17-3-2018
Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là người giữ vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 trong cơ quan lãnh đạo và giám sát tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Một nhà sư nắm giữ vị trí trọng yếu như vậy chắc hẳn phải là một Cao tăng, phải là người uyên bác, thông tuệ về Phật pháp, cũng như có một trình độ và khả năng vượt trội trong việc thuyết pháp và nghiên cứu phật học.
Tuy nhiên, đối với hòa thượng Thích Thanh Sam, công chúng chỉ biết tới ông không phải vì những khả năng vượt trội của một chân tu mà vì ông là một đảng viên đảng Cộng sản được trao danh hiệu “50 năm tuổi Đảng”.
Thật vậy, ông không để lại cho Phât giáo Việt Nam một công trình nghiên cứu Phật học nào, tác phẩm biên khảo, dịch thuật kinh sách Phật giáo cũng không. Khả năng thuyết pháp của ông cũng không được ai nhắc đến.
Tôi cố gắng tìm kiếm một bài thuyết pháp của ông để giới thiệu đến với công chúng để nhiều người hiểu hơn về ông, nhưng bất thành. Tôi chỉ tìm được một bài phát biểu hiếm hoi dài 7 phút của ông cách đây 9 năm về trước, nhân dịp ông tham dự Lễ khởi công xây dựng chùa Cương Xá-do thầy Thích Thanh Cường (biệt danh sư thầy “Thích Iphone”) làm trụ trì.
Nghe qua bài phát biểu của Hòa thượng Thích Thanh Sam, tôi không hiểu nổi với cách thể hiện như vậy mà ông lại được tấn phong lên bậc Cao tăng, suy cử nắm giữ vị trí trọng yếu trong Giáo hội?
Không có lời giải thích nào thỏa đáng hơn ngoài việc ông được Đảng của mình “cơ cấu” vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về lý thuyết, nghe qua có vẻ tréo ngoe khi Đảng có chủ thuyết vô thần lại cho phép Đảng viên của mình trở thành một chức sắc lãnh đạo tôn giáo. Nhưng về thực tế, sẽ không khó hiểu khi tiếp cận với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo toàn diện”. Tức là Đảng muốn lãnh đạo một tổ chức tôn giáo, Đảng sẽ cho phép một số ít đảng viên trở thành chức sắc tôn giáo hoặc chức sắc tôn giáo được gia nhập Đảng. Các chức sắc-đảng viên như vậy sẽ được “cơ cấu” lên những vị trí cấp cao trong Giáo hội tôn giáo đó, qua đó nhanh chóng giúp Đảng có thể lãnh đạo được tôn giáo đó.
Bạn đánh giá như thế nào về hiện tượng này, qua trường hợp của Hòa thượng Thích Thanh Sam?