Friday, December 13, 2024
HomeBLOGGiáo dục phải mang triết lý Khai Phóng, gợi mở Tư Duy...

Giáo dục phải mang triết lý Khai Phóng, gợi mở Tư Duy !

Canh Le
Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Chuyển động và vận tốc là những đại lượng vật lý có tính tuyệt đối và tương đối.

Khi ta ngồi trên một chiếc xe, nhìn thấy xe rời khỏi vị trí cũ, ta biết là xe đang chuyển động ; nhìn thấy phong cảnh hai bên đường, nhà cửa cây cối chạy lùi về phía sau hoặc tiến lên phía trước, ta biết là xe đang chuyển động tiến lên phía trước hoặc lùi về phía sau ; nhìn thấy các xe đang chạy cùng chiều lùi về phía sau, ta biết là xe mình đang chuyển động nhanh hơn ; nhìn thấy các xe đang chạy cùng chiều vượt lên phía trước, ta biết là xe mình đang chuyển động chậm hơn, và ta có cảm giác như xe mình đang chạy lùi … vv …

Công dân trong một đất nước cũng vậy, nhìn thấy đất nước rời khỏi trạng thái cũ, ta biết là đất nước đang chuyển động thay đổi ; nhìn thấy các công trình đường xá cầu cống nhà cửa được xây dựng khang trang, ta biết là đất nước đang chuyển động phát triển ; nhìn thấy các công trình tiền tỷ bị hư hỏng, sụp đổ, bỏ hoang, ta biết là đất nước đang bị phá hoại khiến thụt lùi ; nhìn thấy các đất nước xung quanh lùi về phía sau, ta biết là đất nước mình đang chuyển động phát triển nhanh hơn ; nhìn thấy các đất nước xung quanh vượt lên phía trước, ta biết là đất nước mình đang chuyển động phát triển chậm hơn, và ta có cảm giác như đất nước mình đang thụt lùi, lạc hậu hay “không chịu phát triển” … vv …

Xin được nói là tôi cũng nhận thấy, đất nước hiện nay, ở một số phương diện, có phát triển hơn thời chiến tranh 1945-1954, 1954-1975. Chẳng lẽ sau hơn 4 thập niên không bị chiến tranh tàn phá, không bị “du kích quân” rình mò đánh lén, không bị “biệt động thành” ném lựu đạn đánh bom gài mìn khủng bố, không bị “chủ lực quân” tập kích chiến lược Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Mùa Xuân 1975 … vv …, mà chẳng nhúc nhích phát triển được gì !?

Tôi cũng nhận thấy, đất nước hiện nay, ở một số phương diện, có phát triển hơn thời bao cấp. Chẳng lẽ sau 3 thập niên “đổi mới”, không bị “đánh tư sản” để “hợp tác hóa”, “quốc hữu hóa” theo kiểu cướp trắng tài sản và tiền bạc rồi tống đi “kinh tế mới”, không bị “kinh tế tập trung quan liêu bao cấp” theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, “mua như cướp bán như cho” … vv …, chẳng lẽ với tiền thuế được đóng góp bởi công sức của người dân trong nước, ngoại hối được gởi về do công sức của Việt kiều, viện trợ phát triển và cho vay ưu đãi của nước ngoài … vv …, mà chẳng nhúc nhích phát triển được gì !?

Chưa kể là chiến tranh và bao cấp còn do mình góp một phần hay toàn bộ gây ra, nhưng nếu cứ tự so sánh mình với mình như vậy thì có lẽ nên so sánh mình của thời hiện nay với mình của thời … Hùng Vương cho dễ thấy sự … “phát triển” !

Với một đất nước có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu thuận hòa, đất đai phì nhiêu, “rừng vàng biển bạc”, “non xanh nước biếc” … mà “không chịu phát triển” thì chỉ có thể là do chế độ độc tài tham nhũng phá hoại.

Nếu chẳng nhúc nhích phát triển được gì để gọi là “thành quả cách mạng”, “thành tựu vĩ đại”, “thành công rực rỡ” … thì chế độ độc tài tham nhũng lấy gì để mị dân !?!

Những ai, từ dân tới quan, từ bình dân tới trí thức, đang phát biểu “ơn bác ơn đảng ơn nhà nước”, “nhờ đảng và nhà nước quan tâm nên mới được như thế này”, “chỉ những người thiển cận và lòng đầy lòng thù hằn mới không thấy đất nước đang tốt lên dần dần”, “thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc”, “nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không” … vv …, có lẽ nên học lại bài học chuyển động và vận tốc, và ngẫm thêm về tính tuyệt đối và tương đối của những đại lượng vật lý này. Đó đơn giản chỉ là kiến thức phổ thông ở bậc trung học mà mỗi người bình thường cần phải có để biết tư duy bình thường như một con người, khác với con thú.

“Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Tính tò mò – hiếu kỳ, ham hiểu biết – có lý do riêng của mình để tồn tại. Người ta không thể không kinh ngạc khi chiêm ngắm những bí ẩn mầu nhiệm của cõi đời, của sự sống, của cấu trúc tuyệt diệu của thực tại – sự thật, chân lý. Cuộc sống sẽ trọn vẹn hơn nếu con người cố gắng đơn thuần chỉ để hiểu một chút về những bí ẩn mầu nhiệm này mỗi ngày. Đừng bao giờ đánh mất tính tò mò – hiếu kỳ, ham hiểu biết – thánh thiện”.

Albert Einstein – 1879-1955 – khoa học gia vật lý lý thuyết người Đức, đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý học hiện đại – nói rằng : “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi !”

Con người từ khi được sinh ra, mở mắt chào đời thì đã bắt đầu tìm hiểu thế giới quanh mình, đứa trẻ nào luôn tò mò, ngạc nhiên và biết đặt câu hỏi về các sự vật hiện tượng quanh mình thì thường thông minh.

Người Việt Nam, khi nghe những câu như “Ơn bác ơn đảng, nếu không có bác và đảng thì đất nước sẽ không được như vầy”, có nên đặt câu hỏi “Nếu không có bác và đảng thì đất nước sẽ xấu hơn hay tốt hơn như vầy !?” ; hay “Đất nước đang tốt lên dần dần”, có nên đặt câu hỏi “Nếu không có độc tài và tham nhũng thì đất nước có tốt lên nhanh hơn không, sẽ tốt hơn gấp bao nhiêu lần nữa !?”. Đọc báo, nghe đài, cứ thấy tham nhũng, thất thoát, lãng phí hết ngàn tỷ này đến ngàn tỷ khác, có nên đặt câu hỏi “Nếu hàng ngàn tỷ đồng đó – từ tiền thuế được đóng bởi công sức của người dân trong nước, ngoại hối được gởi về do công sức của Việt kiều, viện trợ phát triển và cho vay ưu đãi của nước ngoài … – được dùng để xây dựng và bảo vệ đất nước, thì đất nước sẽ giàu và mạnh như thế nào !?” … vv …

Từ những câu hỏi đó, mỗi người sẽ tự tìm hiểu để trả lời theo cách riêng của mình, đừng để bị định hướng bởi tuyên giáo, loa phường, dư luận viên …, thậm chí là các nhà dân chủ …

“ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ KHÔNG NGỪNG ĐẶT CÂU HỎI !”

Đặt câu hỏi là do tò mò, ngạc nhiên, nghi ngờ …

Tò mò, ngạc nhiên, nghi ngờ … là dấu hiệu của khả năng biết “tư duy”.

Khả năng biết “tư duy” khiến loài người khác các loài khác.

Nói theo Pascal : “Con người là một cây sậy biết tư duy”.

Nói theo Descartes : “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”.

Nếu không biết đặt câu hỏi, người Việt Nam sẽ chỉ là những đứa trẻ thiểu năng trí tuệ không bao giờ lớn khôn, sẽ chỉ trở thành những kẻ đần độn không biết tư duy !

Thông minh hay đần độn, người Việt Nam tự quyết định lấy, không ai làm thay được !!!

– Thích Ca ( 624-544 trước CN), một đạo sư giác ngộ ở Ấn Độ :

* “Đừng tin tưởng vào một điều gì chỉ vì đó là truyền thống lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Đừng tin tưởng vào một điều gì chỉ vì tập quán, thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng.

Đừng tin tưởng vào một điều gì chỉ vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại.

Đừng tin tưởng vào một điều gì chỉ vì đó là bút tích của thánh nhân.

Đừng tin tưởng vào một điều gì chỉ vì điều đó được nói bởi sư phụ hay huynh trưởng, những người có uy quyền và uy tín.

Hãy tin tưởng điều gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có như vậy mới đạt đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn”.

* “Này các tỳ-kheo ! Cũng như người khôn ngoan chỉ chấp nhận vàng sau khi đã thử nghiệm bằng cách nung nóng, cắt gọt, nén dập nó, những lời của ta cũng vậy, chỉ được chấp nhận sau khi đã kiểm tra chúng, chứ không phải do sự tôn kính ( đối với ta ) …”

– Aristoteles ( 384-322 trước CN ), triết gia người Hy Lạp :

“Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

– Mạnh Tử ( 372-289 trước CN ), triết gia người Trung Hoa :

“Tận tín thư bất như vô thư”.

– Leonard De Vinci ( 1452-1519 ), họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, triết gia …, được coi là một thiên tài toàn năng người Ý :

“Ai không tôn kính thầy, đó là người không có trái tim. Nhưng nếu tôn kính mà cứ lẽo đẽo theo lời thầy, đó lại là người thiếu hẳn cái đầu – một cái đầu biết tự làm việc có sáng tạo”.

– Oscar Wilde ( 1854-1900 ), văn sĩ người Ireland :

“Ấy, đừng nói rằng bạn đồng ý với tôi. Khi mọi người đồng ý với tôi, tôi luôn có cảm giác rằng chắc tôi phải sai rồi”.

– Picasso ( 1881-1973 ), họa sĩ và điêu khắc gia người Tây Ban Nha :

“Mọi hành động sáng tạo trước tiên là một hành động hủy diệt”.

Sống lâu dưới các chế độ độc tài – chuyên chế – toàn trị – đảng trị, dưới một nền giáo dục ngu dân – định hướng – rập khuôn, con người bị mất tư duy Nghi Ngờ – Phản Biện – Phản Tỉnh, thường lấy lời nói – hành động – “vừa đi đường vừa kể chuyện” – “cuộc đời đạo đức” của các lãnh tụ – chủ tịch – đại tướng – bí thư làm “kim chỉ nam” – “hòn đá tảng” – “sợi chỉ đỏ” để “học tập làm theo” …

Tôi vẫn nghĩ rằng, thành công của một tác phẩm, dù ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, không phải là ấn định tư duy theo một hướng nào đó, mà là gợi mở tư duy đa chiều !

Giáo dục phải mang triết lý Khai Phóng, gợi mở Tư Duy !

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular