Monday, September 16, 2024
HomeDU LỊCHBLOGGánh nặng văn chương và...

Gánh nặng văn chương và…

Thái Hạo

Dân tình lại đang bàn tán và phê bình gay gắt về một câu nói của cô nhà văn Hiền Trang (trong hình). Vì thấy câu nói không có ngữ cảnh/văn cảnh, không biết nó được trích từ bài viết hay cuốn sách nào, và điều mà nó thật sự muốn truyền tải là gì, tôi vừa phải cất công đi tìm. Nhưng do không quen biết cô nên không liên hệ được trực tiếp với tác giả, phải loay hoay mãi…

Câu này trích ở trang 134 – cuốn sách “Tuổi Trẻ Lạc Lối Và Những Cuốn Sách Của Tôi” của Hiền Trang. Cuốn sách này tập hợp 21 bài giới thiệu dành cho 21 cuốn sách nổi tiếng như “Hoàng tử bé”, “Cuộc đời của Pi”, “Nhà giả kim”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Hóa thân”, “Vụ án”…, là những sách “kinh điển” trong tủ sách văn học Việt Nam và thế giới, được cô nhà văn Hiền Trang “giới thiệu lại” từ góc nhìn và cảm nhận của một “độc giả rất tầm thường” như chính lời cô tự nhận. Vì sao cô chọn giới thiệu những cuốn sách ấy?

Cô viết: “Vì nó đã đi qua tuổi trẻ của tôi nên tôi đã gọi nó là cuốn sách của tuổi trẻ. Tôi là một độc giả rất tầm thường. Tất cả những cuốn sách tôi đã đọc, những bộ phim tôi đã xem, những bài hát tôi đã nghe, những bức tranh tôi đã ngắm, tôi chỉ xem chúng ứng vào đâu trong cuộc đời mình. Tôi không biết khóc cho thời cuộc, càng không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người thuộc một thời đại xa lắc xa lơ nào đó, tôi chỉ vật lộn trong máng đời chật hẹp của riêng tôi. Văn chương của Kafka và tất cả những gì thuộc về chủ nghĩa biểu hiện, lập thể, trừu tượng, siêu hình, Dada,… vì thế cho phép tôi giữ lấy những suy nghĩ nông cạn và hời hợt của bản thân”.

Vậy cái ý thực sự trong câu “Tôi không biết khóc cho thời cuộc, càng không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người thuộc một thời đại xa lắc xa lơ nào đó, tôi chỉ vật lộn trong máng đời chật hẹp của riêng tôi” là gì? Đặt câu nói vào ngữ cảnh của nó, ta thấy cô đang “trần tình” về một thời “tuổi trẻ lạc lối” của mình. Cái thời ấy, tất cả những gì cô đọc, nghe, ngắm, xem đều “hời hợt và nông cạn”, chứ “không biết khóc cho thời cuộc, càng không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người thuộc một thời đại xa lắc xa lơ nào đó”, bởi cô đang “vật lộn trong máng đời” chật hẹp của riêng mình. Và trong lúc “vật lộn” ấy cô thấy, “Một con người gặp gỡ một cuốn sách cũng là do duyên phận”.

Dưới mái hiên đêm những khách lạ là một trong những tác phẩm của Hiền Trang. Ảnh: NVCC.

Tôi nghĩ, ít nhất, với những lời “tự tố cáo” mình, Hiền Trang là một người thành thật và dũng cảm. Cô dám thú nhận về một thời “tuổi trẻ lạc lối” của bản thân bằng cách lột trần ra sự ích kỷ, nhỏ hẹp của mình, chỉ chúi mũi vào những trang sách buồn bã mà không bận tâm gì tới thời cuộc và tha nhân. Và cô dám gọi cái cuộc sống của thời tuổi trẻ ấy là “máng đời”. Còn chúng ta thì hình như chỉ dám chửi người khác là “úp mặt vào máng” chứ hiếm ai tự chửi mình như thế. Vì người không trung thực và không có đủ dũng khí, không thể làm nổi đâu.

Hơn nữa, một cách thầm kín và nhỏ nhiệm nhưng mạnh mẽ, khi một người đã lội sâu vào những “Hoàng tử bé”, “Hóa thân”, “Vụ án”…, và tự thú một cách quyết liệt đến thế, tôi tin rằng người đó không thể “không biết khóc cho thời cuộc”, hay “không biết cảm nhận nỗi đau của số phận con người” – mà đó chỉ là một cách phản ứng với cuộc đời, bằng một lối nói ngược mang màu bi phẫn.

Tự coi thường bản thân, hạ cuộc sống của mình xuống mức thấp nhất, đó là một lời tự thú nghiệt ngã. Không nhiều người đã làm việc ấy. Ngay cả bây giờ, hoặc hiểu lầm ý cô nhà văn, hoặc nhân cơ hội túm được một câu văn không đầu không cuối mà mắng cô ấy, đa số cũng chỉ đang chứng tỏ rằng mình tốt đẹp và đang sống rất cao cả. Một chữ TÔI.

Có lẽ, phải đợi đến một ngày, khi mỗi người tự thấy cái cuộc đời mà mình đang sống là thật tầm thường và thảm hại, may ra khi ấy người ta mới gắng chống gối mà đứng lên chăng? Nhưng sự thể này, e ngày đó còn xa lắm.

Nhà văn Hiền Trang. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Du khi viết xong Truyện Kiều đã hạ một câu “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Đó là cái phát ngôn của Nguyễn về văn chương của chính mình, nhưng rõ ràng nó không đồng nghĩa với giá trị tác phẩm Truyện Kiều. Thái độ và hành ngôn ấy của Nguyễn Du là một cách tự trào đầy cay đắng. Đúng vậy, cay đắng khi thấy văn chương bất lực trước cuộc đời và thấy mình quá nhỏ bé trước cơn lốc của lịch sử. Có bao nhiêu nhà văn Việt nam bây giờ còn cảm nhận được vị đắng cay ấy trong cổ họng, hay họ còn đang bận tự hào về những trang viết của bản thân?

Đừng hiểu lầm, tôi không bao giờ có ý so sánh cô nhà văn Hiền Trang với bất kỳ ai cả, tôi chỉ nhân chuyện này mà bàn đôi lời về văn giới, về trí thức và cả mạng xã hội nữa. Kafka trước khi chết đã dặn người thân rằng hãy đốt hết các tác phẩm của ông đi. Rồi những Charles Dickens, Nikolai Gogol, Byron… cũng thế. Họ tự rẻ rúng những gì mình đã viết ra, hay chỉ đơn giản “viết văn là một sự giải thoát” và khi đã đạt được mục đích ấy thì họ muốn “hóa kiếp” cho chúng? Lý do được đưa ra thì nhiều, nhưng chung quy, có lẽ ít nhất họ đã không tự thần thánh hóa thứ văn chương mà chính mình đã viết ra, cái mà nay dân mạng gọi là “tự sướng”?

Hình như một trong những phẩm chất mà nhiều nhà văn Việt Nam đang thiếu thốn, đó là sự tự “tầm thường hóa” văn chương của chính mình. Ngược lại, họ bắt chúng phải mang vác lỉnh kỉnh những lý tưởng to tát như sứ mệnh cải tạo xã hội, như cứu chuộc loài người, v.v.. Và họ tưởng thế thật! Vẫn là “văn mình vợ người”.

Văn chương có nhiều lối, có Hiện thực, Phi lý, Trừu tượng, Lãng mạn…, chứ không phải chỉ “Nay ở trong thơ nên có thép” hay “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ là bom đạn phá cường quyền”! 

Dù sao chăng nữa, tư liệu và nhân vật chủ đạo của của văn học vẫn thường là chính tác giả. Một người tự đào sâu vào trong mình bằng thái độ trung thực không khoan nhượng, người đó càng có cơ hội đến gần với xã hội và con người hơn. 

Mới đây thôi, năm 2022 trong lễ trao giải Nobel Văn chương, đại diện Ủy ban Giải thưởng đã phát biểu về nhà văn Pháp Annie Ernaux, rằng: “Và khi bà ấy, với lòng dũng cảm và sự nhạy bén, bộc lộ sự đau đớn của trải nghiệm về tầng lớp, mô tả sự xấu hổ, sỉ nhục, ghen tị hoặc không thể thấy mình là ai, bà đã đạt được điều gì đó đáng ngưỡng mộ và lâu bền”. Văn chương của Ernaux dựa trên chính cuộc đời bà, như một thứ nhật ký phơi trắng ra tất cả những ham muốn, tội lỗi, đau đớn của một cá nhân. Và vì thế mà bà gần hơn với nhân loại này?

Tôi bỗng nhớ một hình ảnh: trong khi những người lính Ukraine mặt đầy khói súng đang đối diện với sinh tử gang tấc trên đường phố; thì một người đàn ông Ukraine khác đã vừa ngồi xuống chiếc piano xộc xệch bên căn nhà đổ, và chơi một bản tình ca buồn ngay bên những xác chết. Không thấy một người lính nào đã chĩa súng vào người đàn ông đang trôi trong những phím đàn kia, bởi lý do rằng hắn ta đang thờ ơ với cuộc đời…

Thái Hạo

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02UxwDZ9ycpTytYR9cZCcLe5WGuFiYTTxvsf8wBeCDFeYquvArMjSM19kWszsfwS1jl&id=100059910855657

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular