Lê Huyền Ái Mỹ
Nghệ sĩ Thành Lộc rời sân khấu IDECAF, tôi có chút ngạc nhiên của một sự hiển nhiên (sẽ đến) nhưng không bất ngờ.
À thì 26 năm, thời gian đủ để nói lên sự ổn định, bền bỉ; hơn hết nó hình thành một phong cách sân khấu, một kịch nghệ Thành Lộc – đính kèm IDECAF. Nơi khoảnh sân vườn dưới chân thư viện, cái mé nhà hàng jardin với thú vui tao nhã petit-dejeuner của người Sài Gòn, có duyên nợ ít nhiều với văn hóa Pháp cả trong cuộc đời làm nghề của Thành Lộc.
À thì 26 năm, từ cái nôi 5B đã tỏa đi những sân khấu Phú Nhuận của Hồng Vân, IDECAF của Thành Lộc – Hữu Châu, Hoàng Thái Thanh của Ái Như – Thành Hội…trong đó, IDECAF có độ dài, độ sâu phải nói là bậc nhất thành công khi nhuần hóa cả hai yếu tố sáng tạo hàn lâm – thị trường trong nhiều vở diễn. Nó cũng tạo nên một “nhãn hàng riêng” của mình là Ngày xưa ngày xưa, định vị luôn một phân khúc khán giả (trẻ con) mang tính bền vững.
Điều đó cho thấy tính chuyên nghiệp trong đầu tư – tổ chức – phát triển của sân khấu này. Khi nghệ thuật được bảo chứng bởi giám đốc nghệ thuật Thành Lộc thì phần còn lại là cơ cấu tổ chức, vận hành, duy trì, phát triển nó đi suốt mấy mươi năm như thế, trong một cơ chế tự sinh tự dưỡng tự… chống đỡ và sống sót; tôi nghĩ vừa là phước lẫn… nghiệp, công lẫn… nợ đích thị của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn.
Nay, trong phần “cứng” tổ chức ấy, sự dịch chuyển, thay đổi – như sự rời đi của Thành Lộc – nó tựa một “app” phần mềm có tính di biến rộng – mở hơn, nó thích ứng cho một không gian sáng tạo lẫn… đời tư đã ít nhiều cựa quậy, (có nhu cầu) thử nghiệm đổi – mới hơn.
Cho nên, sự rời ấy nó cũng là cần cho chính đôi bên; mà với những người tài năng, tâm huyết, máu lửa và đầy… tính toán (của một ông bầu) thì trước sau, sớm muộn gì họ cũng gầy dựng lại, khán giả của họ sẽ luôn là người được lợi.
Cho nên, sự rời ấy nó cũng là đủ cho chính Thành Lộc, bởi tài năng ấy, nhiệt huyết ấy luôn đầy nên ở đâu, trong không gian sáng tạo nào thì anh cũng là… Thành Lộc, cũng đơn độc với thế giới của riêng anh, vốn không hề riêng tư, nó mang lại cho hàng thế hệ khán giả dưới những lớp ghế kia cảm xúc, sự thức tỉnh và một tình yêu cuộc sống, con người tha thiết, đau đớn…
Tôi cũng rời đi một nơi mình được “sinh ra, lớn lên” 24 năm tròn. Nhưng đó là sự lựa chọn của chính mình (mà thật ra thì cũng chả có sự lựa chọn nào khác), khi đã “nhìn thẳng vào sự thật”, cái sự thật của giả chân, của đớn hèn ở một vài con người có chức trách; cái sự thật của 24 năm vẫn vẹn nguyên tươi đẹp, tử tế, công bằng ở bao con người có trách nhiệm sau và trước, đồng nghiệp, bạn đọc… Nên, sự lựa chọn rời đi, với một phần của các “sự thật”, với tôi, nó cũng hiển nhiên.
…
Nhưng, với một tài năng lớn như Thành Lộc lại kéo thêm khúc “vĩ thanh”…
Thành phố này đang tiến hành một cuộc tổng kết về văn hóa qua gần 100 năm – nhìn từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” 1943, trong đó có giai đoạn trước và sau năm 1975, trong đó có cả thiết chế văn hóa của gần 50 năm qua. Từ kịch nghệ Kim Cương đến kịch nghệ Thành Lộc, từ một hệ thống rạp hát, sân khấu nay đa phần là nhà văn hóa, trung tâm văn hóa…. Tôi nghĩ nhiều hơn đến sự rời đi của Thành Lộc – diễn viên ở IDECAF và sự “tiếp đến” của một Thành Lộc – diễn viên/giám đốc sáng tạo/chỉ huy nghệ thuật ở một nhà hát kịch nghệ của thành phố.
Nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 có đặc thù cởi trói cho hình thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực văn hóa – thể thao, thành phố đón đầu mà kêu gọi, mà thúc đẩy xây dựng để chiếm lĩnh cơ hội, cơ hội đầu tư về con người, nhân tài là không dễ có.
…
Thành Lộc rời IDECAF nhưng anh vẫn ở lại với Ngày xửa ngày xưa. Như thể anh thuộc về thế giới cổ tích.
Người đàn ông đã ngoài 60, vẫn hát ca, vẫn diễn trò về con nít, cho con nít, làm say mê bao thế hệ con nít. Hay chỉ có thế giới trẻ con mới nhìn ra ông, mới thấy ông thuộc về chúng, cần có chúng nâng niu, bảo vệ.
Mà như thế thì còn ai hạnh phúc hơn Thành Lộc.
Và cũng chẳng ai cô đơn hơn Thành Lộc.