============================
From: Tran Huynh Duy Thuc [mailto:thdthuc@globaleis.com] On Behalf Of Tran Huynh Duy Thuc
Sent: Thursday, April 13, 2006 8:41 AM
To: ‘Le Tuyet Xuan’; ‘Tran Huynh Duy Tan’; ‘Minh Pham’; ‘Luu Phuong Lan’; ‘Tang Thanh Phong’; ‘Cu Thi Phuong’; ‘Pham Tat Dong’; ‘Nguyen Xuan Quang’; ‘Tran Huynh Duy Thuc’; ‘Le Thi Thu Thu’; ‘Dang Viet Cuong’; ‘Phan Ngoc Khanh’; ‘Do Thanh Tu’; ‘Tran Thi Thu’; ‘Cuong Nguyen’; ‘Nguyen Minh Vu’; ‘Tran Thi Binh Minh’; ‘Lam Quang Vinh’; ‘Phan Ngoc Bao’; ‘Le Tran Du Thu’; ‘Nguyen Thi Tu Anh’; ‘Le Truong Linh’
Cc: ‘Nguyen Thi Ngoc Nga’; ‘Le Ngoc An’; ‘Tran Van Huynh’; ‘Le Thang Long’
Subject: Banh mi va Sach
Các bạn đồng nghiệp,
Chúng ta đang phải đối phó với một kế hoạch thôn tính công ty bởi các tập đoàn tài chính nước ngoài với sự tiếp tay của một số cổ đông lớn. Họ muốn bán công ty để thu được một số tiền không nhỏ, nhưng trong giai đoạn khó khăn trưóc mắt thì món lợi này lại là một động lực rất lớn của một số cổ đông. Nhưng nếu điều này xảy ra chúng ta sẽ không có một EIS của người Việt Nam để khẳng định trí tuệ Việt trên toàn cầu, nó sẽ bị sáp nhập rồi hòa tan vào những tập đoàn, những thương hiệu ngoại.
Cách đây gần 10 năm, công ty Duy Việt của chúng ta cũng đứng trước một “cơ hội” như vậy. Khi đó thị trường mạng truyền thông ở Việt Nam bắt đầu phát triển, chúng ta cũng đứng trước 2 sự lựa chọn: (i) bán công ty cho Datacraft, anh và anh Long sẽ có được 5 triệu USD; (ii) cổ phần hóa công ty và chia sẽ nó cho tất cả nhân viên, cho những người tâm huyết để cùng sở hữu công ty, cùng chung vai gánh sức để phát triển nó thành một công ty toàn cầu. Cuối cùng chúng ta đã chọn con đường thứ hai nhiều chông gai hơn nhưng cũng mang nhiều ý nghĩa xã hội hơn. Đến giờ anh vẫn tự hào về quyết định ấy, dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng anh tin rằng công ty sẽ thành công với sứ mệnh đã đặt ra. Nếu lúc ấy anh và anh Long quyết định bán Duy Việt thì giờ đây sẽ không có One-Connection, và cả EIS cũng không còn; sẽ không có những doanh nghiệp Việt Nam dám tự khẳng định để làm gương và tạo tinh thần cho những lớp trẻ kế tục. Anh và anh Long chắc đã là những người giàu có và đang hưởng những đồng lương rất cao của các hãng nước ngoài, những công việc này đều tốt nhưng không đủ làm cho Việt Nam vươn lên sánh vai với các nước trong tương lai.
Sáng qua báo Thanh Niên trên mục diễn đàn “Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ”, tác giả bài báo đề cập đến một triết lý “bánh mì và sách” rất đáng suy gẫm cho trường hợp chúng ta vào lúc này. Các bạn vào đây http://www.thanhnien.com.vn/Xahoi/2006/4/12/145084.tno hoặc mở file đính kèm để đọc bài viết này. Nếu theo trường phái “bánh mì’ thì có lẽ anh là người được hưởng lợi nhiều nhất, nhanh nhất và còn giải tỏa được những khó khăn áp lực trước mắt, không phải hàng đêm suy tính để chúng ta không bị thôn tính mà còn phát triển để thực hiện thàn công sứ mạng chúng ta đã lựa chon. Ngược lại, nếu chọn trường phái “sách” thì anh cũng là người vất vả nhất, chịu nhiều áp lực nhất. Nhưng anh sẽ kiên định với con đường chúng ta đã chọn. Anh tin rằng mọi người cũng như vậy, cũng sẽ đi cùng nhau trên một con đường. Chúng ta không duy ý chí hay ảo tưởng, chúng ta là những người dám nghĩ, dám làm và trên hết là dám hy sinh những lợi nhỏ, cục bộ trước mắt. Hãy nhìn lại một bài học lịch sử của Việt Nam và thế giới.
Vào giữa thế kỷ 19 lúc nước ta được cai trị bởi Vua Thiệu Trị thì nước Nhật là Minh Trị. Nước ta chủ trương bế quan tỏa cảng thì nước Nhật mở cửa thông thương với nước ngoài. 50 năm sau đó lúc nước ta đã là một nước nô lệ còn nước Nhật đã trở thành một cường quốc Đông Á. Có rất nhiều bài học từ nước Nhật, nhưng vào lúc này chúng ta cần học quan trọng nhất một điều: khi quyết định mở cửa Vua Minh Trị và bộ máy cầm quyền của ông ta lúc ấy đã dũng cảm tuyên chiến với quyền lợi của chính đẳng cấp cầm quyền của họ. Ai cũng biết rằng vào thời điểm ấy, ở nước ta lẫn nước Nhật quyền ngoại thương là những đặc quyền buôn bán với bên ngoài dành riêng cho giới quý tộc phong kiến, lãnh chúa. Mở cửa thông thương với nước ngoài đồng nghĩa với việc cộng đồng được hưởng đặc quyền này sẽ bị đe dọa đến quyền lợi một cách nghiêm trọng vì phải cạnh tranh sòng phẳng, một việc mà họ chẳng bao giờ biết làm và chẳng bao giờ muốn làm. Nhưng các nhà Lãnh đạo nước Nhật lúc ấy đã vượt qua được chính mình để bảo vệ quyền lợi chung của dân tộc Nhật. Còn nước ta thì không phải không có những nhân tài như Nguyễn Trường Tộ nhìn ra vấn đề, nhưng bộ máy phong kiến đầy đặc quyền lúc ấy đã quá mạnh để thành công trong việc bế quan tỏa cảng với những chiêu bài “bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống sự ngoại lai và truyền giáo”. Kết quả của sự bảo vệ ấy thì chúng ta đã rõ.
Gẫm cổ suy kim. Để thực hiên thành công sứ mạng của công ty, chúng ta cần những nhà lãnh đạo, quản lý quả cảm, dám chấp nhận khó khăn, đối đầu với thách thức và dám hy sinh những quyền lợi trước mắt để cùng tạo ra một lợi ích chung cho mọi người mà trong đó có chúng ta một cách công bằng. Chúng ta, những người tiên phong chắc chắn sẽ được hưởng thành quả do chính mình tạo ra một cách xứng đáng như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng viết:
Lại dặn đấng tú nam chí cả
Chớ vội vàng tất tả chạy rong
Học cho biết lý kiết hung
Biết phương hướng bội chớ dùng làm chi
Hễ trời sinh xuống phải thì
Bất kỳ tri ngộ màng gì tưởng trông
Qui luật của vạn vật là công bằng, chắc chắn rằng Trời Đất không phụ chúng ta. Hãy vững tin, giữ vững ý chí cùng anh vượt qua giai đoạn này. Anh sẽ lèo lái con thuyền EIS cùng các bạn vượt qua giông bão để đến bến bờ thành công. Nếu có chuyện gì bất trắc anh sẽ là người cuối cùng rời khỏi con thuyền sau khi đã đảm bảo an toàn cho mọi người ít nhất bằng chiếc phao cứu sinh. Nhưng anh tin và khẳng định rằng chúng ta sẽ thành công, phải thành công để không chỉ bù đắp cho những gì chúng ta đã phải vất vả, phải hy sinh mà còn:
Ngỏ hay gặp hội mây rồng
Công danh sáng chói chép trong vân đài
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Chúng ta sẽ hợp tác với nước ngoài để sử dụng lợi thế của họ, chúng ta sẽ không trở thành công ty con của họ rồi dần hòa tan rồi biến mất.
Trần Huỳnh Duy Thức
Thuyền trưởng của các bạn.
13/04/2006
<Nuoc Viet Nam ta nho hay khong nho – Bon di chung cua cai ngheo.doc>
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=936349539760692&id=506695476059436