LUẬT KHOA
Nền chính trị Hàn Quốc tưởng như đã bắt đầu dân chủ hóa sau khi chính quyền Rhee Syngman (Lý Thừa Vãn) bị lật đổ năm 1960, rốt cuộc lại lâm vào bầu không khí thảm hại không kém gì lúc trước.
- Kỳ 1: Lịch sử phong trào đấu tranh dân chủ ở Hàn Quốc
- Kỳ 2: Phong trào đấu tranh Hàn Quốc trong cuộc chiến ý thức hệ thời Rhee Syngman
Bởi chính quyền Rhee đã quá lạm dụng quyền lực, nên bản hiến pháp mới đã cắt giảm quyền Tổng thống sâu tới nỗi nó dường như chỉ còn mang tính hình thức. Quyền lực thực sự nằm ở thủ tướng và nội các, do Quốc hội bầu ra.
Cuộc bầu cử tháng 8 năm 1960 đã mang lại chiến thắng long trời lở đất cho Đảng Dân chủ, khi mà Đảng Tự do của Rhee chỉ chiếm hai ghế trong Hạ viện. Yun Po Sun được bầu lên làm Tổng thống, nhưng người đứng đầu chính phủ chính là Thủ tướng Chang Myon (Trương Miễn).
Song ngay từ buổi đầu, Chang cùng chính phủ mới của mình đã lâm vào một tình thế khó khăn: vừa vấp phải tình trạng xung đột xã hội, vừa chưa đủ khả năng vực dậy nền kinh tế yếu kém, và phải hứng chịu các cuộc phản kháng triền miên.
Đối mặt với xung đột
Xã hội Hàn Quốc vốn dĩ đã bị phân cực sâu sắc từ thời giành độc lập với hai phe tả hữu rõ rệt.
Trong khi các nhóm sinh viên, các tổ chức cánh tả, và các chính trị gia cấp tiến liên tục kêu gọi chính quyền Chang gấp rút dân chủ hóa, thì các hiệp đoàn nhà nước và các nhóm cánh hữu vốn có mối quan hệ gần gũi với các chính trị gia chế độ cũ lại kịch liệt phản đối.
Không chỉ vậy, nhiều nhóm cánh hữu đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc, lên án các hoạt động “ủng hộ cộng sản trên danh nghĩa đòi dân chủ hóa”. Họ nỗ lực duy trì nguyên trạng và thậm chí còn muốn quay trở lại thời của Rhee. [1]
Xã hội dân sự do đó gặp nhiều khó khăn khi làm việc cùng nhau và thiếu tính khoan dung đối với những quan điểm bất đồng.
Song chính quyền Chang không thể và cũng không sẵn sàng giải quyết tình trạng phân cực về ý thức hệ này. Sở dĩ như vậy là vì những xung đột trong quan điểm quản trị quốc gia đã khiến cho nội bộ Đảng Dân chủ của Chang bị phân hóa nghiêm trọng chẳng khác gì xã hội dân sự: một nhóm ra sức ủng hộ tiếp tục kiểu cai trị đàn áp của Rhee nhằm ổn định xã hội, còn một nhóm lại chủ trương đối thoại ôn hòa mềm mỏng. Họ không thể đi tới một thỏa thuận vừa lòng cả đôi bên.
Chìm trong tình trạng kinh tế ảm đạm
Nếu như ngày nay thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Hàn Quốc là gần 30.000 đô la, thì vào năm 1960, nó chỉ vào khoảng 76 đô la. [2]
Việc siết chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như giảm viện trợ trực tiếp từ Mỹ vào cuối thời đại của Rhee đã khiến cho nền kinh tế nói chung suy giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu duy trì lực lượng quân đội lớn đã gây ra tình trạng lạm phát cao trong suốt thời kỳ cai trị của Rhee. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Tự do cầm quyền lại lo cho sinh mệnh chính trị của mình hơn là phát triển kinh tế.
Hậu quả là chính quyền Chang phải đối mặt với tàn tích kinh tế thảm hại mà chính quyền Rhee để lại: thất nghiệp tăng, lương thực khan hiếm, các ngành công nghiệp thiếu nguyên liệu thô, và một bộ phận đa số người dân đầy bất mãn.
Thậm chí, Chang Myon còn phải gánh cả hậu quả của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vốn vẫn tồn đọng cho tới những năm 1960.
Bị chiến tranh tàn phá, nền kinh tế Hàn Quốc buộc phải phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài. Khi Chang lên nắm quyền, viện trợ nước ngoài chiếm gần 40% tổng ngân sách. Hóa đơn viện trợ kinh tế hàng năm của Mỹ cho Hàn Quốc thời đó vào khoảng 200 triệu đô-la.
Bối rối trước làn sóng phản kháng
Trước hiện trạng bế tắc chính trị và nền kinh tế dậm chân tại chỗ, còn các vấn đề xã hội lại không được giải quyết, giới sinh viên – những người đã đứng lên trong cuộc Nổi dậy Tháng Tư lật đổ chính quyền Rhee – nay lại một lần nữa đổ xuống đường biểu tình gần như hàng tuần nhằm yêu cầu cải cách chính trị, kinh tế, và xúc tiến quá trình dân chủ hóa.
Tiêu biểu như vào tháng 3 năm 1961, Ủy ban Quốc gia Đấu tranh chống các Luật Phản Dân chủ, bao gồm nhiều đảng tiến bộ, 11 nhóm thanh niên, và 16 tổ chức sinh viên, đã tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ trên cả nước.
Cũng vào thời gian đó, 17 đảng phái và các nhóm xã hội dân sự đã thành lập một hội đồng chống lại Hiệp định kinh tế giữa Hàn Quốc với Mỹ, trên quan điểm rằng viện trợ sẽ là cái cớ để Mỹ can thiệp vào nền chính trị nội bộ của Hàn Quốc.
Song Đảng Dân chủ lại chưa có một kế hoạch nào rõ ràng để ứng phó với làn sóng phản kháng gia tăng.
Một mặt, chính quyền khó lòng duy trì luật pháp và trật tự bởi giới cảnh sát đã ngày càng thoái chí và bị mất uy tín trong mắt công chúng do dư âm của chế độ đàn áp thời Rhee.
Mặt khác, để đáp lại vấn nạn lạm dụng nhánh hành pháp dưới thời độc tài của Rhee, Chang đã chủ động cắt giảm quyền lực nhánh này. Chính điều ấy khiến cho Chang khó có thể thiết lập trật tự ở giai đoạn đầu vốn đang hỗn loạn.
Theo giáo sư ngành khoa học chính trị Uk Heo của Đại học Wisconsin (Mỹ) cùng cộng sự của mình là giáo sư Terence Roehrig, “để giải quyết tất cả những vấn đề chính trị này cũng như để kéo nền kinh tế Hàn Quốc ra khỏi tình trạng ảm đạm đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ, song ở Chang không có được điều đó. Ông có học thức và thông minh nhưng lại quá thận trọng. Ông thiếu tính kiên quyết và uy tín cá nhân để chiến đấu trước chủ nghĩa phe phái và để vận hành tiến trình chính trị một cách trôi chảy.” [3]
Quay lại độc tài
Trong khi chính phủ mới dưới quyền Thủ tướng Chang Myon đang còn loay hoay trong vũng lầy thì phong trào đấu tranh dân chủ Hàn Quốc lại phân mảnh, thiếu tính liên kết và thiếu một nghị trình rõ ràng.
Không chỉ vậy, hai phe tả hữu trong giới xã hội dân sự liên tục xung đột, tiêu biểu như cuộc đụng độ bạo lực ở thành phố Taegu vào tháng 4 năm 1961.
Tranh thủ tình trạng đó, ngày 16/5/1961, tướng Park Chung Hee (Phác Chính Hy) đã chỉ huy quân đội – vốn đang bất mãn với chính quyền – tiến hành đảo chính lật đổ Chang.
Thiết quân luật được ban hành. 15 đảng chính trị và 238 tổ chức xã hội bị giải tán. Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA – Korean Central Intelligence Agency, Chungang chbbobu) ra đời nhằm kiểm soát toàn bộ xã hội dân sự.
Vậy là, sau bao nỗ lực xóa bỏ chế độ Rhee, Hàn Quốc lại rơi vào một thời kỳ độc tài mới.
Chính nền chính trị tê liệt và một xã hội dân sự chưa đủ mạnh đã cho phép kế hoạch của Park Chung Hee có thể diễn ra. Không những vậy, cơn hỗn mang của xã hội dưới thời chính quyền Chang lại được coi là một sự biện hộ nghe chừng chính đáng cho cuộc đảo chính này.
Có lẽ khi nhìn vào sự hy sinh của giới sinh viên trong cuộc Nổi dậy Tháng Tư mà rồi lại dẫn tới kết quả này, không ít người sẽ chán ngán rằng “đấu tranh để làm gì nếu chính quyền yếu kém có khả năng đập tan mọi thành quả?”
Nhưng không hẳn vậy. Thất bại lần này chính là bài học lớn để giới đấu tranh và giới chính trị gia Hàn Quốc phải suy nghĩ về việc chuẩn bị chính quyền và đề ra giải pháp cho các vấn đề xã hội bằng các phương tiện dân chủ, chứ không chỉ đơn thuần phản kháng chống lại nền độc tài. Rõ ràng, một cuộc nổi dậy thành công không có nghĩa là hành trình đấu tranh đã đến đích. Và, có kinh qua những non nớt buổi đầu ấy, Hàn Quốc mới có thể gầy dựng được một nền dân chủ tự do như ngày nay.
Tài liệu tham khảo:
- Uk Heo, Terence Roehrig; 2010; South Korea Since 1980; Cambridge University Press.
- Sunhyuk Kim; 2000; The Politics Of Democratization In Korea; University of Pittsburgh.
- Andrea M. Savada, William Shaw (ed.); 1997; South Korea: A Country Study; Library of Congress.
- Charles K. Armstrong; 2006; Korean Society: Civil Society, Democracy and the State; Asia’s Transformations.
- Han Sung-joo; 1974; The Failure of Democracy in South Korea; University of California Press.
Trích dẫn:
- Han Sung-joo; 1974; The Failure of Democracy in South Korea; University of California Press; trang 182.
- Uk Heo, Terence Roehrig; 2010; South Korea since 1980; Cambridge University Press; trang 78.
- Uk Heo, Terence Roehrig; 2010; South Korea since 1980; Cambridge University Press; trang 41.