Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam nói tại một hội nghị hôm 22/12 rằng Facebook và Google đã xóa hàng trăm tài khoản, hàng nghìn video có nội dung “xấu độc”. Một nhà hoạt động cho rằng việc dùng tiền thuế của dân để “bịt miệng” chính họ là bất công và vi phạm tự do ngôn luận.
Theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Google đã chặn, gỡ khoảng 4.500 video “xấu độc” theo yêu cầu từ Bộ Thông Tin Việt Nam. Các video trên trang Youtube nằm trong tổng số khoảng 5.000 video mà Bộ muốn ngăn chặn, gỡ bỏ.
Tương tự, Bộ trưởng Tuấn được báo chí dẫn lời cho biết Facebook cũng gỡ bỏ 159 tài khoản “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước”. Bên cạnh đó, 107 tài khoản giả mạo, 394 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp cũng đã bị Facebook xóa.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đánh giá rằng Google và Facebook “bước đầu đã hợp tác tích cực” với Việt Nam.
VOA đã liên lạc với cả Google và Facebook để đề nghị họ xác nhận, bình luận về thông tin do Bộ trưởng Tuấn đưa ra, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Theo các báo cáo về tính minh bạch do Google và Facebook công bố định kỳ, không riêng chính phủ Việt Nam mà chính phủ các nước kể cả Mỹ, Anh, Pháp, v.v… cũng yêu cầu họ gỡ bỏ thông tin sai sự thật, hoặc cung cấp thông tin về các tài khoản, phục vụ cho điều tra hình sự.
Tại sao tiền thuế của dân lại chỉ dùng để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ nhà nước mà thôi? … Thứ hai nữa là nhà nước đang chủ động bịt miệng người dân, khi mà liên quan đến những thông tin bất lợi cho họ. Đây chính xác là hành vi vi phạm đến những quyền tự do ngôn luận của người dân.
Tuy nhiên, một nhà hoạt động dân chủ Việt Nam hiện làm việc ở Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, nhận định chính quyền Việt Nam đã dựa vào những lý do “mơ hồ” để yêu cầu Google và Facebook ngăn chặn những thông tin “bất lợi” cho chính quyền.
Ông Long nói thêm rằng nhà chức trách Hà Nội dùng tiền thuế của dân để làm việc này là bất công:
“Nó là điều không công bằng cho tất cả mọi người. Tại sao tiền thuế của dân lại chỉ dùng để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ nhà nước mà thôi? Nó vô hình chung tạo ra một ấn tượng, một bằng chứng rõ ràng là người dân đang trả tiền để bảo vệ lãnh đạo. Thứ hai nữa là nhà nước đang chủ động bịt miệng người dân, khi mà liên quan đến những thông tin bất lợi cho họ. Đây chính xác là hành vi vi phạm đến những quyền tự do ngôn luận của người dân”.
Luật gia Trịnh Hữu Long lưu ý rằng các thảo luận giữa chính quyền Việt Nam với hai hãng khổng lồ cung cấp dịch vụ truyền thông trên mạng đã diễn ra “nằm ngoài mọi sự kiểm soát” của người dân và không có bất cứ sự đề cập nào đến trách nhiệm giải trình trong hoạt động này.
Các báo cáo về tính minh bạch của Facebook và Google không cung cấp thông tin chi tiết về các yêu cầu của chính phủ Việt Nam, theo ông Long. Ông nói người sử dụng không dễ đòi hai hãng này làm rõ thêm về các hoạt động chặn, xóa thông tin, tài khoản:
“Chúng ta có thể yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin. Thế nhưng đây là công ty của họ nên chúng ta cũng chẳng có quyền gì yêu cầu họ phải cung cấp thông tin cả. Chúng ta sử dụng dịch vụ của họ, chúng ta phải chấp nhận các điều khoản sử dụng của họ thôi. Dĩ nhiên là một số nhà hoạt động, các tổ chức quốc tế có thể gây sức ép để Google, Facebook trở nên minh bạch hơn, thì đó là việc chúng ta có thể làm trong tương lai”.
Tính tới tháng 7/2017, có 64 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, tương đương 3% trong tổng số tài khoản Facebook đang hoạt động toàn cầu, theo trang tin The Next Web.
Hồi giữa tháng 11 vừa qua, tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ ra phúc trình trong đó nói Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước không có tự do Internet.
Phúc trình của Freedom House nói nhà cầm quyền Việt Nam có thể ngăn chặn định kỳ hay hạn chế tiếp cận Internet vì lý do chính trị và an ninh.
Freedom House nói dù ít nguồn lực hơn so với Trung Quốc trong việc kiểm soát nội dung trên Internet nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thành lập được một hệ thống sàng lọc hữu hiệu, với các phương tiện truyền thông xã hội và những ứng dụng truyền thông thường xuyên bị ngăn chặn.
Trong hội nghị hôm 22/12 về triển khai nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2018, lãnh đạo bộ này, ông Trương Minh Tuấn, nói trong năm sắp tới, bộ sẽ làm việc với các đơn vị liên quan và doanh nghiệp viễn thông “nhằm xử lý thông tin xấu độc trên mạng”.
Ông cũng cho hay bộ cũng “nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội”.