Thursday, December 12, 2024
HomeBLOGĐSQ Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra...

ĐSQ Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều tra

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tỏ dấu hiệu quan tâm tới vụ Đồng Tâm ngay sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội công bố kết luận điều tra, được cho là “có nhiều vấn đề bàn cãi”, về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến bố ráp gây chết người hồi đầu năm nay.

Cơ quan điều tra Công an Hà Nội công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự hôm 12/6, trong đó đề nghị truy tố vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra hôm 9/1 tại thôn Hoành, Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội. Bản kết luận điều tra dài 47 trang cáo buộc người dân Đồng Tâm “có sự chuẩn bị từ trước” qua việc “tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí” cũng như lên kế hoạch “phân công nhiệm vụ từng đối tượng” và “chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt” nhằm “tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ.”

Ba ngày sau đó, một đại diện của sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gọi điện trao đổi với nhà hoạt động Trịnh Bá Phương để tìm hiểu một số vấn đề về bản kết luận điều tra cũng như tình trạng của người dân Đồng Tâm, trong đó có việc tiếp cận luật sư và tâm lý của họ.

“Viên chức Đại sứ quán có nói họ đã đọc hết bản kết luận điều tra đó,” anh Phương, một người tranh đấu quyền đất đai của làng Dương Nội, cho biết. “Họ cũng nói đã đọc bài viết của tôi đăng trên Facebook cá nhân phân tích các điểm phi lý trong bản kết luận điều tra, trong đó trọng tâm là về sự phi lý trong cự ly bắn cụ Kình và việc can xăng chỉ còn có 5-6 lít mà lại có thể thiêu cháy than hoá được 3 viên cảnh sát cơ động. Đó là điều phi lý.”

Trong vụ bố ráp rạng sáng ngày 9/1 tại Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, một đảng viên và là thủ lĩnh tinh thần của người dân làng trong cuộc đấu tranh “bảo vệ đất” bị lực lượng an ninh của chính quyền bắn thiệt mạng. Công an Hà Nội kết luận rằng người đàn ông 84 tuổi “đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lược lượng làm nhiệm vụ” và do đó hành vi của ông Kình cấu thành tội “giết người.”.

Vẫn theo bản kết luận điều tra đưa ra hôm 12/6, người dân Đồng Tâm đã “nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ công an hy sinh.”

Trao đổi với VOA sau khi nhận được bản kết luận điều tra của cơ quan công an, các luật sư nhận tham gia bào chữa trong vụ án ở Đồng Tâm nói rằng họ hơi bất ngờ vì “kết luận điều tra được đưa ra quá nhanh”. Theo LS Ngô Anh Tuấn, thông thường phải mất khoảng một năm để đưa ra bản kết luận đối với một vụ án có tới 29 người bị truy tố như ở Đồng Tâm.

Anh Phương cho biết anh cũng trao đổi với tuỳ viên sứ quán Mỹ, mà anh không muốn đưa ra danh tính, về việc tiếp cận luật sư đối với những người Đồng Tâm bị truy tố.

“Khi họ hỏi về vấn đề luật sư, tôi cũng cho biết rằng hầu hết các luật sư đều được cấp phép bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm bị bắt,” anh Phương nói. “Tuy nhiên sự tiếp cận của các luật sư đối với những bị can, tức người dân Đồng Tâm (bị bắt), gần như là không có. Chỉ có vài luật sư được gặp đúng một lần thôi còn hầu hết là luật sư chưa được gặp thân chủ của mình.”

LS Đặng Đình Mạnh, một người tham gia bào chữa vụ án này, cho VOA biết hôm 12/6 rằng ông và các luật sư khác đã được tiếp xúc với các bị cáo nhưng không được tiếp xúc trực tiếp và trong điều kiện “rất hạn chế”.

Trong cuộc nói chuyện với đại diện sứ quán Mỹ hôm 15/6, anh Phương cho rằng kết luận của cơ qua điều tra là không khách quan “vì cơ quan công an TP Hà Nội là cơ quan trực tiếp nổ súng bắn chết cụ Kình tại phòng ngủ mà họ lại nắm quyền điều tra truy tố như vậy cho thấy rằng chính họ đã vi phạm luật pháp Việt Nam, luật tố tụng hình sự. Anh cũng nêu quan ngại về việc bức cung nhục hình, một tình trạng mà theo anh rất phổ biến ở Việt Nam.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm 16/1 đã chỉ trích Việt Nam vì tăng cường trấn áp với các vụ bắt người và kiểm duyệt mạng xã hội nhằm dập tắt những tranh luận về vụ tranh chấp đất đẫm máu tại làng Đồng Tâm cũng như yêu cầu chính quyền Hà Nội “phải làm rõ những gì đã xảy ra hôm 9/1, đặc biệt là về cáo buộc đánh đập một phụ nữ lớn tuổi. Bất kỳ ai bị nghi là dùng đến bạo lực, dù là công an hay dân Đồng Tâm, đều phải được đưa ra trước công lý.”

Biến cố hôm 9/1 ở Đồng Tâm được cho là bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân xã này cho rằng hàng chục hecta đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng. Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch nhưng vấp phải sự phản đối của người dân Đồng Tâm, dẫn đến vụ bố ráp hôm 9/1.

Hồi tháng 2 năm nay, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink nói trong một buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở San Jose, California, rằng Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát biến cố Đồng Tâm mà có nhiều quan tâm đến vụ việc. Tuy nhiên, ông nói thật khó biết được sự thật về những gì xảy ra tại đó và lấy làm tiếc là có những người chết trong sự kiện và mong hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách ôn hoà và trong tinh thần pháp trị.

Anh Phương, người từng gặp đại diện sứ quán Mỹ ở Hà Nội hồi tháng 2 cũng để trao đổi về vụ Đồng Tâm, cho biết đã “chuyển lời của người dân Đồng Tâm với viên chức sứ quán Mỹ rằng rất mong muốn quốc tế quan tâm đến vụ việc này, bởi ở đất nước chúng tôi người dân rất khó có được sự công bằng với nền tư pháp như hiện nay.”

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular