Chiều nay Tòa sẽ tuyên án, nhưng thực ra không có lựa chọn nào khác ngoài án tử cho Trương Mỹ Lan, đặc biệt từ khi bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.
Câu chuyện của Trương Mỹ Lan, SCB có thể tóm gọn trong việc bà ta là tài phiệt, vì là tài phiệt nên được kêu gọi tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém. Chính từ bước chân vào hành trình tái cơ cấu này, Trương Mỹ Lan với đầu óc chai sạn của nhiều năm thương trường nhận biết những lỗ hổng chết người trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam – nó đến từ con người (vi mô) và cả chính sách (vĩ mô) và lợi dụng những lỗ hổng đó để “lấy tiền”. Đã có nhiều thời điểm SCB là Ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cực hấp dẫn, tiền càng vào nhiều, lỗ hổng càng được khoét lớn cho đến một ngày Ngân hàng đó hiện tại gần như rỗng tuếch. Sụp đổ là tất yếu.
Nếu hỏi dưới góc độ một chuyên gia về luật Hình sự, hành vi đó có xứng đáng để tử hình không, câu trả lời là có. Nếu hỏi dưới góc độ một người hiểu biết về tài chính, liệu có khắc phục được hết hậu quả từ việc bà Lan “thụt két” 1 triệu tỷ đồng không, câu trả lời là không.
Câu chuyện của Trương Mỹ Lan là câu chuyện đúng nghĩa về “lòng tham vô đáy”, nhưng nó không chỉ đến từ dã tâm của kẻ chiếm đoạt, nó còn đến từ tiếp sức của những kẻ ở cạnh, đến từ sự dung thứ của những kẻ có quyền lực và đến từ cả sự lỏng lẻo của một thời kỳ quản trị Ngân hàng yếu kém. Nghĩ người, nên ngẫm lại mình, mọi sự soi chiếu đều mang lại kết quả cần thiết để chúng ta tiến lên.
Trong lời nói sau cùng, Trương Mỹ Lan thốt lên rằng: “Không biết gia đình còn có cơ hội gặp nhau nữa hay không, có được cùng nhau ăn chung một bữa cơm nữa không?”. Nguyện ước cuối cùng đơn thuần như vậy có đáng thương cảm không? Có. Nhưng có xứng đáng được nhận điều đó không? Không. Chỉ khi không đạt được nguyện ước đơn giản nhất, con người ta mới ý thức được rõ nhất về điều mình đã thực hiện. Thức tỉnh, nhận ra nhưng không thể giải thoát, đó mới là sự trừng phạt cao nhất ở đời.
Ngẫm lại câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) trong một vụ án giản đơn hơn rất đúng với hoàn cảnh hiện tại của Trương Mỹ Lan: “Tiền nhiều để làm gì mà hôm nay phải ngồi như thế này?!”
(Nguyên An Lê)