Friday, November 22, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIDự án của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn...

Dự án của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn – Kỳ cuối: Làm gì để “hạ nhiệt” lò lửa Long Hưng?

PLVN

Nhóm PV

13-4-2018

Mời đọc lại:

Kỳ 1: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã

Kỳ 2: Túp lều dập dềnh bên dự án tỷ đô

Kỳ 3: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết

Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng
Kỳ 5: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế
Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ phần tiên tổ bị xâm hại
Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt
Kỳ 8: ‘Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây’
Kỳ 9: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án
Kỳ 10: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”
Kỳ cuối: Làm gì để “hạ nhiệt” lò lửa Long Hưng?

(PLO) – Loạt bài 10 kỳ phản ánh hệ lụy dự án “xóa trắng” xã Long Hưng, TP Biên Hòa, TP Đồng Nai lập “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop) làm chủ đầu tư, trong các số báo vừa qua đã nhận được sự phản hồi nhiệt tình từ dư luận. Chưa bàn sâu về những sai phạm pháp luật nghiêm trọng của chính quyền Đồng Nai và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án này, trước tiên PLVN ghi nhận ý kiến chuyên gia về việc phải làm sao để những “lò lửa Long Hưng” không còn tiếp diễn.

PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, Trưởng phòng Nông thôn, Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, dù đã muộn nhưng trong vụ việc này, chính quyền phải lắng nghe dân, từ đó tìm ra điểm chung và có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Chủ đề “nóng” trong quá trình đô thị hóa

Theo dõi loạt bài, dưới góc nhìn xã hội học, xin ông cho biết vì sao Long Hưng trở thành “điểm nóng” đất đai? 

– Tôi thấy đây là chủ đề “nóng” trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đô thị hóa. Mặt tích cực của đô thị hóa là phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện nhà ở, hệ thống dịch vụ xã hội… Tuy nhiên, không tránh khỏi những tiêu cực khi nông dân mất đất, phải thay đổi sinh kế…

Quá trình đô thị hóa “nóng” quá bộc lộ nhiều bất cập, dẫn tới hệ lụy như khiếu kiện về đất đai. Theo tôi, ngay từ khâu thiết kế ý tưởng khu đô thị cần xem xét lại. Quy hoạch kém sẽ làm mất đi vùng nông nghiệp, dẫn tới tình trạng nông dân rơi vào con đường bần cùng, nghèo đói, ô nhiễm, chưa nói những xáo trộn, mâu thuẫn, tệ nạn xã hội ở đó gia tăng.

Bất cập nữa là hiện tượng dự án quy hoạch treo, ít quan tâm tới chuyển đổi sinh kế phù hợp cho nông dân mất đất, ít quan tâm đào tạo nghề. Nếu không khéo, các khu đô thị ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa xã hội ở địa phương, gây ra tình trạng “nửa quê nửa tỉnh”, gây ra mâu thuẫn cộng đồng, mâu thuẫn giữa người dân với nhau, giữa người dân với doanh nghiệp. Hay nói cách khác quá trình đô thị hóa không bài bản sẽ gây ra các “lệch chuẩn xã hội”.

Theo tôi, vấn đề ý tưởng phát triển quy hoạch một số khu đô thị ở nước ta có vấn đề, cách làm quy hoạch không đồng bộ, thiếu kiểm soát.

Mới đây, tại Hội nghị đối thoại với nông dân tại Hải Dương, Thủ tướng nhận xét khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến sử dụng, thu hồi đất. Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt hơn công tác này, nhất là tăng cường đối thoại, để giữ gìn bình yên nông thôn. Xin PGS cho biết vai trò của công tác điều tra xã hội học khi triển khai các dự án ở vùng nông thôn ra sao? Thực trạng công tác này ở Việt Nam thế nào?

– Theo tôi, trong các dự án khu đô thị, công tác điều tra xã hội học rất quan trọng cần thiết.

Kết quả điều tra sẽ phản ánh mong đợi của các nhóm xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với dự án. Qua đó sẽ có đánh giá sơ bộ thực trạng địa phương cũng như tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội. Đây là cơ sở để nhà quản lý, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan có thể chuẩn bị làm tốt công tác quy hoạch khu đô thị.

Ở Việt Nam những năm vừa qua, có dự án thực hiện hoạt động này, có đánh giá nghiên cứu trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, cách làm có thể còn hời hợt, chưa thực sự hiệu quả. Cần nâng cao hơn nữa kỹ thuật cũng như phương thức điều tra, đánh giá.

Tôi cho rằng các cơ quan hữu quan, chính quyền cần coi trọng công tác này. Nó là hoạt động quan trọng để yên lòng dân, phát triển bền vững các dự án khu đô thị.

Hóa chất lạ và khói bụi mù mịt trong một cuộc cưỡng chế. Ảnh: PLVN

“Không thể dùng các giải pháp trấn áp”

Trở lại với dự án “xóa trắng” xã Long Hưng, bị cho là chưa làm tốt công tác điều tra xã hội học, dẫn đến các “lệch chuẩn xã hội”, giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?

– Đây là vấn đề khó nhưng trước thực trạng như vậy, bắt buộc phải có đánh giá xã hội, có thể phải làm lại từ đầu để xem thực trạng đang gặp những vấn đề gì, có những khó khăn nào, những thách thức nào đang đặt ra. Từ đó tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp can thiệp.

Nhưng thưa ông, ở “điểm nóng” đất đai này người dân phản ánh có rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Chính quyền và chủ đầu tư đã đưa lực lượng cưỡng chế sai luật, đã phá nhà thu ruộng, hàng loạt nông dân phản ánh đã bị đi tù oan…? 

– Tôi nghĩ rằng vấn đề cốt lõi là Đồng Nai phải lắng nghe những phản ánh, bức xúc của người dân. Cần có khảo sát, tìm hiểu xem vì sao người dân lại có ý kiến, phản ảnh xã hội như vậy. Cần nghe ý kiến người dân, nghe cả ý kiến các cấp chính quyền Đồng Nai, nghe doanh nghiệp trình bày xem họ đã có những phương án, kịch bản như thế nào khi triển khai dự án đó. Từ đó tìm ra điểm chung và có giải pháp tháo gỡ. Đúng ra công tác này phải làm từ trước khi triển khai dự án. Đây chỉ là giải pháp khắc phục.

PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: PLVN

Thực tế cho thấy 10 năm nay, tại dự án “xóa trắng” xã Long Hưng lấy đất phân lô bán nền, dân uất ức phản ứng là bị cưỡng chế, bị bắt đi tù. Ông có nhận xét gì? 

– Khi xảy ra các vấn đề xã hội, cần nhìn nhận, tìm hiểu để có giải pháp phù hợp. Không thể dùng các giải pháp mang tính chất trấn áp mà phải bắt nguồn từ nhận thức của người dân, các nhóm xã hội, cộng đồng, đối chiếu với quy định pháp luật. Sau quá trình nhận thức, bàn bạc, nhận ra những điều đúng sai, các bên sẽ tự chấp hành. Gốc rễ ở đây là tuân thủ pháp luật. Tôi nhắc lại giải pháp mang tính trấn áp vừa sai, vừa không phải là giải pháp hữu hiệu, triệt để.

Nói cụ thể hơn, khi người dân khiếu nại, tố cáo vì mất quyền lợi khi bị thu hồi đất thực hiện dự án, chính quyền cần xem xét đến tính minh bạch về mức giá đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó cũng cần xem lại vấn đề tương lai, chuyển đổi sinh kế cho người dân đã hiệu quả, phù hợp, bền vững chưa? Đó là chưa nói tới việc nếu hiểu sâu xa, sinh kế người dân không chỉ là trước mắt, mà còn tính cả tương lai lâu dài tới con cháu họ.

Trong một số nghiên cứu của chúng tôi, cho thấy một số doanh nghiệp có quan tâm đến công tác điều tra xã hội học trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, họ triển khai không tới nơi tới chốn. Họ chỉ giải tỏa đền bù xong là xong, chứ chưa chú trọng đến cuộc sống người bị lấy đất.

Để tránh những “điểm nóng” như Long Hưng có thể lặp lại, theo ông cần có các giải pháp gì?

– Trước tiên phải quy hoạch hợp lý, đúng luật. Thứ hai, phải làm tốt công tác khảo sát, thăm dò ý kiến, để hợp lòng dân. Thứ ba, chủ đầu tư cần chú trọng nâng cao trách nhiệm xã hội hơn. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm vì sự phát triển chung, vì sự ổn định của cộng đồng, làm đúng những cam kết đã nói với cộng đồng. Với các dự án thu hồi đất nông nghiệp hoặc ảnh hưởng đến nhiều người thì cần làm thật tốt việc phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt công tác chuyển đổi nghề nghiệp.

Vấn đề nữa là vai trò chính quyền các cấp. Chính quyền cần làm tốt vai trò quản lý, giám sát quá trình thực hiện dự án cho đúng luật, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Như PLVN đã phản ánh trong loạt bài, từ 10 năm nay, “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư, bị người dân tố cáo đã vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng, đẩy cả xã vào cảnh điêu tàn. Một số nội dung người dân tố cáo như sau:

– Dự án sai quy hoạch, sai thẩm quyền, “xóa trắng” một xã khiến hàng ngàn hộ mất sinh kế. 

– Dự án thương mại lấy đất phân lô bán nền nhưng áp giá đền bù rẻ mạt. Khi nông dân phản đối không chịu giao đất thì lập các đoàn cưỡng chế thô bạo phá nhà, lấy đất. Đến mồ mả người chết cũng bị dùng thủ đoạn xâm hại.

– Trong quá trình thực hiện dự án, chính quyền Đồng Nai và Donacoop đã có dấu hiệu lợi ích nhóm, nhiều sai phạm pháp luật nghiêm trọng từ quy trình, thủ tục, đến nội dung, chỉ nhằm mục đích “xóa trắng” xã Long Hưng, giao đất cho Donacoop phân lô bán nền.

– Công tác tái định cư của dự án có nhiều bất công, vô lý, trái luật. Dân được “đền” nền đất nhưng không có quyền xây nhà mà phải nộp tiền cho chính Donacoop kinh doanh xây nhà… 

– Dự án đã không tính sinh kế mới cho dân, mà còn triệt đường sinh kế của nông dân bằng những thủ đoạn như cho san lấp kênh mương biến đồng ruộng trù phú thành “đất chết”, tự ý lấp ruộng dân đang canh tác, hủy hoại tài sản cho người cưa hàng loạt cây ăn trái… Mười năm nay sau khi “xóa sổ” xã Long Hưng, vùng đất trù phú bị san lấp, nay vẫn là bãi đất hoang hóa, trong khi người dân mất nguồn sống, nơi ăn chốn ở, cuộc sống đảo lộn. 

– Chủ đầu tư kích động dân bằng việc cho người xâm hại mồ mả. Còn có chuyện xuất hiện những nhóm người lạ có những hành động “ném đá giấu tay” đổ tội cho nông dân khiến 46 nông dân Long Hưng phải chịu án tù. Cơ quan tố tụng Đồng Nai trong vụ án này có dấu hiệu gây ra hàng loạt vụ án oan sai.

Sự việc suốt 10 năm diễn biến phức tạp, không chỉ nguy cơ, mà thực sự đã trở thành “lò lửa” đất đai với những sự việc người dân đi khiếu kiện tập thể khắp nơi, một số người cho rằng bị dồn vào đường cùng nên đã “cố thủ phản công” các đoàn cưỡng chế, hàng chục người đã bị kết án… Nếu “lò lửa” này không được “hạ nhiệt” gỡ rối, không thể lường trước còn những phức tạp nào có thể xảy ra. 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular