Tổng thống 80 tuổi của Hoa Kỳ sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 10/9 theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà nếu tính theo tuổi ta, cũng vừa tròn tám chục. Hai “bô lão” gặp nhau là để “làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực (1)
Chuyến đi của Tổng thống Joe Biden được bàn tán khá nhiều vì mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong suốt chiều dài lịch sử. Nó khác với những lần đi thăm của các tổng thống Mỹ trước đây là chỉ thực hiện chuyến đi Việt Nam khi đã sắp hết nhiệm kỳ và mang tính nghi thức. Lần này hai “nguyên thủ” gặp nhau để cho ra những quyết định chiến lược dài hơi cho 2 nước, đặt nền tảng cho một sự hợp tác vô cùng quan trọng giữa 2 quốc gia trong tương lai.
Nghi lễ đối ngoại: Ai đón và có bắn đại bác không?
Điều 86 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Thế mà Tổng bí thư của một đảng đã thay mặt cả nhà nước mời Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và chắc rằng ông Trọng cũng là người chủ trì lễ đón.
Điều 4 Hiến pháp quy định “Đảng cộng sản lãnh đạo” nhưng không có một câu từ nào nói về vai trò của ông Tổng bí thư. Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp còn ghi rõ: “Các tổ chức của đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật”. Vậy việc mời và đón thăm đã là một sự “lạ” thu hút sự chú ý rất lớn của nhân dân.
Các báo Việt Nam đã rất tế nhị khi đề cập đến vấn đề này. Tờ Tuổi Trẻ giật tít là “chưa từng có tiền lệ” (2) và viết: “Ông Joe Biden không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ riêng điều đó đã nói lên sự đặc biệt của chuyến thăm này”.
Khoản 6, Điều 3, Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại quy định: “Thăm cấp nhà nước là chuyến thăm được áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia nước khách đồng thời là Người đứng đầu đảng cầm quyền là khách mời của Tổng bí thư ban chấp hành trung ương ĐCS và Chủ tịch nước; Nguyên thủ quốc gia nước khách là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”.
Bởi vậy, nếu như ông Biden chỉ đi dự với tư cách là người của đảng Dân Chủ đang cầm quyền, thì ông Nguyễn Phú Trọng có quyền mời và tiếp đón với tư cách giữa đảng với đảng. Còn nếu ông Biden đến với tư cách là Nguyên thủ quốc gia nước Mỹ thì theo quy định phải là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCNVN. Ông sẽ được coi là Quốc khách và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ chủ trì nghi lễ đón tiếp.
Theo Nghị định 18/2022/NĐ-CP (3) thì Nghi thức đón phải gồm “Chủ tịch nước và Phu nhân (hoặc Phu quân) đón nguyên thủ quốc gia nước khách và Phu nhân (hoặc Phu quân) tại nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Khi duyệt đội danh dự thì Chủ tịch nước được mời đến vị trí hàng đầu, bắn 21 loạt đại bạc khi cử Quốc thiều hai nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo đề án được duyệt”.
Chính trị thực dụng không cần nghi thức
Trong quá khứ, chưa có một đoàn lãnh đạo cao cấp nào của Việt Nam được tiếp đón theo nghi thức quốc khách tại Hoa Kỳ, cho nên nếu theo nguyên tắc có đi có lại thì sẽ không có bắn 21 phát đại bác để chào đón ông Biden. Việt Nam và Trung Quốc thì đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại này. Tập Cận Bình đã được đón chào bằng 21 phát đại bác vào năm 2017 (4) và Nguyễn Phú Trọng khi đi thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm 2022 cũng đã từng được Trung Quốc tiếp đón tương tự.
Có lẽ Hoa Kỳ thực dụng hơn và để hướng tới một quan hệ “thực chất” hơn, cho nên hai bên sẵn sàng bỏ qua lên những giao thức ngoại giao thông thường. Việc bắn đại bác hay không dường như cũng không quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ bởi vì mục tiêu của ông là “có” Việt Nam nằm trong chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh với Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng là khi tổng thống Hoa Kỳ chấp nhận một chuyến đi và ông Trọng chủ trì lễ đón, cả 2 cùng bước lên bục danh dự thì phải hiểu rằng Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định “tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam” nhưng nếu được đón như là một quốc khách, đây có lẽ là lần đầu tiên một tổng thống đứng cạnh một đảng trưởng với tư cách là “Nguyên thủ quốc gia” trên bục danh dự, giữa tiếng đại bác và quân nhạc cử Quốc thiều.
Nếu có, thì đó là lúc ông Trọng ở tột đỉnh vinh quang, và cũng là lúc toàn dân bị đảng lột trần những nghi thức mà thực chất cũng đã được đảng âu yếm mặc vào bằng “Hiến pháp và Pháp luật”.
Ông Tổng thống và ông Tổng bí thư
Tổng thống là một nhà hoạt động chính trị lão luyện với hơn 50 năm kinh nghiệm. Ông được bầu làm thượng Nghị sỹ khi vừa tròn 30 tuổi và là thành viên lâu năm của Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông cũng đã làm phó tổng thống suốt 8 năm dưới thời Obama.
Đối với Việt Nam, ông Joe Biden biết rõ ai là người có quyền lực; và ông sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho Hoa Kỳ. Vào năm 2015 ông cũng đã từng mở tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc Kiều. Có lẽ “trời còn để có hôm nay” nên 2 vị lãnh đạo cũng quyết tâm để đặt dấu ấn vào lịch sử bằng cách nâng cấp quan hệ sau khi đã cùng nhau nâng li trong bữa tiệc 8 năm trước. Tổng thống Joe Biden hiểu rõ tình hình chính trị của Việt Nam và sẵn sàng bỏ qua mọi nghi thức để hoàn tất những bước chiến lược của Hoa Kỳ.
Còn ông Trọng, từ một biên tập viên của tạp chí Cộng sản, đã trở thành nhân vật trung tâm trong mối quan hệ lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chúng ta sẽ không thể biết được ông Trọng đã nghe gì và nói gì trong chuyến thăm của Lưu Kiến Siêu (5) vào 2 ngày trước đây, cũng như sẽ không thể biết được ai sẽ sang Bắc Kinh sau chuyến đi của Joe Biden.
Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng ông Trọng đang trở nên quan trọng hơn giữa bối cảnh mà cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn giành ảnh hưởng của mình tại Châu Á nói chung, với Việt Nam nói riêng. Họ đều nhìn thấy ông Trọng là nhân vật quyền lực nhất, có khả năng ra quyết định nhất.
Di sản lớn cần niềm tin chính trị lớn
Chuyến đi của Tổng thống Biden lần này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn, đặc biệt khi lịch sử lên tiếng buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là khi nổi “can qua”. Đó là lúc có thể xảy ra một sự biến cho quốc gia.
Còn bây giờ, dù là Đảng trưởng hay Quốc khách, dù bề ngoài nói với nhau điều gì, thì cũng không quan trọng, miễn là được bên nhau và ngầm hiểu ý nhau, mới là điều quan trọng nhất. Cá nhân tôi cho rằng những tiến bộ trong suốt thời gian qua là rất quý giá, đã đặt nền tảng tốt đẹp cho chuyến đi lịch sử hôm nay.
Việc ký kết thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, nếu có, sẽ để lại một di sản thực sự có ý nghĩa cho tương lai Việt Nam nếu như những người kế nhiệm của 2 vị hôm nay tiếp tục xây dựng được lòng tin chiến lược. Lòng tin đó phải thể hiện bằng các cam kết cụ thể và thực chất trong tương lai, dù có phải trải qua những sóng gió hoặc sự “chia rẽ” từ bất cứ lực lượng nào trên thế giới.
Như vậy, chúng ta sẽ có một Việt Nam mà thế hệ hôm nay chấp nhận được và con cháu mai sau có thể tự hào.
Reference:
(1)https://baochinhphu.vn/tong-thong-hoa-ky-joe-biden-sap-tham-viet-nam-102230829121139996.htm
Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.
Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.
Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.
Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.
Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.