Thursday, September 19, 2024
HomeDU LỊCHBLOGGóp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Mạnh...

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Mạnh thường quân

Nguyễn Thông

Phiên dọn vườn, góp ý lần này, nhà cháu nêu trường hợp từ dùng sai “Mạnh thường quân”, không chỉ đối với nhà báo mà còn các nhà (quản lý, lãnh đạo, mặt trận tổ quốc). 

Rất nhiều ông bà lớn (kể cả chủ tịch nước, thủ tướng), lãnh đạo mặt trận tổ quốc, khi cảm ơn những đơn vị, cá nhân có đóng góp tiền bạc, vật chất giúp người nghèo đã gọi họ là mạnh thường quân, nói kiểu quen mồm chứ hoàn toàn không hiểu mạnh thường quân là gì. Dân gian gọi đó là “dốt hay nói chữ”.

Trước hết nói về từ “mạnh thường quân”. Đây là tước hiệu riêng của Điền Văn, một viên quan lớn nước Tề thời Chiến quốc, làm tới chức tể tướng. Điền Văn dòng dõi quý tộc, tôn thất, tài giỏi, rất giàu có, biết chiêu hiền đãi sĩ, trọng người tài, cửa nhà luôn rộng mở đón khách, thực chất để chiêu nạp người tài giỏi. Nhà ông ta lúc thịnh thường có hàng nghìn khách ăn, gọi là thực khách (khách ăn) hoặc môn khách (khách trong nhà), bất kể giàu nghèo, sang hèn. 

Mạnh thường quân Điền Văn có lòng tốt không? Dĩ nhiên có. Tuy nhiên ông ta ủ mục đích riêng trong chuyện chi tiền, nuôi ăn để phục vụ mình, chứ không phải nhà hảo tâm đơn thuần. Bỏ tiền của ra nuôi kẻ sĩ để họ chịu ơn, họ phục vụ mình, để củng cố quyền lực, tạo danh tiếng, rồi sử dụng họ khi cần. Cũng na ná như Mạnh thường quân, “học tập và làm theo” ông ta còn có Bình nguyên quân, Tín lăng quân, Xuân thân quân…

Đành rằng thời xưa, người như Mạnh thường quân rất hiếm, nhưng lấy tên ông ta để chỉ những người tốt, người có tấm lòng từ thiện, nhà hảo tâm biết chăm sóc giúp đỡ người nghèo, người khốn khó, cảnh đời khó khăn; giúp với tấm lòng rộng mở, trong sáng, vô tư, không vụ lợi… thì hoàn toàn không hợp, không chính xác.

Đó là chưa kể Mạnh thường quân còn phân biệt đối xử, chia khách ăn ra làm nhiều loại, có loại được ăn no có thịt, có loại chỉ cơm thường với rau, không thịt. So ông này với bác Trần Đăng Tuấn “cơm có thịt” bất cứ cháu nào cũng được ăn thịt thì bác Tuấn mới thực nhà hảo tâm đúng nghĩa.

Trường hợp dùng “mạnh thường quân” như báo chí, cán bộ dùng hoàn toàn không giống cách dùng chuẩn “sở khanh” để chỉ kẻ lừa đảo trong tình yêu, “lý thông” kẻ cướp công, vong ơn bội nghĩa, “chí phèo” cùng đường liều mạng, “trương phi” chỉ sự nóng tính, v.v..

Vậy không dùng từ “mạnh thường quân” thì dùng từ nào? Tiếng Việt thiếu gì từ rõ nghĩa để chỉ những đơn vị, cá nhân như vậy: người tốt, nhà từ thiện, nhà hảo tâm (hảo tâm nghĩa là lòng tốt). Chả người tốt nào cảm thấy bị xúc phạm hoặc coi thường khi được gọi là nhà hảo tâm, nhà từ thiện. Chỉ các anh chị phóng viên báo chí và các nhà lãnh đạo thích làm hỏng lòng tốt của người tốt thôi.

Thông cào

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular