LUẬT KHOA
Kể từ thời Hy Lạp cổ, khái niệm “tự do” chủ yếu mang nghĩa bảo vệ cá nhân trước bạo quyền. Theo thời gian, ý nghĩa của tự do cũng chuyển biến dần theo vị thế của các nhà cai trị – từ chỗ ông chủ mà trở thành những người phụng sự nhân dân.
Song điều ấy không có nghĩa là con người đã hoàn toàn được giải phóng. Khi dân chủ xuất hiện cũng là lúc sự chuyên chế của đa số lên ngôi. John Stuart Mill, triết gia nổi danh người Anh ở thế kỷ 19, cho rằng tính bạo quyền của ý chí đám đông cũng nguy hiểm không kém bất kỳ một nền chuyên chế nào từng có trong lịch sử.
Có thể ví 260 trang sách Bàn về tự do của Mill như một cuộc thám hiểm đưa độc giả vào hành trình chất vấn những tên bạo chúa ấy. Một kẻ mang tên chính quyền, và kẻ còn lại chính là công luận.
Chuyện tình lãng mạn giữa Mill và nàng Harriet Taylor ít nhiều tạo nên cảm hứng cho Bàn về tự do, thậm chí có người còn cho rằng Taylor đã góp một tay viết nên cuốn sách. Hai người yêu nhau khi Taylor đã có gia đình. Mãi 20 năm sau cho tới khi chồng của Taylor qua đời, họ mới có thể kết hôn song chỉ được vài năm thì Taylor mất vì bạo bệnh, những năm tháng ít ỏi bên nhau ấy cũng chính là khoảng thời gian Mill bắt tay vào việc thảo bản tiểu luận Bàn về tự do. Kể về giai đoạn ấy, Mill nói rằng “Chúng tôi đã phải cố gắng tận dụng những năm tháng cuối cùng ấy. Càng nghĩ về kế hoạch viết cuốn Bàn về tự do, thì dường như tôi càng thấy rằng người ta hẳn sẽ đọc nó và họ sẽ xúc động.”
Tiếc rằng Mill không kịp hoàn thành cuốn sách khi Taylor còn sống. Vài tuần sau khi Taylor qua đời, Mill đã gởi bản thảo tới cho nhà xuất bản. Một năm sau đó, năm 1859, cuốn sách vừa ra mắt đã tạo nên một làn sóng khắp Âu châu, cả được ca tụng vinh danh lẫn bị chỉ trích thậm tệ. Thậm chí, nhà xã hội học Matthew Arnold còn gọi tư tưởng của Mill là “mở đường cho sự man rợ”.
Sở dĩ vậy là bởi quan điểm của Mill về tự do quả thực hoàn toàn mới mẻ trong bối cảnh xã hội châu Âu vốn đang đặt nặng những giá trị đạo đức và những tín điều tôn giáo.
Mới từ chương đầu tiên của cuốn sách, Mill đã tuyên bố ngay rằng: “Cá nhân có toàn quyền về thể xác và tinh thần; hay nói cách khác, về chính bản thân mình.” Do vậy, cá nhân có quyền thực hành tự do miễn là không gây hại cho người khác, và trong chừng mực này, cá nhân hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của xã hội và nhà nước.
Rõ ràng, sự chuyên chế mà cá nhân phải chịu đựng không phải lúc nào cũng xuất phát từ chính quyền cai trị, mà còn đến từ tập quán xã hội – vốn có thể kìm kẹp con người và đi sâu vào tiểu tiết đời sống. Chính vì vậy, Bàn về tự do của Mill hướng tới việc chống lại sự bạo ngược của đám đông, cũng như chống lại cái xu hướng áp đặt các giá trị của xã hội lên những cá nhân đơn lẻ.
Mill đưa ra nhiều ví dụ về những “cảnh sát đạo đức” trong xã hội, những người tự cho họ cái quyền giới hạn sự tự do của kẻ khác trên cơ sở họ thấy rằng hành vi của người đó là chướng tai gai mắt. Chẳng hạn như những xã hội có đa số người Hồi giáo sẽ cấm người dân ăn thịt lợn; người Thanh giáo cấm những trò giải trí cộng đồng; còn người Sabbataria sẽ tìm cách áp đặt làm việc vào ngày Chủ nhật; hay những người kiêng rượu sẽ tìm cách cấm buôn bán và tiêu thụ các thức uống có cồn.
Bàn về tự do của Mill chống lại bất cứ hành động can thiệp xã hội nào đối với sự tự do của cá nhân dựa trên cơ sở gia trưởng – tức là xã hội hay luật pháp phải can thiệp để thúc đẩy điều mà xã hội coi là lợi ích tốt nhất cho cá nhân ấy. Đồng thời, nó cũng chống lại bất cứ sự can thiệp nào dựa trên cơ sở đạo đức – tức là trên cơ sở của ý tưởng cho rằng một số hành động là sai trái và do đó phải bị cấm hoặc trừng phạt, bất chấp chúng không hề gây hại tới ai.
Từ cách nhìn ấy, Mill khẳng định rằng “không một xã hội nào, mà trong đó các quyền tự do này (tự do ngôn luận và tư tưởng, tự do mưu cầu cuộc sống, và tự do hội họp) không được tôn trọng, lại được xem là có tự do”.
Thế nhưng, những quyền tự do ấy bắt nguồn từ đâu?
Không giống như Locke, Mill không có ý định giải thích quyền tự do cá nhân bằng nền tảng các quyền tự nhiên. Thay vào đó, quan điểm của Mill được đặt trên thuyết công lợi: “Tôi xem công lợi là tiêu chuẩn phân xử cuối cùng đối với mọi vấn đề đạo đức; nhưng nó phải là công lợi theo nghĩa rộng nhất, làm cơ sở cho lợi ích lâu dài của một con người như một sinh thể tiến bộ.”
Cái nhìn ấy ít nhiều chịu ảnh hưởng từ người thầy của Mill, triết gia Jeremy Bentham, người nhiệt thành cổ xúy cho chủ nghĩa công lợi – một kiểu viện dẫn tính hữu ích để biện minh cho những vấn đề đạo đức. Chính James Mill, cha của Mill, cũng theo đuổi tư tưởng này.
Rõ ràng, quan điểm công lợi của Mill rộng hơn và đậm tính cá nhân hơn so với thầy mình, vốn nổi tiếng với nguyên tắc “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất”.
Nó cởi mở ở chỗ Mill coi sự tự do là phương tiện sống còn cho cả sự phát triển của cá nhân lẫn sự tiến bộ về mặt xã hội và tư tưởng. Với Mill, không gian tự do sẽ khiến cho xã hội tiến lên phía trước bởi luôn phải đấu tranh và phản biện để tiệm cận đến chân lý. Những quy tắc dù có được xác lập, nhưng nếu không được phản bác, không có cơ hội để đào sâu và biện minh cho sự đúng đắn một cách liên tục thì theo thời gian chúng chỉ còn là những tín điều. Ấy chính là một trong những mối lợi lớn lao của tự do.
Song, bởi Mill theo thuyết công lợi, nên ông đã đặt ra những giới hạn cho sự tự do nhằm đảm bảo lợi ích cho xã hội. Theo ông, “sự tự do của con người bao hàm quyền tự do làm những gì mình thích mà không gặp phải trở ngại từ phía đồng loại, miễn sao điều ta làm không gây hại cho họ, dẫu rằng họ có nghĩ hành vi của ta là xuẩn ngốc, vô lý hay sai lầm”.
Dù Mill luôn nhiệt thành bảo vệ sự tự do cá nhân, song ông cho rằng nếu sự tự do của cá nhân gây ra ảnh hưởng có hại cho người khác thì nó phải bị giới hạn về mặt pháp lý. Và chỉ duy nhất nguyên cớ ấy mới cho phép nhà nước can dự vào quyền tự do của con người cá nhân.
Song đây cũng chính là điểm gây tranh cãi nhất trong Bàn về tự do. Hai chữ “gây hại” của Mill bị coi là quá đỗi mơ hồ, khó mà biết được thế nào là gây hại. Và khi nào hành động của một cá nhân được coi là chỉ liên quan đến bản thân, khi nào thì nó đủ ảnh hưởng đến người khác để xã hội có thể can thiệp mà điều chỉnh? Dường như Mill đã tự đặt mình vào thế tiến thoái lưỡng nan, vừa nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cá nhân, lại vừa muốn bảo toàn lợi ích của xã hội mà thành tố chính của nó lại là đám đông chuyên chế.
Những tranh cãi ấy vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay, và luật pháp các nước vẫn luôn phải điều chỉnh trong mối xung đột trường cửu về sự tự do của con người đặt trong mối quan hệ không thể tách rời với cộng đồng mà cá nhân sinh sống. Thiết nghĩ, Mill có lẽ đã đúng khi không đặt ra một giới hạn rõ ràng: Đó là vấn đề mà mỗi xã hội cần phải tự nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho chính họ.
*Những trích đoạn của John Stuart Mill trong bài viết này được trích từ bản dịch “Luận về tự do” của dịch giả Cao Hùng Lynh.
Hiện sách đã có bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Trọng, do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành năm 2005, xem tại đây.