Một lãnh đạo Tổng cục Chính trị của quân đội Việt Nam hôm 25/12 cho hay tại một hội nghị rằng quân đội có “10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng”.
Lực lượng đó rất đông, gây tốn kém cho xã hội rất nhiều. Sản phẩm của họ không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Thậm chí còn bôi bẩn không gian mạng, và gây tác hại rất xấu đến xã hội.nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Sau khi thông tin này được báo chí nhà nước loan tải, trên mạng xã hội, nhiều người nhận xét rằng các “chiến sĩ tuyên truyền” đó và hàng chục ngàn “tuyên truyền viên” khác của nhà nước là một sự “lãng phí tiền thuế của nhân dân cho những việc vô bổ”.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói hơn 10.000 người đấu tranh trên mạng mang tên “lực lượng 47” do được thành lập theo Chỉ thị 47 của quân đội.
Phát biểu tại hội nghị ở thành phố Hồ Chí Minh về công tác tuyên giáo, tướng Nghĩa cho biết thêm là lực lượng này là những người “vừa hồng vừa chuyên”, một thuật ngữ ở Việt Nam để chỉ những người vừa trung thành với lý tưởng của đảng cộng sản, vừa giỏi về công việc chuyên môn.
Họ được cho là “kiên định lập trường” và có kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ, theo lời vị phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội
Thượng tướng Nghĩa nói Quân ủy trung ương xác định rằng quân đội “vẫn là nòng cốt” trong công tác bảo vệ tổ quốc. Phạm vi tác chiến của quân đội giờ đây không chỉ ở trên bộ, trên biển, trên không, mà còn trên cả không gian mạng, ông Nghĩa cho biết.
Báo chí trong nước trích lời ông nói rằng “Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái”.
Vị phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nhấn mạnh là “… chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái”.
Thông tin về lực lượng 10.000 người trong quân đội hoạt động trên mạng đã dẫn đến nhiều bình luận trên mạng xã hội.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đồng thời là blogger có nhiều ảnh hưởng thường cổ súy cho tự do ngôn luận, viết trên trang Facebook cá nhân rằng lực lượng những người làm các công việc tuyên truyền cho nhà nước, ước tính phải lên đến khoảng 100.000 người.
Ông nêu dẫn chứng là tin tức trên báo chí từ năm 2013 cho hay Ban Tuyên giáo ở thời điểm đó thống kê đã có khoảng “80.000 truyên truyền viên miệng”. Giờ đây, con số đó được bổ sung với lực lượng 47 của quân đội, và nhiều khả năng cũng có một lực lượng tương tự của công an, nhưng chưa rõ thông tin về số lượng người bên công an.
Ông Chênh, người đoạt giải Công dân mạng 2013 của Phóng viên Không Biên giới, nói với VOA:
“Lực lượng đó rất đông, gây tốn kém cho xã hội rất nhiều. Sản phẩm của họ không đem lại lợi ích gì cho xã hội. Thậm chí còn bôi bẩn không gian mạng, và gây tác hại rất xấu đến xã hội. Thật ra bây giờ đảng [cộng sản] cầm quyền nắm hết tài nguyên, nắm hết tiền thuế của dân. Cho nên họ làm mọi chuyện, chi tiêu mọi chuyện nhằm mục đích bảo vệ đảng. Cho nên cái lực lượng 100.000 đó hoặc là nhiều hơn vẫn trả được tiền”.
Từ trải nghiệm cá nhân, ông Chênh nói các tuyên truyền viên, dư luận viên đa số không tranh luận đàng hoàng, không đưa ra được các lý lẽ thuyết phục khi trao đổi ý kiến trên mạng về các bài viết của các blogger, hay các nhà hoạt động bàn về các chính sách, hoạt động của nhà nước, hay các vấn đề xã hội.
Ông Chênh nhận xét rằng các dư luận viên, đa số sử dụng “ngôn ngữ thô lỗ, hăm dọa, hay thóa mạ”, nhằm đè bẹp quyền tự do ngôn luận.
“Cụ thể như tôi là hàng đêm hàng chục tin nhắn gửi về hộp thư hoặc messenger của tôi. Và thực tế bạn bè tôi cũng cho biết họ cũng nhận được các tin nhắn rất là tệ hại như vậy. Và những bài viết mà chửi bới, xúc phạm cá nhân, bôi nhọ cá nhân thì đầy rẫy trên mạng”.
Tuyệt đại đa số anh em viết lách kiểu đó, được huy động làm chuyện đó vì họ kém văn hóa nên họ có kiểu viết lách khiêu khích, cục cằn, thô bỉ lắm … Thế thì người dân sẽ nghĩ là à quân của chính phủ, của đảng đây, nó chỉ đến thế thôi
Nhà báo Võ Văn Tạo, người trong nhiều năm nay lên tiếng ủng hộ các quyền tự do và tiến bộ xã hội, đồng tình với ông Huỳnh Ngọc Chênh. Ông Tạo chỉ ra rằng cách hành xử của các tuyên truyền viên, dư luận viên không chỉ “vô bổ” đối với xã hội mà còn có hại cho hình ảnh của đảng.
“Tuyệt đại đa số anh em viết lách kiểu đó, được huy động làm chuyện đó vì họ kém văn hóa nên họ có kiểu viết lách khiêu khích, cục cằn, thô bỉ lắm. Tôi nghĩ đứng từ góc độ người dân, người ta hiểu là những người đó chả ra gì. Đứng ở phía của đảng, nhà nước Việt Nam, cũng bất lợi cho họ. Bởi vì cái số đó bộc lộ một tầm văn hóa quá thấp. Thế thì người dân sẽ nghĩ là à quân của chính phủ, của đảng đây, nó chỉ đến thế thôi”.
Cùng với nhiều người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, các nhà báo Võ Văn Tạo và Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng số tiền có thể là khổng lồ dùng để trả thù lao hoặc lương cho cả trăm ngàn dư luận viên, tuyên truyền viên lẽ ra nên được sử dụng hiệu quả hơn cho xã hội, như đầu tư và trường học, giáo viên hay hạ tầng.