Thursday, December 26, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIĐồng Tâm: Mạng xã hội giúp dân hay giúp chính quyền nhiều...

Đồng Tâm: Mạng xã hội giúp dân hay giúp chính quyền nhiều hơn?

  • Tina Hà Giang
  • BBC News Tiếng Việt. 11 tháng 9 2020, 14:02 +07

Mạng xã hội được cho là trao quyền cho người dân yếu thế ở những nơi không có tự do ngôn luận và báo chí bị nhà nước quản lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nó cũng giúp nhiều cho chính quyền trong việc đối phó với người chống đối.

Trong bài Revisiting the Role of Social Media in the Dong Tam Land Dispute, đăng trên Yusof Ishak Institute, nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai từ đại học University Arizona, Hoa Kỳ, cho rằng kết cục của tranh chấp Đồng Tâm cho thấy mạng xã hội tuy đã thay đổi đáng kể cục diện chính trị ở Việt Nam, nhưng vì nó bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ, nên chính quyền có thể sử dụng công nghệ này cho mục đích của họ.

Một đoạn của bài nghiên cứu trên viết:

”Tháng 4/2017, khi dân Đồng Tâm lần đầu phản đối quyết định thu hồi đất để dùng cho một dự án thương mại của chính quyền, họ đã nhận được những nhượng bộ đáng kể từ Hà Nội. Chỉ một tuần sau cuộc đụng độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội [ông Nguyễn Đức Chung] đã cam kết với người dân Đồng Tâm ba điều hứa quan trọng: 1) không nộp đơn tố cáo hình sự với dân làng; 2) điều tra vấn đề quản l‎ý đất đai ở Đồng Tâm; và 3) điều tra việc cảnh sát đàn áp thủ lĩnh Lê Đình Kình.”

‘Nhiều cư dân mạng và nhà quan sát Việt Nam đã lạc quan rằng thỏa thuận chưa từng có này báo hiệu vai trò tích cực mà mạng xã hội có thể đóng góp cho việc trao quyền và thúc đẩy quyền lợi của người dân. Người khác tin rằng chính phủ buộc phải theo đuổi các giải pháp ôn hòa vì áp lực mạnh mẽ từ thế giới mạng. Ẩn trong lập luận này là truyền thông xã hội trao quyền cho người Việt Nam trong khi làm suy yếu sự kiểm soát xã hội của chính quyền trung ương.”

Nữ nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai vạch ra:

”Tuy nhiên, trong hai năm qua, sự lạc quan đó đã dần phai nhạt khi chính quyền nuốt lời hứa và chọn thái độ đàn áp người dân. Việc chính quyền quyết tâm buộc dân làng Đồng Tâm ra khỏi vùng đất tranh chấp đầu tháng 1/2020 khiến nhiều người nhận ra rằng áp lực trên mạng xã hội không đủ để hướng chính phủ khỏi các chiến lược đàn áp.”

”Mạng xã hội, ngược với cảm nhận của trực giác, đã tăng cường khả năng của chính quyền Việt Nam trong việc theo dõi khiếu kiện của địa phương và giải quyết các tranh chấp đất đai với một chiến lược linh hoạt. Đầu tiên, nhờ mạng xã hội, giới lãnh đạo quốc gia đã được thông báo tốt hơn về những tranh chấp đất đai ở địa phương, thay vì phải dựa vào các báo cáo không đầy đủ từ quan chức địa phương. Thứ hai, không thể phủ nhận mạng xã hội đã giúp người dân Đồng Tâm vượt qua thách thức của sự phối hợp chiều ngang bằng cách tung tin về sự lạm quyền của chính quyền địa phương trong năm 2017, và áp lực mạnh mẽ nhưng tự phát đó khiến chính quyền trung ương phải có ngay các biện pháp ôn hòa để nhanh chóng xoa dịu căng thẳng. Cuối cùng, quyết tâm của chính quyền trung ương trong việc giải quyết tranh chấp ngày 9/1/2020 cho thấy quyền lực của họ trong việc huy động tất cả các phương tiện trong tay, gồm các nền tảng trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội và các phương tiện cưỡng chế, để theo đuổi mục tiêu của mình.”

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 10/9, nghiên cứu sinh Trương Thanh Mai nói rằng vai trò của mạng xã hội ở một nước như Việt Nam khá phức tạp, và đa chiều. Một mặt mạng xã hội giúp người dân Đồng Tâm thu hút sự quan tâm, chú ý mạnh mẽ của công chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự chú ý này không mang đến hậu quả ngoài mong muốn, như đã thấy trong kết cục của cuộc tranh chấp.

Trương Thanh Mai: So với những nông dân ở Thái Bình năm 1997, khi người dân Đồng Tâm biểu tình lần đầu năm 2017, Facebook đã giúp họ nhanh chóng chia sẻ videos, hình ảnh, và đưa ra những lời tường thuật về sự việc khác hẳn với thông tin một chiều trên các báo chính thống do chính phủ kiểm duyệt. Nhờ có mạng xã hội mà những người bên ngoài không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự việc Đồng Tâm như những nhà báo tự do và những nhà hoạt động có thể đến tận hiện trường viết bài, và nhanh chóng đưa tin. Điều này thu hút sự quan tâm, chú ý và cảm thông của dư luận cả trong và ngoài nước. Áp lực này khiến chính phủ nhanh chóng vào cuộc giải quyết sự việc.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng, áp lực “ảo” có thể khiến chính phủ phản ứng một cách có lợi cho họ trong ngắn hạn nhưng lại có thể bất lợi cho người dân trong dài hạn.

Khi cuộc biểu tình Đồng Tâm xảy ra năm 2017, trong khi người dân Đồng Tâm thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, và phàn nàn về chính quyền địa phương tham nhũng (tại hiện trường người dân có ghi rõ họ hoàn toàn tin tưởng vào đường lối của Đảng, và gần đây trên tạp chí Luật Khoa có đăng bài viết phỏng vấn gia đình lãnh đaọ dân Đồng Tâm Lê Đình Kình, bài phỏng vấn cho thấy đến cuối đời cụ Kình vẫn tin vào Đảng vào chính phủ ở cấp trung ương), trên mạng xuất hiện những lời giải thích khác cho sự việc Đồng Tâm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lực và chính tính danh của chế độ.

Có nhiều bài viết cho rằng sự việc Đồng Tâm xảy ra là do sự sai lầm của chính sách đất đai, sự thiếu dân chủ, và thiếu tự do báo chí. Vì đây đúng là những lý do sâu xa dẫn đến sự việc Đồng Tâm, nên chính phủ sẽ mong muốn nhanh chóng làm dịu những tranh luận không có lợi cho họ. Điều này có thể khiến chính phủ tạm thời hứa hẹn sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân. Sau khi những tranh luận và sự chú ý xung quanh vụ Đồng Tâm lắng xuống, chính phủ có thể phá bỏ lời hứa một cách dễ dàng như họ đã làm.

Một thực tế chúng ta phải nhìn nhận là, dù chính phủ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình ở trong nước, nhưng những phong trào này đều phần lớn mong muốn thay đổi việc thực thi chính sách, và nhằm vào cấp chính quyền địa phương tham nhũng. Nhiều người biểu tình thể hiện sự tự tin vào Đảng, và mong muốn lãnh đạo cấp cao can thiệp để giải quyết vấn đề ở địa phương.

Người dân Đồng Tâm trong một cuộc họp thường kỳ về đất đai. Ông Lê Đình Công (ngoài cùng, phải sai) đứng cạnh Trịnh Bá Phương (áo đỏ), và cụ Lê Đình Kình (thứ ba, phải sang) là những người lên tiếng mạnh mẽ về vụ tranh chấp đất Đồng Tâm

BBC: Theo bà nếu không có mạng xã hội thì những khía cạnh khác mà báo chí nhà nước không nói đến của tranh chấp Đồng Tâm đưa đến việc cụ Kình và ba cảnh sát thiệt mạng liệu có được thế giới biết đến không?

Trương Thanh Mai: Chắc chắn mạng xã hội đã giúp tranh chấp Đồng Tâm được thế giới biết đến và quan tâm. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu dư luận trong nước thuận lợi, thì chính phủ có thể sẵn sàng xử phạt mạnh tay.

Ngoài ra, vụ Đồng Tâm còn cho thấy, chính phủ có thể kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội. Ví dụ, khi cần thiết họ có thể cắt toàn bộ Internet và mạng xã hội. Và chúng ta cũng không nên quên mất vai trò của hệ thống tuyên truyền chính thống.

Theo một khảo sát của Broadcasting Board of Governers (US Agency for Global Media), gần 96% người dân Việt Nam lấy thông tin từ các kênh truyền hình, chỉ 38% xem tin từ Internet, và 19% từ báo in. Thậm chí ở độ tuổi 15-25, khoảng 94% xem tin từ TV, 73% từ Internet và 20% từ báo in.

Để đối phó với các cuộc biểu tình, chính phủ thường xuyên sử dụng hệ thống báo chí chính thống để tuyên truyền chống người đối lập. Trong vụ Đồng Tâm, tất cả báo chí trong nước đều mô tả người dân Đồng Tâm như những người quá khích, thiếu hiểu biết, và bị kích động bởi các nhóm quá khích. Công chúng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hệ thống báo chí ở Việt Nam, báo chí nhà nước vẫn được coi là nguồn tin đáng tin cậy.

Một nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp chỉ ra rằng, khi biểu tình xảy ra, tuyên truyền chống người biểu tình có thể làm giảm sự ủng hộ của công chúng. Có người giảm sự ủng hộ, vì họ thật sự tin vào những gì nhà nước nói về cuộc biểu tình. Có người giảm ủng hộ vì họ cho rằng thông qua tuyên truyền, chính phủ gián tiếp đe doạ họ không được ủng hộ biểu tình nếu không sẽ bị xử phạt nặng.

BBC: Như vậy bà đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ củamạng xã hội cho những người dân Việt Nam không có báo chí trong tay?

Trương Thanh Mai: Ý của tôi là một mặt, mạng xã hội có thể giúp người dân thấp cổ bé họng trong việc kết nối với những người quan tâm đến vấn đề của họ, và thu hút sự chú ý. Nhưng mặt khác, mạng xã hội cũng rất có ích cho chính quyền. Mạng xã hội có thể giúp chính quyền biết đến những bất cập trong xã hội nhanh hơn, và phản ứng kịp thời hơn. Áp lực trên mạng có thể khiến chính phủ lựa chọn những phản ứng có lợi cho họ trong trước mắt. Ngoài ra, vụ Đồng Tâm cho thấy, chính quyền kiểm soát Internet và mạng xã hội khá chặt chẽ. Điều tôi muốn nói là nếu mạng xã hội giúp người dân thì nó cũng có thể giúp được nhiều cho chính phủ.

Reuters
 
Người dân Đồng Tâm đã mất dần niềm tin vào chính quyền?

BBC: Tạm gác vai trò của mạng xã hội qua một bên, bà có những nhận xét gì về diễn tiến của vụ xử Đồng Tâm cho đến giờ?

Trương Thanh Mai: Diễn tiến của vụ xử Đồng Tâm đến giờ đều được chính phủ kiểm soát chặt chẽ, và rất bất lợi cho các bị cáo.

Trước hết, hệ thống tuyên giáo của chính phủ đồng loạt mô tả các bị cáo như những người quá khích, thiếu hiểu biết, bị kích động, tham lam, coi thường pháp luật. Mặt khác hệ thống báo chí tiếp tục nhấn mạnh sự hy sinh và nỗi đau của các gia đình 3 công an chết trong sự việc tháng 1/2020.

Hệ thống tuyên giáo của chính phủ có thể có tác động lớn đến dư luận trong nước, theo chiều hướng có lợi cho chính phủ. Ngoài ra, vì không có điều tra độc lập nên tất cả chứng cứ, câu chuyện về những gì xảy ra vào đầu năm 2020 đều đến từ phía chính phủ. Tất cả chứng cứ đều bất lợi cho các bị cáo.

Vụ án cũng có những vi phạm về thủ tục tố tụng. Ví dụ như một số luật sư bào chữa bị ngăn không cho tiếp xúc bị cáo tại phiên toà, nhiều bên liên quan đến vụ việc không được triệu tập. Đến ngày 9/9, VKSNND Hà Nội đã đề nghị tử hình hai bị cáo là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng động thái này cho thấy sự quyết tâm của chính phủ trong việc xử phạt mạnh người dân Đồng Tâm bị buộc tội liên quan đến vụ tranh chấp đất đai.

Getty Images
 
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội về đối thoại với dân Đồng Tâm năm 2017

BBC:Theo bà thì chính quyền Việt Nam nên cân nhắc những gì trong việc kết án nặng nề các bị cáo trong phiên tòa này?

Trương Thanh Mai: Trước hết chúng ta cần bàn một chút về mục đích của phiên toà.

Tôi cho rằng, thông qua việc buộc tội 29 người dân Đồng Tâm tội Giết người và Chống người thi hành công vụ, chính phủ muốn cho công chúng thấy rõ quan điểm, cũng như sức mạnh và quyền lực của họ trong việc giải quyết các vụ xung đột đất đai nói riêng, và các vụ biểu tình nói chung.

Suốt hai năm qua kể từ khi người dân Đồng Tâm lần đầu biểu tình chống quyết định thu hồi đất của chính quyền địa phương vào tháng 4/2017 đến nay, mọi động thái của chính phủ dường như đều nhằm mục đích này. Ví dụ như việc khởi tố hình sự người dân Đồng Tâm vào tháng 6/2017 bất chấp lời cam kết của Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và việc đem công an và bộ đội vào Đồng Tâm để xây tường rào bảo vệ khu vực đất tranh chấp.

Tóm lại tất cả những động thái từ phía chính phủ trong suốt 2 năm qua có thể nhằm 1) thể hiện với công chúng thái độ không khoan dung đối với những người chống đối; 2) nhằm răn đe và gây sợ hãi trong những người đang có tranh chấp với chính phủ; và 3) hiện khả năng kiếm soát và giải quyết những vấn đề ở địa phương.

Ngoài ra, vì vụ án liên quan đến cái chết của 3 công an, nên chính phủ cũng cần phải đảm bảo không làm phật ý “cánh tay phải” của mình. Việc ngày 9/9, VKSND đề nghị mức án tử hình cho 2 bị cáo cho thấy khả năng bản án nặng hoàn toàn có thể xảy ra.

STR/Getty
 
Các binh sỹ và sỹ quan cảnh sát của chính quyền Hà Nội trong ngày được trao trả tự do ở Đồng Tâm, Hà Nội năm 2017

BBC: Bản án tử hình với một số bị cáo, theo sẽ tạo phản ứng gì cho dư luận trong và ngoài nước?

Trương Thanh Mai: Nói thế không có nghĩa là chính phủ Việt Nam không chịu áp lực gì trước dư luận quốc tế, tầng lớp trí thức, và giới đấu tranh trong và ngoài nước. Nhưng tôi cho rằng, nếu dư luận trong nước thuận lợi, chính phủ có thể vẫn dám mạnh tay xử phạt dân làng Đồng Tâm bất chấp áp lực từ bên ngoài. Có ba lý do khiến tôi cho rằng, dư luận có thể phần lớn đang đứng về phía chính phủ lần này.

Một là, sự đụng độ đầu tháng 1 dẫn đến cái chết của 3 công an. Trong suốt sáu tháng qua, hệ thống tuyên giáo không ngừng kể những câu chuyện thương tâm về gia đình của những công an đã chết khi làm nhiệm vụ. Điều này một mặt đã dấy lên làn sóng thương cảm trong cộng đồng, và mặt khác giúp chính phủ biện minh cho những hành động xử phạt mạnh tay.

Thứ hai, không giống như vụ biểu tình xảy ra vào tháng 4/2017, chính phủ đã cắt toàn bộ mạng Intenet ở quanh khu vực Đồng Tâm khi vụ đụng độ lần 2 xảy ra đầu năm nay, khiến người dân Đồng Tâm không thể chia sẻ nhiều hình ảnh, videos về những sự kiện đã xảy ra. Vì thế, suốt tám tháng qua, những nguồn tin về sự việc đều đến từ phía chính quyền. Những thông tin trái chiều ủng hộ người dân Đồng Tâm trên báo chí nước ngoài thì bị chính phủ chặn hoặc chỉ đến được bộ phận người dân có trình độ dân trí cao ở khu vực thành phố.

Thứ ba, phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra trong thời điểm có thể bất lợi cho dân làng Đồng Tâm. Sự thành công tương đối của chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 đã xây dựng được niềm tin và sự tín nhiệm của công chúng với chính phủ. Trong lúc này khi niềm tin đối với chính phủ tương đối lớn, công chúng có thể sẵn lòng ủng hộ những chính sách và kết luận của họ.

Trương Thanh Mai là một nghiên cứu sinh ngành Khoa học Chính trị tại đại học University of Arizona, Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular