Zing News
Bên cạnh việc bị hàng loạt nhãn hàng lớn tẩy chay, Facebook còn gặp rắc rối lớn tại châu Âu, thậm chí có thể đối mặt với nguy cơ tan vỡ.
Mark Zuckerberg không thể sống yên ổn trong những ngày này. Đến nay, hàng trăm thương hiệu lớn như Starbucks, Unilever, Coca-Cola và Verizon tuyên bố ngừng quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram trong tháng 7.
Chiến dịch tẩy chay do 6 tổ chức dân quyền phát động nhằm buộc Facebook phải mạnh tay kiểm soát các nội dung thù địch và kích động bạo lực trên nền tảng này. Chiến dịch này ngày càng thu hút sự chú ý và môi ngày lại có thêm nhiều thương hiệu lớn tham gia.
Trước đây, Facebook từng dính hàng loạt bê bối và hứng chịu vô số cơn bão chỉ trích, nhưng đều khéo léo luồn lách để vượt qua với những điều chỉnh sơ sài, chỉ mang tính hình thức.
Ví dụ, mạng xã hội này từng bị lên án dữ dội vì bê bối lộ thông tin người dùng Cambridge Analytica vào năm 2018, nhưng không chịu ảnh hưởng dài hạn và nghiêm trọng nào.
Không chỉ là chuyện tiền bạc
Do đó, nhiều người cho rằng có thể CEO Mark Zuckerberg sẽ tiếp tục chiến thuật “chờ bão đi qua”. Trên phương diện tài chính, điều đó có thể xảy ra.
Theo Pathmatics, nhóm 50 nhãn hàng quảng cáo lớn nhất trên Facebook chỉ chiếm khoảng 4% tổng doanh thu của công ty này vào năm 2019. Số còn lại đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm này phụ thuộc vào quảng cáo trên Facebook và Instagram để tiếp cận khách hàng.
Tuy nhiên, Bloomberg nhận định một quyết định chỉ đơn thuần xuất phát từ vấn đề tiền bạc sẽ là cực kỳ thiển cận trong trường hợp này và không tốt cho hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
Hơn nữa, làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ không phải là một hiện tượng ngắn ngủi mà phản ánh sự thay đổi về nhận thức và niềm tin trong xã hội, môi trường kinh doanh và chính trường Mỹ. Nó đòi hỏi xã hội Mỹ thực hiện những thay đổi thật sự.
Theo nhà phân tích Tae Kim của Bloomberg, đã đến lúc Facebook phải đưa ra những thay đổi thực sự và có ý nghĩa, nếu không sẽ bị trừng phạt, uy tín sẽ tiếp tục bị hủy hoại, kết quả kinh doanh sẽ lao dốc.
Facebook đang đối mặt với sự giám sát ngày càng nghiêm ngặt tại Mỹ. Các chính trị gia thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đề xuất để sửa đổi Điều 230 của Luật Chuẩn mực Truyền thông. Luật này giúp các công ty Internet né trách nhiệm pháp lý với những nội dung do người dùng tạo ra.
Hiện phía đảng Cộng hòa và Bộ Tư pháp Mỹ đang tập trung vào vấn đề các mạng xã hội kiểm duyệt nội dung chính trị cánh hữu. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn các nền tảng như Facebook phải gỡ nhanh các thông tin sai lệch trong những quảng cáo chính trị.
Quốc hội Mỹ sẽ chưa xem xét vấn đề này trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Tuy nhiên, nếu một đảng kiểm soát cả Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng trong năm tới, chắc chắn Washington sẽ thắt chặt kiểm soát Facebook.
Mối đe dọa lớn tại châu Âu
Trên thực tế, Facebook đang đối mặt với nhiều rủi ro tại châu Âu hơn cả ở Mỹ. Theo Bloomberg, chính quyền các nước châu Âu xác định luật chống độc quyền – chứ không phải các quy định quản lý – là biện pháp hiệu quả hơn nhằm xử lý những hành vi sai trái của các tập đoàn công nghệ Mỹ.
Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra 2 năm trước không làm thay đổi nhiều hoạt động kinh doanh của Google và Facebook hay làm suy yếu sức mạnh thị trường của các công ty này.
Ngược lại, luật chống độc quyền có thể đe dọa sự tồn tại của Facebook. Bởi trong những trường hợp gắt gao nhất, việc châu Âu áp dụng luật chống độc quyền có thể sẽ tới việc Facebook bị chia năm sẻ bảy. Bởi luật chống độc quyền nhắm tới các hoạt động kinh doanh cơ bản của Facebook.
Tuần trước, tòa án dân sự cấp cao nhất tại Đức buộc Facebook ngừng thu thập không phép dữ liệu từ các truy cập ngoài nền tảng này của người dùng. Quyết định này dựa trên luật chống độc quyền. Tòa án Đức cho rằng Facebook lợi dụng vị thế trên thị trường để buộc người dùng phải chấp nhận các điều khoản vô lý.
Phán quyết này giáng một đòn mạnh vào mô hình kinh doanh của Facebook, vốn được xây dựng dựa trên việc sử dụng dữ liệu về hoạt động trên Internet của người dùng để bắn quảng cáo hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thị trường và Cạnh tranh Anh đang nghiên cứu về các nền tảng trực tuyến và quảng cáo số. Anh không còn là thành viên EU, nhưng EU đang theo dõi chặt chẽ nghiên cứu này. Sau nhiều năm giám sát Google, giờ EU đang nhắm vào Facebook.
EU sẽ ban hành các quy định mới về nội dung và trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến vào cuối năm nay. Cao ủy Chống độc quyền EU Margrethe Vestager muốn có quyền chia tách các công ty vi phạm luật chống độc quyền.
Và Ủy ban châu Âu (EC) có nhiều quyền lực hơn các nhà quản lý Mỹ. EC có thể đưa ra các quyết định đơn phương. Nếu phản đối, doanh nghiệp có thể kiện ra tòa. Ở Mỹ, cơ quan quản lý cần được sự chấp thuận của tòa án trước khi đưa ra các quyết định.
Theo Bloomberg, Zuckerberg cần hiểu rằng làn sóng chỉ trích và tẩy chay phản ánh những thay đổi to lớn về xã hội, chính trị và pháp lý tại Mỹ và châu Âu. Do đó, Facebook cần phải nhanh chóng xóa bỏ những rác rưởi độc hại tồn tại trong mọi ngóc ngách ở mạng xã hội này. Nếu không, châu Âu hoặc chính phủ Mỹ sẽ ra tay “xử” Facebook.