Sunday, December 22, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmHiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận?

Hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận?

Lê Công Định

Việc chửi mắng và bình phẩm ác ý về các nghệ sĩ và ca sĩ gần đây trên mạng xã hội được nhiều người, trong đó có giới luật sư, cổ suý và biện minh bằng quyền tự do ngôn luận, dựa trên lập luận rằng giới nghệ sĩ được xem là nhân vật công chúng, căn cứ Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) (ICCPR). 

Vậy cần hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận, và thế nào là nhân vật công chúng theo Điều 19 của ICCPR?

1.  Tự do ngôn luận

Tự do ngôn luận được công nhận là quyền con người theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và ICCPR. 

Tự do ngôn luận là nguyên tắc bảo đảm quyền tự do của một cá nhân hoặc cộng đồng trong việc biểu đạt quan điểm của họ mà không sợ bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc xử phạt bởi luật pháp và/hoặc nhà cầm quyền.

Tự do ngôn luận bao gồm hai loại: tự do quan điểm (freedom of opinion) và tự do biểu đạt (freedom of expression). Đây là hai quyền tự do thiết yếu cho sự phát triển toàn diện của con người và xã hội. Chúng gắn bó mật thiết với nhau, trong đó tự do biểu đạt mang đến phương tiện trao đổi và phát triển tự do các quan điểm.

Nói đến tự do ngôn luận còn nói đến quyền công dân đặt trong mối tương quan giữa công dân và nhà nước, và do đó mang tính chất công pháp (public law), chứ không phải trong mối tương quan giữa các cá nhân thuần tuý, do tư pháp (private law) chi phối.

Theo Điều 19 của ICCPR, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận gắn liền với nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt, và theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định để tôn trọng quyền hoặc danh dự của những người khác, nhằm bảo vệ đạo đức xã hội.

Nói cách khác, tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối, trái lại nó bị hạn chế để không trở thành hành động phỉ báng, vu khống, tục tĩu, khiêu dâm, xúi giục, kích động, gây hấn, tiết lộ thông tin mật, vi phạm bản quyền, bí mật thương mại, nhãn hiệu thực phẩm, quyền riêng tư, an ninh công cộng và khai man.

Vì vậy, không thể biện minh cho những phát ngôn vô trách nhiệm khiến gây tổn hại hoặc xúc phạm người khác và cộng đồng xã hội bằng tự do ngôn luận.

2.  Nhân vật công chúng

Nhiều người viện dẫn Bình giải Tổng quát (General Comment) số 34 ngày 29/7/2011 về Điều 19 của ICCPR (sau đây gọi là Comment 34), để nhấn mạnh rằng các hạn chế nêu trên bị loại trừ áp dụng cho “nhân vật công chúng” (mà họ dịch từ thuật ngữ “celebrity” trong tiếng Anh). 

Từ đó họ cho rằng việc chửi mắng giới nghệ sĩ và ca sĩ được bảo hộ bởi ICCPR và, do đó, cần thiết đối với một nền dân chủ trong một xã hội tiến bộ (!). Có thật như vậy không?

Đoạn 38 của Comment 34 nêu rõ như sau:

“As noted earlier in paragraphs 13 and 20, concerning the content of political discourse, the Committee has observed that in circumstances of public debate concerning public figures in the political domain and public institutions, the value placed by the Covenant upon uninhibited expression is particularly high.”

Tức là, những cuộc thảo luận công cộng (public debates) về chính trị liên quan đến những nhân vật công chúng (ở đây thuật ngữ tiếng Anh là “public figures”, chứ không phải “celebrity”) trong lĩnh vực chính trị và định chế công quyền phải được bảo đảm dựa trên sự tôn trọng cao quyền biểu đạt không giới hạn.

ICCPR và Comment 34

Như vậy, ICCPR và Comment 34 chỉ nói rằng nhà nước không được cấm đoán những cuộc thảo luận công cộng liên quan đến chính trị. Trong phạm vi đó, nhà nước không được cấm đoán dân chúng chỉ trích các nhân vật công chúng thuộc giới chính trị và công quyền.

Cần lưu ý, Comment 34 chỉ dùng thuật ngữ “public figures”, tức những nhân vật công chúng, và tuyệt nhiên không từ nào nói đến giới “celebrity”, dù rằng trong giới celebrity có thể nhiều người cũng được xem là public figure.

Đoạn 38 của Comment 34 còn nhấn mạnh các nhân vật công chúng được nói đến ở bản văn đó bao gồm những người sau đây: 

“Moreover, all public figures, including those exercising the highest political authority such as heads of state and government, are legitimately subject to criticism and political opposition.”

Nghĩa là các nhân vật công chúng, bao gồm cả những người có quyền lực chính trị cao nhất như nguyên thủ quốc gia và chính phủ, phải chịu sự công kích và đối kháng chính trị một cách hợp pháp. 

Không nội dung nào ngụ ý ICCPR và Comment 34 khuyến khích quyền tự do công kích giới celebrity, bao gồm nghệ sĩ và ca sĩ, mà không liên quan đến chính trị và công quyền.

Tóm lại, việc viện dẫn quyền tự do ngôn luận và các công ước quốc tế có liên quan thực sự đòi hỏi người phát ngôn hoặc tranh luận phải có hiểu biết chính xác, sự ngay tình và tính trung thực, dựa trên khả năng đọc hiểu cần và đủ bằng tiếng Anh các văn kiện luật pháp quốc tế, chứ không theo lối trích dẫn bừa bãi rồi diễn giải theo ý riêng.

Vậy nên, muốn chửi mắng ai thì tùy, song đừng lôi quyền tự do ngôn luận và công ước quốc tế vào, nếu không toàn bộ kiến thức và nền giáo dục mà mình thụ hưởng sẽ bị phơi bày cho thiên hạ mục kích!

https://digitallibrary.un.org/record/715606

https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/pfbid0Y3TVd3aSFauD8dEQP6w1pWeZ44cFG1jT46qbrvL9EKUHngPHJKV3EszAxLR8dkBtl

https://www.ohchr.org/en/documents/general-comments-and-recommendations/general-comment-no34-article-19-freedoms-opinion-and

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular