuyện ‘ăn đất’. Vào năm 2018, một viên tướng quan đội ‘ăn đất’ khác là Thượng tướng Phương Minh Hoà của Binh chủng Phòng không không quân đã bị ‘đốt’.
Tuy nhiên, quan chức ‘sáng giá’ nhất bị kỷ luật là Vũ Văn Ninh – một cựu phó thủ tướng – ủy viên trung ương đảng thời Nguyễn Tấn Dũng, mà nguyên do rất có thể liên đới đến vụ bán rẻ như cho cảng Quy Nhơn vào thời Đinh La Thăng còn là Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Trước cuộc họp trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương, nhiều dư luận cho rằng cơn chấn động bệnh tật đối với ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến ‘lò’ của ông ta tắt ngấm, hoặc cùng lắm cũng chỉ âm ỉ mà không thể duy trì được nhiệt lượng như trước đây.
Cho tới nay, Nguyễn Phú Trọng đã trải qua hơn nửa nhiệm kỳ thứ hai của ông ta, nhưng thành tích ‘chống tham nhũng’ của Trọng vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với bề dày ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Phía trước Nguyễn Phú Trọng vẫn còn một đầm lầy mênh mông quan chức tham nhũng cần phải xử lý, mà nếu không thể xử lý được phần nào đó thì Trọng không chỉ không tạo dấu ấn như một trong những đời tổng bí thư có thành tích lớn nhất và được ‘lưu danh sử xanh’, mà còn phải chịu nguy cơ bị ‘hồi tố’ nếu các phe phái tham nhũng nổi dậy và quật ngược lại ông ta – theo những dấu hiệu cấu kết gần đây giữa một số cựu quan chức và quan chức đương nhiệm chủ yếu ở miền Nam. Khi đó, số phận của ông ta không có gì bảo đảm là sẽ không giống với hai án tù giam lên đến 30 năm của Đinh La Thăng.
Tuy không thể hiện ra tại đám tang cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh dù là trưởng ban lễ tang, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng dường như đang có dấu hiệu dần phục hồi sức khỏe sau rất nhiều đồn đoán về ông ta đã bị tại biến mạch máu não và đột quỵ ngay tại Kiên Giang – nơi được xem là ‘căn cứ địa cách mạng của gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ vào ngày 14/4/2019.
Vẫn không phải từ bất kỳ nguồn tin chính thức nào từ các cơ quan đảng, mà những tin tức ngoài lề gần nhất cho biết Trọng đang ‘tập đi và tập nói’, cho dù quá trình này khá chậm chạp và có thể chẳng mấy hứa hẹn là sẽ phục hồi ‘nguyên đai nguyên kiện’. Có vẻ tin tức như thế lại logic với cú ra đòn mới nhất của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào ngày 5/5. Giả thiết được đặt ra là trước đó, từ giường bệnh Nguyễn Phú Trọng đã có sự bàn bạc và chỉ đạo trực tiếp đối với hai nhân vật là Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư và Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc duy trì ‘đốt lò’ và còn có thể gia tăng nhiệt lượng của nó. Một cú đánh khá mạnh của ủy ban này, vào thời điểm này, có lẽ sẽ khiến át đi phần nào những dư luận bất lợi về tình hình sức khỏe tồi tệ và thậm chí sắp ‘tịch’ của ‘Tổng tịch’, qua đó sẽ ‘lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân’ dành cho nhân vật mà niềm đam mê ‘ngồi tiếp’ qua đại hội 13 có vẻ không hề suy xuyển bất chấp trọng bệnh.
Một trong những thủ pháp lấy lại niềm tin như thế là phải tiếp tục ‘đốt lò’.
Vụ cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị lôi ra lỷ luật đang khiến người ta nhớ lại trường hợp cựu bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Theo logic đó, trong thời gian tới ‘lò’ có thể áp sát và đốt một số quan chức – cựu chức và cả đương chức – của khối chính phủ, nơi mà mật độ tham nhũng diễn ra dày đặc nhất từ trước tới nay.
Vụ kỷ luật hàng loạt quan chức trên cũng phát ra tín hiệu đầu tiên về sự trở lại của Nguyễn Phú Trọng: tạm từ giã giường bệnh, ông ta sẽ có thể tham dự với vai trò chủ trì Hội nghị trung ương 10 – một sự kiện quan trọng của đảng cầm quyền sẽ xảy ra khoảng trung tuần tháng 5 năm 2019 và ngay trước kỳ họp của Quốc hội ‘gật’ trong cùng tháng.
Tín hiệu nào trong và sau Hội nghị trung ương 10?
Sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 10 là đặc biệt cần thiết vì những lý do cũ như tính cần kíp phải duy trì chiến dịch ‘đốt lò’, tiếp tục tăng tốc ‘cơ cấu cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị cho đại hội 13, và những lý do mới hơn là cần có ý kiến chính thức của Trọng về một số dự luật như 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, Bộ Luật Lao động, Luật về Hội… liên quan đến quan điểm của chính thể Việt Nam buộc phải nhượng bộ trước Liên minh châu Âu (EU) trước khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) được ký kết và phê chuẩn trong nửa cuối năm 2019; nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là bàn về nội dung và công tác sắp xếp ‘bầu đoàn thê tử’ cho chuyến đi Mỹ dự kiến sắp tới của Trọng theo lời mời chính thức của Donald Trump.
Hội nghị trung ương 10 cũng có thể là cái cách mà nếu tham dự trọn vẹn, Trọng sẽ không để xảy ra hệ quả ‘vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm’ mà dường như đang manh nha phát sinh khá bát nháo ngay sau khi ông ta ‘đột quỵ’.
Hội nghị trung ương 10 là thách thức lớn hơn nhiều so với đám tang Lê Đức Anh, bởi hội nghị này sẽ bàn về về chuyện của những người còn sống sót và rất có thể sẽ ‘làm nhân sự’ cho đại hội 13 với những vị trí then chốt trong ‘bộ tứ’ hoặc ‘bộ tam’ quyền lực nhất.
Nếu Trọng không thể xuất hiện tại Hội nghị trung ương 10, khi đó không chỉ dân chúng mà cả giới cách mạng lão thành và các quan chức trong nội bộ đảng hoàn toàn có thể nghi ngờ về Trọng không thể đảm bảo sức khỏe để ông ta có thể ‘ngồi’ từ đây cho đến khi đại hội 13 diễn ra vào năm 2021. Từ đó, sẽ xuất hiện những đòi hỏi cần phải minh bạch hóa tin tức về Trọng, và chính Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương là cơ quan phải làm nhiệm vụ này, để nếu Trọng không còn đủ tỉnh táo để ‘lèo lái con thuyền của đảng và dân tộc’ thì phải bàn đến phương án ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Cũng có một giả thiết thú vị khác: không loại trừ khả năng sau cơn chấn động thập tử nhất sinh ở Kiên Giang, Nguyễn Phú Trọng sẽ thay đổi về nhận thức đối với thế giới chính trị xung quanh ông ta, từ đó dẫn đến sự thay đổi về phương pháp và hành động của ông ta trong công cuộc trị đảng, trị quân theo quan điểm cứng rắn và khắc nghiệt hơn. Và không loại trừ khả năng sau khi hồi phục sức khỏe, Trọng sẽ tăng mạnh tốc độ ‘đốt lò’ như một cách chạy đua với thời gian ngắn ngủi còn lại trước đại hội 13 và trước khi ông ta buộc phải gục ngã bởi quy luật tuổi tác và ‘sinh lão bệnh tử’.