*** Lời đầu ***
ABBA là nhóm nhạc pop lừng lẫy nhất lịch sử âm nhạc Thuỵ Điển và 1 phần thế giới. Thành công và danh tiếng của họ chỉ đứng sau The Beatles huyền thoại. ABBA từng chinh phục Châu Âu, 1 phần nước Mỹ và cả Mỹ Latin, nơi của nền âm nhạc sôi động cùng những vũ điệu quyến rũ, sexy.
ABBA đuợc thành lập năm 1972, nhưng 1 năm sau cái tên ABBA mới chính thức được chọn. ABBA gồm 4 mẫu tự đầu của tên 4 thành viên là Agnetha, Bjorn, Benny và Anni-frid.
Rất ngạc nhiên, ABBA là nhóm nhạc đầu tiên và duy nhất đến từ một quốc gia không nói tiếng Anh lại tỏa sáng rực rỡ ở những quốc gia nói tiếng Anh, bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Canada, Úc, New Zealand, Nam Phi, và Mỹ. Họ lập kỷ lục với 8 album quán quân liên tiếp tại Anh.
ABBA cũng được nhiều yêu mến tại thị trường Mỹ Latin, nơi họ đã có 1 album gồm những bản hit bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính của những quốc gia này.
*** Thành viên ***
Trước khi ABBA hình thành, 4 thành viên của họ ít nhiều đã thành danh trên đất nước Thuỵ Điển.
Benny Andersson từng là thành viên của ban nhạc nổi tiếng the Hep Stars, chuyên cover lại các bản hit trên thế giới, đặc biệt là của Beatles, nên còn đuợc gọi là The Beatles phiên bản Thuỵ Điển. Thời gian này ông bắt đầu sáng tác và gặt hái nhiều thành công. Một số bản đã trở thành top hit ở Thuỵ Điển.
Bjorn Ulvaeus bắt đầu sự nghiệp năm 18 tuổi như là 1 nhạc sĩ viết nhạc tiếng Anh của ban nhạc Hooternanny Singers thường chơi loại nhạc đồng quê. 2 nhóm nhạc nói trên thỉnh thoảng có chạm mặt nhau trong những lần biểu diễn.
Năm 1966 Benny và Bjorn quyết định cùng nhau viết nhạc. Sau này, cả 2 là người viết nhạc chính cho ABBA, và cho ra đời vô số những tác phẩm lưu danh thiên cổ.
Agnetha Faltskog, thành viên tóc blond xinh đẹp quyến rũ, từng là 1 ca sĩ hát nhạc do mình sáng tác. Năm 18 tuổi đã có bản thu âm đứng top, bán đuợc 80 ngàn bản. Cô đuợc chú ý với chất giọng được cho là rõ, đẹp, và có phần sexy. Tháng 7 1971 Bjorn và Agnetha kết hôn. Mối lương duyên của họ bắt nguồn từ sự đồng điệu và rung cảm âm nhạc.
Thành viên cuối cùng Anni-Frid Lyngstad brunette tóc nâu, hát từ năm 13 tuổi, từng thắng giải tài năng quốc gia. Năm 1969 trong 1 chương trình festival âm nhạc cô gặp gỡ Benny. Hai người fall in love, và trở thành vợ chồng không lâu sau đó.
*** Thành tựu ***
Thập niên 70 ABBA nổi lên như 1 hiện tượng âm nhạc độc đáo. Một ban nhạc pop Thuỵ Điển mà lại hoàn toàn chinh phục khán giả ở hầu hết các nước nói tiếng Anh. Nhạc ABBA liên tục đứng top trên bảng xếp hạng ở các nước này. Nó làm người ta liên tưởng đến bộ tứ huyền thoại The Beatles của 1 thập niên trước.
Thay vì là 4 chàng trai người Anh, ABBA lại đặc biệt là 2 cặp vợ chồng rất xinh tuơi dễ thương đến từ quốc gia Bắc Âu hiền hòa thịnh vượng.
Agnetha nổi trội với mái tóc vàng óng ả, đôi mắt xanh cùng gương mặt khả ái; Anni-Frid tóc nâu có gương mặt đẹp dịu dàng, điểm nét sang cả và đôi mắt sâu hút hồn. 2 thành viên nam là Benny và Bjorn nhìn vui vẻ hóm hỉnh, dễ thương. Về hình thức, đây là 2 cặp đôi âm nhạc vô cùng bắt mắt, dể chinh phục cảm tình của người hâm mộ.
Nếu thập niên 60 The Beatles nổi tiếng hơn cả chúa thì những năm 70 ABBA tung hoành khắp châu âu gần như không có đối thủ.
ABBA khởi đầu chuỗi thành công bằng giải Eurovision Song Contest danh giá năm 1974. Đây là cuộc thi mang tầm vóc Châu Âu, trong đó mỗi quốc gia chọn ra và trình diễn bài hát hay nhất, rồi sau đó tất cả sẽ bầu chọn.
Năm đó ABBA đại diện cho Thuỵ Điển, và nhạc phẩm Waterloo đã đem lại vinh quang cho quốc gia này. Từ đây ABBA vươn mình ra thế giới, vinh quang nối tiếp vinh quang. Họ liên tục cho ra lò nhiều album và bản single thường xuyên đứng top.
Tổng cộng, ABBA đã đạt đến số lượng bán khủng khiếp, ước tính khoảng 380 triệu bản, và 1 lần nữa, chỉ đứng sau The Beatles.
Năm 2010 ABBA được vinh dự đưa vào Sảnh đường Danh Vọng Rock and Roll Hall of Fame.
Năm 2015, bài hát lừng lẫy nhất, Dancing Queen được chọn vào sảnh đường danh giá Grammy Hall of Fame.
*** Âm nhạc ABBA ***
ABBA chỉ là một trong hàng ngàn nhóm nhạc pop trên thế giới, lại xuất phát từ một đất nước không nói tiếng Anh, nhưng vì sao nhạc của ABBA lại chinh phục thế giới, được yêu mến ở rất nhiều quốc gia, khi mà nhạc Rock với nhiều biến tấu đang sôi trào, nhất là ở Mỹ?
Cốt lõi của ABBA chính là giấc mơ mang sắc màu Thụy Điển trên nền tảng âm nhạc Châu âu nhẹ nhàng quý phái hơn là bứt phá, cách mạng như ở Mỹ.
Nhạc ABBA phảng phất nỗi sầu muộn nhẹ nhàng, sang trọng, có khi ẩn kín trong những bài hát tưởng chừng vui tươi như Mamma Mia. Đó là nỗi buồn mang theo từ thời thơ ấu. Cả 4 thành viên lớn lên trong những bối cảnh khác nhau sau thời chiến, và không mấy ai trọn vẹn, từ gia đình thiếu thốn về vật chất lẫn tình thương yêu.
Đặc biệt cô ca sĩ tóc nâu xinh đẹp Anni-frid, sinh năm 1945 từ mẹ là người Na Uy và cha là lính chiếm đóng Đức. Anni-frid lớn lên cùng mẹ, và bị kỳ thị vì người cha phát xít. 2 mẹ con phải bỏ sang Thụy Điển sinh sống. Sau đó người mẹ không may qua đời vì bệnh. Từ đó Anni-frid sống với ngoại mà không có nhiều tình thương. May thay, thượng đế bù đắp cho cô bằng 1 giọng ca sau này đi vào lịch sử.
1 số nhà phê bình xem the B-boys (Benny và Bjorn), 2 người sáng tác chính, là những nhạc sĩ thiên tài, tác giả của gần 100 bản nhạc pop giá trị, linh hồn của ABBA. Không những thế, Benny chơi keyboard và Bjorn với guitar có cách hòa âm phối khí tuyệt hảo, làm nên một ABBA đắm đuối mệ hoặc.
Nhạc ABBA nghe hoài không chán, gồm rất rất nhiều bản hit, đa dạng từ cách phối âm, trình diễn và trang phục cũng trang nhã độc đáo.
Nghe nhạc ABBA cần đặc biệt chú ý đến khúc dạo đầu, lúc nào cũng đặc sắc, cho mỗi bài riêng biệt, trong đó Benny sử dụng rất nhiều âm thanh của keyboard và piano. Điều này tạo nên khác biệt, góp phần làm cho nhạc ABBA thêm phần du dương, sang trọng.
ABBA còn mê hoặc bởi 2 giọng ca tuyệt đỉnh. Agnetha có chất giọng cao, rõ, đẹp và tha thiết. Anni-frid giọng trầm hơn nhưng không kém phần lộng lẫy. Cả 2 đều có thể hát chính hoặc phụ họa cho nhau như 2 mà 1, hòa vào nền nhạc, tạo nên sức quyến rũ ghê gớm.
*** Những bài ghi dấu ấn ***
Nhạc ABBA có vô số bài hay khó mà kể hết. Chỉ xin ghi lại đây vài bài với một số điều đáng nhớ.
1. Waterloo là bài hát đem lại chiến thắng cho ABBA và đất nước Thuỵ Điển trong cuộc thi danh giá The Eurovision Music Contest năm 1974, khởi đầu cho chuỗi vinh quang của ABBA.
Waterloo là 1 địa danh nay thuộc đất Bỉ, nơi vị hoàng đế Napoleon lừng lẫy từng bất khả chiến bại đã phải nếm mùi cay đắng. Bài hát mượn hình tượng này để nói về người con gái đài các kiêu sa cuối cùng rồi cũng phải chịu quy phục bởi người đàn ông của mình, như danh tướng Napoleon từng phải ngã ngựa ở trận Waterloo.
2. Mamma Mia
Sáng tác năm 1975, là một trong những bản nổi tiếng nhất của ABBA. Mamma Mia liên tục đứng top trên nhiều quốc gia Châu âu, Canada, Úc, và được nhiều ban nhạc khác cover lại.
Mamma Mia tiếng Ý, là tiếng tán thán từ, gần giống như “Mẹ ơi!” vậy.
Mamma Mia tạo nhiều cảm hứng với nhạc kịch Mamma Mia trên sân khấu Broadway, và cũng là tên của bộ phim ca nhạc ở Hollywood, phát hành năm 2008 do nữ tài tử lừng danh Meryl Streep thủ vai chính.
3. Dancing queen(DQ)
Lần đầu trình diễn trên TV vào tháng 6 năm 1976, ABBA dành tặng riêng cho vua Thuỵ Điển Gustaf XVI và hoàng hậu Silvia nhân ngày cưới.
Dancing Queen sau đó phát hành vào tháng 8, được đón nhận nồng nhiệt, chỉ trong vài ngày đã nổi tiếng khắp thế giới. DQ leo lên đứng top bảng xếp hạng ở Úc, Canada, Hà Lan, Bỉ, Mexico, Nam Phi… Và lần đầu tiên, và duy nhất, DQ đứng đầu bản xếp hạng ở Mỹ, một thị trường được cho là khó tính, kiêu kỳ. Có lẽ do DQ có giai điệu gần giống với dòng nhạc disco đang rất thịnh hành ở Mỹ lúc bấy giờ.
Bài hát được đặc biệt yêu thích bởi nữ hoàng Anh vì bà là Queen và cũng yêu thích Dancing.
4. Fernando
Ra đời năm 1976, Anni-frid hát giọng chính. Fernando là 1 trong những bản bán chạy nhất của ABBA. Chỉ trong năm 76 thôi đã bán được 6 triệu bản. Tổng cộng Fernando bán 10 triệu bản toàn cầu, và trở thành 1 trong những bản single bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc. Fernando đứng top bảng xếp hàng ở Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Úc. Ở Mỹ Fernando chiếm thứ hạng 13. Fernando có cả 3 bản tiếng Thụy Điển, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng tha thiết, như 1 lời thì thầm về câu chuyện của người lính tên Fernando và đồng đội từng sống chết bên nhau trong cuộc chiến cho tự do.
5. Happy New Year và The day before you came.
2 bài hát này được sáng tác lần lượt vào 1980 và 1981, sau khi 2 cặp đôi này chia tay.
Đầu năm 1979 fan ABBA nhận tin dữ: Bjorn và Agnetha tuyên bố chia tay.
Đầu năm 1981 lại là 1 hung tin tan nát cõi lòng: Benny và Anni-frid tuyên bố ly dị.
Đây là giai đoạn ABBA lên tột đỉnh vinh quang. Nhưng hào quang sân khấu, tiền tài danh vọng bắt đầu ăn mòn tình yêu của họ, gây ra những rạn nứt không còn hàn gắn được.
Dù trấn an fan hâm mộ rằng họ sẽ tiếp tục con đường ABBA, và không để việc chia tay làm ảnh hưởng nhưng thực tế không phải vậy. Nhạc ABBA từ đây mang nặng nỗi buồn tan vỡ như có thể cảm nhận rất rõ trong “The day before you came” – Ngày anh chưa đến. Lời bài hát chỉ là nhật ký 1 ngày làm việc của người ca sĩ, nhưng giai điệu lại buồn thảm, xót xa, mang nỗi tiếc nhớ về những ngày xưa còn thân ái.
Đặc biệt, Happy New Year ra đời năm 1980, là bài hát chúc năm mới, nhưng lời lẽ u buồn, ẩn chứa nhiều hoài niệm tiếc thương – điều không thể tránh khỏi cho những tan vỡ từ nội tại ABBA:
No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
Rượu đã hết, pháo hoa đã dứt, chỉ còn lại anh và em cùng cõi lòng trống vắng buồn bã…. Buồn như những lời chia tay không ai mong đợi, lời thề hẹn năm xưa đã bay theo gió.
It’s the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday
Now’s the time for us to say
Happy New Year
Tiệc đã tàn, bình minh sao ảm đạm, không hề giống ngày hôm qua. Thôi, đã đến lúc chúng ta chúc mừng năm mới.
Có lẽ đây là lời chúc mừng năm mới buồn thảm nhất mà ta từng gặp.
Happy New Year buồn như thế, nhưng lại là 1 tuyệt phẩm âm nhạc nên cho đến tận hôm nay Happy New Year là nhạc phẩm được hát nhiều nhất trên quả địa cầu vào dịp năm mới.
*** Kết thúc ABBA ***
Từ 1981 ABBA bắt đầu có dấu hiệu tan rã. Những đổ vỡ hôn nhân đã ảnh hưởng nặng nề đến các dự án âm nhạc. Tháng 12 1982 là lần cuối cùng họ cùng biểu diễn trên 1 chương trình TV ở Thụy Điển.
ABBA tan rã, Benny và Bjorn tiếp tục sáng tác nhạc khá thành công. Agthena và Anni-frid trở lại là ca sĩ hát solo, vẫn khá nổi tiếng. Nhưng cái hồn ABBA đã mất, để lại nhiều tiếc thương cho fan hâm mộ.
Dù sao cũng cảm ơn ABBA. Chỉ trong 10 năm tinh hoa phát tiết, ABBA đã đóng góp khoảng 100 bài hát giá trị cho nền âm nhạc thế giới. Phần nhiều trong đó là những viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc nhân loại.
Lấy cảm hứng từ viện bảo tàng The Beatles đặt ở thành phố Liverpool nước Anh, năm 2008 viện bảo tàng ABBA ở thủ đô Stockholm ra đời, nhằm lưu giữ lại tất cả thông tin, kỷ vật của ABBA. Ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu khách viếng thăm.
Nhạc ABBA vẫn còn sức ảnh hưởng lớn. Cho đến tận hôm nay vẫn còn nhiều quốc gia tổ chức ABBA Show, nơi mà những nhóm nhạc địa phương cố gắng tái hiện lại hình ảnh yêu kiều của ABBA thuở nào qua trang phục, tóc tai, cách trình diễn.
Ở Canada có nhóm ABBAbsolutely FABBAulous. Họ ghép chữ ABBA với Absolutely Fabulous (tuyệt đỉnh kungfu). Nhóm thường tổ chức tour diễn ở các thành phố lớn, và luôn đông khán giả. Người yêu mến vẫn còn tiếc thương nhóm nhạc huyền thoại này. Tình yêu dành cho ABBA vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ, dù đã gần 40 năm.
Đã có nhiều cố gắng cho 1 dự án ABBA tái xuất. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tin đồn. Vậy cũng hay. Thời gian đã làm tàn phai mọi thứ. ABBA nên giữ mãi hình ảnh lưu luyến ban đầu hơn là 1 lần tái hợp để rồi có nguy cơ thần tượng sụp đổ.
*** Lời cuối ***
Bài viết này dành tặng cho cô bé phóng dao, người cũng yêu mến ABBA giống mình, và cứ hay xúi mình viết. 🙂
ABBA không chỉ là những bài ca trác tuyệt, mà còn là một trời kỹ niệm. Thuở ấy em chưa 18. Cậu học trò nhà quê lên tỉnh ngày nào còn ngỡ ngàng choáng ngợp trước cổng trường đại học, vậy mà chỉ 1 năm sau trở nên sành điệu. 🙂
Cậu đã biết hút thuốc, đôi khi uống rượu, tập nhìn con gái bằng nửa con mắt (dù trong lòng lúc nào cũng mơ tưởng 😀 ). Và trời ạ, cậu còn biết hút cần sa để nghe nhạc cho phê. Từ đó âm nhạc thấm vào máu dần dần. Đó là thời của nhạc ngoại quốc với Boney M, ABBA, Bee Gees, Smokie, Modern Talking, Lobo… Nhưng yêu dấu nhất vẫn là ABBA – ABBA muôn thuở.
Sẳn đây có lời cảm ơn Tuấn, Ngọc, Tân và Thành, những người bạn thuở học trò có ảnh hưởng nhiều nhất tới cái gu âm nhạc của mình.
Ottawa mùa thu 2019