Wednesday, February 5, 2025
HomeBLOGLAN MAN CHUYỆN NGHỀ, CHUYỆN ĐỒNG NGHIỆP

LAN MAN CHUYỆN NGHỀ, CHUYỆN ĐỒNG NGHIỆP

Nguyễn Xuân Nghĩa

2 tháng 8 lúc 21:43

Năm 1967 đến 1972 tôi học khoa luyện kim màu ở trường đại học kỹ thuật Ostrava, Tiệp Khắc, nay thuộc Cộng Hòa Séc (Česká republika). Ngành luyện kim màu có 2 phân nhánh: Hợp kim đồng (đồng thau, đồng thanh) và Hợp kim nhôm ( Nhôm và đuy-ra). Lúc bấy giờ thích lắm, nghe cán bộ đại sứ quán Việt Nam trên thủ đô Praha về thăm, “hót như khướu” Đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây dựng một nền công nghiệp quy mô, hiện đại) mà sướng, nghĩ: Bây giờ tạm dùng máy bay của Liên Xô. Học xong về nước sẽ nấu, luyện  hợp kim nhôm để cán vỏ máy bay và đúc các bộ phận khác cho máy bay mang nhãn “made in Vietnam” (ngành chế tạo máy bay dùng khoảng 80 % hợp kim nhôm) và tự hào, nghĩ:  sẽ là một trong số cán bộ kỹ thuật đầu tiên tham gia đúc- luyện hợp kim nhôm cho ngành hàng không non trẻ của tổ quốc…

Về nước, biết ngành công nghiệp Việt Nam (Miền Bắc) không có nghề luyện kim màu, không có nhà máy, hãng xưởng nào luyện kim màu, chỉ có một viện nghiên cứu Hợp kim màu của Bộ Cơ khí và Luyện kim đang sơ tán tại Thái Nguyên.

Lại tự sướng: Về đây sẽ được gọi là “Viện sĩ”, mặc dầu đang là kĩ sư. Lên thăm thì chỉ biết lắc đầu. Mấy ông lãnh đạo thích dùng từ ngữ đao to búa lớn. “Viện”  có quy mô một hợp tác xã đúc nồi đồng, cán mâm nhôm thời đó (Bao cấp)

Ngao ngán nghĩ: Thế này thì dùng kiến thức 5 năm học ở Tiệp vào đâu? Lại tự động viên : Chờ cánh lính “đánh xong giặc Mỹ” thì cánh làm công nghiệp mới có đất dụng võ.

Được phân công tác về nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội. Nhà máy có một phân xưởng gọi là “Chế tạo vật liệu cách điện”. Phân xưởng có một tổ nghiên cứu sản xuất thí nghiệm hợp kim bột đồng, (học chế tạo hợp kim khối giờ làm hợp kim bột) nằm trên địa bàn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Nghe từ “phân xưởng” thì to đùng, nhưng cầm quyết định phân công công tác đến nơi thấy bé tí. Phân xưởng chỉ có một cái nhà ngói rộng khoảng 200m2, ( trước đây có lẽ là hội trường của một cơ quan bộ, ngành nào đó) một cái nhà lợp tôn xi măng, bên dưới có 10 thợ mộc đang làm việc ( Lúc ấy tổ mộc của phân xưởng đã đi vào sản xuất ổn định). Từ “Tổ sản xuất” này đến tổ “Sản xuất” kia khá xa, khá tốn đường đất, đi vào ngày mưa phải lựa bước, hai bên có cỏ mọc.  Phía trong, tựa lưng vào một bức tường gạch, sau bức tường là ruộng lúa của hợp tác xã nông nghiệp địa phương có thêm một căn nhà ngói cũ 4 gian, rộng khoảng 100m2, phía trước nhà có 5 ụ đất nhô lên như 5 cái mồ, đó là hầm tránh bom Mỹ, trong hầm nước ngập ngang bẹn, bên trên cỏ, cây dại mọc um tùm (có lần bắt được cả rắn hổ mang)    

Khi biết Bộ Cơ khí và Luyện kim do trung tướng Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng, xuất hiện thêm một câu hỏi. Cái ông suốt đời làm lính này biết gì về Cơ khí & Luyện kim mà làm bộ trưởng bộ Cơ khí & Luyện kim? Thêm nữa ông đang ở trong Nam với bộ đội Miền Bắc và Quân giải phóng miền Nam, sao có thể làm bộ trưởng một bộ công nghiệp lớn có trụ sở tại Hà Nội? Tìm hiểu sâu hơn thì biết. Làm bộ trưởng một bộ công nghiệp lớn nhưng Trung tướng Đinh Đức Thiện không một lần có mặt tại văn phòng bộ trưởng suốt thời gian ông làm bộ Trưởng. Đảng cho đăng tin ông làm bộ trưởng để giấu tông tích ông đang có mặt tại Miền Nam.

Phân xưởng Vật liệu cách điện đang trong quá trình hình thành nên ở đây tất cả đều là thợ xây dựng. Đập gạch vụn rải lối đi, đầm đường, xây nhà, xưởng, đổ bê tông bệ máy, xe gạch, lợp tôn mái nhà. Được cái mới ở xứ lạnh về, da chưa kịp đen,  vẫn còn đồ Tây, chăm chỉ như văn hóa làm công nghiệp Tây, có vài em mê, cũng thích… 

Rồi lấy vợ, chuyển về Hải Phòng, có thời gian làm cán bộ thi đua, tuyên truyền tại nhà máy Cơ khí duyên hải, (công nhận gọi chệch thành Con khỉ dở hơi) rồi viết văn, rồi bật khỏi biên chế nhà nước. Giấc Kê Vàng* luyện đúc hợp kim nhôm cho máy bay made in Vietnam tàn từ giai đoạn nào không nhớ. 

Nói thêm: Nhà máy cơ khí Duyên Hải Hải Phòng đã chết; máy móc, thiết bị của nhà máy đã thành sắt vụn, Các máy móc, thiết bị của nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội đã thanh lý cho các tổ sản xuất tư nhân, bất động sản đã bán cho công ty nước ngoài; chỉ còn mình vẫn tồn tại với nỗi day dứt: ” Mình đã làm gì cho tổ quốc? như các dư luận viên hỏi mình hằng ngày.  

Xét cho cùng, đã 75 năm, cuộc đời mình chỉ có 2 thời kỳ có ích. Thời kỳ thứ nhất từ lúc có mặt trên đời đến năm 23 tuổi là thời kỳ bố mẹ và thầy giáo được tự hào “ăn no, chóng lớn, con ngoan, trò giỏi, được đi học nước ngoài”; thời kỳ thứ 2 làm “phản động”, đỉnh cao là đi tù 6 năm thêm 3 năm quản chế, về nhà có công an canh nhà mỗi tháng vài ngày.  

Cuối tuần trước, nhận được một cuộc gọi lạ. Rất ngạc nhiên. Có một tay ( nghĩ mãi mới nhớ tên, xuất xứ) cùng làm ở nhà máy Chế tạo biến thế Hà Nội (cũ), giữa, cuối thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, cách nay đã 49, 50 năm, không biết máu mê phong trào cựu đồng nghiệp thế nào mà quy tập được hơn chục hồn ma còn vật vờ trên trần thế, trong vùng Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, mời lên nhà riêng tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, dùng cơm trưa, gặp gỡ giao lưu, ôn lại mối tình cựu đồng nghiệp quê xa tụ tập về Hà Nội vào thời bom rơi, đạn nổ…

  Tò mò quá. Nhận lời.

Bữa cơm khá thịnh soạn nhờ bà chủ nhà và cô con dâu khéo tay. Có điều cả chục tay cựu đồng nghiệp ít lần đụng đũa. Rượu, bia và những kỷ niệm cũ thi nhau nói. Một thời bụng đói, khói lửa trên đầu, bùn đất dưới chân, dây thừng xe bò quàng qua cổ hiện ra. Một cựu đông nghiệp xúc động: Không phải đi bộ đội mất xác trong Nam, vượt qua được cái thời bao cấp gạo mốc, hạt mạch, ốm đau không thuốc… nhờ ơn huệ của số phận. 

Một bạn hỏi vặn:

– Không nhờ ơn Đảng hả ông?

Không có câu trả lời!

Buổi chiều mình về, cho vợ xem ảnh chụp với cựu đồng nghiệp và nói: ” Hình người như xác không hồn, chuyện nhạt như nước ốc. Chẳng có gì mà viết mấy chữ, up ảnh lên. 

Bà vợ nói:

– Có thế nào viết thế ấy! Hình người thế nào up lên thế ấy. Quan chức họ viết về quan chức, mình thảo dân viết về thảo dân!…

Ừ thì viết!

* Giấc Kê Vàng: Ngày xưa có Học trò học rất giỏi, đến kỳ thi, lều chõng lên kinh, mong được làm quan. Học trò đi được nửa đường thì bụng đói. Học trò vào một quán trọ. Chủ nhà trọ đang bắc lên bếp một nồi kê. Học trò nghĩ nồi kê còn lâu mới chín nên tìm một giấc ngủ để chờ. Trong giấc ngủ, Học trò mơ nồi kê đã chín bèn tỉnh dậy. Cả ba lần tỉnh dậy nồi kê vẫn chưa chín. ” Quá tam ba bận” Học trò biết có đi thi cũng không đậu làm quan nên trở về quê làm nông phu cùng phụ huynh.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular